Luật dân sự

CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC

DÂN SỰ

 

1. Mục tiêu đào tạo

1.1 Mục tiêu chung
      Cung cấp cho sinh viên kiến thức chuyên sâu về pháp luật nói chung và Luật dân sự nói riêng.
 
1.2 Mục tiêu cụ thể:
      Đào tạo cử nhân Luật có chất lượng cao trong lĩnh vực Luật dân sự nắm vững kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành, có khả năng phát hiện và giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành đào tạo. Cụ thể cung cấp cho sinh viên những kỹ năng,  nghiệp vụ hỗ trợ cho nghề nghiệp trong tương lai như : Thi hành án dân sự, pháp luật thực thi quyền sở hữu trí tuệ, kỹ năng soạn thảo hợp đồng, kỹ năng giải quyết các vụ án dân sự, nghề luật sư và tư vấn pháp luật, …

2. Chuẩn đầu ra

2.1 Kiến thức:

      Tốt nghiệp sinh viên sẽ hiểu biết được những đạo luật cụ thể điều chỉnh trực tiếp các hoạt động dân sự như Luật dân sự; Luật sở hữu trí tuệ; Luật đất đai; Luật môi trường; Luật thuế; Luật lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật tố tụng dân sự …Các Nghị quyết của Quốc hội; các Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội; các văn bản dưới luật về kinh tế.  

2.2 Kỹ năng:

      

Sinh viên chuyên ngành Luật dân sự sẽ có được kỹ năng nhận thức đầy đủ và sâu sắc pháp luật dân sự để từ đó giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn bằng cách vận dụng đúng đắn các quy định của pháp luật hiện hành nhằm bảo vệ một cách có hiệu quả nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Mặt khác, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, ngoài những yêu cầu về kỹ năng, sinh viên chuyên ngành luật dân sự phải có đạo đức nghề nghiệp và những chuẩn mực ứng xử trong các mối quan hệ.

 

Có trình độ tiếng Anh tương đương 500 điểm TOEIC;

2.3 Thái độ:

      

Ngoài ra chương trình còn nhằm hình thành những công dân có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước, có nhân cách và kỷ cương, có sức khoẻ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

3. Cơ hội nghề nghiệp

      

Sau khi hoàn thành chương trình học, cử nhân ngành Luật dân sự có thể làm việc tại UBND các cấp, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, trung tâm trọng tài, cơ quan đại diện ngoại giao và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; họ cũng có thể trở thành các chuyên gia tư vấn pháp lý, luật sư chuyên về lĩnh vực Luật dân sự. Một bộ phận sinh viên tốt nghiệp có thể làm công tác giảng dạy & nghiên cứu về các lĩnh vực chuyên sâu thuộc lĩnh vực Luật học tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.

4. Thời gian đào tạo: 4 năm

5. Khối lượng kiến thức toàn khoá: 130 TC

6. Đối tượng tuyển sinh

   

Theo Điều 5 quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 03 ngày 11/02/2010/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

7. Quy trình đào tạo, điều kiện tốt nghiệp

   

Căn cứ vào Quy chế đào tạo Đại học và Cao đẳng theo hệ thống tín chỉ Ban hành kèm theo Quyết định số 1368 /ĐHQG-ĐH&SĐH ngày 21 tháng 11 năm 2008 của Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

7.1 Quy trình đào tạo

     

Quy trình đào tạo được chia làm 8 học kỳ:
–    Khối kiến thức giáo dục cơ bản: học kỳ 1, học kỳ 2, học kỳ 3.
–    Khối kiến thức cơ sở của khối ngành: học kỳ 4.
–    Khối kiến thức chuyên ngành: học kỳ 5, học kỳ 6, học kỳ 7.
–    Thực tập cuối khóa, khóa luận tốt nghiệp hoặc học chuyên đề: học kỳ 8.

7.2 Điều kiện tốt nghiệp

     

Sinh viên được công nhận tốt nghiệp, nếu hội đủ các điều kiện sau đây:
–    Được công nhận là sinh viên hệ chính quy của trường theo đúng ngành cấp bằng tốt nghiệp;
–    Hoàn tất các môn học theo đúng chương trình giáo dục quy định và tích lũy đủ số tín chỉ quy định của ngành đào tạo (gồm đồ án, khóa luận tốt nghiệp, thi các môn chuyên môn thêm tương đương với số tín chỉ của đồ án, khóa luận tốt nghiệp), không có môn học nào đạt điểm dưới 5 và có ĐTBCTL không dưới 5.
–    Đạt chuẩn trình độ ngoại ngữ theo quy định của ĐHQG-HCM và của trường (trừ trường hợp các lưu học sinh nước ngoài tuân theo Quy chế Công tác người nước ngoài học tại Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định số 33/1999/QĐ-BGD&ĐT ngày 25 tháng 8 năm 1999 của Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT).
–    Đạt chứng chỉ giáo dục quốc phòng và giáo dục thể chất.
–    Tại thời điểm xét tốt nghiệp, sinh viên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không bị kỷ luật từ mức đình chỉ học tập.