MCK và LOPE PHAM: “Nguyên tắc của chúng tôi là không đi theo số đông” – Billboard Việt Nam
Nhắc đến MCK người không thích cái tên này dễ dàng liên tưởng đến một rapper có nhiều phát ngôn “khó đỡ” hay vài câu chuyện hậu trường không mấy liên quan đến âm nhạc. Nhắc đến MCK, người thích cái tên này sẽ nghĩ ngay đến những bản hit chất lượng, có thể là một Hoàng Long với hình ảnh cao, gầy và “đóng tune vô cùng dính tai” hay anh chàng NGER ngồi ôm đàn, nghêu ngao vài câu hát nghe khá suy.
Dù là một MCK cool ngầu, một Hoàng Long như bao người bình thường khác hay một phiên bản NGER với hình tượng dễ gần thì ở anh chàng này, lúc nào bạn cũng sẽ bắt gặp một nguồn năng lượng tươi mới, góc nhìn khác biệt của thế hệ nghệ sĩ trẻ hiện đại và hơn hết là quan điểm làm nghề rõ ràng. Quan điểm này được củng cố hơn khi có LOPE PHAM, một producer trẻ cũng tài năng không kém đồng hành cùng trên con đường theo đuổi đam mê.
Ca khúc “Tại Vì Sao” phát hành từ một tháng trước nhưng hiện tại vẫn được khán giả đón nhận nồng nhiệt, bằng chứng là vẫn đang nằm trong Top cao trên BXH Billboard Việt Nam. Các bạn đã chuẩn bị và ấp ủ sản phẩm mới trong bao lâu?
MCK: Thật ra bài “Tại Vì Sao” đã có demo từ một năm trước rồi. Tôi làm demo rồi đăng lên mạng khoe với mọi người là “nhạc rất là nhạc”. Tuy nhiên sau 1, 2 version đầu tiên của bài được làm ra thì vibe bài hát bị thay đổi thành một gam màu buồn cực kì. Lúc đấy tôi tự nhủ rằng “không được, đang tươi mà buồn thế này thì chết” nên sau đó có bảo LOPE làm giống chiếc beat cũ nhưng vẫn cảm thấy chưa ổn. Chúng tôi mua cả stem về nghiên cứu thêm để biết người ta làm như thế nào. Đến cuối cùng cũng cho ra được một phiên bản mà hai anh em đều ưng ý. “Tại Vì Sao” cũng là bài hát tôi làm lâu nhất từ trước đến nay. Nghe đi nghe lại chán lắm rồi, không chịu được nữa nên phải tung ra thôi.
Quá trình sản xuất ca khúc của ca khúc “nhạc rất là nhạc” này được diễn ra như thế?
LOPE PHAM: Trước khi có được phiên bản hoàn chỉnh, chúng tôi phải trải qua khoảng 100 bản chỉnh sửa khác nhau với mong muốn tìm kiếm sự hoàn hảo. Trong quá trình sản xuất, tôi cùng với producer no friends no enemies đã thử nghiệm rất nhiều màu sắc cho bản phối. Tổng cộng chúng tôi đã thực hiện 6 beat nhạc khác nhau hoàn toàn. Với chiếc beat thứ 6, ekip còn hoàn thiện thêm hơn 80 lần để cho ra đời thành quả cuối cùng. Thậm chí ngay giây phút trước khi phát hành chúng tôi vẫn đang cố gắng trau chuốt hết sức có thể để gửi đến công chúng một sản phẩm âm nhạc chỉn chu nhất để không phải hối tiếc bất cứ điều gì.
Muốn làm nên một bản phối tổng thể nghe thật dày, chắc chắn phải đặt để vào rất nhiều thứ cũng như dành ra nhiều thời gian. Ở bản phối của “Tại Vì Sao”, đoạn chorus cuối cùng trong ca khúc là phần ekip trông đợi nhất. Chúng tôi đã quyết định sử dụng kĩ thuật half-speed đồng thời thêm thắt các yếu tố string, orchestra cùng nhiều thứ khác để tạo ra những âm thanh ambient nhỏ ở phía bên dưới. Có lẽ nhiều người sẽ không đồng tình với cách làm này nhưng nó xuất phát từ cảm nhận của chính tôi. Tôi nghĩ điều đó sẽ giúp bài hát chạm đến người nghe nhiều hơn. Tôi cho rằng quá trình làm ra “Tại Vì Sao” đã tạo nên giá trị cho bài hát. Quá trình ấy không thể mua được bởi tiền bạc hay bất kỳ điều gì. Quan trọng là cảm xúc của mình. Làm điều bản thân cảm thấy vui, đó mới là thứ quý giá nhất.
Từ sáng tác đầu tiên là bài “Vương” cho đến “Tại Vì Sao”, tư duy âm nhạc của MCK đã thay đổi như thế nào và điều đó thể hiện trong sản phẩm mới ra sao?
MCK: Có lẽ người ngoài cũng nhìn thấy được MCK đã thay đổi. Hồi trước tôi làm nhạc chỉ đơn thuần là cảm xúc thôi. Bây giờ thì trau chuốt và chỉn chu hơn, đặc biệt là yếu tố cảm xúc được cân bằng với yếu tố kỹ thuật. Điều này tôi và LOPE đã rất cố gắng khi thực hiện “Tại Vì Sao” vì mỗi việc chiều lòng nhau thôi cũng đã khó lắm rồi. Khi hai anh em làm việc với nhau, thằng em bướng quá thì thằng anh bảo. Còn nếu thằng anh hơi kiêu thì thằng em sẽ nhắc. Làm nhạc chung phải biết cách dung hòa hai nguồn năng lượng nhưng vẫn giữ được chất riêng của nhau.
