Lịch sử thành lập

Lịch sử thành lập Viện Nghiên cứu Ngô
Viện Nghiên cứu Ngô đã trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ và công nhân viên chức của Viện qua các thời kỳ luôn luôn thi đua, phấn đấu không ngừng trong công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp Việt Nam. Với lịch sử 45 năm, Viện Nghiên cứu Ngô đã qua những chặng đường xây dựng và phát triển như sau:

Phần I. Sự chuẩn bị hình thành Trại Nghiên cứu Ngô Sông Bôi -Tiền thân Viện Nghiên cứu Ngô,  Giai đoạn trước năm 1971
Chặng đường 15 năm của ngành nông nghiệp (1955-1970) là thời kỳ đặc biệt của quá trình xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp nước ta khi đất nước bị chia cắt làm hai miền, tiến hành hai chiến lược cách mạng khác nhau, chịu nhiều thách thức to lớn trong và ngoài nước, chịu nhiều ảnh hưởng của chiến tranh. Thời kỳ này nông nghiệp miền Bắc đã trở thành mặt trận hàng đầu với vai trò là hậu phương lớn, chi viện đắc lực cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam.
Nhận thức được vai trò đó, ngay ở giai đoạn này Bộ Nông trường ngoài nhiệm vụ chính tập trung chỉ đạo phát triển các cây công nghiệp, cây ăn quả dài ngày, đã chú trọng việc phát triển các cây nông nghiệp làm lương thực trong đó có cây ngô, trước mắt nhằm bổ sung cơ cấu thành phần lương thực cung cấp cho đời sống, phát triển chăn nuôi ở miền Bắc và lâu dài để góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững, lớn mạnh.
Vì vậy, cuối tháng 10 năm 1970, Bộ trưởng Bộ Nông trường Nghiêm Xuân Yêm đã triệu tập và trực tiếp giao những mẫu giống ngô có nguồn gốc từ Hungari cho kỹ sư Ngô Hữu Tình, Cục Sản xuất Nông nghiệp để tiến hành gieo trồng, nghiên cứu, đánh giá, duy trì, phát triển nguồn gen quý đầu tiên về ngô ở Việt Nam. Nhằm góp phần định hình việc nghiên cứu cây ngô ở Việt Nam, ông Ngô Hữu Tình đã làm việc với các nhà khoa học nông nghiệp hàng đầu Việt Nam như kỹ sư Luyện Hữu Chỉ (Đại học Nông nghiệp I – Hà nội), Phó Tiến sĩ Phạm Đức Cường (Nghiên cứu sinh đầu tiên về ngô ở Cộng hòa Moldavia, Liên Xô cũ) để học tập kinh nghiệm, thu thập mẫu giống ngô để xây dựng tập đoàn giống ngô đầu tiên ở Việt Nam cho Bộ.
Vụ Đông Xuân 1970 – 1971, ruộng tập đoàn dòng, giống ngô đã được triển khai tại Đồi Bai – xã Phú Thành – huyện Lạc Thủy – Hòa Bình (đất canh tác thuộc Đội 5 – Nông trường Quốc doanh Sông bôi – Hòa Bình). Tập đoàn giống ngô đầu tiên của Việt Nam khá phong phú, bao gồm: 5 bắp mẫu giống từ Hungari do Bộ trưởng Nghiêm Xuân Yêm giao; các dòng giống ngô do ông Ngô Hữu Tình, Đỗ Hữu Quốc mang về từ Rumani; 30 giống ngô địa phương, giống ngô nhập nội (từ Trung Quốc) thu thập được từ các vùng trồng ngô, tại các nông trường quốc doanh ở miền Bắc (đặc biệt từ Nông trường Phú Sơn – Phú Thọ, Nông trường Mộc Châu và Tô Hiệu – Sơn La). Với sự chỉ đạo sát sao của đích thân Bộ trưởng Nghiêm Xuân Yêm, tập đoàn giống ngô đã phát triển tốt, được duy trì, đánh giá, chọn lọc bước đầu hết sức nghiêm túc. Đây là nguồn vật liệu chọn giống ban đầu, là cơ sở vật chất kỹ thuật hết sức quan trọng, tạo tiền đề cho việc đề xuất thành lập cơ quan Nghiên cứu Ngô đầu tiên ở Việt Nam – Trại Nghiên cứu Ngô Sông bôi – Hòa Bình.
