Ly hôn tuổi trung niên: Vượt qua định kiến để sống hạnh phúc cuối đời

“Ly hôn xám” là cách gọi những cuộc hôn nhân không trọn của các cặp vợ chồng ở tuổi xế chiều. Đằng sau những sự thật đau lòng mà chỉ người trong cuộc mới hiểu, có những người đã mạnh mẽ vượt qua định kiến khắt khe nhất của xã hội.

Những cuộc ly hôn “muộn”

Không ít những cuộc hôn nhân “tuổi hoa râm” gây xôn xao trong cộng đồng mạng. Trường hợp của ông Phùng Văn Pha, ở Hà Nội đã làm cư dân mạng bàn tán xôn xao. Ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Liên được 48 năm nhưng không có hạnh phúc. Ông nhiều lần bị bà Liên “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, không cho dùng điện thoại, xe máy, cắt điện trong nhà. Ông phải lắp công tơ riêng. Trong phiên tòa xử ly hôn ở Sóc Sơn, bà Liên ngoài 70 tuổi chỉ tay vào chủ tọa và luật sư, hét lên: “Các người phá vỡ hạnh phúc gia đình tôi”. Nhưng ngay lập tức, ông Pha phản bác: “Có hạnh phúc đâu mà phá”. Ông Pha kể: “Bà ấy còn chở két sắt của tôi đi phá, lấy giấy khai sinh, giấy xuất ngũ, giấy thu hồi ruộng đất của tôi hòng chiếm tài sản”. Suốt 48 năm, ông Pha luôn trong nỗi sợ bị vợ đánh trong lúc ngủ. Ông tâm sự với luật sư, đôi mắt có lúc rớm nước: “Tôi nơm nớp lo sợ đang ngủ bị bà ấy đánh. Hay nhỡ khi ốm đau, không còn minh mẫn bị lấy hết tài sản thì tôi sống làm sao”.

Nguyên nhân cho những sự nín nhịn đó là vì 2 cô con gái. Khi con còn nhỏ, ông muốn con có đủ bố mẹ. Khi con trưởng thành, đã xây dựng gia đình riêng thì ông không dám ly hôn vì sợ nhà thông gia chê cười. Ông bà sống ly thân 5 năm nhưng không tránh khỏi những bạo hành từ thể chất đến tinh thần từ vợ. Sau lần bị phá két sắt, ông quyết định ly hôn, chấm dứt quãng thời gian dài chịu đựng. Về phần bà Liên, bà không đồng ý nên nhiều lần cáo bệnh không ra tòa, không ký các giấy tờ.

Hội đồng xét xử nhận định: “Sau khi kết hôn, cuộc sống của ông Pha và bà Liên phát sinh mâu thuẫn, không có hạnh phúc, vợ chồng sống ly thân nhiều năm. Mâu thuẫn trở nên đỉnh điểm khi bà Liên cắt nguồn điện không cho ông Pha sử dụng. Tòa đã hòa giải nhiều lần nhưng tình cảm vợ chồng không được cải thiện và bà Liên cũng không đưa ra được giải pháp cải thiện quan hệ vợ chồng nên quyết định xử ly hôn”.

Vì gia đình, vì con cái, nhiều cặp vợ chồng vẫn hằng ngày nhịn nhục lẫn nhau. Khi con cái đến tuổi trưởng thành, dựng vợ, gả chồng xong xuôi nhưng đâu phải là hết, nhiều cặp vợ chồng muốn buông tay nhau cũng không đủ can đảm bởi họ sợ hàng xóm cười chê, sợ sui gia đánh giá. Kéo dài cuộc hôn nhân từ lâu đã nguội lạnh tình cảm, sống với nhau cho đẹp lòng thiên hạ, người trong cuộc muốn bước ra khỏi đó cũng thấy muôn vàn khó khăn.