LOPE PHAM: Chỉ múa quá tay một chút là bài hát đã khác rồi nên phải tiết chế lại. Ngay cả tôi khi làm nhạc cũng phải cân bằng hai yếu tố trên để không có quá nhiều thứ xảy ra trong một bài nhạc, kẻo mọi người lại nói rằng “beat nuốt hết vocal”. Với vai trò một nhà sản xuất, bản thân tôi giống như một chiếc đệm cho anh Long nhảy lên. Đệm dày, đệm mỏng hay đệm êm đều là do tôi. Đơn cử như việc anh Long từng bảo tôi làm lại “Tại Vì Sao” trên một cái beat cũ. Anh muốn gì hay thích thế nào thì tôi sẽ là người dung hòa ý tưởng ấy, cân bằng cái tôi của chính mình và cả anh Long để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh. Trong trường hợp anh Long bảo “làm giống y hệt cái beat mạng” thì tôi không thể làm được. Điều đó trái với đạo đức nghề nghiệp của mình. Còn nếu anh ấy bảo tôi “sáng tạo đi, nghiên cứu tiếp đi” thì cứ triển thôi. Kể cả những thứ tôi làm mới rồi sau đó hỏi ý kiến, anh Long ok thì tôi cũng ok. Quan trọng vẫn là nghệ sĩ muốn thế nào, cảm xúc họ viết ra trong bài hát đấy ra sao hay muốn truyền tải điều gì. Còn tôi sẽ là tấm đệm để nghệ sĩ nằm xuống sao cho êm nhất.
Tôi có thấy MCK từng đăng dòng status “Tôi muốn #1” và sau đó thì “Tại Vì Sao” đã lọt Top 1 Trending Music Youtube Việt Nam thật.
MCK: Mọi người biết tại sao không? Bởi vì mấy ngày trước đó tôi có đăng một story khác ghi là “nếu bài này được lên Top 1 thịnh hành thì thần nghệ thuật nói với tôi đây là con đường đúng và tôi sẽ đi tiếp”. Thì đấy, ông trời cho mình lên Top 1. Chỉ mấy tiếng ngắn ngủi thôi nhưng mà cũng đủ để chứng minh rằng con đường tôi đi đang rất ổn.
Vậy trên con đường nghệ thuật đã theo đuổi từ trước đến giờ, dấu ấn cá nhân mà MCK muốn giới thiệu đến công chúng là gì?
MCK: Tôi không muốn chứng minh màu sắc âm nhạc của mình bởi thực chất tôi cũng chỉ đang chơi đùa với âm nhạc mà thôi. Chặng đường qua giống như một cuộc hành trình giúp tôi có cơ hội thử nghiệm tất cả các thể loại khác nhau. Qua đó cân nhắc xem bản thân sẽ phù hợp với cái gì nhất rồi để tiếp tục phát triển. Nhìn lại thì tôi nhận ra bản thân đã trải qua khá nhiều giai đoạn với âm nhạc. Từ hồi sang Nhật du học, sau đó tham gia “Rap Việt” và đương nhiên cả khoảng thời gian cầm đàn đi hát trước đấy nữa. Sau một thời gian trải nghiệm, không chỉ số lượng bài hát tăng lên mà những cảm xúc tôi mang vào từng sáng tác cũng nhiều hơn đáng kể.
Nhắc đến chuyện sang Nhật du học, hình như bài “Tình Đắng Như Ly Cà Phê” được bạn ra mắt trước khi đi phải không nhỉ? NGER ở thời điểm ấy và âm nhạc đã tìm thấy nhau như thế nào để rồi ca khúc này ra đời?
MCK: Tôi đến với âm nhạc chỉ đơn thuần vì có nhiều thứ trong đầu muốn nói ra. Với lúc đi hát karaoke cũng thường gặp những bài hát tone cao, với quá không chịu được nên quyết tâm tự viết nhạc để hát (cười). Một thời gian sau tôi bắt đầu gặp gỡ mấy anh em trong cộng đồng Indie. Nhưng thú thật là hồi đấy chẳng tự tin vào bản thân đến mức đi giao lưu hay giới thiệu mình với mọi người nên chỉ hoạt động một mình thôi, thành ra suy nghĩ cứ dần dần tích tụ vì không thể bày tỏ với ai. Đến lúc vào trường Việt Đức, hình như khoảng lớp 12 thì tôi mới gặp nân. Nhìn cô bé cảm thấy hay hay, thích thích và hai đứa chơi với nhau khá hợp. Được một thời gian thì mới sáng tác bài “Tình Đắng Như Ly Cà Phê”. Tôi viết phần verse sau đó nân tự “feel” những đoạn còn lại.
Khi sáng tác “Tình Đắng Như Ly Cà Phê” tôi không đặt kỳ vọng gì đâu. Đơn giản là để vui thôi và bản thân cũng thích việc viết nhạc. Lúc đấy tôi thực sự cảm thấy bài đó hay và muốn được hát ra, chỉ thế thôi. Mà thời điểm ca khúc nổi nhất tôi lại đang ở bên Nhật nên hoàn toàn không được trải nghiệm cảm giác của người nổi tiếng. Không ai biết NGER là ai và cũng chẳng ai biết đấy là MCK. Hai năm sau quay về thì một số người mới nhận ra. Lúc đó tôi mới tự nghĩ “ừ thôi có khi nghề chọn mình”.
