Lợi ích của ăn dặm truyền thống và cách lựa chọn thực đơn cho bé 6 tháng tuổi
6 tháng tuổi là giai đoạn quan trọng khi các bé bước vào thời kỳ ăn dặm và bắt đầu quá trình làm quen với các loại thực phẩm khác ngoài sữa mẹ hoặc sữa bột.
Khi đó, các mẹ có thể áp dụng những kiểu ăn dặm khác nhau cho con tùy theo mong muốn hay điều kiện gia đình và ăn dặm truyền thống vẫn là một phương pháp quen thuộc được nhiều phụ huynh lựa chọn.
# Lợi ích của việc ăn dặm truyền thống cho bé 6 tháng tuổi
Ăn dặm truyền thống là phương pháp đã có từ lâu đời, được các bà, các mẹ truyền lại cho các thế hệ sau với cách chế biến chính là xay nhuyễn các loại thực phẩm (cá, thịt, rau,… ) rồi trộn với các loại đồ ăn chính (bột hoặc cháo). Sau đó mẹ có thể tạo ra rất nhiều món ăn dặm khác nhau để đổi bữa cho bé mỗi ngày.
Tuy rằng đây là phương pháp ăn dặm không còn mới mẻ nhưng nó vẫn rất quen thuộc và được đông đảo các bà mẹ Việt lựa chọn cho con yêu của mình bởi những ưu điểm, lợi ích nổi bật như sau:
– Giúp bé có thể dễ dàng chuyển từ sữa mẹ sang các món ăn lỏng, rồi dần dần sang món ăn đặc. Điều này giúp hệ tiêu hóa của bé có thể tiêu hóa dễ dàng hơn, làm quen dần với đa dạng loại thức ăn.
– Giúp các bố mẹ trẻ có thể tự tin cho bé ăn dặm tốt hơn nhờ có sự trợ giúp, kinh nghiệm từ ông bà.
– Việc ăn dặm truyền thống giúp trẻ có thể phát triển toàn diện và tăng cân tốt hơn những kiểu ăn dặm khác.
– Giúp mẹ tiết kiệm được thời gian chuẩn bị, vì không cần phải chế biến riêng từng món khác nhau như các kiểu ăn dặm khác.
– Phương pháp ăn dặm truyền thống sẽ đảm bảo cho bé những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, đủ cả 4 nhóm thực phẩm: chất bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất.
– Khi tuân thủ phương pháp ăn dặm truyền thống theo các giai đoạn sẽ tạo thói quen tốt về ăn uống cho bé, tránh trường hợp bé biếng ăn và dạ dày phải làm việc quá sức từ sớm.
# Nguyên tắc ăn dặm dành cho bé 6 tháng tuổi
Mỗi phương pháp ăn dặm đều có những ưu điểm vượt trội riêng với cách chế biến và áp dụng khác nhau. Đối với ăn dặm truyền thống cho trẻ 6 tháng tuổi, mẹ nhất định phải ghi nhớ những nguyên tắc cơ bản sau đây.
1. Lượng thức ăn dặm: 1 bữa/ngày.
2. Lượng sữa bột/sữa mẹ: Mẹ cho bé ăn theo nhu cầu của bé.
3. Độ thô của thực phẩm: Thực phẩm cho bé ăn dặm 6 tháng phải được nghiền nhuyễn.
4. Nên cho bé làm quen thứ tự các loại thực phẩm từ nhóm I, nhóm II, nhóm III.
– Nhóm I: Chủ yếu là bột ngũ cốc (Có thể bắt đầu từ cháo trắng nghiền thật nhỏ).
– Nhóm Ⅱ: Rau củ, quả (Cà rốt, khoai lang, khoai tây, bí đỏ, chuối, bơ).
– Nhóm Ⅲ: Thịt nạc lợn, thịt nạc gà, thịt cá trắng.
5. Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng cần chế biến từ loãng đến đặc dần: hệ tiêu hóa của bé 6 tháng tuổi còn non nớt, tuyến nước bọt chưa đủ Enzim để tiêu hóa được hết các loại thực phẩm và thực phẩm chế biến đặc nên mẹ cần cho bé làm quen từ loãng rồi đặc dần. Mẹ có thể bắt đầu bằng 1 – 2 thìa bột với lượng nước sao cho đặc như nước cơm rồi tăng dần lên sau 3-4 hôm ½ thìa. Cứ như vậy tăng dần chứ không được cho bé ăn quá đặc khi mới bắt đầu.
6. Ăn từ ít đến nhiều: Do hệ tiêu hóa còn yếu nên mẹ không nên cho bé ăn quá nhiều sẽ làm cho bé dễ bị rối loạn tiêu hóa.
