Luật thương mại quốc tế
CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC
LUẬT THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
1. Mục tiêu đào tạo
1.1 Mục tiêu chung
Chương trình của chuyên ngành Luật thương mại quốc tế được xây dựng gồm ba phần: xã hội nhân văn, pháp luật cơ sở và phần chuyên ngành chủ yếu liên quan đến luật pháp trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Trên cơ sở các môn học có tính chất định hướng kiến thức chung, sinh viên sẽ nắm bắt được các kiến thức về kinh tế – xã hội và cả kiến thức về luật pháp liên quan kinh tế mang tính chất quốc tế. Ngoài ra trong chương trình đào tạo, một phàn lớn thời lượng dành cho các lĩnh vực pháp luật Việt Nam, vì vậy sau khi ra trường sinh viên chuyên ngành Luật thương mại quốc tế có thể nắm chắc kiến thức về pháp luật Việt Nam trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
1.2 Mục tiêu cụ thể
Sinh viên chuyên ngành Luật thương mại quốc tế có thể nắm bắt được những kiến thức cơ bản về pháp luật trong lĩnh vực thương mại quốc tế, bởi vì chương trình đào tạo của chuyên ngành này dành một thời lượng khá lớn cho các môn học liên quan đến pháp luật trong lĩnh vực này. Sinh viên cũng sẽ nắm bắt được những quy định của Hiến pháp là cơ sở, nguyên tắc chung cho việc xây dựng các quy phạm pháp luật về kinh doanh thương mại khác. Nắm bắt được các quy định của các đạo luật cụ thể điều chỉnh trực tiếp các hoạt động kinh doanh đặc biệt trong lĩnh vực quốc tế.
2. Chuẩn đầu ra
2.1 Kiến thức:
Sau khi hoàn chỉnh chương trình, sinh viên sẽ hiểu biết được những đạo luật cụ thể điều chỉnh trực tiếp các hoạt động kinh doanh như Luật doanh nghiệp; Luật thương mại quốc tế; Luật đầu tư; Luật cạnh tranh, Luật phá sản …Các đạo luật khác có quan hệ điều chỉnh gián tiếp các hoạt động kinh doanh như Luật dân sự; Luật sở hữu trí tuệ; Luật đất đai; Luật môi trường; Luật thuế; Luật lao động …Các Nghị quyết của Quốc hội; các Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội; các văn bản dưới luật về kinh tế.
2.2 Kỹ năng:
Có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước, có nhân cách và kỷ cương, có sức khoẻ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.
Có trình độ tiếng Anh tương đương 500 điểm TOEIC;
2.3 Thái độ:
Trên cơ sở nhận thức và kiến thức trên sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành luật kinh tế sẽ có thái độ và đạo đức nghề nghiệp đúng đắn nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp của các chủ thể kinh doanh; lợi ích của nhà nước; đồng thời đảm bảo lợi ích cho toàn xã hội, bảo vệ người lao động, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.
3. Cơ hội nghề nghiệp
Sinh viên sau khi hoàn thành chương trình chuyên ngành Luật thương mại quốc tế có thể đảm nhận nhiều vị trí khác nhau trong xã hội.
– Với một khối lượng kiến thức về xã hội và nhân văn được trang bị trong ba học kỳ đẩu của chương trình, sinh viên có khả năng nhận biết xã hội, có thể tự tin làm chủ bản thân ở bất kỳ một vị trí nào trong xã hội.
– Vì phần lớn của chương trình đào tạo là dành cho kiến thức cơ sở ngành nên với lượng kiến thức được trang bị này sinh viên sinh viên có thể đảm nhận công việc trong các cơ quan nhà nước khác nhau, đặc biệt là trong các cơ quan tư pháp, có thể làm việc trong các doanh nghiệp khác nhau.
– Vì chương trình dành một phần đáng kể cho lĩnh vực luật thương mại quốc tế, vì vậy sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng làm việc trong các doanh nghiệp mà hoạt động của họ gắn liến với thương mại quốc tế.
– Có thể trở thành các luật sư có năng lực trong lĩnh vực thương mại quốc tế, có khả năng tham gia tranh tụng tại các phiên toà giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.
4. Thời gian đào tạo: 4 năm
5. Khối lượng kiến thức toàn khoá: 130 TC.
6. Đối tượng tuyển sinh
Theo Điều 5 quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 03 ngày 11/02/2010/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
7. Quy trình đào tạo, điều kiện tốt nghiệp
Căn cứ vào Quy chế đào tạo Đại học và Cao đẳng theo hệ thống tín chỉ Ban hành kèm theo Quyết định số 1368 /ĐHQG-ĐH&SĐH ngày 21 tháng 11 năm 2008 của Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
7.1 Quy trình đào tạo
Quy trình đào tạo được chia làm 8 học kỳ:
– Khối kiến thức giáo dục cơ bản: học kỳ 1, học kỳ 2, học kỳ 3.
– Khối kiến thức cơ sở của khối ngành: học kỳ 4.
– Khối kiến thức chuyên ngành: học kỳ 5, học kỳ 6, học kỳ 7.
– Thực tập cuối khóa, khóa luận tốt nghiệp hoặc học chuyên đề: học kỳ 8.
7.2 Điều kiện tốt nghiệp
Sinh viên được công nhận tốt nghiệp, nếu hội đủ các điều kiện sau đây:
– Được công nhận là sinh viên hệ chính quy của trường theo đúng ngành cấp bằng tốt nghiệp;
– Hoàn tất các môn học theo đúng chương trình giáo dục quy định và tích lũy đủ số tín chỉ quy định của ngành đào tạo (gồm đồ án, khóa luận tốt nghiệp, thi các môn chuyên môn thêm tương đương với số tín chỉ của đồ án, khóa luận tốt nghiệp), không có môn học nào đạt điểm dưới 5 và có ĐTBCTL không dưới 5.
– Đạt chuẩn trình độ ngoại ngữ theo quy định của ĐHQG-HCM và của trường (trừ trường hợp các lưu học sinh nước ngoài tuân theo Quy chế Công tác người nước ngoài học tại Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định số 33/1999/QĐ-BGD&ĐT ngày 25 tháng 8 năm 1999 của Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT).
– Đạt chứng chỉ giáo dục quốc phòng và giáo dục thể chất.
– Tại thời điểm xét tốt nghiệp, sinh viên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không bị kỷ luật từ mức đình chỉ học tập.