Sau khi sang Nhật, chắc hẳn MCK vẫn tiếp tục duy trì niềm đam mê viết nhạc của mình?
MCK: Tôi viết nhạc mọi nơi mọi lúc, phải làm nhiều thì mới freestyle được chứ. Hồi đó đối với tôi Nhật Bản là một đất nước rất mới, cộng thêm guồng quay của xã hội khiến tôi hoang mang không biết mình là ai. Do đó thứ âm nhạc tôi viết ra chỉ là những suy nghĩ tiêu cực trong đầu. Nhưng phải thừa nhận là thời gian sống và học tập tại đây đã ảnh hưởng rất nhiều đến cách làm nhạc, viết nhạc của tôi bây giờ. Nếu mọi người để ý sẽ thấy âm nhạc của Hoàng Long hồi đó mang nhiều chiều sâu hơn, chúng phản ánh đúng thực tại cuộc sống của tôi bởi khi có áp lực tôi thường có nhiều thứ để nói ra.
Đó cũng là thời điểm nhạc Rap tìm tới bạn hay bạn đã va vào nhạc Rap từ những ngày còn ở Việt Nam?
MCK: Thật ra khi còn ở Việt Nam tôi đã biết rap rồi. Hồi đó có thằng bạn tên Khoa chỉ tôi vần 2, vần 3 hay vần 4 là như thế nào. Lúc đấy mới biết “thì ra rap là như vậy!”. Một thời gian sau tôi nhận ra rap không chỉ đơn thuần là ghép vần mà còn phải mang cảm xúc vào nữa. Nhưng thế thôi vẫn chưa đủ, tôi cảm thấy việc tìm được một người có thể giao thoa cảm xúc cũng rất cần thiết. Có nhiều khoảnh khắc giúp bản thân tôi nhận ra điều này. Đôi khi chỉ đơn giản là nghe một bản nhạc nào đó, tìm kiếm điều đặc biệt trong những giai điệu ấy, để ý đến tông giọng của họ, cách họ phát âm hoặc mang tới cảm xúc, năng lượng gì. Nghe nhiều đến mức độ khi người ta thể hiện một bài hát, tôi cũng có thể cảm nhận được liệu họ có thật tâm hát hay không? Lúc đấy mới hiểu được rằng cảm xúc đóng vai trò quan trọng thế nào. Đấy, tôi từ từ trưởng thành từ những điều như vậy. Đến tận bây giờ, tôi vẫn đang chiêm nghiệm để xem đâu mới là cách làm nhạc hay nhất.
Ngày đầu mới làm nhạc, vì chưa tự tin vào bản thân nên tôi cũng gửi nhạc cho nhiều người nghe thử. Họ bảo là “nghe ok”. Nhưng “nghe ok” là như thế nào? Nói thật, tôi muốn nghe những câu… chê hơn. Đôi lúc càng thẳng thắn càng tốt để tôi còn chỉnh sửa, thay đổi. Có lúc tôi gửi cho 10 người nghe thì cả 10 đều khen hay, sau đó tự mình cảm thấy phân vân liệu kết quả này có đúng không, có thật không?
Chuyện tham gia vào một thi rap và làm nhạc chuyên nghiệp khác nhau hoàn toàn. Vậy tình huống hay cột mốc nào khiến bạn quyết định sẽ bắt đầu con đường âm nhạc chuyên nghiệp?
MCK: Tôi nhớ mình từng nói với khán giả trong một show diễn rằng “bây giờ bố mẹ tôi đã đồng ý với việc tôi làm nhạc, từ giờ nếu các bạn theo dõi tôi thì tôi sẽ làm nhạc chuyên nghiệp, tôi sẽ chuyên nghiệp hơn”. Nói thế chứ không hẳn bố mẹ ủng hộ tôi 100%. Mãi cho đến lúc tôi tự kiếm được tiền thì bố mẹ mới để cho tôi muốn làm gì thì làm chứ không phải ngay sau khi tôi thi xong “Rap Việt” đâu. Còn trước đây ông bà cứ hay bảo “xướng ca vô loài” hoặc là “theo cái đấy làm gì?”. Tôi nghĩ chắc bố mẹ nào cũng như vậy, sẽ không muốn cho con mình đi theo con đường này. Thứ nhất là nghề này bấp bênh, thứ hai là nó bạc bởi vì người ta đưa mình lên được thì cũng đạp xuống được. Không có gì đảm bảo tôi có thể ổn định trong thời gian dài nên có lẽ bố mẹ cũng đúng.
Ngày xưa mẹ tôi đã từng theo học nhạc và cũng có ý định làm ca sĩ nhưng ông ngoại không cho phép. Thế nên sau tất cả, mẹ là người rất ủng hộ tôi theo con đường âm nhạc. Tuy nhiên bà cũng bảo một điều quan trọng không kém là phải lấy được tấm bằng nào đó để có thêm sự chắc chắn. Bố tôi không theo nghệ thuật. Ông làm qua nhiều nghề rồi sau này mới trở thành giáo viên dạy lái xe. Tôi giấu nhẹm mong muốn của mình với bố. Đến một ngày nọ, tôi quyết định chia sẻ với bố: “Con lựa chọn âm nhạc, con muốn theo nghề này và đã kiếm được tiền, giúp được bố mẹ thì bố mẹ phải cho con làm. Bây giờ làm cái khác thì chả nhẽ phải bắt đầu lại từ đầu, thế thì không được vì con đã mất quá nhiều thời gian và công sức rồi”.
