Luật sư là gì? Điều kiện và quy trình để trở thành một Luật sư?

Luật sư là gì? Nghề luật sư là gì? Luật sư làm việc về cái gì? Điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình để trở thành Luật sư tại Việt Nam? Quy trình để trở thành Luật sư? Tính chất hoạt động của nghề luật sư?

Kinh tế ngày phát triển sẽ dẫn đến mức sống, nhu cầu của người dân nâng cao hơn, quan tâm nhiều hơn đến những quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho bản thân và Luật sư luôn là đối tượng đầu tiên người dân nghĩ đến để được tư vấn và hỗ trợ. Để bén duyên với nghề, theo nghề và sống được bằng nghề chưa bao giờ là một câu chuyện đơn giản. Nghề luật sư là nghề luật tiêu biểu nhất, nghề luật sư thể hiện đầy đủ nhất những đặc trưng của nghề luật.

1. Luật sư là gì?

Luật sư là người hành nghề liên quan đến lĩnh vực pháp luật khi có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật của mỗi quốc gia. Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Nghề luật sư không giống như những nghề bình thường khác vì ngoài những yêu cầu về kiến thức và trình độ chuyên môn thì yêu cầu về việc hành nghề luật sư còn phải tuân thủ theo quy chế đạo đức nghề nghiệp. Đây là một nét đặc thù riêng của nghề luật sư và nét đặc thù này tác động sâu sắc đến kỹ năng hành nghề, đặc biệt là kỹ năng tranh tụng của luật sư. Trong suy nghĩ của chúng ta, hoạt động nghề nghiệp của luật sư bao gồm ba tính chất: Trợ giúp, hướng dẫn và phản biện.

2. Tiêu chuẩn để trở thành Luật sư tại Việt Nam:

Để trở thành Luật sư tại Việt Nam, một cá nhân có thể mất một thời gian ít nhất là trên 6 năm(hoặc dài hơn) vì phải hoàn thành các khóa học, chương trình học, tập sự, kiểm tra theo quy định.

Để trở thành Luật sư tại Việt Nam thì yếu tố đầu tiên cần đáp ứng là công dân Việt Nam. Trung thành Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật và có phẩm chất đạo đức tốt.

Yếu tố thứ hai là có bằng cử nhân Luật. Hiện nay, ở nước ta có các trường luật, khoa luật đào tạo cử nhân ngành luật cho các bạn sinh viên có mong muốn làm luật sư hoặc các ngành khác trong hệ thống Tư pháp Việt Nam. Trải qua 04 năm đại học, đáp ứng được các điều kiện tối thiểu và bắt buộc của nhà trường sẽ được cấp bằng tốt nghiệp cử nhân luật.

Sau khi bằng cử nhân luật các bạn sẽ tiến hành tham gia vào lớp đào tạo luật sư tại học viện tư pháp, trải qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, bộ tư pháp sẽ kết hợp tổ chức luật sư tiến hành kiểm tra kết quả tập sự hành nghề, sau khi trải qua các kì thi sẽ được cấp giấy chứng nhận hành nghề luật.

Điều kiện để hành nghề luật sư cần đáp ứng đủ tiêu chuẩn hành nghề luật sư, có chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một đoàn luật sư trên lãnh thổ Việt Nam.

3. Các điều kiện cơ bản để trở thành Luật sư:

1/ Có bằng cử nhân Luật:

Tức là cá nhân phải tốt nghiệp trường Luật, khoa Luật của trường Đại học (thông thường là 4 năm học

2/ Có bằng tốt nghiệp chương trình đào tạo Luật sư:

Lớp học được đăng ký tại Học viện tư pháp (quy định hiện hành được học trong 12 tháng), sau đó đạt kết quả qua kỳ thi tốt nghiệp của Học viện tư pháp, và được cấp bằng tốt nghiệp lớp Luật sư.

3/ Trải qua kỳ tập sự tại Tổ chức hành nghề Luật sư:

Sau khi tốt nghiệp lớp đào tạo Luật sư, cá nhân bắt buộc phải đăng ký tập sự tại 1 tổ chức hành nghề Luật sư với thời gian 12 tháng

4/ Đạt điểm tại kỳ kiểm tra hết tập sự hành nghề Luật sư:

Sau khi hoàn thành thời gian tập sự, người tập sự được tham gia kỳ kiểm tra hết tập sự hành nghề Luật sư. Và nếu đạt điểm thì được cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư. Nếu không đạt điểm theo quy định thì sẽ phải chờ đăng ký tham gia kỳ kiểm tra lại ở lần kế tiếp.

