Lục Hòa – Cách sống an bình giữa chốn nhân gian.
Đời sống là một sự tương giao giữa người với người, cũng như giữa con người và tự nhiên. Trong giáo lý nhà Phật có câu: “Phật pháp bất ly thế gian giác”, bởi lẽ đức Phật được sinh ra như bao người, ngài thành đạo ngay thế gian này, và dạy cho nhân loại phương pháp thoát khổ, có được bình an và hạnh phúc ngay trong cuộc đời này. Trong muôn ngàn lời giáo huấn mà đức Phật để lại, Lục Hòa được xem là một trong những pháp hành vô cùng quan trọng, mang lại sự an bình vững chắc cho từng cá nhân cũng như đoàn thể, để có được sự vững mạnh, ổn định và phát triển lâu dài. Pháp Lục Hòa không chỉ dành cho các bậc xuất gia ứng dụng thực hành trong đời sống Tăng đoàn, mà đó còn là cách “sống đẹp” dành cho tất cả mọi người, nếu chúng ta khéo léo ứng dụng pháp Lục Hòa trong mọi tổ chức từ gia đình, công sở, phạm vi quốc gia cho đến toàn nhân loại.
Lục Hòa, nói đầy đủ hơn là Lục Hòa Kính, sáu nguyên tắc chung sống của cộng đồng:
- Thân hòa đồng trú
- Khẩu hòa vô tranh
- Ý hòa đồng duyệt
- Lợi hòa đồng quân
- Giới hòa đồng tu
- Kiến hòa đồng giải
Trong kinh Nikaya, đức Phật dạy về pháp Lục hòa là pháp mà các thầy Tỳ kheo cần phải ghi nhớ để thực hành:
Có sáu pháp cần phải ghi nhớ này, này các Tỷ-kheo, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí. Thế nào là sáu?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú thân làm từ đối với các vị đồng Phạm hạnh, trước mặt lẫn sau lưng. Ðây là pháp cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú lời nói từ… ý nghĩ từ đối với các vị đồng Phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Ðây là pháp cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đối với các lợi dưỡng đúng pháp, nhận được đúng pháp, cho đến những đồ vật nhận được chỉ trong bình bát, vị ấy không phải là người không san sẻ các đồ vật nhận được như vậy, phải là người san sẻ dùng chung với các vị đồng Phạm hạnh có giới đức. Ðây là pháp cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đối với các Giới Luật không bị bể vụn, không bị sứt mẻ, không bị vết chấm, không bị uế nhiễm, đưa đến giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đi đến Thiền định, Tỷ-kheo sống thành tựu Giới Luật trong các Giới Luật ấy đối với các vị đồng Phạm hạnh, cả trước mặt lẫn sau lưng.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các tri kiến thuộc bậc Thánh, có khả năng hướng thượng, khiến người thực hành chơn chánh diệt tận khổ đau, Tỷ-kheo sống thành tựu tri kiến với các tri kiến như vậy đối với các vị đồng Phạm hạnh, cả trước mặt lẫn sau lưng.
Ðây là sáu pháp cần phải ghi nhớ, này các Tỷ-kheo, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.
(Tăng Chi Bộ Kinh, chương Sáu Pháp, phẩm Cần Phải Nhớ, bài kinh Cần Phải Nhớ 2)
Yếu tố đầu tiên để xây dựng một Tăng đoàn vững mạnh, hay một tổ chức bền vững là các thành viên cần có sự từ hòa, ái kính khi chung sống với nhau. Một điều rất rõ ràng là sự hòa không thể trên hình thức bề ngoài mà đến từ sự thật lòng, có sự quan tâm, chăm sóc bằng cả tấm chân tình, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, cùng hỗ trợ trong các công việc chung. Điều đó đã được Hòa thượng Làng Mai thi hóa bằng hình ảnh “đi như một dòng sông”. Trong một tự viện, hay ở các tổ chức, công ty, nơi làm việc… mỗi người đến từ những vùng miền khác nhau, có hoàn cảnh khác nhau, vì thế nên quan niệm, tâm tư, tình cảm, lối sống rất sai biệt. Nếu khi cùng làm việc và chung sống, chúng ta không thể có được “thân hòa cùng chung sống”, thì khó lòng để giữ cho mọi người được an. Do đó, đức Phật dạy chúng ta phải an trú thân hòa “cả trước mặt lẫn sau lưng”, không phải trước mặt vui vẻ mà tìm cách chống phá, bài xích, chê bai sau lưng người khác.
