Luật Doanh nghiệp 2005 từ một góc nhìn so sánh với luật Công ty 2005 của CHND Trung Hoa

PGS.TS. PHẠM DUY NGHĨA – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
Cùng với Luật đầu tư, một đạo luật chung cho doanh nghiệp không phân biệt quốc hữu, tư hữu hay tư bản nước ngoài sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07/2006. Liệu Luật doanh nghiệp (LDN 2005) có mang tới cho nhà đầu tư khuôn mẫu công ty hiện đại đủ sức ganh đua trong những không gian lạ với đường chân trời ngày càng lùi xa. Bước đầu so sánh với Luật công ty được ban hành cùng năm của nước láng giềng Phương Bắc, bài viết dưới đây bàn về vài diễn tiến đáng ghi nhận trong LDN 2005 cũng như đôi điều cần lưu ý khi thực thi đạo luật này.

Thai nghén và những cuộc vận động chuyên nghiệp

Cùng với làng nghề, phường hội, bàng, cuộc và gia đình nhà buôn truyền thống, theo chân kẻ thực dân, hội người, hội vốn, hội đồng lợi, hội nặc danh, ngân hàng cổ phần… đã bén rễ và nảy mầm trong văn hóa kinh doanh Việt Nam.

Pháp luật công ty, vì lẽ ấy, đã có một truyền thống âm thầm từ hơn một thế kỉ nay ở nước ta. Chỉ có điều cái mầm yếu ớt ấy sớm héo hon trước sự chèn ép của mại bản và những cơn biến động chính trị. Nam tiến, tìm lại những nhánh rễ rơi vãi ngày xưa, Luật công ty 1990 đã mở màn tái khám phá ra công ty TNHH và CTCP. Mười năm sau, đạo luật đơn sơ ấy được thay đổi bởi Luật doanh nghiệp 1999 với những tư duy táo bạo; giành lấy quyền tự do cho doanh nhân và từng bước hạn chế công lực, xóa bỏ giấy phép, xóa bỏ vốn pháp định, minh định thủ tục đăng kí kinh doanh. Những người soạn LDN 2005 có thâm ý làm lan rộng thần thái cải cách ấy sang cho khu vực doanh nghiệp quốc hữu và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khi có hiệu lực, LDN 2005 sẽ thay thể Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thay thế Luật doanh nghiệp nhà nước 2003, trừ những điều khoản bảo lưu cho quá trình chuyển đổi của DNNN sang mô hình công ty trong một thời hạn chậm nhất là 04 năm [1].

 

Để làm được việc ấy, những người soạn thảo đã tiến hành vận động đầy cẩn trọng. Bắt đầu bằng một văn bản của Chính phủ xác định tư tưởng chỉ đạo và những nội dung cơ bản cần có, dự thảo LDN 2005 đã được hậu thuẫn bởi không dưới 25 công trình nghiên cứu quy mô quốc tế, hàng trăm cuộc hội thảo lớn nhỏ tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, giới chuyên gia với sự đưa tin và tạo dư luận của báo giới [2]. Tìm kiếm lí lẽ, kể cả bởi những phương cách mới như đánh giá tác động quy phạm (RIA), những người soạn LDN 2005 đã tìm thấy sự đồng điệu với trào lưu phi quy chế hóa toàn cầu. Quả là ở đâu quy chế pháp lí càng phức tạp thì dân nước đó càng nghèo [3].