Rõ ràng là khi âm nhạc đã ở trong trái tim mình thì chẳng một ai có thể lấy đi được. Chính vì thế tôi mới tự nhủ với bản thân rằng phải làm mọi thứ cần làm để tiếp tục theo đuổi con đường ấy. Ít ai biết ngày xưa tôi từng đi làm thêm ở một quán cà phê trong trung tâm thương mại để có chút kinh tế đầu tư cho âm nhạc. Thời điểm ấy còn học cấp 3 nên bị người ta “ép” lương. Mỗi tháng nhận có 700 ngàn, cầm số tiền đó mà không biết nói nên lời và cũng không biết có thể làm gì với đồng lương ít ỏi. Tôi bảo họ là “Thôi chị cầm luôn đi”. Hồi đó tự thân làm mọi thứ chứ bố mẹ không giúp đỡ theo kiểu có sẵn. Đó là điều khiến tôi cảm thấy rất biết ơn và trân trọng. Đôi khi có chút chạnh lòng, tôi tự nghĩ giá như gia đình có nhiều tiền hoặc nếu sinh ra đã giàu có thì mọi thứ tưởng chừng như đơn giản. Chắc ai cũng có tư tưởng đó phải không? Nhưng đến cuối cùng thì sự cố gắng của tôi đều xứng đáng mà.
Bây giờ ngồi đây nhắc lại tôi nhận ra mỗi giai đoạn thường sẽ có một khó khăn riêng. Mấy năm vừa rồi cũng là một khoảng thời gian không dễ dàng gì đối với cá nhân tôi vì cứ bị cái bóng của mình đè lên. Dư luận cũng mang đến những áp lực khác nhau. Đôi khi họ luôn muốn mình phải thế này hoặc có lúc họ yêu cầu mình phải thế kia. Nhưng phải công nhận rằng thử thách luôn xuất hiện để bắt ta phải nỗ lực vượt qua. Game dễ quá thì ai cũng chơi được. Tất nhiên những lúc cần “heal máu” thì vẫn có anh em, bạn bè ở bên cạnh nhưng chủ yếu vẫn do bản thân tự lo bởi không ai giúp được những vấn đề mà chỉ có mỗi mình biết. Khó cho họ và cả mình nữa, chỉ cần ở lại, lắng nghe và thấu hiểu. Thế là được rồi.
Các khán giả của đa số các dòng nhạc khác thường sẽ có những bình luận nhẹ nhàng hơn nhưng fan nhạc Rap thì ngược lại. Họ rất thẳng thắn, đôi khi có phần khó nghe. Nhận định này có đúng không?
MCK: Tôi cảm thấy quan điểm trên cũng có phần đúng. Thế nhưng rõ ràng là tôi chơi nhiều dòng nhạc khác nhau, vậy thì fan của MCK sẽ như thế nào? Thực chất chúng tôi cũng không có thói quen phân chia dòng nhạc cụ thể. Chỉ đơn giản là nhạc hay hoặc chưa hay mà thôi. Âm nhạc là thế. Cần gì phải phân chia ra Pop, R&B hay Rock…
Tại sao lại là nhạc “chưa hay” mà không phải “không hay”?
MCK: Nghệ thuật mà. Chúng tôi thường nói chuyện vui với nhau kiểu “tại sao mình phải đặt bản thân vào một cái giới hạn?”. Nếu bây giờ chỉ làm nhạc Hip-hop hay R&B thì giới hạn của chúng tôi chỉ đến thế thôi sao. Rõ ràng là tôi và cả LOPE đều đang rất cố gắng để làm ra nhiều thứ thay vì đặt ra một cái tên hoặc rào cản cho âm nhạc hay sự sáng tạo. Cả hai chỉ muốn mượn âm nhạc làm tiếng nói để bày tỏ cảm xúc. Chủ đề chúng tôi lựa chọn để viết thường là những gì thật nhất xoay quanh cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn tôi bất đồng ý kiến với một người anh em, câu chuyện này cũng có thể tạo thành một bài rap. Cơ bản là trong đầu có điều gì vướng mắc, sót lại quá lâu thì phải lôi ra viết để chúng được giải phóng chứ chúng tôi không nhìn vào những con số, không chú trọng vào chuyện chủ đề này sẽ tiếp cận được bao nhiêu người hay MV thu về bao nhiêu lượt xem.
Người ta thường nhắc đến yếu tố giải trí trong âm nhạc. Liệu nó có được các bạn chủ động đặt để trong quá trình làm nhạc bởi có thể thấy rằng hầu hết các ca khúc của MCK đều có tính viral cao?
LOPE PHAM: Chúng tôi thật sự không muốn điều đó xảy ra. Âm nhạc chỉ là âm nhạc thôi. Khán giả hiểu và đồng cảm được thì hai đứa cảm thấy rất biết ơn. Nếu chúng tôi đem yếu tố giải trí vào âm nhạc của mình thì có lẽ chúng sẽ trở thành những sản phẩm giải trí mất.
Vậy đối với những người làm nhạc như MCK và LOPE PHAM thì một bài hát “dính tai” sẽ bao gồm những yếu tố như thế nào?