Yếu tố thứ hai để chúng ta có thể hòa được với mọi người trong một tập thể chính là lời nói. Dân gian xưa cũng đã đúc kết điều này thành câu ca dao:
Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau
Những người thường thốt lên những lời nói không đẹp thường hay tự biện hộ: “Tôi là người khẩu xà tâm Phật, miệng tuy nói vậy nhưng tâm không phải vậy”. Thật ra, trước khi miệng phát ra những lời không hay thì tâm đã hình thành những lời đó, những ngôn ngữ thô xấu, ác độc tuy không trực tiếp hại người nhưng đôi khi còn hơn cả nhát dao làm đau lòng người:
Lời nói không là dao
Mà cắt lòng đau nhói
Lời nói không là khói
Mà nghe mắt cay cay
Lời nói không là mây
Mà đưa ta xa mãi
Sao không ngồi nghĩ lại
Nói với nhau nhẹ nhàng
Để sống được trong tinh thần khẩu hòa vô tranh, chúng ta cần tránh tối đa việc tham gia vào chuyện chia bè xẻ phái, kết nhóm phân bang, đặc biệt là hạn chế tối đa chuyện nói việc của người khác khi vắng mặt họ. Là phàm phu, ai cũng có lỗi sai, ai cũng có những khi hành xử không đúng mực, nhưng nếu chúng ta đem cái sai cái xấu của người ra bàn tán là mình tự hại mình, gây chia rẽ mà mất đoàn kết. Trong các cuộc họp mặt, cũng như bàn luận… bình tĩnh và sáng suốt lắng nghe ý kiến của người khác, sống bằng tâm thông cảm và thấu hiểu, thì sẽ tránh được những mâu thuẫn không đáng có.
Thân cùng chung sống, miệng không tranh cãi, nhưng nếu tâm chúng ta không biết nghĩ cho nhau, không đồng tâm để giải quyết những vấn đề thì cũng dễ dẫn đến sự đổ vỡ, không sớm thì muộn. Bởi lẽ, thân khẩu ý như chiếc kiềng ba chân.
Một lần nọ, đức Thế Tôn đến viếng thăm ba thầy Tỷ-kheo cùng tu tập tại khu rừng Sừng Bò (Gosinga), đức Phật hỏi các thầy đã sống chung với nhau như thế nào, có được an lành không, các thầy trả lời:
Bạch Thế Tôn, chúng con nghĩ như sau: “Ta hãy từ bỏ tâm của Ta và sống thuận theo tâm của những Tôn giả này”. Bạch Thế Tôn, con từ bỏ tâm của con và sống thuận theo tâm của những Tôn giả ấy. Bạch Thế Tôn, chúng con tuy khác thân nhưng giống như đồng một tâm. Bạch Thế Tôn, như vậy chúng con sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau, như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm.