Được tạo đà bởi xu thế quốc hữu ít như cần thiết, dân doanh lớn như có thể; khéo léo khơi gợi mơ ước về một môi trường kinh doanh bình đẳng của lớp doanh nhân đang tiến tới con số nửa triệu vào năm 2010, những người soạn luật dường như đã thuyết phục được dư luận xã hội về việc cần có một đạo luật chung. Nhìn lại như vậy đủ mừng cho trình độ vận động đã ngày càng chuyên nghiệp của người soạn luật nước ta. Tuy nhiên, từ giác độ của một người nghiên cứu, tôi vẫn cho rằng sự bình đẳng không hề được tạo ra bởi những đạo luật đồ sộ áp dụng cho tất cả các loại hình thương nhân, từ người kinh doanh đơn lẻ, hợp danh, công ty khép kín, cho tới các công ty đại chúng với hàng vạn cổ đông [4]. Thường thì người buôn đơn lẻ chỉ cần một quy chế giản đơn hơn nhiều lần so với các hợp danh, cũng như thế các hợp danh về cơ bản được tạo nên bởi quan hệ hợp đồng. Sự can thiệp của nhà nước sẽ tăng dần lên khi tính tổ chức của liên kết gia tăng, thậm chí hầu như tách rời khỏi ý chí của cổ đông, như trường hợp của các công ty đại chúng. Khi ấy luật về công ty là luật tổ chức, phân tách khỏi luật hợp đồng.

Nước láng giềng Trung Quốc tách bạch hợp danh ra khỏi mô hình công ty và điều chỉnh hợp danh theo các nguyên tắc của dân luật đã hình thành từ những năm 1986 với những giải thích ngày càng chuyên nghiệp của tòa án. Luật công ty Trung Quốc ban hành năm 1993, nay được thay thế bởi đạo luật sửa đổi ngày 27/10/2005 với 13 chương và 219 điều có hiệu lực từ 01/01/2006 (dưới đây viết tắt là LCT 2005), chỉ điều chỉnh công ty TNHH và CTCP. Riêng về công ty niêm yết có những quy chế riêng, ví dụ Tiêu chuẩn về quản trị công ty niêm yết do UBCK Trung Quốc ban hành 07/02/2002 hoặc hướng dẫn về quy chế thành viên HĐQT độc lập trong công ty niêm yết tháng 5/2004 [5]. Những sửa đổi của LCT 2005 của Trung Quốc có một số xu hướng tương đồng, song nhiều điểm thậm chí dè dặt hơn LDN 2005 của Việt Nam.

Thành lập doanh nghiệp: Giảm chi phí gia nhập thị trường

Cũng như LCT 2005 Trung Quốc áp dụng cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, người soạn thảo LDN 2005 của Việt Nam có ý đồ nhân rộng tư duy đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp từ khu vực tư nhân trong nước sang khu vực đầu tư nước ngoài [6]. Riêng đối với quốc doanh, không nên khuyến khích thành lập mới, trái lại cần thắt chặt chúng dưới sự giám sát của cơ quan dân cử. Nếu việc bỏ vốn pháp định, bỏ thủ tục cấp phép đầu tư, bỏ thẩm định luận chứng khả thi, bỏ quy định về thẩm định vốn góp.. cũng được áp dụng với đầu tư nước ngoài, thì nước ta tiến gần đến sự tự do của Delaware! Người Trung Quốc dè dặt hơn, cũng như nhiều nước Châu Âu [7], họ vẫn quy định vốn tối thiểu cho công ty TNHH là 30.000 tệ, cho CTCP là 5.000.000 tệ. Hơn thế nữa, người góp vốn theo luật Trung Quốc, tuy không phải góp đủ một lần như quy định trước đây, song cũng không có được sự thoải mái tự định lấy tiến độ góp vốn như theo LDN 2005 của Việt Nam. Người ta vẫn buộc thành viên công ty phải đóng góp ít nhất 20% vốn điều lệ vào thời điểm đăng kí công ty, nếu góp vốn bằng tiền và hiện vật, thì số vốn góp bằng tiền không được phép ít hơn 30% vốn điều lệ, nếu góp bằng tiền thì phải đóng đủ ngay bằng cách gửi vào một tài khoản của công ty, thời gian để góp đủ toàn bộ số vốn điều lệ không thể vượt quá 02 năm và nhà làm luật trù liệu một cơ quan nhà nước có quyền thẩm định vốn góp khi cần thiết nhằm chống lại việc khai khống vốn [8].

