Luật Kinh doanh bảo hiểm mới nhất 2023
Luật Kinh doanh bảo hiểm là đạo luật được ban hành để quy định về tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, được Quốc hội Khóa 15 thông qua ngày 16 tháng 6 năm 2022 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2023.
Nội Dung Chính
Luật Kinh doanh bảo hiểm là gì?
Khái niệm về bảo hiểm
Bảo hiểm là phần mà con người dành ra một phần năng suất, một lượng sản phẩm trong kết quả lao động hằng năm của mình để đóng góp vào một quỹ về tiền hoặc vật tư nhằm được hưởng quyền trợ cấp, được hỗ trợ tài chính và hạn chế được tối đa tổn thất khi rủi ro chưa xảy ra hoặc đang xảy ra.
Bảo hiểm được phân ra thành các loại:
– Bảo hiểm không mang tính kinh doanh (hay còn gọi là bảo hiểm phi thương mại): Là loại hình bảo hiểm được cơ quan nhà nước quy định để thực hiện chính sách kinh tế xã hội và được đặt ra dưới sự hỗ trợ, bảo trợ của nhà nước. Bảo hiểm phi thương mại không nhằm mục đích kinh doanh để sinh lợi nhuận. Hiện nay ở Việt Nam có các loại hình bảo hiểm phi thương mại phổ biến như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
– Bảo hiểm mang tính kinh doanh (hay còn gọi là bảo hiểm phi thương mại): Là loại hình bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi nhuận thông qua việc lập quỹ bảo hiểm từ nguồn thu là phí đóng bảo hiểm của người tham gia, và quỹ này sẽ được sử dụng để bồi thường, chi trả cho đối tượng được bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm.
Hoạt động bảo hiểm được quy định để khắc phục hậu quả tài chính khi các rủi ro xảy ra, đồng thời về khía cạnh kinh tế thì nó sẽ thu hút, tập trung các nguồn vốn, tăng cường chuyển hóa vốn và đầu tư vốn.
Khái niệm kinh doanh bảo hiểm
Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài sẽ chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường, trả tiền bảo hiểm cho người tham gia khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng bảo hiểm.
Trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm là tổ chức được thành lập hợp pháp, có tư cách pháp nhân, hoạt động theo quy định của pháp luật. Bên mua bảo hiểm là tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm và là bên đóng phí bảo hiểm.
Người được bảo hiểm có thể là tổ chức, cá nhân có tài sản, trách nhiệm dân sự, tính mạng được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm đã thoả thuận. Bên mua bảo hiểm có thể đồng thời là người được bảo hiểm và người thụ hưởng. Bên thụ hưởng bảo hiểm có thể là tổ chức, cá nhân được bên mua bảo hiểm chỉ định để nhận tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định mà trong trường hợp sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng bảo hiểm. Phí bảo hiểm chính là khoản tiền mà bên được bảo hiểm đóng cho doanh nghiệp theo thời hạn bảo hiểm và phương thức do các bên thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm chính là hoạt động nhằm mục đích thu lợi nhuận.
Khái niệm Luật Kinh doanh bảo hiểm
Luật Kinh doanh bảo hiểm là tổng hợp các quy định pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm của tổ chức kinh doanh bảo hiểm và các chủ thể tham gia hoạt động bảo hiểm.
Luật Kinh doanh bảo hiểm được dịch ra trong tiếng anh là “Law On Insurance Business”
Các nội dung cụ thể của Luật Kinh doanh bảo hiểm
Phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bảo hiểm
Luật Kinh doanh bảo hiểm điều chỉnh, quy định về tổ chức, hoạt động kinh doanh bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của các đối tượng trên. Luật Kinh doanh bảo hiểm không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện mà không mang tính kinh doanh.
Đối tượng áp dụng của Luật Kinh doanh bảo hiểm
Luật Kinh doanh bảo hiểm điều chỉnh và áp dụng đối với các đối tượng là doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và các cá nhân, tổ chức khác được quy định tại Điều 2 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
Nguyên tắc của Luật Kinh doanh bảo hiểm
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu bảo hiểm chỉ được tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam. Chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam, trừ trường hợp sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm có nguyên tắc là doanh nghiệp bảo hiểm phải đảm bảo các yêu cầu về tài chính để thực hiện các cam kết của doanh nghiệp đối với bên mua bảo hiểm.
Nội dung chính của Luật Kinh doanh bảo hiểm
Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về các loại hình bảo hiểm bao gồm: Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ (gồm bảo hiểm tài sản, bảo hiểm thiệt hại, bảo hiểm trách nhiệm) và bảo hiểm sức khỏe.
Khi các bên thỏa thuận được về các điều khoản của hoạt động bảo hiểm thì sẽ ký kết hợp đồng bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên bán là các doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Theo đó, bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng do người mua bảo hiểm chỉ định hoặc bồi thường cho người mua bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm giữa các bên phải được lập thành văn bản. Hợp đồng bảo hiểm phải có các nội dung cơ bản như:
-
Tên, địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm hay người thụ hưởng do bên mua bảo hiểm chỉ định
-
Đối tượng được bảo hiểm
-
Giá trị tài sản được bảo hiểm đối với tài sản hay số tiền bảo hiểm hai bên thoả thuận
-
Phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm
-
Thời hạn bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm
-
Thời hạn, phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường cho bên mua bảo hiểm hay người thụ hưởng
-
Các biện pháp xử lý khi xảy ra tranh chấp khi thực hiện hợp đồng
Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền thu phí bảo hiểm theo thỏa thuận đã được đưa ra trong hợp đồng bảo hiểm, yêu cầu bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin liên quan đến giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm, có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm, có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ trả tiền hoặc bồi thường cho bên mua bảo hiểm hoặc người thụ hưởng khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Bên mua bảo hiểm có quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam để giao kết hợp đồng bảo hiểm, có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp bản yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, đối tượng, điều kiện bảo hiểm và các nội dung khác trong hợp đồng bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật, có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm đầy đủ, theo thời hạn và phương thức đã thỏa thuận trong hợp đồng và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về các loại hình công ty bảo hiểm được phép thành lập bao gồm: Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, hợp tác xã bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm tương hỗ.
Đại lý bảo hiểm là tổ chức, cá nhân được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền trên cơ sở hợp đồng đại lý bảo hiểm để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm. Đại lý bảo hiểm có thể giới thiệu, chào bán bảo hiểm; thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm; thu phí bảo hiểm; thu xếp giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm; thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Luật quy định về điều kiện hoạt động đại lý bảo hiểm, nội dung hợp đồng đại lý bảo hiểm.
Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm là doanh nghiệp thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm. Doanh nghiệp môi giới thực hiện việc cung cấp thông tin về loại hình bảo hiểm, điều kiện, điều khoản, phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm; tư vấn cho bên mua bảo hiểm trong việc đánh giá rủi ro, lựa chọn loại hình bảo hiểm, điều kiện, điều khoản, biểu phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm; đàm phán, thu xếp giao kết hợp đồng bảo hiểm giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm.
Vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được quy định tại Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải tiến hành ký quỹ tại Ngân hàng Thương mại ở Việt Nam.
Doanh nghiệp bảo hiểm phải lập quỹ dự trữ bắt buộc để bổ sung vốn điều lệ và đảm bảo khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam dưới các mô hình bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm, công ty trách nhiệm hữu hạn môi giới bảo hiểm; chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.