(Trung Bộ, Tiểu kinh Rừng Sừng Bò)
Điều kiện tiên quyết thứ tư để có được một sự vững chãi trong đời sống của tập thể là đạo đức, trong nhà Phật dùng từ “giới hạnh”. Trong đời sống tòng lâm, giới luật là hàng rào bảo vệ người xuất gia và Tăng đoàn, ngăn chặn những điều tội lỗi, phi pháp, đảm bảo sự thanh tịnh và hòa hợp. Ngoài thế gian, nội quy của một tổ chức cũng chính là yếu tố quan trọng để ngăn trừ những điều không tốt, đảm bảo mọi thành viên đi về nề nếp, khuôn khổ. Nội quy, giới luật hay đạo đức không cần mang tinh thần khách quan, nhu nhuyến và linh hoạt. Hàng rào là để bảo vệ chủ nhân của ngôi nhà chứ không phải để nhốt người ta trong đó. Cũng vậy, giới luật là để bảo vệ đời sống thanh tịnh và giúp ta được an lạc, hạnh phúc, không phải là những điều ràng buộc làm cho người hành trì cảm thấy khổ sở, gò bó, ngột ngạt. Đó chính là tinh thần “giới hòa đồng tu”.
Trước những khó khăn, khi có những vấn đề cần giải quyết chung, lúc này kiến hòa đồng giải là điều mà mỗi thành viên trong tổ chức hay Tăng đoàn cần phải lưu tâm. Đương nhiên, trong sở học, sở hành, tư duy của mỗi người có những điều khác biệt, cũng như trong một tổ chức hay công ty sẽ có những thành viên có những ý tưởng táo bạo, phá cách. Nhưng về nền tảng kiến thức phải là như nhau, cách nhìn và giải quyết vấn đề cần có sự hợp lý nhất định. Biết mở lòng mình để chia sẻ những kiến thức học được, cùng nhau bàn bạc và phân tích những điều chưa rõ ràng, sẵn sàng lắng nghe ý kiến của người khác… Nếu chúng ta làm được điều đó thì mọi người sẽ ngày càng hòa thuận.
Lợi hòa đồng quân trong một tập thể cần được thực hành bằng cả trái tim và khối óc. Về hình thức, những tổ chức ngoài xã hội khó có thể thực hiện được điều này. Nhu cầu của con người là vô hạn mà khả năng thì có hạn, nếu không khéo cân bằng giữa các giá trị, không có sự cân nhắc giữa việc cống hiến và khen thưởng, thì đó là sẽ là mầm mống đưa đến bất công, và ở đâu có bất công ở đó sẽ có đấu tranh, bằng hình thức này hay hình thức khác. Cách xử lý trong Tăng đoàn xưa nay là “quân Tăng”, nghĩa là sự phân chia đồng đều về mặt vật chất cho Tăng chúng. Nhưng thật sự, chúng ta phải hiểu rằng trong đại chúng sẽ có những người già yếu, những người hạ lạp cao, người bệnh, người có nhu cầu về học hành, người phải chăm lo những việc lớn nhỏ khác nhau trong đại chúng… Do đó, sự minh bạch là cần thiết, nhưng sự thấu hiểu, chia sẻ, yêu thương và biết tôn trọng lẫn nhau sẽ là những yếu tố cần và đủ để mọi người có thể giúp đỡ cho nhau một cách hợp lý, phân chia nhu phẩm hợp lý trong tinh thần thanh tịnh và hòa hợp.
Lục hòa hay sáu nguyên tắc chung sống hòa hợp và an lạc là kim chỉ nam cho tất cả đoàn thể không phân biệt Tăng đoàn hay thế gian. Hai yếu tố quan trọng khiến cho Lục Hòa trở nên vững mạnh chính là từ bi và trí tuệ. Thiếu hai điều này, Lục hòa chỉ còn là hình thức, thiếu đi nội dung. Ai trong chúng ta cũng phải tồn tại trong một tổng thể giữa mình và người, biết sống và sống đẹp là đem lại hạnh phúc cho bản thân và tha nhân. Chúng ta khéo léo ứng dụng Lục hòa vào đời sống tu tập đó là cùng hỗ trợ các bậc đồng Phạn hạnh trên bước đường giải thoát.
Ngày lạnh ở núi – Nhớ chùa xưa, 2021.
Tâm Biện