Cũng giống như ở Việt Nam, người Trung Quốc tìm cách chống nạn khai khống vốn bằng cách buộc thành viên công ty và người định giá phải bồi hoàn cho công ty và chủ nợ [[9]]. Song người soạn luật Trung Quốc đi xa hơn các đồng nghiệp Việt Nam bằng cách quy định lỗi suy đoán và đảo ngược nghĩa vụ chứng minh cho các thành viên công ty nhằm bảo vệ tốt hơn vị thế các chủ nợ ngay tình. Thêm nữa, khai không vốn ngay lập tức dẫn tới các chế tài phạt theo luật hành chính và hình sự [10].

Sự dễ dãi trong thủ tục đăng kí kinh doanh có thể đã là một tác nhân tạo nên sự gia tăng tới gần 20 vạn doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong sáu năm qua. Tuy nhiên, đằng sau con số dễ gây ảo giác đó, chỉ có một phần doanh nghiệp thực sự có vốn, có hoạt động và tạo việc làm. Nỗi lo bị lừa bởi công ty ma đẩy các chủ nợ làm ăn với công ty tới một thói quen hành xử đáng lưu ý hơn; họ không chấp nhận tính chịu trách nhiệm hữu hạn và tìm mọi cách cá thể hóa công ty, buộc thành viên công ty phải chịu trách nhiệm cuối cùng cho mọi khoản nợ. Ngân hàng yêu cầu thành viên, người điều hành công ty TNHH thế chấp nhà đất tư cho nợ của công ty; chủ nợ và thừa phát lại không hiếm khi tới tận nhà của các thành viên công ty mà xiết nợ. Thành ra, như tôi đã nhiều lần cảnh báo, nếu không thực thi được tính chịu TNHH và tách bạch giữa công ty và thành viên của nó, thì chúng ta đã có 20 vạn tiệm buôn gia đình núp dưới bóng các công ty hiện đại.

Thêm nữa, ngày vui đăng kí kinh doanh thì ngắn, mà những tháng ngày xin con dấu, mã số thuế đến chiều lòng quan chức thì dài [11]. Chi phí gia nhập thị trường chỉ có thể giảm, nếu cương tỏa được nhằng nhịt các giấy phép con, cháu và điều kiện kinh doanh, vốn bướng bỉnh như đầu Phạm Nhan [12]. Dựa trên LDN 2005, một nghị định về giấy phép kinh doanh đang được Viện Quản lí kinh tế Trung ương chủ soạn; sức công phá của những con chữ đầy tâm huyết ấy vào hệ thống hành chính quan liêu đương quyền có lẽ sẽ rất khiêm tốn [13]. Người Trung Quốc buộc cơ quan đăng kí kinh doanh phải công bố tất cả các loại giấy phép, chỉ khi công bố chúng mới có hiệu lực [14]. Thêm nữa, từ một tầm nhìn xa hơn, gia nhập thị trường còn phụ thuộc vào cuộc chia thương quyền giữa những liên minh quyền lực quan thương và giới kinh doanh hiện hữu. Những chi phí ấy khó có thể giảm chỉ bởi một tiếng én lẻ loi; LDN 2005 dường như đã tới giới hạn của nó trong việc góp phần giảm chi phí gia nhập thị trường.

Một số chi tiết kĩ thuật khác trong đăng kí kinh doanh vẫn chưa được LDN 2005 xử lí chuyên nghiệp, ví dụ thiếu vắng một hệ thống đăng kí doanh nghiệp liên thông quốc gia. 7.000 phòng kinh tế cấp huyện, 64 phòng đăng kí kinh doanh ở các sở KH&ĐT cấp tỉnh cũng như hệ thống đăng kí kinh doanh của ngân hàng, cơ sở y tế, giáo dục chưa thể liên kết và chia sẻ thông tin. Tin xấu về một nhà hàng Phố Núi (vụ PMU 18) có thể chạnh lòng vô số doanh nghiệp cùng tên trên khắp đất nước này. Cũng như thế SITC đã mở tới 29 chi nhánh, quỵt học phí của 3 vạn học sinh và nợ lương của hàng ngàn giáo viên Anh ngữ, mà các cơ quan đăng kí kinh doanh vẫn chẳng hay biết chủ đầu tư đã bỏ trốn. Thêm nữa, các quy định đơn sơ của §§ 13-37 LDN 2005 chắc rằng vừa có vẻ quá thừa đối với cá nhân kinh doanh đơn lẻ, song lại quá thiếu và khó có thể phù hợp cho các CTCP [15].

