Lối sống giản dị của Bác Hồ

Bác Hồ với đồng bào các dân tộc (Ảnh: Nguồn Internet)

Không phải tự nhiên từ người già đến trẻ nhỏ đều gọi Người với cái tên giản dị mà ý nghĩa “Bác Hồ, cụ Hồ” bởi cả cuộc đời Người hiến dâng cho dân tộc, cho Tổ quốc để chúng ta có được một nước Việt Nam độc lập hôm nay. Trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc ta, công lao của Bác Hồ dành cho đất nước là vô cùng to lớn, được toàn dân tộc Việt Nam đời đời ghi nhớ. Thế nhưng trong cuộc sống thường ngày, Người lại có một lối sống vô cùng giản dị mà gần gũi. Lối sống giản dị của Bác chúng ta biết đến trong những câu chuyện kể, trong những tài liệu lịch sử. Trong câu chuyện đời thường của Bác, lối sống giản dị của Người được thể hiện trong tất cả mọi việc, trong từng bữa cơm, trong lối sống. Bữa cơm chỉ có những món đơn giản; căn nhà Bác sống giản dị và luôn mở cửa đón gió thiên nhiên. Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết “Nhà Bác đơn sơ một góc vườn – Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn – Giường mây, chiếu cói, chăn đơn gối – Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn”. Tất cả những vật dụng chỉ có thế nhưng Bác vẫn làm việc và sống vui vẻ với hoàn cảnh hiện tại của mình để làm một việc vĩ đại là đưa dân tộc ta thoát khỏi vòng nô lệ, có một cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc. Khi đã là một vị lãnh tụ vĩ đại, có thể ở trong những biệt thự lộng lẫy thì Người lại chọn cho mình một ngôi nhà sàn đơn sơ, một vườn cây trái, hoa thơm với một ao cá nhỏ. Sau giờ làm việc, Người tự mình trồng cây, tưới nước, gọi cá lên ăn, vui với các cháu thiếu nhi ngay trong vườn rợp bóng mát.

Bác giản dị ngay cả trong cách sống. Một vị lãnh tụ tối cao của đất nước chẳng hề có cuộc sống sa hoa, có kẻ hầu người hạ. Những đồng chí may mắn được giúp việc cho Bác đều được Bác đặt cho những cái tên thể hiện mong muốn thống nhất đất nước của Người “Trường, Kì, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi”. Và dù có người giúp việc bên cạnh nhưng với những việc có thể, Bác đều tự mình làm mà không cần ai giúp. Bác đã đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, Bác đã làm việc và chịu không ít khó khăn trên đất khách. Thế nhưng, sự giản dị của Bác vẫn còn mãi. Dù Bác từ một đầu bếp, một người cào tuyết, đốt lò hay khi đã là lãnh tụ, Bác vẫn là Bác, vẫn chiếc áo kaki sờn màu cùng với đôi dép cao su đã gắn bó với Bác trên mọi nẻo đường. Một câu chuyện nhỏ về đôi dép cao su của Bác, đôi dép Bác đi hơn 10 năm, đã mòn và hỏng biết bao lần. Các đồng chí cảnh vệ nhiều lần xin được thay cho Bác đôi dép mới nhưng Bác bảo: Nước ta còn chưa được độc lập hoàn toàn, Nhân dân ta còn khó khăn, Bác đi dép cao su nhưng bên trong lại có đôi tất mới thế là đủ lắm mà vẫn lịch sự. Cũng đôi dép cao su ấy, Bác đã đi đến các địa phương, sang các nước để nói chuyện với các chính khách. Bác sống giản dị nhưng không giản đơn, giản dị nhưng vẫn lịch thiệp, vẫn làm cho người đối diện phải nể phục. 

Có rất nhiều câu chuyện kể về Bác Hồ khi Người về các địa phương làm việc. Vẫn là bộ quần áo kaki bạc màu giản dị và chiếc mũ cối, Người ra đồng thăm và nói chuyện với bà con nông dân, uống chung cốc nước trà xanh và ngồi bệt bên bờ cỏ để hỏi chuyện đồng bào. Một vị lãnh tụ lại biết xuống ruộng làm việc cùng mọi người, chỉ dẫn tận tình về sâu, bệnh của cây lúa cho người nông dân được biết. Người nhắc nhở khéo các đồng chí lãnh đạo phải biết gần dân, quan tâm đến dân bằng những câu hỏi đời thường “Chú có biết tát gầu sòng không? Chú có biết cấy lúa không”. Có lẽ cũng chính từ những điều đó mà hình ảnh của Bác sẽ đời đời khắc sâu trong trái tim của người dân Việt Nam.

Giản dị là vậy, Bác cũng là Người luôn nghĩ cho người khác “Bác thương đoàn dân công – Đêm nay ngủ ngoài rừng – Trải lá cây làm chiếu – Manh áo mỏng làm chăn – Trời thì mưa lâm thâm – Làm sao cho khỏi ướt – Càng thương càng nóng ruột – Mong trời sáng mau mau”. Bác sẵn sàng thức trọn đêm để chờ tin thắng trận, nhường phần ăn của mình cho chiến sĩ bị bệnh. Bữa ăn không đủ no, Bác vẫn nhắc nhở các đồng chí hậu cần cắt giảm phần ăn của Bác để thực hiện phong trào hũ gạo kháng chiến, hũ gạo cứu đói “Mỗi bữa bớt phần ăn của Bác một nắm gạo, nếu bữa nào Bác tiếp khách, thì sẽ trừ vào bữa sau”.

Bác là người thông tuệ, không chỉ ngôn ngữ dân tộc mà còn biết nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Bác là nhà chính trị, nhà ngoại giao sắc sảo, là nhà văn, nhà thơ lớn đã từng viết những áng văn tuyệt tác như Tuyên ngôn Độc lập, những vần thơ Nhật ký trong tù, Đường thi. Nhưng bao giờ Bác cũng lấy sự giản dị, trong sáng làm đầu. Bác lấy sự học làm đầu và rất khiêm tốn học hỏi. Bởi suy cho cùng những chân lý lớn của Nhân dân ta cũng như của thời đại là giản dị, cho nên Bác mới viết: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”… Những chân lý giản dị mà sâu sắc đó khi thâm nhập vào quả tim và khối óc của hàng triệu con người đang chờ đợi nó, thì đó chính là sức mạnh vô địch, là chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Tại sao Bác lại giản dị đến nhường ấy? Bởi con người Bác là sự kết tinh của nhiều nền văn hóa. Bác làm chủ hoàn toàn được mình về trí tuệ, tình cảm, bởi Bác sống “như trời đất của ta”, hiểu được lẽ Trời Ðất, thiên mệnh, sống hòa nhịp với con người, với thời gian hiện tại nhưng lại hướng về tương lai…

Trong những ngày tháng Năm tươi đẹp, hướng về ngày sinh nhật của Người, nhắc lại vài nét về nếp sống cần kiệm, giản dị của lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh, để mỗi chúng ta cùng suy ngẫm, tự nhìn lại mình, cố gắng thực hiện những điều Bác dạy. Học Bác để mỗi chúng ta hoàn thiện bản thân, làm tốt công việc được giao, góp phần tích cực đưa Nghị quyết Đại hội của Đảng vào cuộc sống, xây dựng đất nước ta đàng hoàng, to đẹp hơn trong thời hội nhập như Bác Hồ hằng mong muốn./.

Nguyễn Chanh