7. Ăn từ vị ngọt đến vị mặn: Hãy cho bé tập quen với bột ngọt trước rồi sau đó mới tới bột mặn.
# Lựa chọn thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé 6 tháng
Đây là “bài toán” khiến không ít bà mẹ lúng túng, băn khoăn. Bé 6 tháng còn rất non nớt và nhạy cảm, vậy phải chọn món ăn nào, thực phẩm nào để bé dễ ăn, thích ăn, đảm bảo dinh dưỡng mà vẫn lành tính và an toàn? Dưới đây sẽ là một gợi ý hữu ích dành cho các mẹ.
1. Bột cà rốt:
– Nguyên liệu: Bột gạo, nước và cà rốt.
– Cách thực hiện:
-
Bước 1: Gọt vỏ rồi rửa sạch cà rốt sau đó cắt nhỏ và đem vào nồi hấp chín sau đó đem nghiền nhuyễn bằng máy xay sinh tố.
-
Bước 2: Đun sôi nước rồi cho lượng bột gạo vừa đủ rồi nấu chín sau đó cho thêm cà rốt đã nghiền nhuyễn vào trộn đều và tắt bếp.
-
Bước 3: Múc bột cà rốt ra bát ăn dặm cho bé chờ nguội và cho bé thưởng thức sau khi đã rây qua một lần cho mịn.
2. Bột bí đỏ:
– Nguyên liệu: Bột gạo, nước và bí đỏ.
– Cách thực hiện:
Bước 1: Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch, bỏ hạt, bỏ ruột rồi cắt miếng nhỏ và hấp chín bí đỏ. Sau đó cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn bí.
Bước 2: Nấu sôi nước sau đó cho tiếp bột gạo vào nấu chín sau đó cho bí đỏ đã được nghiền rồi trộn đều rồi tắt bếp. Đem hỗn hợp bột bí trên đi rây qua một lần cho mịn.
Bước 3: Múc bột bí ra bát cho bé ăn khi còn ấm ấm để bé thưởng thức hương vị và mùi thơm của các nguyên liệu.
3. Súp khoai tây sữa:
– Nguyên liệu: Sữa mẹ/ sữa công thức: 60ml. Khoai tây: ½ củ.
– Cách thực hiện: Khoai tây mẹ đem rửa sạch, gọt vỏ, thái nhỏ rồi luộc hoặc hấp chín. Sữa pha theo đúng tỷ lệ, sau đó cho vào nồi nấu cùng khoai tây nhỏ lửa cho đến khi khoai chín mềm. Cho hỗn hợp vào rây qua lưới hoặc xay cho mịn.
4. Khoai lang nghiền:
– Nguyên liệu: Khoai lang: 1 củ nhỏ. Sữa hoặc nước: 60ml.
– Cách chế biến: Khoai lang đem rửa sạch, gọt vỏ rồi cắt nhỏ và ngâm qua nước cho bớt nhựa. Cho khoai vào nồi hấp/ luộc cho chín mềm. Khoai chín đem ra cho bay bớt hơi rồi rây cho mịn. Có thể thêm nước hoặc sữa vào quấy trên lửa nhỏ cho khoai mềm và sánh lại là được.
5. Đậu hà lan nghiền
– Nguyên liệu: Đậu Hà Lan: 30g. Sữa mẹ/ sữa công thức: 60ml.
– Cách thực hiện: Đậu Hà Lan sau khi mua về đem rửa sạch, luộc chín mềm. Sau đó dùng thìa nghiền đậu rồi rây qua lưới cho bột mịn. Sữa công thức cần được pha theo đúng tỉ lệ quy định. Sau đó cho phần đậu nghiền và trộn đều cho hỗn hợp sánh mịn là bé có ngay bát đậu Hà Lan trộn sữa thơm ngon.
6. Cháo bí xanh:
– Nguyên liệu: Gạo, nước, bí xanh.
– Cách thực hiện: Cho gạo vào nước rồi nấu thành cháo sau đó nghiền nhuyễn. Gọt vỏ, rửa sạch bí xanh rồi bỏ hạt, bỏ ruột rồi cắt thành miếng nhỏ và hấp chín sau đó nghiền nhuyễn bằng máy xay. Trộn cháo và bí xanh đã nghiền nhuyễn với nhau, sau đó đi rây qua một lần cho mịn và cho bé ăn.
7. Bơ trộn sữa:
– Nguyên liệu: Bơ chín: ¼ quả. Sữa mẹ/ sữa công thức: 50-60ml
– Cách thực hiện: Với bơ chín, mẹ cần bỏ vỏ, thái lát vào nghiền cho mịn. Sau đó cho sữa vào trộn đều với độ loãng phù hợp là bé có thể thưởng thức được rồi.
Theo V.K – Vietnamnet