Lương nhà nước đang “thua” lương doanh nghiệp thế nào?
So với khối doanh nghiệp, lương cán bộ, công chức, viên chức trong khu vực nhà nước xưa nay vẫn được coi là thấp hơn. Sự chênh lệch này đang diễn ra như thế nào?
So sánh lương nhà nước và lương doanh nghiệp
Hiện nay, mức lương của cán bộ, công chức, viên chức được tính theo công thức: Lương cơ sở x Hệ số lương. Trong đó, lương cơ sở đang là 1,39 triệu đồng/tháng; từ ngày 17/2019 sẽ tăng lên 1,49 triệu đồng/tháng (theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP).
Mức lương của người lao động trong doanh nghiệp được tính theo nguyên tắc không thấp hơn lương tối thiểu vùng, nếu đã qua đào tạo, học nghề thì cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng (theo Nghị định 72/2018/NĐ-CP).
Cùng làm một phép so sánh đơn giản như sau:
Anh A và anh B cùng tốt nghiệp đại học X, cùng sinh sống và làm việc tại một quận trên địa bàn TP. Hà Nội.
– Anh A làm việc trong một cơ quan nhà nước, hệ số lương 2,34
Mức lương A đang được nhận là 2,34 x 1,39 triệu đồng = 3,25 triệu đồng/tháng
Từ ngày 1/7/2019, mức lương của anh A là 2,34 x 1,49 triệu đồng = 3,48 triệu đồng/tháng.
– Anh B làm việc trong doanh nghiệp thuộc địa bàn một quận của Hà Nội, tức thuộc vùng 1.
Mức lương tối thiểu mà anh B nhận được là 4,18 triệu đồng/tháng.
Do tốt nghiệp đại học, nêu mức lương của anh cao hơn ít nhất 7%, tức là: 4,47 triệu đồng/tháng.
Đối chiếu mức lương của anh A và B, có thể thấy sự chênh lệch rõ ràng về mức lương của một người làm việc trong khối nhà nước và một người trong khối doanh nghiệp (chênh gần 1 triệu đồng/tháng)
Đáng chú ý, mức lương trong khối doanh nghiệp nêu trên chỉ là mức lương thấp nhất, trên thực tế, các doanh nghiệp trả lương cao hơn rất nhiều, phụ thuộc trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và khả năng làm việc của người lao động.
Khoảng cách lương nhà nước và lương doanh nghiệp đang còn khá xa (Ảnh minh họa)
Khi nào lương nhà nước “đuổi kịp” lương doanh nghiệp?
Theo lộ trình được thể hiện trong Đề án cải cách tiền lương đã được Hội nghị Trung ương 7 thông qua, đến năm 2021, mức lương khu vực nhà nước sẽ bằng với lương bình quân trong khối doanh nghiệp.
Cụ thể như sau,
– Từ năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp
– Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp
– Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.
Trên đây là thông tin so sánh lương nhà nước và lương doanh nghiệp. Với lộ trình tăng lương như nêu trên, hy vọng mức lương mới của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được điều chỉnh tăng lên để đáp ứng nhu cầu sống cơ bản.
Hiện nay, toàn bộ thông tin về chế độ tiền lương, phụ cấp của cán bộ, công chức được LuatVietnam cập nhật tại đây.
Lan Vũ