MEKONG STARTUP – VCCI CẦN THƠ
Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT), hay còn gọi là e-commerce (EC) đã không còn là khái niệm xa lạ trong xã hội hay một lĩnh vực mới mẻ tại nước ta. TMĐT được hiểu là sự mua bán sản phẩm hay dịch vụ trên các hệ thống điện tử như internet và các mạng máy tính. TMĐT dựa trên một số công nghệ như chuyển tiền điện tử, quản lý chuỗi cung ứng, tiếp thị internet, giao dịch trực tuyến, các hệ thống quản lý hàng tồn kho, doanh thu, và các hệ thống tự động thu thập dữ liệu. Mặc dù đại dịch COVID-19 mang đến nhiều biến động đối với nền kinh tế, sự tăng trưởng bứt phá của TMĐT đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN. Tính đến ngày 15/10/2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương đã phê duyệt cho 4.199 website TMĐT bán hàng, 1.158 website cung cấp dịch vụ TMĐT, 336 ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT. Số lượng website, ứng dụng TMĐT bán hàng và cung cấp dịch vụ TMĐT ngày càng gia tăng nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu phát triển TMĐT của doanh nghiệp thương mại. Tác nhân thúc đẩy sự phát triển của TMĐT là mua sắm trực tuyến đang được ưa chuộng, đang phát triển mạnh mẽ, trở thành xu thể trong nước và quốc tế. Đồng thời, TMĐT mang lại nhiều lợi thế và lợi ích đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh (người bán) so với mô hình kinh doanh truyền thông.
Khắc phục hạn chế về địa lý
- Không hạn chế vị trí địa lý là một trong những lợi ích hàng đầu của TMĐT. Một cửa hàng truyền thống chỉ có thể phục vụ được khách hàng sinh sống tại địa phương hoặc có thể thêm một số khách hàng tại những địa phương lân cận (trường hợp cửa hàng nổi tiếng). Trong khi đó, các giới hạn về địa lý không còn là rào cản đối với một cửa hàng TMĐT; khách hàng từ mọi miền đất nước thậm chỉ trên toàn thế giới đều có thể truy cập, tìm hiểu và tiến tới giao dịch.
- Ngoài ra, TMĐT mang đến sự linh hoạt cho cả người mua và người bán, chỉ cần có thiết bị truy cập internet, các công việc trưng bày sản phẩm, quản lý doanh thu – tồn kho, chốt đơn giao dịch, vận đơn, đối soát thanh toán,… đều có thể được thao tác ở mọi nơi.
Mở rộng tập khách hàng nhờ vào các công cụ tìm kiếm
- Thương mại truyền thống (kinh doanh qua các cửa hàng truyền thống) chỉ được thúc đẩy nhờ vào sự nổi tiếng của thương hiệu và qua các mối quan hệ. Trong khi đó, các công cụ tìm kiếm trên internet cho phép tăng lưu lượng truy cập của khách hàng tiềm năng đối với một cửa hàng TMĐT. Tập khách hàng sẽ không bị gò bó trong một khu vực nhất định và có thể được mở rộng tới các thị trường tiềm năng khác. Người tiêu dùng hiện nay thường có thói quen vào Google để tìm kiếm sản phẩm, hàng hóa hay dịch vụ họ thường sử dụng và quan tâm. Theo đó, sản phẩm, dịch vụ từ các sàn/ trang TMĐT sẽ có cơ hội được người mua tìm kiếm, tiếp cận, tìm hiểu và thực hiện giao dịch. Thậm chí, khi tìm kiếm trên internet họ có thể lần đầu tìm thấy những dịch vụ, sản phẩm, doanh nghiệp, nhãn hiệu mà họ chưa bao giờ biết đến trước đó.
Chi phí hợp lý – giảm thiểu chi phí so với cửa hàng truyền thống
- Một trong những điểm tích cực nhất của TMĐT chính là tối ưu chi phí cho người bán. Các chi phí TMĐT có thể tối ưu hóa như sau:
- Quảng cáo và tiếp thị: Việc quảng cáo và tiếp thị trên môi trường điện tử và các trang mạng xã hội dễ dàng thực hiện hơn, hiệu quả cao hơn, chi phí hợp lý hơn (thấp hơn) so với quảng cáo và tiếp thị trong thương mại truyền thống.
- Giảm thiểu chi phí thuê mặt bằng và vận hành cửa hàng: Chi phí xây dựng, thiết kế và vận hành cửa hàng trực tuyến sẽ thấp hơn nhiều lần so với thuê mặt bằng, trang trí và vận hành cửa hàng truyền thống. Người bán không cần phải chi trả tiền thuê nhà, điện nước, bảo an. Khi thực hiện TMĐT, người bán có thể thường xuyên thay đổi phong cách trang trí cửa hàng theo chủ đề, theo đợt khuyến mãi, theo mùa lễ hội chỉ với một vài thao tác.