5/ Cấp chứng chỉ và gia nhập đoàn Luật sư, cấp thẻ hành nghề Luật sư:

Nếu đạt kết quả trong kỳ kiểm tra hết tập sự hành nghề Luật sư thì cá nhân làm hồ sơ theo quy định để xin cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư do Bộ tư pháp cấp, xin gia nhập một Đoàn Luật sư và xin cấp thẻ hành nghề Luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp.

6/ Hành nghề Luật sư:

Sau khi được cấp chứng chỉ, gia nhập đoàn, cấp thẻ hành nghề Luật sư thì Luật sư được lựa chọn tổ chức hành nghề Luật sư để hành nghề, hoặc hành nghề với tư cách cá nhân và phải đăng ký với Sở tư pháp địa phương nơi hành nghề.

7/ Quy định khác:

a/ Miễn, giảm thời gian tập sư hành nghề Luật sư:

– Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp, điều tra viên trung cấp, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật, thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra Viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật được miễn tập sự hành nghề luật sư.

– Người đã là điều tra viên sơ cấp, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật được giảm hai phần ba thời gian tập sự hành nghề luật sư.

– Người có thời gian công tác ở các ngạch chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật, thẩm tra viên ngành Tòa án, kiểm tra viên ngành Kiểm sát từ mười năm trở lên thì được giảm một nửa thời gian tập sự hành nghề luật sư.”

b/ Miễn kiểm tra tập sư hành nghề Luật sư:

– Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp, điều tra viên trung cấp, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật, thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra Viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật được miễn kiểm tra.

4. Quy trình để trở thành Luật sư:

Để trở thành Luật sư là một quá trình gian nan và vất vả, bắt đầu từ khi bạn 18 tuổi và để có được chứng chỉ hành nghề luật sư vào năm bao nhiêu tuổi lại tùy thuộc vào khả năng của từng người. Có thể phụ thuộc từ khả năng tài chính, kiến thức và vô vàn những yếu tố bên ngoài tác động. Luật không phải là một ngành dễ học mà muốn trở thành luật sư thì càng không phải là điều dễ dàng. Thế nên, niềm đam mê, yêu thích nghề là yếu tố đầu tiên giúp bạn không từ bỏ trên con đường học luật, hành nghề luật.

Các trường luật, khoa luật tại Việt Nam hiện nay khá nhiều từ trường đào tạo công lập đến đào tạo dân lập, tùy vào khả năng của các bạn mà lựa chọn ngôi trường mình yêu mến và có khả năng theo học để đăng ký học trong suốt 04 năm đại học. Thành quả  cuối cùng của 4 năm đại học là tấm bằng cử nhân luật trên tay. Lúc này, sẽ có nhiều con đường để bạn lựa chọn: theo con đường nghiên cứu học lên thạc sĩ, làm việc ở Tòa án, viện kiểm sát, đi làm ở các văn phòng luật sư, công ty luật, bộ phận pháp chế của các công ty,…

Niềm yêu thích cộng với khả năng thì các bạn đã sẽ bắt đầu một quy trình học mới, học để trở thành Luật sư.

Quá trình 1: tham gia khóa đào tạo luật sư tại cơ sở đào tạo luật sư. Hiện nay cơ sở đào tạo luật sư chỉ có ở Học viện tư pháp tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian đào tạo là 12 tháng. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo Luật sư sẽ được cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo luật sư.

Quá trình 2: sau khi có giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo luật sư, tham gia tập sự hành nghề tại tổ chức hành nghề luật sư. Tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương nào thì người tập sự tham gia vào đoàn luật sư của địa phương đó. Thời gian tập sự là 12 tháng.

Yêu cầu đối với người hướng dẫn tập sự: có ít nhất 03 năm kinh nghiệm hành nghề luật sư và không thuộc các trường hợp đang bị xử lý kỷ luật do vi phạm Luật luật sư, điều lệ và các quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp luật sư và quy định khác của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp luật sư. Mỗi luật sư không được hướng dẫn quá 03 người tập sự.

