‘Lương bác sĩ mới ra trường không nổi hai triệu đồng’

‘Sau chín tháng thử việc với mức lương chưa tới hai triệu đồng, tôi được nhận vào làm chính thức, lương hơn ba triệu đồng, phụ cấp chỉ hứa suông’.

Chỉ tính riêng quý I năm nay tại TP HCM, 400 nhân viên bệnh viện công và các trạm y tế của TP HCM nghỉ việc – bằng tổng số người nghỉ việc trung bình mỗi năm – trước đại dịch. Năm 2021 ngành y tế thành phố có số người nghỉ việc tăng đột biến là 1.154. Hàng nghìn nhân viên bệnh viện công ở TP HCM chuyển sang hệ thống y tế tư cũng khiến cơ hội tiếp cận y bác sĩ giỏi của phần lớn người dân có nguy cơ bị tước đoạt.

Độc giả Ngô Hữu Phước lấy dẫn chứng từ chính câu chuyện của bản thân: “Tôi hiện là một bác sĩ Y học dự phòng đang công tác tại CDC một tỉnh phía Nam. Lúc tôi vào làm là tháng 6/2021, nhận mức lương chưa tới hai triệu đồng một tháng (0.85×2.34) và không có phụ cấp suốt chín tháng. Tôi thuộc khoa Phòng chống dịch bệnh và tận tụy làm việc suốt thời gian mùa dịch, không than trách một lời vì biết mình giúp ích được cho xã hội.

Thế rồi, qua dịch, đến tháng 3/2022, tôi bắt đầu được vào chính thức. Nhưng đến nay, tới tháng 6/2022, quyết định phụ cấp của tôi vẫn chưa có. Như vậy, mỗi tháng, tôi chỉ nhận được mức lương vỏn vẹn hơn ba triệu đồng (2.34×1.490). Thật sự, tôi rất buồn vì công sức phấn đấu của bản thân không được đền đáp. Tôi nghe thông tin, đến tháng bảy này vẫn chưa có phụ cấp và thậm chí cơ quan có thể không có tiền để chi trả lương. Đối với một bác sĩ trẻ như tôi, thật sự rất chán nản vói nghề”.

Đồng quan điểm, bạn đọc Bách chia sẻ với nỗi trăn trở mức lương của y bác sĩ viện công: “Tôi có đứa cháu làm trưởng khoa ở một bệnh viên công loại trung bình của Hà Nội, đã bỏ ra ngoài làm bệnh viện tư với mức lương cứng 80 triệu đồng một tháng sau thuế. Ra làm bệnh viện tư, cháu chỉ cần tập trung chuyên môn, những thứ khác đã có bệnh viện lo. Cháu không phải nhìn lên, chẳng phải nhìn xuống, tiền lương sạch sẽ, minh bạch.

Rõ ràng, hệ thống bệnh viện công cần phải được thay đổi nếu muốn giữ chân các bác sĩ giỏi, có đạo đức nghề nghiệp. Nếu không, người thiệt thòi cuối cùng vẫn là dân nghèo. Cái thay đổi cần thiết nhất và ngay lập tức là cơ chế bán và chi trả bảo hiểm y tế. Hiện nay, có một số gói bảo hiểm sức khỏe của bảo hiểm tư nhân chỉ cần mang hóa đơn khám chữa bệnh về là được thanh toán. Tất nhiên, những gói bảo hiểm này dân nghèo không thể tiếp cận được”.

>> Lương bác sĩ ‘người đói, kẻ no’

Với mức lương không đủ trang trải cuộc sống, độc giả MiMo Sasa không lạ khi đội ngũ nhân viên y tế lần lượt kéo nhau rời khỏi hệ thống bệnh viện công: “Áp lực của nhân viên y tế bây giờ không những chỉ là công việc, mà còn là gánh nặng tiền bạc. Trước đây, lương thấp nhưng công việc của bác sĩ vừa phải nên người ta lựa chọn ở lại là vì có thời gian chăm sóc gia đình. Nhưng bây giờ bác sĩ phải làm đêm, làm hôm, không biết thứ bảy, chủ nhật là gì, tiền lương tính ngoài giờ thì chỉ là những lời hứa suông.

Công nhân tăng ca thứ bảy, chủ nhật còn được tính lương gấp rưỡi, gấp đôi. Nhưng nhân viên y tế thì sao? Họ thậm chí còn không được trả lương làm thêm ngoài giờ. Một bát phở đã tăng giá bao nhiêu tiền trong chục năm qua, nhưng lương y bác sĩ ở các tuyến vẫn không quá năm triệu đồng một tháng. Không có tiền, họ buộc phải mưu sinh, làm thêm, tìm công việc khác, hoặc bỏ ngành”.

Kết quả nghiên cứuTình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong Covid-19 với 2.472 nhân viên y tế trên khắp cả nước, được Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam công bố cuối năm 2021, cho thấy lương bình quân của họ ước tính 7,36 triệu đồng. Trong khi chi phí sinh hoạt bình quân ở Hà Nội, TP HCM là 10-11 triệu đồng. Với mức lương này, chỉ 19,1% nhân viên y tế cho biết có thể chi trả hoàn toàn chi phí sinh hoạt.

“Làm nghề gì cũng vậy, thu nhập là động lực để người lao động yên tâm công tác và tâm huyết với nghề. Dù yêu nghề nhưng lương tháng không đủ chi tiêu thì ai cũng phải tìm cách để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Ngành Y là ngành cao quý, những người công tác trong ngành nay, đặc biệt là các bác sĩ là những người có trình độ thực sự, điểm đầu vào Đại học hằng năm đã nói lên tất cả. Nhưng lương bác sĩ ra trường làm bệnh viện công, nếu không làm thêm ngoài, thì cũng chỉ ngang bằng thợ xây. Vì vậy, bác sĩ giỏi sau một thời gian công tác đều nhảy ra khỏi hệ thống y tế công, cũng là một điều dễ hiểu”, bạn đọc Tường nhấn mạnh.

>> ‘Lương bác sĩ Việt 20-40 triệu đồng là không thấp’

Thực trạng nhân viên y tế công lập bỏ sang bệnh viện tư làm việc đã được đề cập đến rất nhiều lần. Công đoàn Y tế đã kiến nghị ban hành các chính sách để khắc phục năm bất cập hiện tại, như: điều chỉnh lương khởi điểm của bác sĩ từ 2,34 lên 2,67; nâng mức phụ cấp 20-70% lên 100% và mở rộng nhóm người được hưởng; áp dụng thêm chính sách thâm niên nghề cho cán bộ y tế; chế độ thu hút nhân sự cho ngành; tính đủ các yếu tố cấu thành giá viện phí, để tạo thuận lợi cho các bệnh viện tự chủ hoàn toàn. Tuy nhiên, tương lai chế độ đãi ngộ cho y bác sĩ viện công vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Lê Phạm tổng hợp

>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.