MIẾU BÀ PHI YẾN – AN SƠN MIẾU – Ăn chơi Vũng Tàu

Côn Đảo đã không còn quá xa lạ với những đam mê du lịch trong và ngoài nước. Côn Đảo còn được mệnh danh là nơi giao hòa của đất trời với cảnh sắc thiên nhiên hoàn mỹ, những bãi biển xanh sạch đẹp, những mùa hoa đầy màu sắc, nhưng Côn Đảo còn nổi tiếng bởi những địa điểm du lịch tâm linh thành kính. Ngoài những địa danh như nghĩa trang Hàng Dương, Nhà Tù Côn Đảo, Hang Đức Mẹ thì phải kể để Miếu Bà Phi Yến – An Sơn Miếu là một nơi cực kỳ linh thiêng mà người dân Côn Đảo hết mực tôn thờ, tín ngưỡng. Cùng Ăn Chơi Vũng Tàu tìm hiểu về Miếu Bà Phi Yến để biết thêm lịch sử và những nét đặc biệt ra sao nhé!!!

Lịch sử về bà Phi Yến

Bà Phi Yến tên thật là Lê Thị Răm, theo truyền thuyết kể rằng Bà Phi Yến là thứ phi của vua Nguyễn Ánh. Vào năm 1783, sau khi thất thế trước quân Tây Sơn , Nguyễn Ánh đã mang theo vợ con và gia quyến lánh nạn ở đảo Côn Sơn. Tại đây, Nguyễn Ánh cùng những người dân chài đã lập nên 3 làng: An Hải, An Hội và Cỏ Ống. Nguyễn Ánh có ý định đưa con của mình là Hoàng tử Cải đi theo Bá Đa Lộc sang Pháp làm con tin để cầu viện quân Pháp giúp Nguyễn Ánh lật đổ quân Tây Sơn. Thay vào đó, nhà Nguyễn sẽ nhường cho Pháp chủ quyền cửa biển Đà Nẵng và quần đảo Côn Đảo.

Thấy vậy, Bà Phi Yến đã can ngăn việc bán nước cầu vinh, cõng rắn cắn gà nhà của Nguyễn Ánh. Bà nói: “Việc đánh nhau với Tây Sơn ta có thể coi như việc trong nhà, chúa công nên dùng nghĩa binh trong xứ thì hơn, bệ hạ mà nhờ sức mạnh của người ngoài về giải quyết vấn đề nội bộ dù ta có thắng Tây Sơn chăng nữa, cái thắng ấy cũng chẳng vẻ vang, thiếp e còn có lắm điều rắc rối tai tiếng về sau”. Chỉ bấy nhiêu lời của Bà Phi Yến đã làm Nguyễn Ánh tức giận, nghĩ bà thông đồng với quân Tây Sơn nên đã định giết bà. Nhờ quần thần can ngăn, Nguyễn Ánh đã nhốt Bà vào một hang đá trên một hòn đảo vắng (hòn đảo này về sau còn gọi là Hòn Bà). Khi nghe tin quân Tây Sơn sắp ra đến Côn Đảo, Nguyễn Ánh đã lên thuyền bỏ chạy.

Con Bà Phi Yến là Hoàng tử Cải khi ấy mới 4 tuổi đã khóc lóc đòi mẹ đi cùng. Nguyễn Ánh nghĩ Hoàng tử Cải bụng dạ rồi cũng giống mẹ nên đã nhẫn tâm ném Hoàng tử Cải xuống biển. Xác hoàng tử trôi vào bãi biển Cỏ Ống và đã được dân làng chôn cất.