 
Phần II. Trại Nghiên cứu Ngô Sông Bôi Giai đoạn từ 1971 – tháng 5/1972
Đây là giai đoạn lịch sử hết sức quan trọng, đặt nền móng cho sự nghiệp nghiên cứu cây Ngô ở Việt Nam về sau này. Nhận thức rõ vai trò quan trọng về sản xuất nông nghiệp nói chung, nghiên cứu phát triển sản xuất ngô nói riêng trong giai đoạn cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước còn đang diễn ra hết sức khốc liệt, Đảng và Nhà nước đã chú trọng đến việc hình thành một cơ quan nghiên cứu chuyên ngành về cây Ngô để phục vụ lâu dài cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp bền vững của nước nhà.
Ngày 13 tháng 02 năm 1971, Bộ Nông trường đã ra Quyết định số 75/QĐTC thành lập Trại Nghiên cứu Ngô Sông bôi – Hòa Bình, trực thuộc Bộ Nông trường. Nhiệm vụ ban đầu của đơn vị là: thu thập, khảo sát và đánh giá các giống ngô địa phương; tiến hành các thí nghiệm khảo nghiệm giống ngô nhập nội (chủ yếu từ Hungari) và nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật canh tác để có kết luận đưa nhanh vào sản xuất; hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc ngô cho các nông trường quốc doanh.
Với quy mô ban đầu, tổ chức của Trại chưa được hoàn chỉnh, số lượng bao gồm 13 cán bộ và 25 công nhân (chủ yếu từ 2 tổ công nhân đội 5 Nông trường Sông bôi – Lạc Thủy -Hòa Bình). Toàn bộ hoạt động của Trại dựa vào tư cách pháp nhân và cơ sở vật chất của Nông trường Sông Bôi để tiến hành nhiệm vụ. Cơ cấu tổ chức ban đầu của Trại như sau:
lãnh đạo Trại:    KS. Ngô Ngọc Bửu         –  Trại trưởng     
                          KS. Nguyễn Văn Thanh  –  Trại phó
Kết quả hoạt động:
+ Xây dựng, bổ sung làm giàu tập đoàn dòng giống ngô đầu tiên của Việt Nam.
+ Khảo nghiệm, chọn lọc được một số giống ngô địa phương và nhập nội (từ Hungari và Ấn Độ) giới thiệu cho sản xuất như: Gié Bắc Ninh, Lù Phú Thọ, Ganga 5,..
+ Đã bước đầu xây dựng và đào tạo được đội ngũ cán bộ khoa học và công nhân kỹ thuật, lực lượng nòng cốt của Trại và cho những năm sau.
 
Phần III. Trại Nghiên cứu Ngô trực thuộc Viện Cây Lương thực và Thực phẩm Giai đoạn tháng 5/1972 – 6/1981
Trước những khó khăn về cơ sở vật chất và chưa có tư cách pháp nhân, toàn bộ hoạt động của Trại dựa vào cơ sở vật chất của Nông trường Sông Bôi. Mặt khác, Bộ Nông trường lại giải thể để sáp nhập với Bộ Nông nghiệp thành Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương (Theo Nghị quyết số 1066 NQ/TVQH, ngày 1/4/1971 của Thường vụ Quôc hội ). Trước bối cảnh đó, để định đoạn số phận của Trại , đầu năm 1972 ông Nghiêm Xuân Yêm – Phó Chủ nhiệm thường trực – Ủy ban Nông nghiệp TW, ông Lê Duy Trinh – Ủy viên Ủy Ban cùng các ông Lương Định Của, Hồ Đắc Song (Viện Cây Lương thực và Thực phẩm), Vương Duy Ái (Vụ Khoa học), Mai Lương (Ban Quản lý Quốc doanh) .v.v. đã đến Nông trường Sông Bôi làm việc cụ thể với Trại và Nông trường về chức năng, nhiệm vụ của Trại. Đã thảo luận về địa điểm, đất đai, lực lượng và yêu cầu phải hoàn thành trong thời gian ngắn để kịp thời phục vụ nghiên cứu và sản xuất.
