Lừa đảo tìm việc làm gia tăng dịp cận Tết

Chiêu lừa đảo tìm việc làm đánh vào tâm lý thích lương cao 

Cận Tết luôn là thời điểm “nóng” cho các giao dịch tìm kiếm, tuyển dụng việc làm. Nhiều lao động thất nghiệp, thậm chí có việc nhưng vẫn mong muốn tìm một công việc làm thêm để được tăng thêm thu nhập. Bởi vậy, đây là miếng mồi ngon cho các đối tượng trục lợi, lừa đảo tìm việc làm. 

Tìm việc làm thêm giờ đây rất đơn giản, dạo 1 vòng Facebook là có thể thấy đầy rẫy những tin đăng tuyển hấp dẫn, tuy nhiên độ thật giả thì lẫn lộn. Không ít những chiêu lừa đảo tìm việc làm tinh vi như bán hàng đa cấp trá hình; làm cộng tác viên bán hàng…  khiến em sinh viên còn non kinh nghiệm hay cả những người đã ra trường và đi làm đều dễ mắc phải.

Hầu hết tâm lý người tìm việc làm thêm đều muốn tìm cho mình công việc có thể làm tại nhà để hạn chế đi lại, tranh thủ ngay những lúc rảnh rỗi, vừa làm việc vừa có thể học tập, phụ giúp gia đình.

Lừa đảo tìm việc làm gia tăng dịp cận Tết  - Ảnh 1.

Cuối năm các thông tin tìm kiếm việc làm dày đặc, nhiều thông tin trong số đó là lừa đảo tìm việc làm. Ảnh: cắt từ Internet.

Nguyễn Thị Hoa, sinh viên năm 3 trường ĐH tại Hà Nội cho biết, có tuần mình nhận được tới chục tin nhắn mời chào, đăng ký tìm việc với thu nhập cực hấp dẫn, lên tới cả chục triệu đồng.

Có tin nhắn mời bán hàng online, làm cộng tác viên, có tin nhắn yêu cầu đăng nhập vào đường linh để tham gia tìm việc làm tại nhà. Sau nhiều lần đọc được các bài viết cảnh báo, Hoa tránh xa các chiêu trò, dụ giỗ “tìm việc nhẹ, lương cao này”. Tuy nhiên, không phải lao động nào cũng có kiến thức như Hoa, nhiều sinh viên, lao động tự do đã trúng bẫy lừa đảo tìm việc làm. 

Nguyễn Thị Nga (32 tuổi) từng làm công nhân may ở khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) cho biết, sau khi thất nghiệp Nga ở nhà sinh con. Giờ con lớn hơn chút, kinh tế khó khăn nên muốn tìm việc làm mà tìm mãi không được.

“1 tháng trước, tôi có nhận được tin nhắn mời làm việc tại nhà. Công việc khá đơn giản, chỉ ngồi thống kê đơn hàng, trả lời tin nhắn rồi tư vấn hàng. Làm hết một tháng vẫn chưa thấy chủ chuyển lương, hỏi thì bạn chủ nói làm tiếp một tháng nữa rồi chuyển lương. Khi tôi không đồng ý thì bạn ấy nói sẽ chuyển lương nhưng chỉ chuyển 1/2 tiền lương (2 triệu đồng) của tháng”, chị Nga kể.

“Chiêu bài lừa đảo việc làm thường thấy là dụ lao động nộp hồ sơ vào các vị trí việc làm bán thời gian với mức thu nhập cao. Ban đầu các đối tượng không bắt đặt cọc nhưng làm được một thời gian thì nói phải gửi tiền, mã điện thoại để học hoặc là giữ tháng lương đầu tiên ràng buộc bắt lao động gắn bó”.

Ông Vũ Quang Thành – Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội

Chị Nga cho biết, vừa hôm qua bạn chị được gửi một link tuyển dụng. Khi cô ấy nhấp vào đường link thì lập tức bị đánh cắp thông tin cá nhân, facebook. Sau đó kẻ lừa đảo dùng tài khoản này để nhắn tin vay tiền. 

Nên tìm việc trên sàn giao dịch việc làm uy tín để tránh bị lừa đảo 

Ông Vũ Quang Thành – Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, do bối cảnh dịch bệnh, nhiều lao động thất nghiệp, mất việc hoặc giảm việc nên nhu cầu tìm việc làm mới hay tìm việc làm thêm để tăng thêm thu nhập của lao động là rất lớn, nhất là vào thời điểm cận Tết.

“Khi công nghệ thông tin, Internet được phổ cập thì ai cũng có thể lên mạng tìm kiếm công việc. Tiện lợi thì có nhưng hệ lụy không phải là không có. Nhiều lao động vì cả tin, thiếu thông tin muốn tìm việc làm nhẹ, thu nhập cao nên trúng bẫy lừa đảo tìm việc làm”, ông Thành cảnh báo.

Lừa đảo tìm việc làm gia tăng dịp cận Tết  - Ảnh 3.

Cận Tết tin nhắn lừa đảo tìm việc làm ngày càng nhiều. Ảnh chụp từ màn hình nhân vật cung cấp.

Theo ông Thành các chiêu bài lừa đảo cũng rất đa dạng, từ lừa tiền, chiếm đoạt tài sản, lừa làm việc không công;… Mặc dù các hình thức lừa đảo này đã được tuyên truyền, truyền thông rất nhiều nhưng nhiều lao động vẫn không hay biết nên bị sập bẫy.

Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia việc làm cảnh báo, người lao động chỉ nên tìm việc ở trung tâm dịch vụ việc làm công, hoặc tìm việc trực tiếp bằng cách nộp hồ sơ tuyển dụng tới địa chỉ công ty không qua môi giới.

“Tuyệt đối không đặt cọc tiền, hay đặt cọc giấy tờ tùy thân. Khi thấy có dấu hiệu chiếm đoạt tiền giữ giấy tờ tùy thân, cưỡng bức lao động… cần thông báo ngay cho cơ quan công an, chính quyền địa phương để được hướng dẫn, xử lý”, ông Thành khuyến cáo.

Ông Tào Bằng Huy – Phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cũng cho biết thêm, thời điểm này các trung tâm dịch vụ việc làm công trong cả nước đang tăng tốc mở nhiều phiên giao dịch việc làm nhằm hỗ trợ cung ứng, kết nối tuyển dụng giữa doanh nghiệp và người lao động. Các vị trí việc làm cũng rất đa dạng, từ việc làm cố định cho tới việc làm bán thời gian trong các ngành bán lẻ, dịch vụ, vận chuyển hàng hóa…

“Nếu cần tìm việc chúng tôi khuyến các lao động nên tìm tới sàn giao dịch việc làm công này để được tư vấn giới thiệu việc làm, tránh việc bị lừa đảo tìm việc làm”, ông Huy nói.