Về Bà Phi Yến, sau khi bị giam cầm ở đảo hoang, Bà đã được một con vượn bạch và một con hắc hổ giải thoát, đưa bà về bên mộ của Hoàng tử Cải (Miếu Cậu – Hoàng Tử Cải). Người dân trong làng Cỏ Ống đã dựng cho Bà một ngôi nhà khang trang gần mộ hoàng tử để bà ngày đêm chăm nom cho ngôi mộ. Vì vậy, dân gian có câu ca dao:

“Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”

Một ngày nọ, có một lễ hội ăn chay lớn ở làng An Hải. Để lễ cầu phúc thêm phần long trọng, Hội đồng làng An Hải cử một bô lão làm đại diện, dân làng bốn phương về Làng Cỏ Ống cung thỉnh Bà Phi Yến. Khi đến nơi, Bà được mời nghỉ ngơi trong một căn phòng đặc biệt.

Khi đó, Bà Phi Yến mới 25 tuổi, xinh đẹp tươi tắn, hấp dẫn khiến anh hàng thịt tên là Biện Thi sống ở làng An Hải không khỏi xuýt xoa và nổi lòng tà dục. Đêm đó, hắn ta giả vờ say và lẻn vào phòng Bà. Ngay sau khi hắn chạm vào cánh tay Bà, Bà tỉnh dậy và hét lên, Biện Thi ngay lập tức bị dân làng phát hiện.

Theo các giá trị đạo đức xưa, chỉ cần nắm tay và sờ nhầm quần áo đã bị coi là vi phạm đạo đức. Bà Phi Yến cảm thấy rất nhục nhã. Trong cơn tức giận, cô đã tự tay chặt đứt cánh tay bẩn thỉu và nhờ bà lão mang đi chôn. Nhưng trong lòng vẫn có cảm giác tội lỗi, vào đêm mọi người không để ý, Bà đã tự tử để giữ danh tiết. Dân làng Cỏ Ống vô cùng tức giận khi biết tin, họ cầm gậy gộc giáo mác đến làng An Hải.

Do sự sắp xếp khôn ngoan của các quan, dân làng Cỏ Ống đã đồng ý thỏa hiệp: “Làng An Hải phải làm heo tạ lỗi và nộp tên Biện Thi cho làng Cỏ Ống được toàn quyền định đoạt.”

Số phận đã sắp đặt cho Bà nằm xuống làng An Hải, vì vậy theo ý trời, dân làng Cỏ Ống đã để thi hài Bà lại cho dân làng An Hải lo tang lễ và lập miếu thờ bà, Miếu Bà Phi Yến hay An Sơn Miếu có từ đó cho đến ngày nay được người dân Côn Đảo tôn sùng, thường xuyên thăm viếng dâng hương cầu bình an, tài lộc, tình duyên gia đạo.

Từ đó đến nay, nhân dân Côn Đảo hàng năm tổ chức lễ giỗ Bà Phi Yến vào ngày 18 tháng 10 âm lịch.

Sơ lược về Miếu Bà Phi Yến – An Sơn Miếu

Miếu Bà Phi Yến còn có tên gọi khác là An Sơn miếu, nằm cách trung tâm thị trấn Côn Đảo khoảng 2km về phía Tây Nam, nằm trên đường Hoàng Phi Yến, thuộc khu dân cư số 3. Từ trung tâm thị trấn, du khách đi thẳng theo đường chính Nguyễn Huệ, đến ngã ba thì rẽ phải, đi dọc theo đường bờ hồ An Hải một đoạn khoảng 700 – 800m sẽ đến được miếu Bà Phi Yến. Sau nữ anh hùng Võ Thị Sáu thì Bà Phi Yến là một trong hai vị “Thần Nữ” được người dân Côn Đảo hết lòng tín ngưỡng và kính trọng.

Tổng diện tích của Miếu Bà Phi Yến là 4200 mét vuông, tổng thể công trình được xây dựng theo hình chữ Nhất. Ngôi đền nhỏ này được xây dựng vào năm 1785 để thờ Bà Phi Yến. Tuy nhiên, vào năm 1958, nơi này đã được tu sửa nhiều lần cho đến ngày nay.