Tháng 10 năm 1972, Ủy ban Nông nghiệp TW ra quyết định số 197/NN quy định nhiệm vụ và giao Trại Nghiên cứu Ngô Sông Bôi thuộc Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm quản lý, nhưng Trại chính thức là một đơn vị hành chính độc lập, có con dấu và tài khoản riêng. Trụ sở của Trại đóng tại địa điểm khu vực Đồi Bai, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Trong giai đoạn này, phân thành 3 giai đoạn ngắn như sau:
+ Từ tháng 5/1972 – 12/1974: Trại trưởng: KS. Ngô Ngọc Bửu
+ Từ tháng 1/1975 – 4/1975: TS. Nguyễn Lộc phụ trách Trại 
+ Từ Tháng 4/1975 – 6/1981: – Trại trưởng  TS. Trần Hồng Uy 
Kết quả hoạt động trong thời kỳ này:
Ngoài việc tiếp tục duy trì và xây dựng tập đoàn dòng, giống ngô khá phong phú và định hình hướng nghiên cứu chọn tạo giống và kỹ thuật canh tác, đã tiến hành xây dựng được cơ sở vật chất để phục vụ sinh hoạt đời sống, nhà làm việc, nhà nghiên cứu chọn tạo giống ngô, kho tàng bảo quản giống ngô. Đặc biệt, đã mở được con đường nối từ quốc lộ 21 vào khu Đồi Bai, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương với bên ngoài. Trong giai đoạn này, Trại đã dần ổn định tổ chức bộ máy, hoạt động ngày càng lớn mạnh.
Tổng số cán bộ công nhân viên chức ở cuối giai đoạn gồm 112 người, trong đó:
– Trên đại học: 1
– Kỹ sư Trồng trọt: 17
– Kỹ sư Chăn nuôi: 1
– Trung cấp Trồng trọt và Chăn nuôi: 22
– Công nhân kỹ thuật: 55
– Công nhân kỹ thuật phục vụ khác: 15
Trải qua 10 năm gian khó, xây dựng và thực hiện nghiên cứu khoa học, Trại đã đạt được một số kết quả chính như sau:
1) Từ chỗ giai đoạn đầu hoàn toàn dựa vào Nông trường Sông Bôi để hoạt động đã trở thành một cơ sở nghiên cứu khoa học, tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã đáp ứng được công tác nghiên cứu và đang từng bước đi lên.
2) Đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ khoa học làm công tác nghiên cứu tương đối mạnh có trình độ chuyên môn, có bản lĩnh chính trị, yêu nghề, đoàn kết nhất trí, có quyết tâm cao để hoàn thành nhiệm vụ.
3) Đã xác định rõ ràng phương hướng nghiên cứu trước mắt và lâu dài, có mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn.
4) Đã xây dựng được tập đoàn dòng ngô, cao lương lớn nhất cả nước để làm vật liệu tạo giống:
– Tập đoàn dòng ngô gồm trên 5.000 hàng dòng;
– Tập đoàn cao lương gồm trên 60 dòng;
5) Đã chọn lọc và lai tạo được 3 giống ngô mới có năng suất cao, thích ứng rộng với các vùng trồng ngô trong cả nước (được Nhà nước công nhận là giống Quốc gia). Đó là giống ngô tổng hợp: TH2A, TH2B và giống ngô thụ phấn tự do VM1; Thử nghiệm rộng rãi 3 giống cao lương triển vọng . (Giống ngô lai đầu tiên được Nhà nước công nhận NL2 là của Viện cây lương thực và cây thực phẩm )
6) Đã nghiên cứu xác định một loạt các biện pháp kỹ thuật canh tác, thâm canh cây ngô phổ biến cho sản xuất như: thời vụ, mật độ, phân bón.