Quá trình 3: Kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Sau 12 tháng tập sự hành nghề luật sư, ban chủ nhiệm Đoàn luật sư xem xét và lập danh sách những người tham gia kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư lên Liên đoàn luật sư Việt Nam. Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư sẽ tiến hành kiểm tra. Khi những người tập sự vượt qua bài kiểm tra sẽ được Hội đồng kiểm tra cấp giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

Quá trình 4: Những người đã qua quá trình kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư phải chuẩn bị một bộ hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư lên ban chủ nhiệm Đoàn luật sư. Hồ sơ bao gồm những loại giấy tờ sau đây:

– Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề tập sự hành nghề luật sư (theo mẫu);

– Phiếu lý lịch tư pháp;

– Giấy chứng nhận sức khỏe;

– Bằng cử nhân luật hoặc bằng thạc sỹ luật (bản sao);

– Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư (bản sao).

Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ, ban chủ nhiệm Đoàn luật sư sẽ chuyển hồ sơ và giấy đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư lên Sở tư pháp. Thời hạn gửi là trong vòng 07 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ.

Quá trình 5: Gia nhập đoàn luật sư. Trải qua bước 4, người có giấy chứng nhận kiểm tra tập sự hành nghề luật sư sẽ chuẩn bị bộ hồ sơ gồm:

– Giấy đề nghị gia nhập đoàn luật sư (theo mẫu);

– Phiếu lý lịch tư pháp trong vòng 06 tháng kể từ khi có chứng chỉ hành nghề luật sư;

Lưu ý: theo quy định của Luật luật sư hiện hành thì:

Những người thuộc các trường hợp sau đây sẽ được miễn đào tạo nghề luật sư (quá trình 1):

a) Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên;

b)  giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật;

c) Đã là thẩm tra viên cao cấp trong ngành Tòa án, kiểm tra viên cao cấp trong ngành kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật;

d) Đã là thẩm tra viên chính trong ngành Tòa án, kiểm tra viên chính trong ngành kiểm sát, chuyên viên chính, nghiên cứu chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.

Những đối tượng được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư (quá trình 2)

– Miễn đào tạo nghề luật sư: những đối tượng a, b, c thuộc miễn đào tạo nghề luật sư;

– Đối với đối tượng d) thuộc miễn đào tạo nghề luật sư nhưng không được miễn thời gian tập sự hành nghề luật sư. Họ chỉ được giảm 2/3 thời gian tập sự hành nghề luật sư;

– Các chuyên viên, nghiên cứ viên, giảng viên, thẩm tra viên, kiểm tra viên có thời gian công tác từ 10 năm trở lên thì được giảm 1/2 thời gian tập sự hành nghề luật sư.

5. Tính chất hoạt động của nghề luật sư:

– Tính chất trợ giúp: Do sự phát triển không đồng đều cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần, bất kỳ xã hội nào trong cộng đồng dân cư cũng tồn tại những người rơi vào vị thế thấp kém so với mặt bằng xã hội như người nghèo, người già đơn côi, người chưa thành niên mà không có sự đùm bọc của gia đình. Những người ở vào vị thế thấp kém này thường bị ức hiếp, bị đối xử bất công trái pháp luật và rất cần sự giúp đỡ, bênh vực của những người khác và đặc biệt cần sự trợ giúp hoàn toàn vô tư, không vụ lợi của luật sư. Ở thời kỳ cổ đại, những người dám đứng ra bênh vực, trợ giúp các đối tượng bị ức hiếp được xã hội tôn vinh như là các “hiệp sỹ”. Ngày nay, xã hội loài người đã phát triển nhưng ở nhiều nước, ở nhiều địa phương vẫn tồn tại những người ở vào vị thế thấp kém, vẫn tồn tại sự ức hiếp, sụ đối xử bất công. Hoạt động trợ giúp của luật sư đối với những đối tượng này không chỉ là bổn phận mà còn là thước đo lòng nhân ái và đạo đức của luật sư.

– Tính chất hướng dẫn: Tính chất nghề nghiệp đòi hỏi luật sư không chỉ thông hiểu pháp luật hiện hành mà còn hiểu biết cả tinh thần, nội dung những quy định của pháp luật ở từng thời điểm của thời gian đã qua. Luật sư còn phải hiểu sâu rộng cả tục lệ và bản sắc văn hoá của dân tộc.

