Lợi nhuận rạp phim CGV chỉ bằng một nửa trước dịch

Lợi nhuận hoạt động của CGV Việt Nam trong năm ngoái đạt hơn 100 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa so với trước dịch – năm 2019.

Báo cáo kết quả kinh doanh của của Công ty TNHH CJ CGV (Hàn Quốc) cho biết, doanh thu tại thị trường Việt Nam trong quý cuối năm ngoái đạt khoảng 39 tỷ won (gần 722 tỷ đồng), tăng gấp 7 lần so với quý IV/2021. Lợi nhuận hoạt động đạt khoảng 0,4 tỷ won (khoảng 7,4 tỷ đồng), trong khi cùng kỳ lỗ 5,4 tỷ won. Tuy có cải thiện, đây là mức lãi thấp nhất trong năm 2022 và CGV Việt Nam đã có hai quý liên tiếp suy giảm lợi nhuận. Mức lãi hoạt động 0,4 tỷ won chỉ bằng 16% so với quý IV/2019 – thời điểm trước dịch.

Lý giải với VnExpress, ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Nội dung của CGV Việt Nam, cho biết lợi nhuận trong quý IV/2022 thấp hơn cùng kỳ năm 2019 do các tác phẩm bom tấn như “Black Panther”, “Black Adam” và các phim Việt đều không đạt doanh thu như kỳ vọng. Phim “Avatar 2” ra mắt vào cuối tháng 12 không thể đóng góp nhiều vào doanh thu quý cuối năm.

Tính chung cả năm, CGV Việt Nam có gần 150 tỷ won doanh thu và hơn 10 tỷ won lợi nhuận hoạt động. Cả hai chỉ tiêu đều cải thiện nhiều so với hai năm đại dịch nhưng lợi nhuận chỉ bằng một nửa so với năm 2019.

“Sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hoạt động kinh doanh của CGV chưa thể khôi phục như trước, bên cạnh đó, công ty vẫn đang bù đắp khoản lỗ mà hệ thống phải gồng gánh trong thời gian dài đóng cửa”, ông Hải cho biết.

Tuy kết quả kinh doanh vẫn chưa phục hồi, Việt Nam vẫn là một trong hai thị trường duy nhất đem về lợi nhuận cho CJ CGV. Hệ thống rạp chiếu phim này hiện có mặt ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Việt Nam. Trong năm ngoái, Trung Quốc là thị trường có mức lỗ hoạt động nặng nhất khi đất nước tỷ dân vẫn đang kiểm dịch nghiêm ngặt. Theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ và “quê hương” Hàn Quốc của CGV. Ngoài Việt Nam, Indonesia là thị trường ghi nhận lợi nhuận hoạt động dương hơn 110 tỷ đồng, cao hơn Việt Nam dù doanh thu và số lượng rạp chiếu phim thấp hơn.

Theo Giám đốc Nội dung của CGV Việt Nam, dù còn nhiều khó khăn, Việt Nam nằm trong hai thị trường phục hồi ổn định là tín hiệu lạc quan cho thấy khán giả vẫn dành sự ủng hộ cho những tác phẩm có chất lượng tốt. Các doanh nghiệp ngành điện ảnh đều mong muốn duy trì hoạt động kinh doanh tích cực trong giai đoạn tới, đưa thị trường phục hồi.

Ông Hải nói thêm, sự thành công của các phim Việt dịp Tết Nguyên Đán 2023 như “Nhà Bà Nữ”, “Chị Chị Em Em 2” cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, đóng góp nhiều cho doanh thu và khơi gợi nhiều tiềm năng cho thị trường phim ảnh nội địa. Năm nay với loạt tác phẩm dự kiến công chiếu như “Lật Mặt 6: Tấm Vé Định Mệnh”, “Tết Ở Làng Địa Ngục”, “9 Giờ Bão Lửa”, “Đất Rừng Phương Nam”, “Công Tử Bạc Liêu”, “Fanti”, chuỗi rạp phim có thị phần lớn nhất cả nước kỳ vọng thị trường điện ảnh sẽ có bước phục hồi mạnh, tạo động lực cho các nhà sản xuất tiếp tục đầu tư cho các dự án mới.

CJ CGV Hàn Quốc chính thức bước vào thị trường Việt Nam từ năm 2011 sau thương vụ chi 73,6 triệu USD mua lại 80% cổ phần của Megastar – chủ sở hữu hệ thống rạp phim lớn nhất tại Việt Nam khi đó. Hai năm sau, CJ CGV chuyển đổi thương hiệu MegaStar thành CGV. Đơn vị này cũng trở thành đại lý phát hành cho các studio tại Mỹ như UIP hay Warner Bros.

Đến cuối năm 2022, hệ thống này có 83 rạp với 483 phòng chiếu phim tại hơn 30 tỉnh, thành. CJ CGV công bố đơn vị này vẫn giữ vững vị thế chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất Việt Nam khi nắm 51% thị phần. Doanh nghiệp này chủ yếu bám sát kế hoạch mở rộng mạng lưới trung tâm thương mại của hai “ông lớn” bán lẻ Vincom và Central Group.

Tất Đạt