Bên ngoài đền có một tấm bia đá, ghi lại truyền thuyết về Bà Phi Yến và Hoàng tử Cải, bước vào bên trong là không gian sân vườn rộng rãi với nhiều cây xanh bao phủ toàn bộ khu vườn. Đặc biệt có rất nhiều cây thị hàng trăm năm tuổi. 

Lối vào đền là khoảng sân lát gạch xi măng rộng, tiến một cấp sẽ đến hồ nước hình tròn bằng xi măng, bên trong hồ có hòn non bộ là biểu tượng của hang đá nơi Bà Phi Yến bị Nguyễn Ánh giam cầm, tiếp theo là một ban thờ thiên kết nối âm dương, trời đất và một cột cờ tổ quốc đối xứng với cờ thần hay còn gọi là cờ ngũ sắc theo thuyết Âm dương Ngũ hành.

Khuôn viên đền có nhiều ghế đá để du khách nghỉ chân và một bộ lư hương lớn chính giữa sân để du khách dâng hương cầu an mỗi khi đến thăm. Kiến trúc đền cơ bản có mái ngói với 3 cổng ra vào, trên bài tựa có 3 chữ Hán, nghĩa An Sơn Miếu.

Bên trong chính điện có tượng Bà Phi Yến. Ngoài ra, đền còn thờ đô đốc Ngọc Lân và nhiều vị thần khác. Bên trái đề 4 chữ “Quốc thái dân an“, bên phải đề “Phong điêu vũ thuận“. Ở bên phải của điện thờ còn có một bộ chuông sẽ vang lên khi ai đó khấn vái.

Lễ Giỗ Bà Phi Yến

Lễ hội bắt đầu từ đêm 17/10 âm lịch. Vào đêm này, Ban tổ chức Lễ giỗ bắt đầu bày cúng các loại hoa quả, xôi, chè và đãi khách thập phương. Người dân ở vùng này cũng bắt đầu đến miếu để dâng lên những vật phẩm mộc mạc và thành tâm cầu xin những điều tốt lành, sau đó tham gia các hoạt động văn nghệ, vui chơi được tổ chức ở đây.

Đặc biệt là những người yêu thích đờn ca tài tử sẽ được dịp tham gia và thưởng thức suốt đêm loại hình nghệ thuật này. Khoảng 9giờ sáng ngày 18/10 âm lịch, lễ giỗ chính thức bắt đầu. Lễ vật là hương hoa, bánh và ngũ quả được xếp thành từng mâm đẹp mắt. Những người vào dâng lễ đội mâm lễ vật trên đầu xếp thành hàng. Trong nền nhạc lễ, đoàn đại diện các Đoàn thể, Khu dân cư trịnh trọng dâng lễ. Chủ lễ đọc văn khấn trong làn khói hương, trong điệu nhạc lễ dân tộc lúc réo rắc, khi trầm buồn. Tất cả tạo nên một không khí trang nghiêm, long trọng và cả sự xúc động. Sau phần tế lễ, nhân dân dự lễ và du khách sẽ được thưởng thức những món chay do nhân dân các Khu dân cư quyên góp và thực hiện.Với tấm lòng thành và tài nấu nướng khéo léo, các Khu dân cư đã mang đến lễ hội những món chay vừa ngon vừa đẹp mắt để dâng cúng và thếch đãi mọi người, nhưng cũng là để tưởng  nhớ Bà đã bỏ mình trong một dịp lễ đàng chay tại làng An Hải.

Có thể nói, từ nhiều năm qua, ngày giỗ Bà đã trở thành một dịp để mọi người thành tâm khấn nguyện những điều may mắn, tốt đẹp cho gia đình, người thân, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đó chính là nhu cầu hướng vào tâm thánh thiện.

Lễ giỗ bà Phi yến mang ý nghĩa đặc biệt về văn hóa tinh thần của nhiều người dân tại Côn Đảo. Nếu bạn có 1 lần ghé thăm Côn Đảo vào đúng dịp lễ giỗ Bà Phi Yến thì bạn thật sự may mắn đấy.

Ảnh: Group Dân Côn Đảo