Mọi người hiểu và nghĩ về luật sư như vậy, cho nên mỗi khi bản thân hoặc gia đình có điều gì vướng mắc đều tìm đến luật sư, nhờ luật sư tư vấn. Vì vậy, hoạt động của luật sư luôn luôn có tính chất hướng dẫn. Yêu cầu của hoạt động này là hướng dẫn cho đương sự hiểu đúng tinh thần và nội dung của pháp luật để biết cách xử sự tháo gỡ vướng mắc của họ phù hợp với pháp lý và đạo lý.

–  Tính chất phản biện: Tính chất phản biện trong hoạt động của luật sư là những biện luận nhằm phản bác lại lý lẽ, ý kiến quan điểm của người khác mà mình cho là không phù hợp với pháp lý và đạo lý.

Tính chất phản biện trong hoạt động của luật sư, thông thường thể hiện ở lĩnh vực tố tụng, đặc biệt là trong tố tụng hình sự. Điều 36, khoản 3 Bộ Luật tố tụng hình sự hiện hành quy định: “Người bào chữa có nghĩa vụ sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định bị can, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo; giúp bị can, bị cáo về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ”.

Phản biện là phải dựa trên sự thông hiểu tường tận về pháp lý và đạo lý. Hoạt động phản biện của luật sư là lấy pháp luật và đạo đức xã hội làm chuẩn mực để xem xét mọi khía cạnh của sự việc nhằm xác định rõ phải trái, đúng sai…từ đó đề xuất những biện pháp phù hợp bảo vệ lẽ phải, loại bỏ cái sai, bảo vệ công lý.

Ở đây có thể có câu hỏi đặt ra là trong trường hợp không phát biện ra điều gì sai, không có cơ sở để phản biện thì luật sư sẽ làm gì?. Xin nêu một câu ngạn ngữ phương Tây: “Luật sư chỉ giỏi khi gặp Công tố viên tồi”. Câu ngạn ngữ này có nghĩa là khi người tiến hành tố tụng hoạt động hoàn toàn đúng pháp luật với những nhận định và kết luận chuẩn xác thì không còn chỗ cho luật sư phản biện. Luật sư không còn chỗ để phản biện, cũng giống như thầy thuốc không có bệnh nhân để chữa thì thật là hạnh phúc.

Hoạt động của luật sư trong trường hợp này chỉ còn ý nghĩa là người chứng kiến. Việc chứng kiến của luật sư không phải là không quan trọng. Trong nhiều trường hợp, sự hiện diện của luật sư là chỗ dựa tin cậy của bị can, bị cáo. Sự chứng kiến của luật sư trong khi hỏi cung, khi đối chất, khi xét xử đảm bảo chắc chắn rằng quyền và lợi ích hợp pháp mà pháp luật dành cho bị can, bị cáo sẽ được bảo đảm.

Người phạm tội phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, nhưng không thể bị tra tấn, đánh đập, hành hạ về thể xác cũng như xúc phạm nhân phẩm. Sự có mặt của luật sư là cần thiết bởi những người đã lâm vào vòng lao lý, phải đối mặt với uy lực của cơ quan công quyền, không phải ai cũng có đủ can đảm tự bảo vệ quyền hợp pháp của mình. Người xưa đã có câu: “Khôn ngoan đến cửa quan mới biết”.

Do vai trò và tác dụng của hoạt động luật sư, nên Khoản 2 Điều 1 Pháp lệnh Luật sư năm 2001 đã nêu rõ: “Bằng hoạt động của mình luật sư góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội và pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị viết: “Các cơ quan Tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để luật sư tham gia vào quá trình tố tụng: tham gia hỏi cung bị can, bị cáo, nghiên cứu hồ sơ vụ án tranh luận dân chủ tại phiên toà…”

Xuất phát từ tính chất, đặc thù của nghề luật sư, nó đòi hỏi luật sư ngoài các phẩm chất chung là Chân, Thiện, Mỹ, luật sư còn phải là người có khối óc thông minh, tấm lòng trong sáng, dũng cảm, biết lấy pháp luật và đạo đức xã hội làm cơ sở hoạt động mới xứng đáng với sự tin cậy và tôn vinh của xã hội.

