Loài thằn lằn đẻ trứng và sinh con cùng lúc
Khả năng sinh sản “kép” của loài thằn lằn bóng vùng Australia giúp nhà khoa học hiểu rõ quá trình tiến hóa khi mang thai ở loài bò sát.
Dọc bờ biển ấm áp của New South Wales, Australia, tồn tại loài thằn lằn bóng, chân ngắn vừa có khả năng đẻ trứng, vừa có thể sinh con để duy trì nòi giống. Các nhà nghiên cứu Đại học Sydney, Australia đã chứng kiến loài thằn lằn này đẻ ba quả trứng trước khi chúng sinh con. Cảnh tượng này chưa từng thấy ở bất kỳ loài bò sát nào trước đây.
Thằn lằn bóng vùng Australia có khả năng đẻ trứng và sinh con. Ảnh: NewAtlas.
Trong khi các loài động vật chỉ có một trong hai hình thức sinh sản theo suốt cuộc đời có thể đẻ trứng hoặc sinh con. Tuy nhiên, thằn lằn bóng vùng Australia có thể thay đổi hai hình thức sinh sản, thậm chí trong cùng một thai kỳ. “Đây là cơ hội nghiên cứu hiếm có, nhóm nghiên cứu đang tìm hiểu thêm hiện tượng này, có thể liên quan đến quá trình tiến hóa khi mang thai ở loài thằn lằn”, Camilla Whittington, thành viên chính nhóm nghiên cứu nói.
Nhóm sử dụng kính hiển vi điện tử quét để nghiên cứu lớp vỏ trứng và phát hiện vỏ trứng của loài thằn lằn bóng vùng Australia mỏng hơn so với loài thông thường. Về mặt cấu trúc, chúng có sự pha trộn giữa các đặc điểm của hình thức đẻ trứng và sinh con.
Vỏ của quả trứng mỏng đi nhiều cho phép phôi thai có thể hô hấp được. Con non nằm hoàn toàn bên trong vỏ trứng cho tới khi chúng được sinh ra, với một lớp màng mỏng bao bọc. Việc sinh sản lai giữa sinh con và đẻ trứng có thể ảnh hưởng tới dinh dưỡng của con non vì vỏ trứng mỏng đi đồng nghĩa với việc con non sinh ra sẽ ít canxi hơn, việc thiếu hụt dinh dưỡng ở các thế hệ thằn lằn sau là không thể tránh khỏi.
“Tiến hóa khi mang thai ở loài thằn lằn bóng xảy ra có thể một phần do điều kiện môi trường và đặc điểm quần thể”, Camilla nói và cho biết bằng cách nghiên cứu những điểm khác biệt trong quá trình tiến hóa này, nhóm nghiên cứu có thể hiểu rõ hơn cách thức loài bò sát chuyển từ hình thức sinh sản này sang hình thức khác.
Theo lịch sử tiến hóa ghi lại, gần 100 giống thằn lằn đã chuyển hóa từ đẻ trứng sang đẻ con. Ngày nay, chỉ có 20% số lượng rắn và thằn lằn chỉ có khả năng đẻ con, bỏ qua hoàn toàn khả năng đẻ trứng.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Biology Letter.
Nguyễn Xuân (Theo Newatlas)