LOPE PHAM: Không rõ người khác thì sao nhưng với riêng tôi thì 15 giây đầu tiên của một bài hát phải đủ hấp dẫn để tôi muốn nghe tiếp. Tôi gọi đó là “yếu tố 15 giây”. Nếu trong 15 giây đó cảm thấy không hay, tôi thường sẽ tắt đi ngay. Nó như một cách đánh giá rất nhanh để mình biết liệu bài hát này có thể đi đến đâu chứ không phải để chỉ ra rằng nó hay hay dở. Tức là phần tiếp theo sẽ diễn ra thế nào, đường hình hay đường tiếng ra sao. Chỉ cần nghe 15 giây đầu là biết.
MCK: Là người sáng tác nên tôi sẽ để ý nhiều vào chất giọng, cách người ta dùng từ, những từ lạ hay vần lạ để “cộng điểm” cho bài hát đó. Bản thân tôi cũng tính toán rất cẩn thận mỗi lần viết lời. Trước đây thường sẽ tìm vần sau đó lắp vào từ từ giống như nhiều rapper khác thế nhưng sau một thời gian thì “càng kiểm soát càng mất kiểm soát”, chị Suboi nói thế mà. Sau này mỗi khi tự làm việc trong studio ở nhà, tôi có thói quen bật beat nhạc lên để tự hỏi bản thân đang thấy thế nào hay có những suy nghĩ gì. Những ý tưởng hay nhất sẽ ra đời vào lúc mình không ngờ đến nhất. Việc ghép vần thì nên hình dung sẵn trong đầu, nếu cứ chăm chăm vào những vần hay rồi ghép vào thì bản rap sẽ không có độ phiêu. Tôi có thể hi sinh vần ba để chọn một vần đơn, dẫu vẫn giữ nguyên ý nghĩa nhưng phải bao trùm hơn. Điều đó sẽ giúp người nghe có cảm giác rằng họ đang hiểu sâu vấn đề và có thêm không gian để tưởng tượng mình đang trải qua điều gì.
LOPE PHAM: Không gian ở đây là cái vibe mà mình tạo ra cho một bài hát. Vậy nên cả hai chúng tôi làm việc dựa trên vibe khá nhiều. Âm nhạc mà không có vibe thì chẳng khác nào đang đọc văn xuôi. Một ca khúc không thể chạm đến bất kỳ điều gì, không mang tới cảm giác nào đó cho người nghe thì đến cuối cùng nó cũng giống như tiếng còi xe ngoài đường. Nhưng đó không phải lỗi của những người làm nhạc. Đơn giản là chúng ta không có những trải nghiệm như họ nên có lẽ không hiểu được, không cảm nhận được.
Ngoài giai điệu, không ít người bây giờ khi làm nhạc cũng cố gắng để tạo ra một cái trend hay câu từ viral mà.
MCK: Có phải bạn (PV) đang muốn nói đến việc mọi người đang có xu hướng làm nhạc theo kiểu tạo ra một đoạn hook cùng một số keyword ăn tiền còn phần verse thì lại không mấy chú trọng? Công thức đấy chúng tôi đã biết từ lâu rồi nhưng cảm thấy chả việc gì phải làm như thế. Nhạc Rap là khi bạn có điều gì đó để nói thì nghe mới thật. Ngược lại, nếu chỉ viết nhạc để kiếm tiền thì sẽ giống như kiểu làm theo barem.
LOPE PHAM: Nếu làm theo công thức đấy thì khán giả có thể nghe nhạc Mỹ chứ đâu cần phải nghe nhạc Việt Nam. Ngày nay các nhạc sĩ và nhà sản xuất đều hiểu rõ thế nào là đạo nhạc. Mà thực sự trong âm nhạc thì vòng hòa thanh hay hoà âm thì cũng chỉ có vậy thôi. Cũng có từng đấy nốt, từng đấy phím Đồ Rê Mi Fa Son La Si Đô. Quan trọng nội dung mọi người muốn truyền tải là gì chứ không phải xuất phát từ công thức, có phải lớp học Toán đâu mà công thức này nọ (cười).
Dạo gần đây, có thể thấy kĩ thuật autotune đang được các nghệ sĩ sử dụng khá nhiều. Làm thế nào để rạch ròi giữa việc lạm dụng nó một cách quá đà và vận dụng một cách hiệu quả trong một bài hát?
MCK: Đôi tai chính là cách để phân loại dễ nhất. Cá nhân tôi nếu cảm thấy không hay thì sẽ bảo nó không hay. Thật ra hầu hết các ca sĩ đều sử dụng autotune, chẳng qua là họ có để khán giả nhận ra hay không mà thôi. Để phân biệt giữa việc vận dụng hay lạm dụng còn tùy thuộc vào mục đích. Nhiều người sử dụng autotune để hỗ trợ cho giọng hát, tức là họ biết phải làm gì, sử dụng ở đâu thì hợp lý. Còn nếu đóng tune cả bài mà không có mục đích thì tôi cho rằng đấy là lạm dụng. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp lạm dụng nhưng rất hay, ví dụ như Playboi Carti.