Cuộc sống của hầu hết các cặp vợ chồng ở tuổi trung niên rơi vào một cảnh chung: Sự tương tác giữa hai người được “tiêu chuẩn hóa” – quanh quẩn những câu hỏi như ăn gì, làm gì…, cuộc đối thoại giữa hai phía diễn ra nhàm chán và tẻ nhạt. Thêm vào đó, khoảng cách tinh thần càng bị nới rộng do mâu thuẫn về sở thích, thói quen. Nếu thời trẻ vợ chồng cố gắng chịu đựng, nhẫn nhịn nhau thì khi bước vào tuổi trung niên, họ có xu hướng “bùng nổ”, dẫn đến kết cục chọn lựa ly hôn. Chưa hết, “chất keo dính” của hôn nhân là con cái lúc này cũng không còn khi các con đã lớn và chuyển ra ngoài sống, cha mẹ mất đi mối quan tâm chung, dễ dẫn đến sự xa cách.

Phó Giáo sư Tạ Văn Nghi thuộc khoa Nghiên cứu Gia đình tại Đại học Shih Chien, Đài Loan cho rằng sự yên ổn trong hôn nhân là “con dao hai lưỡi”. “Khi vợ chồng gắn bó với nhau một thời gian dài, sự quen thuộc của đối tác sẽ mang lại cảm giác an toàn và ổn định cho mối quan hệ. Nhưng theo thời gian, nếu những tương tác giữa hai phía trở thành một thói quen nhàm chán, cả hai mất hứng thú với nhau, thậm chí không còn tranh luận thì hãy cẩn thận, mối quan hệ của hai bạn có thể rơi vào “vùng chết”, Phó Giáo sư nói.

“Cởi trói” cho chính mình

Ly hôn ở tuổi xế chiều chắc chắn không phải là một quyết định dễ dàng. Không chỉ đối mặt với định kiến xã hội, người vợ/chồng đều trải qua rất nhiều cảm xúc khó khăn, mâu thuẫn nội tại trong hoàn cảnh đó. Yếu tố tài sản không phải lúc nào cũng là “động lực” để các cặp vợ chồng quyết định “đường ai nấy đi” khi tuổi đã xế chiều. Nhiều cặp vợ chồng không hạnh phúc từ thời trẻ nhưng vẫn cố sống với nhau để không ảnh hưởng đến sự nghiệp, con cái. Họ chờ tới lúc con cái trưởng thành và bản thân đã nghỉ hưu để “cởi trói” cho mình.

Theo ông Phạm Quang Nhuận – Chánh án Tòa án nhân dân TX Ngã Năm (Sóc Trăng), án hôn nhân gia đình trên địa bàn rơi nhiều vào độ tuổi từ 20 – 35. Việc ly hôn ở độ tuổi trên 50 không nhiều (chiếm không quá 10% lượng án hôn nhân gia đình), thường liên quan đến việc phân chia tài sản và phụ nữ thường là nguyên đơn. Những năm gần đây, có dấu hiệu tăng số lượng các cặp vợ chồng lớn tuổi (trên 50) muốn ra tòa ly hôn. Nguyên nhân do nhận thức về mặt tinh thần, do dân chủ trong đời sống hôn nhân ngày càng thoáng hơn và tính cách độc lập của cá nhân, sự phát triển kinh tế, công việc, môi trường làm việc mới… Họ xác định rằng không còn tình cảm nữa thì cũng không muốn liên quan gì đến người dù đã chung sống với nhau gần suốt cuộc đời. Khi thụ lý vụ việc, tòa án luôn làm đúng thủ tục, trách nhiệm, không phân biệt tuổi nào, giới nào. Ly hôn dù ở tuổi nào cũng liên quan, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, con cái, xã hội nên hòa giải là khâu rất quan trọng để hai bên bình tâm nhìn nhận lại mối quan hệ của mình. Tuy nhiên, hầu như các án hôn nhân gia đình ở độ tuổi 50 trở lên khó lòng hòa giải đoàn tụ, vì phần lớn họ ly thân nhiều năm trước khi quyết định ly hôn.