- Nhân sự: TMĐT giúp đơn giản và tự động hóa các quy trình làm việc. Công việc như thanh toán qua các cổng điện tử, quản lý hàng tồn kho và gửi yêu cầu vận đơn, … được tích hợp sẵn để hỗ trợ người bán, giúp giảm thiểu được số lượng nhân viên cần thiết để vận hành và quản lý cửa hàng. Một nhân viên kinh doanh TMĐT có thể quản lý và vận hành cùng lúc nhiều cửa hàng TMĐT. Điều này là không thể đối với mô hình kinh doanh truyền thống
Dễ dàng kích hoạt các chương trình giảm giá, chiến dịch quảng cáo, maketing
- Ở cả cửa hàng truyền thống và cửa hàng TMĐT vẫn sẽ luôn có các banner giới thiệu các chiến dịch giảm giá. Tuy nhiên TMĐT hỗ trợ cho các hoạt động, chiến dịch giảm giá, quảng cáo được thuận tiện, dễ dàng hơn so với khi thực hiện tại các cửa hàng truyền thống.
Dễ dàng chăm sóc và giữ liên lạc với khách hàng
- Thông qua hệ thống TMĐT, người bán có thể nắm bắt thông tin liên hệ khách hàng một cách dễ dàng dưới dạng email, số điện thoại. Theo đó, việc gửi email, nhắn tin, chăm sóc và tương tác với khách hàng trở nên rất đơn giản và ít tốn công sức. Ngoài ra, các công cụ hỗ trợ phân tích hành vi người tiêu dùng để cửa hàng phát triển tập khách hàng tiềm năng.
- Thông qua việc giao tiếp thuận tiện, quan hệ với trung gian và khách hàng trong TMĐT được củng cố dễ dàng hơn. Đồng thời việc cá biệt hóa sản phẩm và dịch vụ cũng góp phần thắt chặt quan hệ với khách hàng và củng cố lòng trung thành của khách hàng với cửa hàng. Người bán có thể tạo ấn tượng tốt với khách hàng thông qua việc liên lạc riêng với một số khách hàng cho biết về các chương trình dành riêng cho khách hàng đặc biệt.
Luôn mở cửa phục vụ 24/7
- Trong TMĐT, các cửa hàng luôn mở cửa phục vụ 24/7 vì các trang/ sàn TMĐT có thể vận hành mọi lúc. Trên quan điểm của người bán, điều này sẽ giúp làm tăng số lượng đơn đặt hàng mà doanh nghiệp nhận được. Đối với khách hàng, một cửa hàng “luôn mở” sẽ thuận tiện hơn trong giao dịch.
Linh hoạt trong việc mở rộng quy mô
- Khi một cửa hàng truyền thống phát triển, người bán cần xem xét làm thế nào cửa hàng này phục vụ nhiều khách hàng hơn trong cùng một không gian nhỏ. Cần nhiều nhân viên hơn để vận hành, nhiều gian trưng bày và kho hàng cần được xây dựng thêm. Điều này mất nhiều thời gian và công sức Tuy nhiên, trong TMĐT, khả năng linh hoạt để mở rộng và phát triển dễ dàng hơn rất nhiều, việc nâng cấp mở rộng rấn thuận tiện, nhanh chóng. Cửa hàng TMĐT vẫn duy trì hoạt động trong lúc nâng cấp hệ thống.
Sàn thương mại điện tử Madeincamau.com
Theo Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, doanh nghiệp lớn phải tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển TMĐT trong thời gian sớm nhất vì có thể gặp một số rủi ro khi chậm triển khai TMĐT như (i) khó tiếp cận khách hàng ở các địa phương khác, đặc biệt là các thành phố lớn nơi dân cư đã quen và có nhu cầu cao với mua sắm trực tuyến; (ii) Rất khó tiếp cận thị trường nước ngoài trong thời đại xuất khẩu trực tuyến đang nổi lên mạnh mẽ, bao gồm bán lẻ trực tuyến qua biên giới; (ii) Chậm chuyển đổi số dẫn tới năng lực cạnh tranh thấp, chi phí kinh doanh và giá thành sản phẩm cao. Trường hợp không đủ nguồn lực để xây dựng website hay ứng dụng TMĐT bán hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, các hợp tác xã hay hộ sản xuất kinh doanh có thể phát triển TMĐT thông qua sử dụng dịch vụ từ các sàn TMĐT với chi phí thấp và tiết kiệm.
Theo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia đến năm 2025, chính quyền tại nhiều địa phương đã xây dựng và vận hành sàn/trang TMĐT để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, các hợp tác xã hay hộ sản xuất kinh doanh phát triển TMĐT. Cụ thể như Sàn madeincamau.com đã được xây dựng để hỗ trợ người bán trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Sàn này được được trang bị đầy đủ hạ tầng kỹ thuật đầy đủ để thực hiện các giao dịch trực tuyến như tích hợp các công cụ quản lý giao dịch và tích hợp sẵn các dịch vụ vận chuyển, thanh toán trực tuyến. Hiện nay, tham gia Sàn TMĐT madeincamau.com, người bán được miễn các khoản phí; đồng thời, được tập huấn các kỹ năng cơ bản, cần thiết để có thể phát triển TMĐT. Tạo tiền đề để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Cà Mau thích ứng và phát triển được hoạt động kinh doanh phù hợp, đồng bộ với nền kinh tế số Việt Nam đang dần hình thành như hiện nay. Tin rằng từ sự cố gắn, nỗ lưc của doanh nghiệp và sự hỗ trợ các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có thể tranh thủ được các lợi thế và lợi ích từ TMĐT để sớm tăng trưởng, phát triển./.
Theo Phúc Ngươn / iPec.com
https://ipec.com.vn/nhung-loi-ich-cua-thuong-mai-dien-tu-doi-voi-hoat-dong-kinh-doanh/