Từ hộ kinh doanh tới doanh nghiệp tư nhân, hợp danh và các công ty

Một số lượng lớn các cá nhân, hộ kinh doanh, ước tính từ 2,5 -2,9 triệu hộ, vẫn lưỡng lự khi chuyển đổi từ khu vực “không chính thức” này sang khu vực doanh nghiệp. Có nhiều lí do cho sự e dè này, song phần cũng bởi cân đo lợi ích mà mô hình doanh nghiệp có thể đem lại cho họ. LDN 2005 đã có một quy định khá khiên cưỡng, yêu cầu các hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở nên buộc phải lựa chọn mô hình doanh nghiệp tư nhân (DNTN) hoặc công ty [16].Ý tưởng cưỡng bức này thực ra đã có từ những năm 2004, chưa triển khai thành công, đã vội được nâng thành luật.

Một cá nhân có thể thành lập một hay vô số công ty TNHH đơn hoặc đa thành viên; có thể tham gia vào vô số CTCP, song anh ta chỉ có thể thành lập một DNTN [17]. Lí do cho sự hạn chế này chưa mấy rõ ràng. Chỉ biết rằng, sau khi ra đời, DNTN có sản nghiệp riêng, có tên riêng, có con dấu và người điều hành, được đánh thuế thu nhập như bất kì doanh nghiệp nào khác; sản nghiệp ấy có thể được cho thuê hoặc bán cho người khác. Như vậy, cũng như LDN 1999, đạo luật mới năm 2005 gián tiếp đã thừa nhận DNTN như một thực thể kinh tế khá độc lập, tách ra khỏi cá nhân làm chủ. Tuy nhiên, về mặt pháp lí, LDN 2005 chưa hề tiến xa hơn người tiền nhiệm của nó. Chủ doanh nghiệp vẫn là nguyên đơn, bị đơn trong các giao dịch pháp lí. Điều rầy rà sẽ xuất hiện, nếu ông chủ đó đột nhiên vô năng hoặc chết đi, trong khi DNTN vẫn hiện hữu và tiếp tục cuộc kinh doanh của nó với tư cách là một doanh nghiệp.

Từ bốn điều cũ của LDN 1999, phần về hợp danh của đạo luật mới đã được cơi nới thành 11 điều, tạo dựng những khuôn mẫu chi tiết hơn cho các thỏa thuận hợp danh. Theo luật chuyên ngành, hợp danh có thể trở thành mô hình pháp lí bắt buộc đối với một số dịch vụ, ví dụ văn phòng luật sư, kiểm toán độc lập, phòng mạch, kiến trúc sư. Các nhà soạn luật tặng cho hợp danh tư cách pháp nhân; song tính nghiệp dư của người soạn luật có thể thấy ngay ở trong cùng một điều luật, bởi nếu hợp danh đã là pháp nhân thì người tạo vốn cho chúng không còn là đồng sở hữu [18]. Thêm nữa, liệu hợp danh có trở nên phổ biến hay không còn phụ thuộc vào lợi ích mà mô hình này mang lại cho chủ đầu tư. Nhiều nước không áp dụng thuế thu nhập công ty cho mô hình hợp danh. Nếu chọn mô hình hợp danh, nhà đầu tư có thể chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân mà tránh bị đánh thuế hai lần. Lợi thế này không hề có theo pháp luật nước ta; cũng như các công ty, hợp danh là đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập trước ngày LDN 2005 có hiệu lực có thể lựa chọn hai cách: (i) không đăng kí lại, hoạt động theo các quy chế cũ theo điều lệ, hợp đồng liên doanh và các giấy phép đầu tư đã được cấp; (ii) đăng kí lại theo các mô hình doanh nghiệp của LDN 2005 trong thời hạn 02 năm [19]. Liên doanh hay các doanh nghiệp 100% vốn ĐTNN đều có thể chuyển đổi sang công ty TNHH hoặc tiến hành cổ phần hóa; người soạn luật chỉ quên số phận của các hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), vốn rất phổ biến ở các ngành dầu khí, viễn thông, du lịch và một số dịch vụ khác, như khai thác khách sạn, sân golf, trường đua ngựa. LDN 2005 chưa có các quy định cụ thể về quy trình chuyển đổi hợp đồng BCC thành công ty TNHH hay hợp danh.

