Luật công nghiệp – công nghệ số: Đòn bẩy phát triển kinh tế số

Công nghệ số – “mỏ vàng” tiềm năng

Theo kế hoạch phát triển, ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước.

Tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin năm 2020 đạt 123,5 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp công nghệ thông tin 5 năm qua đạt bình quân 15,2%/năm, cao hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP, trở thành một trong những ngành kinh tế tăng trưởng nhanh, quy mô lớn nhất cả nước.

Ngành công nghiệp công nghệ thông tin vẫn còn dư địa phát triển mạnh mẽ nhưng thực tế cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển ngành vẫn là bài toán bỏ ngỏ. Thực tế, Luật Công nghệ thông tin (CNTT), Nghị định số 71/2007/NĐ-CP và các văn bản liên quan đã tạo hành lang pháp lý phát triển ngành công nghiệp công nghệ số (CNS) nhưng đến nay vẫn còn nhiều bất cập, quy định chồng chéo.

Cụ thể, Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định “phải ưu tiên” đầu tư, mua sắm sản phẩm, dịch vụ CNTT trong nước nhưng chưa có cơ chế mang tính bắt buộc. Vì vậy, nhiều sản phẩm, dịch vụ CNTT trong nước có thể thay thế sản phẩm nhập ngoại với giá thành cạnh tranh, bảo mật cao vẫn chưa được các cơ quan nhà nước lựa chọn.

Sự ra đời của Luật CN  - CNS là đòn bẩy phát triển kinh tế số. Ảnh minh họa
Sự ra đời của Luật CN  – CNS là đòn bẩy phát triển kinh tế số. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, một số quy định chỉ mang tính khuyến khích, ưu đãi đầu tư mà chưa có chính sách ưu đãi cụ thể như sử dụng ngân sách Nhà nước như thế nào để đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm công nghiệp CNS…

Điển hình như sản phẩm AI “Trợ lý bác sĩ trong chẩn đoán hình ảnh” (DrAid for Radiology) của Công ty VinBrain được trao Giải thưởng Công nghệ Trí tuệ nhân tạo ACM SIGAI 2021 cho sản phẩm ứng dụng AI xuất sắc nhất nhưng để nhân rộng mô hình AI này tại các bệnh viện là vấn đề nan giải.

Ông Trương Quốc Hùng, CEO VinBrain cho biết, DrAid tiếp tục phát triển, hỗ trợ đắc lực trong việc chẩn đoán và điều trị Covid-19 đi đầu trong lĩnh vực CĐS AI cho y tế. DrAid đạt tiêu chuẩn quốc tế và sẵn sàng triển khai rộng rãi ở Việt Nam nhưng do chưa có hành lang pháp lý cụ thể nên gây khó khăn trong việc thuyết phục các bác sĩ sử dụng rộng rãi.

“Cơ quan quản lý cần sớm ban hành và thúc đẩy triển khai cơ chế sandbox (thử nghiệm sản phẩm và dịch vụ công nghệ số) trong AI cho y tế để các DN như VinBrain có thể thử nghiệm, sáng tạo sản phẩm, dịch vụ mới.”, ông Hùng đề xuất.

Ông Trần Việt Vĩnh, CEO & Founder của CTCP Đổi Mới Công Nghệ Tài Chính Fiin (Fiin Credit) cho biết, một khi chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, hoạt động của các Fintech gặp rất nhiều khó khăn do khách hàng thiếu căn cứ pháp lý để tin tưởng sử dụng dịch vụ Fintech. Chưa kể, các cá nhân nước ngoài đã lợi dụng khoảng trống pháp lý để lách luật, làm lũng đoạn và làm ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Fintech chân chính, tạo rào cản trong việc tiếp cận thị trường.

Luật thúc đẩy phát triển công nghệ số

Nhằm đáp ứng CMCN 4.0, CĐS và sự phát triển của thực tiễn, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) mới đây đã lấy ý kiến đóng góp về Luật Viễn thông sửa đổi và đề nghị xây dựng Luật công nghiệp công nghệ số (CN-CNS).

