Luật Kinh doanh bảo hiểm: Tạo môi trường pháp lý thông thoáng để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước

Toàn cảnh buổi họp báo tại Bộ Tài chính chiều 15/9. Ảnh: TL. Toàn cảnh buổi họp báo tại Bộ Tài chính chiều 15/9. Ảnh: TL.

Bổ sung nhiều quy định quan trọng

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát và kinh doanh bảo hiểm cho biết, ngày 16/6/2022, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 với 7 Chương, 157 Điều.

Theo đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08 đã sửa đổi, bổ sung để thực hiện một số cam kết của Việt Nam. Cụ thể, tại Hiệp định thương mại dịch vụ Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết ngày 30/6/2019 có hiệu lực từ ngày 01/8/2020, Việt Nam đã cho phép doanh nghiệp tái bảo hiểm của EU thành lập chi nhánh tái bảo hiểm tại Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày Hiệp định thương mại có hiệu lực. Do đó, để chủ động thực hiện các cam kết quốc tế, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 đã bổ sung quy định về việc thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam.

Về tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp bảo hiểm, theo cam kết của Việt Nam tại WTO và các hiệp định thương mại khác trong lĩnh vực dịch vụ bảo hiểm, Việt Nam không hạn chế về tỷ lệ vốn góp của bên nước ngoài. Do đó, để đảm bảo rõ ràng, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 đã bổ sung quy định khẳng định nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.

Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh Bảo hiểm cũng sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan. Trong đó phải đến các quy đinh liên quan đến: hợp đồng bảo hiểm, đăng kí thành lập doanh nghiệp.

Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng đã sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, giải quyết những vướng mắc trong thời gian vừa qua như: về bảo hiểm bắt buộc; doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; bảo hiểm vi mô; tài chính, hạch toán kế toán và báo cáo.

Ông Nguyễn Quang Huyền cũng cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao yêu cầu quản lý nhà nước. Trong đó, Luật đã bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Đồng thời bổ sung quy định Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài trong việc quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Tăng tính chủ động cho doanh nghiệp bảo hiểm

Theo lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát và kinh doanh bảo hiểm, theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030, doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 là 15%/năm, đến năm 2025, quy mô đạt 3%-3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026-2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt 3,3% – 3,5% GDP. Đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ; đến năm 2030 có 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ. Tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng dự phòng nghiệp vụ, tổng nguồn vốn chủ sở hữu tăng bình quân 15%/năm giai đoạn 2021-2025 và 10%/năm giai đoạn 2026-2030. Tốc độ tăng trưởng doanh thu cung cấp sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng đạt bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2023-2030. Phí bảo hiểm bình quân đầu người đạt 3 triệu đồng năm 2025, 5 triệu đồng năm 2030.

Để đạt được các mục tiêu này, Bộ Tài chính đã đưa rất nhiều giải pháp như đa dạng và chuyên nghiệp hóa kênh phân phối bảo hiểm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó bao gồm cả việc hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm. Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 vừa được Quốc hội ban hành và có hiệu lực và năm 2023 là một trong những kết quả đạt được.

Theo ông Nguyễn Quang Huyền, với các quy định chi tiết, chặt chẽ, Luật sẽ tạo môi trường pháp lý theo hướng thông thoáng hơn nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, qua đó có tác động tích cực về dài hạn đối với thị trường bảo hiểm.

Cùng với đó, Luật cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh, cơ quan quản lý sẽ không can thiệp quá sâu về mặt kỹ thuật vào hoạt động của các doanhnghiệp như trước đây. Luật sửa đổi đã đáp ứng nhu cầu về sản phẩm bảo hiểm linh hoạt, đa dạng và toàn diện của tổ chức, cá nhân. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động hơn trong thiết kế, xây dựng và triển khai sản phẩm. Doanh nghiệp chỉ phải đăng ký với Bộ Tài chính phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới (trừ bảo hiểm bắt buộc) thay vì phải được phê chuẩn quy tắc, điều khoản, biểu phí sản phẩm bảo hiểm như trước đây.

Bên cạnh đó, nhằm tạo thuận tiện và gia tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng phù hợp xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, Luật còn khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa hoạt động kinh doanh, quản trị doanh nghiệp cũng như phương thức cung cấp sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Quang Huyền, với các quy định này, doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động cung cấp dịch vụ, sản phẩm trên môi trường mạng, tuy nhiên việc cung cấp sản phẩm dịch vụ qua mạng cũng phải đáp ứng các điều kiện nhất định…. Không chỉ được chủ động trong kinh doanh, Luật còn cho phép doanh nghiệp chủ động trong lựa chọn tài sản đầu tư, đầu tư một phần vốn ra nước ngoài phù hợp với năng lực tài chính và khả năng quản trị rủi ro. Quy định về đầu tư này phù hợp với việc áp dụng mô hình quản lý vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro của doanh nghiệp. Luật cũng bổ sung quy định về các nguồn vốn đầu tư, nguyên tắc đầu tư, những điều không được làm… nhằm đảm bảo an toàn, phù hợp với tính chất hoạt động kinh doanh bảo hiểm.