Liệu Khá Bảnh có phải là một Trendsetter hay Fashion Icon? – Street Vibe
Cứ tưởng là đùa nhưng muốn mặc đồ sao cho giống và đúng chất Khá Bảnh không phải là chuyện dễ dàng đâu!
Khá Bảnh – một cái tên chỉ cần nghe đến thì bất kỳ ai tại Việt Nam cũng đều biết đến. Từ điệu múa quạt xoay chuyển cả nhân gian, mái tóc Mullet đặc trưng đến kiểu phối đồ mang tên “Phong cách Dolce”, dù đầy tai tiếng nhưng sức ảnh hưởng của Khá Bảnh là điều không thể chối cãi. Bỏ qua chuyện anh ảnh hưởng tiêu tích cực hay tiêu cực đến giới trẻ, hãy cùng đi tìm lời giải cho câu hỏi Liệu Khá Bảnh có phải là một Trendsetter hay Fashion Icon của Việt Nam?
(Bài viết mang tính chất “đọc cho vui”, nếu không vui thì để khi nào vui đọc sau cũng được.)
Trendsetter và Fashion Icon là gì?
Trước tiên, cần hiểu định nghĩa của Trendsetter và Fashion Icon là gì. Theo định nghĩa phổ biến nhất từ Google, Trendsetter mang ý nghĩa “những người đi trước thời đại và đóng vai trò tiên phong trong việc cập nhật những xu hướng mới“. Riêng Fashion Icon có nghĩa là “biểu tượng thời trang để mọi người học hỏi và làm theo. Tất cả các xu hướng thời trang mới mà một Fashion Icon tạo ra đều trở thành hot trends mang đậm tính nghệ thuật và sáng tạo“.
Nếu căn cứ theo những yếu tố từ định nghĩa, Khá Bảnh sẽ xứng với danh hiệu Trendsetter hơn Fashion Icon.
Vì sao có thể xem là Khá Bảnh là một Trendsetter?
Nếu tìm hiểu nhiều qua các tài liệu từ Internet, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng “Phong cách Dolce Dân Tổ” đã xuất hiện từ trước khi Khá Bảnh trở nên nổi tiếng. Phong cách Dolce Dân Tổ đã du nhập vào Việt Nam từ những năm 90 đến 2000 của thế kỷ trước qua các bộ phim về giang hồ Hồng Kong và con đường giao thương kinh tế. Tại thời điểm ấy, đất nước bắt đầu mở cửa hội nhập và chuyện các món đồ Dolce & Gabbana từ chính hãng đến giả cũng có cơ hội du nhập vào Việt Nam.
“Các tay anh chị” bắt đầu sắm món đồ hiệu như một cách khẳng định vị thế của bản thân trong mắt người đại. Họ mặc lên người những bộ chiếc áo ôm, quần ống to in đầy logo thương hiệu xa xỉ, đeo phụ kiện vàng loại to và nghe nhạc Vinahey. Dần dần, phong cách ấy chuyển biến thành một tiểu văn hóa (subculture) thuộc bản đồ thời trang Việt. Dù dè bỉu hay chê trách đến mấy, việc mặc sao cho ra vibe của subculture này cũng chưa bao giờ là điều dễ dàng; mà hơn cả, nó còn là một phong cách sống.
Tiểu văn hóa “Dolce Dân Tổ” cứ thế âm thầm tồn tại và chỉ thực sự bùng nổ cho đến khi Khá Bảnh xuất hiện. Với sự nổi tiếng của bản thân, Khá Bảnh không chỉ phổ biến múa quạt hay điệu nhảy vinahey đến mọi người mà còn nhiều thứ khác. Kiểu tóc Mullet cũng đã tồn tại từ lâu trong giới thời trang nhưng khi qua tay Bảnh, nó “lột xác” thành kiểu kiểu “tóc Moi” cộp mác dân chơi vịnh Bắc Bộ. G-Dragon là người đã khiến Mullet phổ biến tại Châu Á, nhưng tại Việt Nam, cứ nhắc đến kiểu tóc này, người ta nghĩa ngay đến Khá Bảnh. Đúng là ảo thật đấy!
Trước Khá Bảnh, hiếm ai để tóc Moi; sau Khá Bảnh, ai rồi cũng để tóc moi và múa quạt. Còn nhớ vào khoảng thời gian Khá Bảnh vẫn còn “bay như cánh chim trời” khắp mọi mạng xã hội chứ, “Tóc Moi” và “Múa quạt” chính là hai xu hướng viral và được giới trẻ theo trend nhiều nhất. Thậm chí, những điều đó vẫn còn được “lưu truyền” cho đến hiện tại.
Hơn cả thế, Khá Bảnh cũng giúp mọi người dễ dàng nhận ra “bộ đồng phục” đặc trưng của văn hóa Dolce Dân Tổ chính là chiếc áo phông ôm sát cơ thể phối cùng quần ống to và thắt lưng bản lớn. Vì vậy, nếu Khá Bảnh không phải Trendsetter thì còn ai vào đây?
Nhưng chưa đủ để gọi là Fashion Icon!
Những gì Khá Bảnh mang đến đều trở thành Hot Trends đấy; nhưng để gọi anh là Fashion Icon thì vẫn chưa đủ. Vì theo định nghĩa, phong cách của anh vẫn chưa thể khiến ai công nhận rằng nó đậm tính nghệ thuật và sáng tạo. Những gì chúng ta thấy ở anh chỉ là một “hiện tượng mạng xã hội” đang cổ xúy cho những hành động xấu. Suy cho cùng, anh ta chỉ có công phổ biến “Dolce Dân Tổ” đến nhiều người, chứ không hề sáng tạo ra nó. Thậm chí, nếu xét ngoài phạm vi thời trang, Khá Bảnh phần nào gây ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ chứ chẳng phải điều tốt đẹp gì.
Vì vậy, Khá Bảnh chỉ là một Trendsetter, không phải Fashion Icon; càng không phải là một tấm gương tốt để noi theo!