Chính sách trong Luật CN-CNS được đề xuất gồm 2 nhóm chính sách: nhóm chính sách 1, gồm: hoạt động CN-CNS, sản phẩm và dịch vụ (SP&DV) công nghệ số; thử nghiệm SP&DV công nghệ số (sandbox), quản lý sản phẩm AI, quản lý SP&DV công nghệ số trọng yếu; nhóm chính sách 2, gồm: bảo đảm phát triển CN-CNS (thị trường; khu CNTT; vốn, đầu tư, ưu đãi CN-CNS; nhân lực); sản phẩm CNS trong nước (Make in Vietnam); dữ liệu số; trung tâm tính toán hiệu năng cao; thâm nhập thị trường nhà nước và kinh doanh xuyên biên giới

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long khẳng định, công nghệ số đã đi vào cuộc sống nên việc xây dựng Luật CN-CNS cần có hành lang phát triển. Luật sẽ giúp thúc đẩy công nghệ số, sản phẩm Make in Vietnam để phát triển, sánh tầm khu vực. Để làm được sản phẩm dịch vụ Make in Vietnam thì cần phải có dữ liệu và dữ liệu phải mang tính hợp pháp. Việc có quy định sandbox cũng là để thúc đẩy phát triển ngành, thúc đẩy Make in Vietnam.

Đại diện Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an cho biết việc sửa đổi Luật Viễn thông và xây dựng Luật CN-CNS là rất cần thiết và cần bổ sung bởi sự phát triển của công nghệ diễn ra rất nhanh, các nhà cung cấp dịch của Việt Nam có thể vươn ra toàn cầu.

Bà Nguyễn Minh Thảo – Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, để khơi thông kịp thời những điểm nghẽn, không thể đợi xây dựng luật, mà nhiều vấn đề có thể xử lý ngay tại các văn bản pháp luật theo hướng vướng ở đâu thì sửa ở đấy.

“Các giải pháp, chính sách đưa ra cần phải cụ thể, nếu vẫn quy định chung chung như các luật cũ thì không thể giải quyết được những vấn đề bất cập hiện nay, không khả thi và hiệu quả. Việc xây dựng cơ chế sandbox lại càng tùy thuộc vào từng nội dung, lĩnh vực cụ thể mới nghiên cứu, phân tích các cơ chế thí điểm hợp lý, không thể áp một chính sách đóng khuôn cho tất cả mô hình”, bà Thảo nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại diện VCCI cũng cho biết dự thảo các luật cần đảm bảo tính đồng bộ, tránh chồng chéo với luật Đầu tư. Việc xây dựng quy định sandbox cho các sản phẩm số mới là cần thiết.

Đóng góp các ý kiến cho các sửa đổi Luật Viễn thông, xây dựng Luật CN-CNS, các DN viễn thông như Viettel, VNPT, CMC, FPT, VCCorp… Các DN cho biết lĩnh vực viễn thông – công nghệ số đã tiến rất xa, đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống nên cần phải có sửa đổi tổng thể thúc đẩy ngành CN-CNS của đất nước phát triển, là bệ phóng để Việt Nam chuyển đổi số mạnh mẽ.

Khi được hỏi Việt Nam cần phải làm gì để có thể nằm trong top các quốc gia dẫn đầu về phát triển AI trong 5-10 năm tới, ông Trương Quốc Hùng mong rằng, Chính phủ sẽ tiếp tục hành động thiết thực hơn nữa trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển sản phẩm Make in Vietnam. Cụ thể, Chính phủ sẽ cần hỗ trợ hành lang pháp lý và các giấy phép, tiêu chuẩn ngành có liên quan để giúp doanh nghiệp có cơ sở chinh phục thị trường trong nước và quốc tế.

 

Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định nhiệm vụ hoàn thiện khung pháp lý là “Bảo đảm môi trường pháp lý cho phép thử nghiệm, chấp nhận cái mới và chấp nhận thay đổi. Hình thành không gian thí điểm dịch vụ số và xây dựng khung pháp lý cho phép thử nghiệm các dịch vụ số chưa được quy định bởi pháp luật”.