Phá hạn trách nhiệm: Piercing the corporate veil hay là Durchgriffhaftung

Mặc dù bốn định nghĩa của LDN 2005 về tính chịu TNHH có phần khác nhau, song TNHH là một tấm màn; nếu được hiểu đúng sẽ bảo vệ rất đắc lực cho các chủ kinh doanh và dồn một phần rủi ro cho các chủ nợ [2]. Không thể bênh vực người gian xù nợ, người làm luật Trung Quốc và Việt Nam đều du nhập vô khối ngoại lệ để phá TNHH, buộc thành viên phải mang tài sản cá nhân trả cho nợ của công ty [21]. Các điều luật này đều được thể hiện ở dạng quyền đòi đền bù thiệt hại của chủ nợ; buộc thành viên công ty phải liên đới (bên cạnh trách nhiệm của công ty và các thành viên khác) và chịu trách nhiệm đến cùng (vô hạn), cho các khoản nợ của công ty.

Các quy định phá hạn này có thể sẽ gây sự chú ý đáng kể đối với các nhà đầu tư từ những xứ quen với tính chịu TNHH, song chắc sẽ ít ý nghĩa ở Việt Nam và Trung Quốc, nơi thương nhân mới đang tập làm quen với sự tách bạch giữa thành viên và công ty và tòa án hiếm hoi mới thụ lí một vụ phá sản.

Bảo vệ cổ đông thiểu số

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chập chững học những bài đầu tiên; nhà đầu tư cá nhân hành xử theo tâm lí đám đông, bị dẫn dắt bởi vô khối tin đồn. Chìm sâu dưới những làn sóng bất cân xứng thông tin đó, các nhà đầu tư thiết chế và đại cổ đông lặng lẽ toan tính những cuộc thâu tóm nguồn tài nguyên và hệ thống tiêu thụ. Bảo vệ cổ đông thiểu số, bởi thế là một quan tâm hàng đầu của quản trị công ty, lan rộng từ các nước OECD đến các thị trường mới nổi, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam [22].

Theo các khuôn mẫu quản trị công ty của OECD, người soạn luật hai nước Việt Nam và Trung Hoa đều tìm cách tăng quyền có được thông tin cho cổ đông, quy định quyền yêu cầu triệu tập các đại hội đồng cổ đông của nhóm cổ đông thiểu số, du nhập nguyên tắc cộng dồn phiếu trong bầu cử thành viên hội đồng quản trị (hay hội đồng giám sự theo luật Trung Hoa) [23]. Trong một số trường hợp, ví dụ khi chống lại các quyết định tái tổ chức, sửa đổi điều lệ, hay nếu 05 năm liền không nhận được cổ tức khi công ty có lãi, thành viên công ty TNHH, cổ đông có thể buộc công ty mua lại phần vốn góp hoặc cổ phiếu của mình [24]. Thu nhập của người quản lí công ty cũng buộc phải minh bạch hơn đối với các cổ đông và công chúng.

