Liều mạng làm đẹp
Sau một thời gian yên ắng, tình trạng tai biến trong phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) lại rộ lên. Nạn nhân mới nhất là một phụ nữ trẻ 22 tuổi tại TP HCM, được một bác sĩ (BS) phẫu thuật nâng ngực dù BS này chỉ có chuyên môn về răng hàm mặt.
Trả giá đắt vì dễ dãi
Nạn nhân tử vong tên là T., (22 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) được BS Lê Tấn Hùng, Trưởng Khoa Thẩm mỹ Bệnh viện (BV) Răng Hàm Mặt TP HCM, đưa đến một BV tư nhân khác để phẫu thuật, sau đó xảy ra biến chứng dẫn đến tử vong.
Đáng nói là cô gái này mang thai khoảng 16-17 tuần nhưng không được BS phát hiện trước khi phẫu thuật. Qua trích lục hồ sơ đăng ký hành nghề tại Sở Y tế TP HCM, TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế, xác định phạm vi chuyên môn được phép can thiệp của BS Hùng chỉ ở vùng đầu, mặt, như: tạo má lúm đồng tiền, tạo hình gò má, mí mắt, mũi, môi, cằm… Việc phẫu thuật nâng ngực của BS này đã vượt quá chuyên môn.
Vụ việc được giới chuyên môn cảnh báo là rất đáng lo ngại bởi chính sự chủ quan, dễ dãi của người làm đẹp và cả BS đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. GS-TS Trần Thiết Sơn – Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình BV Xanh Pôn, Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình Trường ĐH Y Hà Nội – cho biết với PTTM và nhiều phẫu thuật khác không có chống chỉ định với phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, trong các cuộc phẫu thuật, bệnh nhân phải sử dụng các loại thuốc gây tê, gây mê mà các loại thuốc này không tốt cho thai nhi. Do vậy, bệnh nhân cần thông báo cho BS nếu mang thai và ngược lại, BS phải kiểm tra kỹ trước lúc phẫu thuật để có thể hoãn phẫu thuật đến sau khi sinh.
Một địa chỉ PTTM ở TP HCM vừa xảy ra sự cố chết người Ảnh: THUẬN THIÊN
Ngoài ra, GS Sơn cũng lưu ý mọi người trước khi tiến hành phẫu thuật, cần trao đổi lại với BS bệnh sử và cả tiền sử dùng thuốc để tránh sốc phản vệ cũng như các biến chứng nguy hiểm. Trường hợp nạn nhân T. không chỉ đang mang thai mà còn có tiền sử mắc bệnh tự miễn.
PGS-TS Nguyễn Tài Sơn, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật hàm mặt và tạo hình BV Trung ương Quân đội 108, khuyến cáo thêm: “Đa phần bệnh nhân làm đẹp có tai biến hoặc tử vong đều xảy ra ở các phòng mạch tư, cơ sở PTTM không đủ điều kiện gây mê, hồi sức, cấp cứu, phẫu thuật viên tay nghề kém và không thực hiện đúng quy trình. Nhiều người còn chủ quan nên không đánh giá hết được những khó khăn, phức tạp của ca bệnh”.
Còn theo TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc BV Thẩm mỹ JW Hàn Quốc, phẫu thuật nâng ngực là quá trình mổ quy mô, vì vậy phải thực hiện trong BV có chuyên khoa thẩm mỹ, khoa gây mê hồi sức. “Phải tìm hiểu và được BS phẫu thuật cho mình tư vấn trực tiếp về những nguy cơ, biến chứng có thể có” – BS Dung lưu ý.
Đừng tin quảng cáo
Theo Bộ Y tế, tại TP HCM, mỗi năm có khoảng 5.000 phụ nữ thực hiện phẫu thuật nâng ngực. Các tỉnh, thành khác chưa có thống kê nhưng ước tính nhu cầu này là không nhỏ. Tại TP HCM, có không ít cơ sở tự phong là trung tâm thẩm mỹ nhưng thực chất thuê phòng mổ ở các BV rồi đưa khách hàng đến mổ. Đại diện Phòng Quản lý Dịch vụ y tế tư nhân Sở Y tế TP HCM khẳng định việc BS tại các cơ sở, trung tâm thẩm mỹ đưa khách hàng sang các BV để thực hiện phẫu thuật là không đúng.
Hiện TP HCM có hơn 70 cơ sở PTTM, trong đó chỉ có chưa đến 10 BV thẩm mỹ. Tại BV thẩm mỹ được trang bị đầy đủ trang thiết bị thì được phép gây mê, đặt nội khí quản để thực hiện các phẫu thuật lớn, như: nâng ngực, cắt mỡ bụng… Khi có sự cố xảy đến thì còn xử trí cấp cứu kịp cho bệnh nhân. Còn cơ sở PTTM nhỏ (chỉ được phép thực hiện thẩm mỹ đơn giản) vẫn “liều mạng” tiếp nhận khách hàng. Có điều, các cơ sở nhỏ này lại lắm chiêu trò quảng cáo nên thu hút nhiều chị em đến làm đẹp. Tai biến y khoa vì thế cũng xảy ra nhiều hơn. Một báo cáo được công bố tại hội nghị thẩm mỹ Pháp – Việt được tổ chức mới đây tại Hà Nội cho thấy tỉ lệ biến chứng của phẫu thuật nâng ngực là 5,8% trên tổng số 1.561 túi độn ngực; biến chứng sớm sau mổ như tụ máu, nhiễm trùng, toác vết mổ khoảng 2,3%; biến chứng muộn như vỡ túi silicone chiếm 2%, túi giọt nước bị xoay 0,5%, co thắt bao xơ 1%…
Các chuyên gia khuyên trước khi quyết định đặt cược mạng sống của mình vào tay các thẩm mỹ viện, mọi người cần tìm hiểu kỹ chứ không dễ dãi nghe theo lời quảng cáo, đồn thổi trên mạng để rồi trả giá đắt bằng cả sinh mạng của mình.
Chấn chỉnh dịch vụ thẩm mỹ
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết trước tình hình tai biến trong PTTM có chiều hướng gia tăng tại TP HCM, Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế TP cần tập trung chấn chỉnh các dịch vụ thẩm mỹ nói riêng và khám bệnh, chữa bệnh nói chung, không để các sự cố tiếp tục xảy ra.
Liên quan đến vụ bệnh nhân người nước ngoài tử vong tại Phòng khám Chuyên khoa PTTM Việt Thành (quận 10, TP HCM) sau thủ thuật cắt da thừa vùng hông lưng, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế TP HCM phối hợp với cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ, xử lý nghiêm vi phạm. Tại báo cáo vừa gửi Bộ Y tế, Sở Y tế TP cho biết vụ việc đang được Công an quận 10 thụ lý, điều tra.