Mặt khác, quyết định ly hôn tuổi xế chiều, nhiều người cũng tự tìm thấy những niềm hạnh phúc ở chặng cuối đời. Điển hình, không thể kham nổi tình cảnh phải làm việc nhà một mình suốt đời, bà Dung (quê Thái Bình) đã ly hôn chồng. Sống trong một viện dưỡng lão ở Hà Đông (Hà Nội) gần 2 năm, bà Lưu Thị Dung vẫn giữ được nếp sinh hoạt như trước. Cứ 4h30′ sáng bà dậy tập trường sinh dưỡng lão. Đến 7h, bà đã vận động cơ thể và ăn sáng xong xuôi. Căn phòng ở trên tầng 3 được bà dọn sạch đến mức cảm tưởng như không có hạt bụi nào. Ở tuổi 88, bà Dung khỏe mạnh, minh mẫn và là trường hợp hiếm hoi ở đây tự chăm sóc được cho bản thân. “Chỉ hôm nào trời lạnh quá thì tôi mới nhờ các cháu giặt giúp quần áo, còn bình thường tôi tự phục vụ hết”, bà nói.

Người xung quanh thấy bà là một người ngăn nắp, lạc quan, tích cực tham gia mọi hoạt động trung tâm tổ chức. Ít ai biết, bà có hoàn cảnh đến viện dưỡng lão chẳng giống ai. Thời trẻ bà Dung công tác trong một cơ quan nhà nước tại thành phố Thái Bình. Tuổi đôi mươi bà kết hôn với một người đồng nghiệp (đã qua một đời vợ), tuy nhiên vợ chồng bà không có con. Không chấp nhận được tình cảnh phải gánh vác việc nhà quá nhiều nên bà từng muốn chia tay vào các năm 1985, 1992. Song, thời điểm đó, gia đình can ngăn nên bà đành chấp nhận sống tiếp.

Lẽ thường, càng về già người ta càng mong có vợ, có chồng để nương tựa. Tuy nhiên, đến lúc này tuổi già, sức yếu, không nhận được sự đỡ đần hay chia sẻ, bà Dung không thể tiếp tục chịu đựng nữa. “Mấy năm nay tôi bị đau lưng, nhiều bữa không thể đứng dậy được. Tôi muốn thuê người giúp việc nhưng ông ấy nhất quyết không chịu. Nhiều bữa tôi vừa nấu cơm, vừa đau lưng ứa nước mắt”, bà kể. Bà kể những lúc đau ốm ấy, muốn nhờ chồng cắm giúp nồi cơm, rửa giúp cái bát nhưng đều không được. “Nghĩa vợ chồng sống với nhau hơn 60 năm mà như người dưng, mình hy sinh cho người ta, chứ chưa từng được đáp lại”, bà Dung nói. Ly hôn ở độ bên kia sườn dốc cuộc đời, bà đã can đảm vượt qua định kiến xã hội, ánh mắt của những người xunh quanh thay đổi, thậm chí có người nói bà “già còn đổ đốn”, “hồi xuân”… Ngay đến cả những người thân cũng khuyên bà hòa giải vì “đầu hai thứ tóc còn kéo nhau ra tòa làm trò cười cho thiên hạ”. Tháng 9/2014, bà Dung quyết định đệ đơn ra tòa. Sau gần hai năm giải quyết các thủ tục pháp lý, nhờ sự trợ giúp của các cháu, bà mới được giải thoát khỏi cuộc hôn nhân.

Câu chuyện ly hôn tuổi trung niên dù vấp phải những định kiến khắt khe, nhưng chỉ những người trong cuộc mới hiểu niềm hạnh phúc đến với họ khi được giải thoát khỏi cuộc hôn nhân ác mộng.

Thái Ngân