Dù nguyên tắc bảo vệ cổ đông thiểu số của pháp luật hai nước về cơ bản có thể so sánh được với nhau, song cũng như ở vài khía cạnh đã được minh họa kể trên, dường như người soạn luật Trung Hoa có phần chuyên nghiệp hơn các đồng nghiệp Phương Nam của mình. Quyền của cổ đông sẽ vẫn chỉ là quyền trên giấy, nếu thiếu các tố quyền, tức là thiếu quyền cầu viện công lí, nại ra tòa và yêu cầu can thiệp. Theo pháp luật Trung Quốc, thành viên công ty TNHH hoặc cổ đông có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án hủy các nghị quyết của hội đồng quản trị hay đại hội đồng cổ đông, nếu chúng vi phạm các nguyên tắc triệu tập, thông tin và biểu quyết hay có bằng chứng cho thấy cổ đông đa số đã lạm dụng vị thế của mình để bóc lột cổ đông thiểu số. Tương tự như vậy, trong hội đồng quản trị của các CTCP niêm yết phải có ít nhất 02 thành viên độc lập, chỉ khi hai vị này kí xác nhận thì các báo cáo tài chính mới được trình lên đại hội đồng cổ đông [25]. Đối chiếu với các thủ tục triệu tập, mời họp, bỏ phiếu khá phức tạp đã được du nhập vào LDN 2005, người ta vẫn băn khoăn tự hỏi, liệu cổ đông trên thực tế có thể làm được gì để ép giám đốc các công ty buộc phải tuân thủ những quy trình minh bạch đó [26].

Thay cho lời kết: Từ hải đoàn thuyền thúng tới chiến hạm hiện đại

Sau hai thập kỉ đổi mới, 82 triệu người Việt Nam đã tạo nên 20 vạn doanh nghiệp với bình quân thu nhập đầu người hàng năm chưa vượt quá 600 USD. Bạn sẽ nghĩ gì nếu biết rằng cũng con rồng cháu tiên, song chỉ với 2 triệu người ở hải ngoại một hệ thống 20 vạn doanh nghiệp Việt kiều đã hình thành, góp phần chuyển về cố hương hàng năm trên dưới 4 tỷ USD kiều hối. Cho đến 2010, người ta đang mơ ước cứ 180 người dân nước Việt sẽ có một doanh nhân. Giảm quy chế, tạo mọi dễ dàng cho khởi sự doanh nghiệp là một xu thế tất yếu đã được LDN 2005 tái khẳng định. Song doanh nghiệp của người Việt Nam, dù là của người trong nước hay ở hải ngoại, đều là một hải đoàn thuyền thúng và xuồng lá tre so với chiến hạm tối tân của doanh nhân các dân tộc láng giềng. Du nhập quản trị công ty hiện đại, tạo kênh dẫn ngàn vạn đồng tiền lẻ tích tụ thành những nguồn vốn lớn và lựa chọn những nhà quản trị tài năng làm cho nguồn tài nguyên khan hiếm đó sinh sôi chính là triết lí của mọi sự giàu có; đó cũng chính là hy vọng người nước ta chờ đợi vào LDN 2005./.

[1] LDN 2005, § 166 II, 171 II. (Dưới đây quy ước viết tắt: § là điều, I, II.. là các khoản).

[2] Chương trình phát triển kinh tế tư nhân MPDF và Văn phòng Quốc hội, Dự án Luật doanh nghiệp thống nhất và Luật đầu tư chung, Hà Nội, 8/2005.

[3] Xem Ngân hàng thế giới, Môi trường kinh doanh năm 2004, Tìm hiểu quy chế (Understanding Regulation) và Môi trường kinh doanh 2006, Tạo việc làm (Creating Jobs), đã được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt, nguyên tác có thể tải về từ trang Web: www.doingbusiness. org.

[4] Phạm Duy Nghĩa, Giò lụa hay xúc-xích: Lại bàn về làm luật, NCLP, 2005, I, tr. 42-46.

[5] Nguồn LCT 2005 của Trung Quốc có thể tải về từ: www.saic.gov.cn/ggl/zwgg_detail.asp?newsid=314. Bản quy chế quản trị công ty niêm yết của Trung Quốc có thể tải về từ: www.ecgi.org.

[6] Xem § 6 LCT 2005 Trung Quốc, § 13 I LDN 2005 Việt Nam, cả hai đều áp dụng cho tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

[7] Ví dụ Đức vẫn quy định vốn tiểu thiểu 25.000 Euro cho công ty TNHH và 50.000 Euro cho CTCP.