Bản thân tôi khi thể hiện những sáng tác mới cũng phải tìm một tone giọng phù hợp. Trước đây tôi có tự mày mò học guitar trên Youtube để tự hát các ca khúc của mình. Nhờ đó mới phát hiện ra rằng mình không chỉ sở hữu một loại giọng mà còn có thêm giọng gió, giọng ngực, giọng não hay giọng bụng nữa. Trong một bài nhạc nếu kết hợp hoà quyện nhiều tone giọng thì cũng sẽ hay hơn. Autotune cũng thế, nó cũng có các giọng tune khác nhau để nghệ sĩ có thể lựa chọn sao cho phù hợp. Khi làm việc trong studio, tôi có thói quen thu live vocal trong một lần vì đó là lúc cảm xúc dồi dào nhất. Vậy nên tôi thường sẽ đóng tune nguyên cả bài. Nếu có một lớp autotune bên trên thì mình sẽ không cần phải lo lắng về việc sai tone các thứ. Không phải làm như thế là lười đâu, mà từ cái đấy tôi có thể tự do feel thêm nữa. Tôi nghĩ rằng bây giờ các ca sĩ muốn thoải mái feel theo kiểu autotune có lẽ sẽ rất khó bởi họ đã quá quen với chất giọng bình thường rồi. Những ngày đầu tiên tôi cũng từng đóng tune đến mức tối đa khiến giọng hát nghe như máy. Tuy nhiên việc này cũng có cái hay riêng, sau này biết cách tiết chế lại thì âm thanh trở nên mượt mà hơn.
LOPE PHAM: Ở nước ngoài, các ca sĩ như Ariana Grande hay Justin Bieber vẫn thường sử dụng autotune để hát đúng tone, kĩ thuật này cũng giúp cho giọng hát của họ trong hơn, sạch hơn và chuẩn hơn. Tôi chắc chắn rằng trong quá trình thu âm sẽ có điểm lệch, sẽ có rất ít người có thể hát đúng khi đứng trong phòng thu mà không cần phải trải qua khâu chỉnh sửa, mixing hay melodize. Một điều thú vị khác có lẽ nhiều người không biết đó là giọng hát cũng được xem như một loại nhạc cụ. Ví dụ trong một bản nhạc, ngoài vocal chính thì còn bao gồm phần ad-libs hay bè phối. Chúng kết hợp với autotune và nhiều yếu tố khác để góp phần vào việc biến giọng hát thành một loại nhạc cụ.
Âm nhạc cũng giống như công việc, mỗi người sẽ có những nguyên tắc riêng. Đối với MCK cũng như LOPE PHAM, cả hai có nguyên tắc nào trong việc làm nhạc?
MCK: Nguyên tắc của chúng tôi là không theo số đông.
LOPE PHAM: Bên cạnh đó là sự bình tĩnh. Bởi vì để làm nên một sản phẩm âm nhạc cần rất nhiều thời gian. Không chỉ xoay quanh mỗi việc sáng tác hay sản xuất mà còn có thêm nhiều giai đoạn. Nhưng quan trọng nhất vẫn là phần âm nhạc chứ tôi chưa nói đến phần hình hay các yếu tố khác. Âm nhạc là thứ chúng tôi trau chuốt kĩ nhất. Không phải cần 1, 2 hay 3 tháng hoặc đặt ra cái deadline là xong. Nhưng vẫn phải có deadline để sản phẩm đó đỡ bị “chôn”.
“Nhạc không đi theo số đông nhưng cuối cùng nó là nhạc của số đông”, câu này có đúng không với trường hợp của hai bạn không?
MCK: Nghe hay đấy nhưng tại sao lại như thế nhỉ? Chắc vì cảm thấy tự tin với cái sức hút riêng của mình hoặc bản thân có nét chấm phá đặc biệt gì đó chăng? Tự mình còn tấm tắc mà.
LOPE PHAM: Giống như mỗi lần soi gương liền mình cảm thấy đẹp trai thế! (cười).
Xem những video performances MCK hát “Chìm Sâu” trên mạng thấy khán giả hát theo rất nhiều. Cảm giác lúc đó như thế nào? Đã cảm nhận được hai chữ thăng hoa trên sân khấu chưa?
MCK: Thú thật là lúc ấy tai đang đeo monitor nên tôi chỉ nghe thấy mỗi beat nhạc chứ không nghe mọi người hát gì cả. Đèn sân khấu cũng rọi thẳng vào mặt nên cũng chẳng nhìn thấy gì luôn. Đến khi về nhà xem lại video thì mới nhận ra rằng khoảnh khắc ấy tuyệt vời thế nào. Dã man thật chứ! Những hình ảnh như thế khiến tôi có chút sung sướng vì âm nhạc của mình đã được khán giả đón nhận nhiều hơn. Từ đó cũng có thêm nhiều fan. Nhưng mà càng nhiều fan thì lại càng nhiều antifan đúng không? (cười).
Nghĩ theo một hướng tích cực thì antifan cũng là cách để tự phản chiếu bản thân. Nếu người ta chê bai điều gì đến mức cảm thấy bị xúc phạm, tức là mình đang thiếu sót ở phần đó và cần phải cải thiện thêm. Người ta nói điều nguy hiểm nhất để giết chết một tài năng chính là những lời khen mà. Bởi vậy chúng tôi không thích những lời khen mà chỉ mong được chê thôi. Thậm chí còn xin khán giả hãy chê đi, hãy tìm ra một điểm để chê đi.
Hình như MCK bây giờ cứ ra bài nào hit bài đó nhỉ?
