Lý giải ý nghĩa đặc biệt của bữa cơm sum vầy gia đình ngày Tết

Vương Trần

  –  

Chủ nhật, 14/02/2021 15:57 (GMT+7)

Bữa cơm ngày Tết có ý nghĩa đặc biệt trong mỗi gia đình người Việt, đó là bữa cơm của sự sum vầy, của hi vọng khởi đầu một năm mới, đó cũng là bữa cơm để tỏ lòng thành kính dâng tới tổ tiên.

Lý giải ý nghĩa đặc biệt của bữa cơm sum vầy gia đình ngày Tết
Theo nhà nghiên cứu văn hoá TS Nguyễn Ánh Hồng, bữa cơm ngày Tết có ý nghĩa đặc biệt trong mỗi gia đình người Việt. Ảnh T.Vương

Ngày Tết với mâm cao cỗ đầy, món ngon vật lạ… có lẽ đã trở thành một thói quen, một sự mặc định trong đời sống của nhiều gia đình người Việt. No đủ trong ba ngày Tết với đời sống người Việt có lẽ không chỉ là ăn lấy no, lấy ngon mà còn có ý nghĩa về một sự sung túc, may mắn cả năm. Cũng chính vì thế mà trước đây người ta có thể túng thiếu cả năm nhưng ba ngày Tết cũng phải cố gắng để có được bữa Tết ấm no.

Không những thế, bữa cơm ngày Tết của người Việt còn có một ý nghĩa rất đặc biệt – đó là bữa cơm kết nối các thành viên trong gia đình, trao gửi những điều tốt đẹp nhất, cùng nhìn lại một năm đã qua và hướng về năm mới với tràn đầy hi vọng.

Trao đổi với PV Lao Động, nhà nghiên cứu văn hoá – TS Nguyễn Ánh Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, trong văn hoá truyền thống, từ lâu, bữa cơm ngày Tết đã trở thành bữa cơm đoàn viên, là dịp mà ông bà, cha mẹ, con cháu cùng quây quần bên mâm cơm gia đình ấm áp. Bữa cơm ngày Tết càng trở nên đặc biệt, hạnh phúc và ấm cúng hơn sau một năm bôn ba, nhất là những người con xa xứ.

“Bữa cơm ngày Tết không chỉ là dịp để các thành viên trong gia đình có dịp ngồi lại với nhau. Đó là còn bữa cơm mang giá trị tinh thần và nhân văn vô cùng sâu sắc. Người Việt rất coi trọng những bữa cơm ngày Tết, bữa cơm đoàn viên – bởi đây là khoảnh khắc đáng trân trọng nhất trong cả năm dài và cũng là khởi đầu cho một năm mới” – TS Nguyễn Ánh Hồng nói.

Cũng theo TS Nguyễn Ánh Hồng, dù có thiếu thốn cỡ nào thì người người, nhà nhà đều cố gắng chuẩn bị một mâm cơm ngày Tết đủ đầy để cầu mong năm mới được no đủ, sum vầy hơn nữa. Tùy vào phong tục của từng vùng miền, bữa cơm ngày Tết của mỗi gia đình sẽ rất khác. Song nhìn chung, không thể thiếu các món ăn quen thuộc như bánh chưng, bánh tét, thịt đông, giò thủ, gà luộc, xôi đậu, dưa hành, chả lụa, cảnh khổ qua dồn thịt…

“Mâm cơm ngày Tết luôn thịnh soạn hơn bình thường vì Tết là thời điểm bắt đầu một năm mới với thật nhiều ước mong sung túc, đủ đầy. Ngày thường có đơn giản, thiếu thốn như thế nào nhưng Tết thì phải đủ đầy, trước hết để thể hiện lòng thành kính dâng cúng ông bà tổ tiên.

Các con cháu cùng tụ hội về nhà để tưởng nhớ đến các thế hệ trước, cùng dọn ra mâm cúng và mời ông bà tổ tiên về chung vui với con cháu trong dịp Tết đến, xuân về đã trở thành một nét đẹp trong truyền thống văn hoá, trong đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của mỗi gia đình Việt” – TS Nguyễn Ánh Hồng nói và cho rằng, đó cũng chính là lý do vì sao mà bữa cơm ngày Tết đã để lại nhiều cảm xúc khó quên trong mỗi người con đất Việt.

Mâm cơm ngày Tết là một bữa cơm đặc biệt, là nơi chúng ta đều hướng về, là tình thân và là những lời chúc tốt đẹp cho một năm: “Vạn sự như ý/ An khang thịnh vượng”.