[8] So sánh §§ 26II, 27, 28, 29, 81 I LCT 2005 của Trung Quốc với §§ 29, 30, 39 I LDN 2005 Việt Nam.

[9] Xem § 30 II LDN 2005 của Việt Nam, §§ 20 III, 208 III LCT 2005 của Trung Quốc.

[10] § 208 III LCT 2005 Trung Quốc, §§ 200, 201 và 158 BLHS Trung Quốc

[11] CIEM-GTZ, Từ ý tưởng đến thực tiễn kinh doanh, Hà Nội, 2005

[12] Ban nghiên cứu của Thủ tướng-GTZ, Cải cách hệ thống giấy phép kinh doanh ở Việt Nam, Hà Nội, 2006

[13] Dự thảo nghị định về đăng kí kinh doanh có thể tải về từ: www.vibonline.com; xem them bình luận của Nguyễn Tấn, Cơ chế mới hạn chế giấy phép con, TBKTSG, 18/05/2006.

[14] Xem § 88 LCT 2005 Trung Quốc với khoảng 180 giấy phép kinh doanh các loại có thể tải về từ các trang dưới đây: www.hbgs.gov.cn/biaoge/qz.doc; www.ccgs.gov.cn/html/bszzn

[15] Xem thêm: Nguyễn Mạnh Bách, Những điều bất cập trong Luật doanh nghiệp 2005, TBKTSG, 04/05/2006.

[16] § 170 IV LDN 2005.

[17] § 141 III LDN 2005

[18] § 130 Ia và II LDN 2005. Pháp nhân phải là chủ sở hữu tài sản riêng của nó. §§ 3, 4 LCT 2005 của Trung Quốc hay § 29 LDN 2005 của Việt Nam đều đã làm rõ điều này, đáng tiếc lại có một quy định mâu thuẫn tại § 130 Ia khi cho rằng thành viên hợp danh là đồng sở hữu công ty. Người Trung Quốc nhấn mạnh rằng thành viên công ty chỉ có quyền hưởng lợi từ công ty, chứ tuyệt nhiên không là đồng sở hữu công ty. Người ta đang tìm cách áp dụng điều này đối với cả DNNN, từ 2003 một thiết chế quản lí, kinh doanh công sản đã hình thành và tìm cách thực hiện quyền cổ đông trong các công ty quốc hữu lớn. Năm 2005 Việt Nam cũng đã du nhập mô hình này (TCT quản lí và kinh doanh vốn nhà nước thuộc Bộ tài chính).

[19] § 170 II LDN 2005

[20] Xem bốn định nghĩa về TNHH: §§ 38 I b, 63 I, 77 I c, 130 Ic LDN 2005.

[21] Xem ví dụ: §§ 30 II, 39 II, 59 II, 62, 66 I, 94, 108 IV LDN 2005 của Việt Nam, §§ 20, 21, 28, 31, 84, 94, 95,113, 153, 190, 208 LCT 2005 của Trung Quốc.

[22] Tổng quan về quản trị công ty (corporate governance), có thể tham khảo: www.ecgi.org

[23] Xem §§ 34, 40, 43, 103, 117 LCT 2005 Trung Quốc và §§ 41, 79 LDN 2005 của Việt Nam.

[24] Xem § § 75, 143 I, 183 LCT 2005 Trung Quốc, §§ 43, 90 LDN 2005 của Việt Nam.

[25] Xem §§ 22 II, 123 LCT 2005 của Trung Quốc.

[26] Theo § 107 LDN 2005, cổ đông có quyền yêu cầu tòa án hoặc trọng tài hủy bỏ quyết nghị của ĐHĐCĐ nếu trình tự và thủ tục triệu tập vi phạm pháp luật hoặc vi phạm điều lệ công ty. Mới đây có vụ đảo chính tại CTCP Đay Sài Gòn, theo đó một nhóm cổ đông bỏ ra về, nhóm còn lại tiếp tục tổ chức đại hội, bầu ra một ban lãnh đạo mới, song bị ban lãnh đạo cũ từ chối không bàn giao con dấu và văn phòng làm việc.