MCK: Tôi còn nhiều ca khúc lắm nên Billboard Việt Nam cứ chuẩn bị sẵn sàng để đưa tin đi. Sáng tác tôi cảm thấy tâm đắc nhất vẫn còn chưa ra mắt cơ mà. Hiện tại trên Soundcloud của tôi có khoảng 58 track đã được đăng công khai. Ngoài ra còn 280 track demo vẫn còn giữ bí mật. Chừng đó là còn ít đấy. Tôi nghĩ nhiều producer khác còn có con số “điên” hơn.
Trong một bài phỏng vấn gần đây cùng Billboard Việt Nam, nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh có một băn khoăn là: “Rapper trẻ bây giờ có nhiều bạn giỏi. Tôi thấy mấy bạn nhiều ý tưởng lắm, ca từ không bị giới hạn câu chữ gì hết, không biết mấy bạn lấy đâu ra lời phong phú vậy luôn”.
MCK: Chắc do chúng tôi được tiếp xúc với internet nhiều và nó đóng vai trò khá lớn trong công việc sáng tạo của cả tôi và LOPE về sau này. Internet giúp chúng tôi biết được những thứ ở ngoài kia để tiếp cận với kiến thức, biết đến nhiều người và nhiều sản phẩm hơn để học hỏi. Một bể kiến thức trên đấy luôn. Cơ bản là sau khi tiếp xúc mình phải học được cách chọn lọc bởi vì có quá nhiều thứ nên không thể tiếp thu hết. Trong đó sẽ có cả rác và trong rác sẽ có vàng. Phải sàng lọc làm sao để lấy được cục vàng giữa một khối lượng rác ít nhất chứ không phải nhận cả một bể rác lớn chỉ để thu về mỗi một cục vàng duy nhất. Thế thì lỗ rồi.
Chúng tôi còn thích xem những cái mới. Lúc nào sang nhà nhau cũng xem hôm nay có gì mới mẻ hay không? Đến thời điểm hiện tại hai đứa đã nghe hết tất cả các bài nhạc mới nhất rồi, đến mức cảm giác không còn gì để nghe nữa và đang chờ đợi những sản phẩm tiếp theo thôi. Nói thật là hai đứa không thể nào cứ nghe đi nghe lại một playlist trong bao nhiêu năm đó được, rất nhàm chán nên phải đi tìm những cái mới để nghe hay những chất liệu mới để học. Bảng xếp hạng chúng tôi cũng cập nhật hết. Vị trí thứ bao nhiêu đều nắm hết đấy!
Thế cả hai có nắm bắt được tệp fan của mình không?
MCK: Chúng tôi không để ý nhiều đến vấn đề đó.
Vậy thì mình đâu thể nào biết fan thích điều gì hay thích nghe gì?
MCK: Quan trọng là bản thân mình thích cái gì, muốn đưa sản phẩm gì ra thị trường hoặc muốn thị trường tiêu thụ cái gì? Nếu làm theo ý người khác thì nghệ thuật ấy đâu phải của mình nữa. Nghệ sĩ chúng tôi cũng giống như những người đầu bếp vậy. Mỗi ngày sẽ tạo nên một món ăn khác nhau để phục vụ khách hàng sau đó hỏi rằng “hôm nay bạn có thích món chúng tôi nấu không?”. Bạn không thích nhưng lại có người khác thích. Ngày mai chúng tôi làm món mới, người khác kia không thích còn bạn lại thích. Đó là lý do tại sao tôi và LOPE không muốn giới hạn mình vào một thể loại âm nhạc cụ thể nào. Biết đâu sau này còn có cả ca trù nữa thì sao? Chẳng ai có thể biết được. Âm nhạc là âm nhạc, đừng cố gắng phân loại.
Một đầu bếp phải ngày càng lên tay thì mới nấu được những món ngon hơn. Vậy khi làm một bài nhạc mới, làm sao để biết rằng nó đã hay hơn, chất lượng hơn sản phẩm trước?
MCK: Ở một giai đoạn nào đó, ta có thể thấy bài hát này rất hay. Nhưng chỉ một tháng sau tự dưng lại cảm thấy bình thường, lúc đó mới bắt đầu đi tìm kiếm một tác phẩm khác hay hơn. Con người cũng thế. Hiện tại đang say mê người này thì sẽ thấy họ thật đẹp. Tuy nhiên chỉ vài tháng sau, khi không còn thích nữa thì dễ dàng nhìn ra tật xấu của người ta.
Điều tuyệt vời nhất trong nghệ thuật chính là cảm xúc. Khi muốn tác phẩm của mình hay hơn thì phải học cách kiểm soát cảm xúc để truyền tải cho người đối diện một cách hợp lý nhất. Từ đó bản thân cũng sẽ tinh thông hơn trong việc viết nhạc. Kỹ thuật là thứ có thể phát triển được còn cảm xúc thì vẫn luôn là cảm xúc mà thôi. Tôi thấy những nhà viết nhạc đỉnh nhất thường là những người có cuộc sống bất hạnh nhất. Bởi không ai có thể miêu tả lại một trạng thái cảm xúc nào đó nếu chưa từng trải qua.
Sau nhiều sản phẩm âm nhạc thành công và chạm đến nhiều khán giả, bây giờ có thể gọi MCK là một hit maker của tương lai không?
MCK: Không có gì là chắc chắn nhưng tôi sẽ cố gắng. Nếu MCK là hit maker của tương lai thì chứng tỏ suy nghĩ của tôi phù hợp với giới trẻ và kể cả những khán giả lớn tuổi. Điều đó cho thấy con đường tôi đang đi là đúng. Thì cứ đi thôi, để xem nó đến đâu.