Nghề luật sư hoạt động dựa trên pháp luật và quy chế trách nhiệm nghề nghiệp

Cũng như bất cứ hoạt động nghề nghiệp nào khác, nền tảng hoạt động của nghề luật sư phải dựa trên pháp luật và các quy chế trách nhiệm nghề nghiệp. Pháp luật về luật sư được coi là hệ thống các quy phạm pháp luật xác định vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội, quy định các quyền và nghĩa vụ của luật sư trong hành nghề, phạm vi quản lý Nhà nước đối với hoạt động luật sư và tính tự quản trong tổ chức nghề nghiệp luật sư; xử lý vi phạm trong hoạt động nghề nghiệp…

Tuy nhiên, khi nói tới quy chế trách nhiệm nghề nghiệp như chuẩn mực nền tảng đạo đức và kỷ luật của hoạt động luật sư thì cũng không có nghĩa là quy chế này “chi phối luật sư cả trong công việc và đời sống riêng của họ” như có tác giả đã đề cập. Tuy đối tượng và phạm vi điều chỉnh của pháp luật và quy chế trách nhiệm nghề nghiệp luật sư có khác nhau, nhưng giữa chúng có mối liên hệ mật thiết và chi phối lẫn nhau.

Pháp luật về luật sư có tác dụng như “hành lang”, “khuôn mẫu chung” cho luật sư hoạt động với các quyền và nghĩa vụ cụ thể trước pháp luật, còn quy chế trách nhiệm nghề nghiệp luật sư lại chủ yếu điều chỉnh hành vi ứng xử của luật sư trong hoạt động nghề nghiệp và trong xã hội, tuy không hoàn toàn mang tính bắt buộc nhưng cũng đòi hỏi phải được sự tôn trọng từ phía các luật sư.

– Nghề luật sư là bất khả kiêm nhiệm:

Bất khả kiêm nhiệm như một đặc điểm trong hoạt động của nghề luật sư không chỉ bảo đảm hoạt động này mang tính chuyên nghiệp, mà còn góp phần nâng cao vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội. Mặt khác, về phương diện pháp lý, Pháp lệnh công chức quy định cán bộ, công chức không được thành lập và tham gia thành lập, quản lý điều hành các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, trường học, tổ chức nghiên cứu khoa học tư; không được tư vấn về các công việc có liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật công tác, các công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình… Quan điểm của những nhà làm luật cho rằng, để tiến tới chuyên nghiệp nghiệp hóa đội ngũ luật sư, cần thực hiện nguyên tắc bất khả kiêm nhiệm để luật sư có thể chuyên tâm với nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu giúp đỡ pháp lý ngày càng phong phú và phức tạp của nhân dân.

– Nghề luật sư là hoạt động mang tính quốc tế

Tính chất quốc tế của hoạt động nghề nghiệp luật sư hình thành cùng với sự phát triển của nghề luật sư trong lịch sử. Cùng với sự phát triển của các hình thái kinh tế- xã hội của loài người, các cuộc chiến tranh liên miên đã kéo theo sự xê dịch của các nền văn hóa và pháp lý. Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế và chủ động hội nhập đời sống quốc tế, luật sư các nước trên thế giới đã mở rộng phạm vi và lĩnh vực hoạt động ra khỏi biên giới quốc gia, đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy các quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội giữa các nước.

Người ta đã quen với hình ảnh bên cạnh các doanh nghiệp quốc tế đến làm ăn tại Việt Nam có một đội ngũ luật sư giúp tư vấn và soạn thảo hợp đồng, tham gia giải quyết tranh chấp. Các hiệp ước song phương và đa phương ký kết giữa các nước có sự tham gia soạn thảo của các luật sư giàu kinh nghiệm. Trong điều kiện đất nước chủ động tham gia tiến trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp quy điều chỉnh hoạt động hành nghề tư vấn pháp luật của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam, theo đó các luật sư nước ngoài chỉ được tư vấn về pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại, không được tư vấn pháp luật Việt Nam, không tham gia tố tụng trước Tòa án Việt Nam. Nhiều luật sư Việt Nam đã tham gia giải quyết các vụ kiện tranh chấp có yếu tố nước ngoài tại các Tòa án, trọng tài quốc tế…