Âm nhạc của MCK đã tiếp cận tới những khán giả lớn tuổi nhiều chưa?
MCK: Tôi từng gặp nhiều khán giả lớn tuổi trong các show diễn. Họ thậm chí còn nhắn tin cho tôi. Từng có ông bác đi uống bia say khướt rồi quay clip hát bài của tôi sau đó gửi sang cho tôi. Hôm nọ tôi và LOPE đang ngồi ăn cơm tấm thì có một chú lớn tuổi khác nhìn thấy rồi kêu lên “MCK! MCK này!”. Chú còn đứng gọi điện cho vợ mình nữa. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì âm nhạc của mình có thể đến tai cả những người lớn.
Còn antifan thì sao, có bình luận nào mà MCK nhớ nhất?
MCK: Sau cuộc thi “Rap Việt” là thời điểm tôi nhận nhiều lời chê bai nhất. Họ nói nhiều thứ lắm, về gương mặt và cả cơ thể. Tôi cũng là con người nên thiếu sót là điều không tránh khỏi. Những bình luận ấy khiến tôi chẳng còn tin vào bản thân mình nhiều nữa. Ban đầu mệt chứ, cũng trách móc vì không ngờ người ta có thể buông ra những câu dã man như thế. Sau cùng tôi nhận ra điều quan trọng nhất là phải chấp nhận được thì mới có thể thay đổi. Cơ thể này, tư duy này là bố mẹ và thượng đế ban cho nên việc gì phải vì những cái lời chê ấy mà đánh mất đi sự tự tin. Tôi đã mất một năm để vượt qua. Nói chung là cũng xứng đáng.
Sau khoảng thời gian đó thì góc nhìn của MCK chắc ít nhiều cũng đã thay đổi?
MCK: Đúng vậy. Sau một khoảng thời gian phản ứng dữ dội với dư luận thì tôi phát hiện điều mình nhận lại không chỉ là sự tiêu cực của bản thân mà còn đến từ mọi người nữa. Nó đã nhân 3, nhân 4 lên và khiến tôi không thể tập trung làm những thứ đáng lẽ ra phải làm. Năng lượng tiêu cực cũng như một món quà vậy. Tặng đi mà người ta không nhận thì phải chấp nhận món quà ấy trở lại là của mình thôi. Còn nếu không chấp nhận năng lượng tiêu cực thì đương nhiên nó sẽ không ảnh hưởng đến mình.
“Tại Vì Sao” đã mang về những thành công nhất định, vậy dự định sắp tới của MCK là gì?
MCK: Đầu tiên là tôi phải thuê được nhà đã. Hiện tại vẫn chưa có nhà nên đang ở nhà của LOPE. Nhà còn không có tủ lạnh chẳng khác gì sinh viên năm nhất. Chính vì cái lý tưởng tự do mà chúng tôi mới phải chịu cảnh như thế này. À không là tận hưởng nhé (cười). Đói cũng được, nghèo cũng được nhưng cảm thấy vui vì đã làm đúng, đúng với bản thân và cả những người yêu thương, tôn trọng mình.
Còn nhớ trong một cuộc phỏng vấn, MCK từng bày tỏ rằng “muốn Hà Nội trở thành cái nôi của Rap Việt”?
MCK: Tôi rất muốn biến vùng đất mình sinh ra trở thành một nơi đáng sống với nhiều góc nhìn tích cực về cộng đồng Hip-hop. Tính đến nay đã hơn 2 tháng kể từ tôi vào TP.HCM. Ban đầu vốn chỉ lên kế hoạch vào khoảng 3 tháng để làm xong album thôi. Tôi dự định sống thử trong này thêm một thời gian để nghiên cứu xem vì sao đời sống Hip-hop cũng như ngành giải trí ở đây lại phát triển đến thế. Sau đó sẽ thu thập những mô hình để mang về Hà Nội áp dụng xem có phù hợp hay không.
LOPE PHAM: Chúng tôi muốn làm rất nhiều điều cho Hà Nội để mọi người biết đây không chỉ là Thủ đô mà còn là nơi giao thoa nhiều văn hóa khác nhau. Những nét văn hoá ấy đã ảnh hưởng đến chúng tôi khá nhiều.
Chiếc album ấp ủ cũng lâu phết đấy. Đã đến giai đoạn nào rồi?
LOPE PHAM: Tôi chỉ mới tham gia sản xuất album này khoảng một năm nay. Vào việc một cái là mọi thứ bắt đầu càng đi càng xa hơn lúc ban đầu. Mải mê làm tới lúc gần xong thì lại thêm thắt một tí này hay một tí kia. Kết quả là nó lại đi xa thêm chút nữa. Do chúng tôi muốn như thế, bởi không thể nào tung ra một sản phẩm mà chưa cảm thấy yên tâm hay tự tin với nó. Vậy nên mong mọi người cũng kiên nhẫn một chút. Album đầu tiên thì phải thật xứng đáng vì cái chữ “đầu tiên” giá trị lắm!
Sẽ là những album vật lý chứ?
MCK: Cũng có thể đấy, ngoài ra thì bí mật. Sẽ có nhiều phần quà đón đợi các quý vị độc giả.
Cảm ơn MCK và LOPE PHAM về cuộc trò chuyện này.