7) Đã tham gia đào tạo nhiều cán bộ chọn tạo giống ngô, kỹ thuật canh tác và thâm canh cây ngô cho các trường Đại học, các địa phương, các Nông trường trong cả nước.
8) Thực hiện tốt các hợp tác về nghiên cứu khoa học với Liên Xô, các nước thuộc khối SEV. Bước đầu hợp tác có hiệu quả với Trung tâm Cải Lương Ngô và Lúa mỳ Quốc tế (CIMMYT).

Phần IV. Trung tâm Nghiên cứu Ngô Sông Bôi trực thuộc Bộ Nông nghiệp Giai đoạn từ năm 1981 – 1988
Với sự trưởng thành của Trại Nghiên cứu Ngô sau 10 năm đi vào hoạt động, ngày 25/6 năm 1981, Bộ Nông nghiệp ra Quyết định số 129-TCCB/QĐ thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ngô Sông Bôi trực thuộc Bộ Nông nghiệp trên cơ sở Trại và thuộc Viện Cây Lương thực và Cây Thực phẩm. Trung tâm Nghiên cứu Ngô Sông Bôi là tổ chức nghiên cứu khoa học kỹ thuật trực thuộc Bộ Nông nghiệp, được sử dụng con dấu riêng và có tài khoản tại ngân hàng. Chức năng nhiệm vụ chủ yếu của Trung tâm là:
1) Tổ chức tiến hành nghiên cứu, thực nghiệm khoa học kỹ thuật về cây ngô, cây cao lương bao gồm từ điều tra cơ bản, nhập nội, chọn lọc, cải tạo, nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật thâm canh nhằm phục vụ yêu cầu sản xuất ngô và cao lương trong cả nước.
2) Bảo tồn, duy trì và sản xuất cung ứng giống ngô và cao lương được Nhà nước công nhận để cung cấp cho các cơ sở sản xuất giống ngô của Bộ Nông nghiệp theo kế hoạch được giao.
3) Phối hợp, kết hợp các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài ngành trong lĩnh vực nghiên cứu toàn diện các vấn đề khoa học kỹ thuật về cây ngô, cây cao lương. Tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển ngô của cả nước.
4) Tham gia đào tạo cán bộ kỹ thuật chuyên sâu về cây ngô, cao lương.
5) Thực hiện hợp tác những nhiệm vụ nghiên cứu khoa học kỹ thuật về cây ngô, cao lương với nước ngoài được Bộ phân công.
6) Hợp tác quốc tế về nghiên cứu và phát triển ngô.
– Năm 1985, Trường Trung cấp Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp giải thể, sáp nhập với Trường Trung cấp Trồng Trọt Sông Lô, Tuyên Quang để thành lập Trường Trung học kỹ thuật Nông Nghiệp Trung Ương – Việt Yên – Hà Bắc. Trên cơ sở đó Bộ Nông nghiệp giao cho Trung tâm tiếp quản một phần lớn cơ sở vật chất (hệ thống nhà làm việc, hệ thống trại chăn nuôi, nhà tập thể, hệ thống điện nước …) và diện tích đất đai của Trường Trung cấp Chăn nuôi để lại.
Việc di dời từ Đồi Bai – Phú Thành đến cơ sở mới hết sức khẩn trương và nhanh chóng ổn định. Trụ sở mới của Trung tâm nằm toàn bộ trong khuôn viên khu vực Ban Giám hiệu và lớp học cũ của Trường Trung cấp Chăn nuôi. Với cơ sở vật chất, đất đai do Nhà trường để lại đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho mọi hoạt động của Trung tâm, nhất là việc đi lại giao thương với bên ngoài (gần quốc lộ 21).
Ngày  30/3/1987,  Bộ  Nông  nghiệp  và  Công  nghiệp Thực  phẩm  đã  ra  Quyết  định  số 03-TCCB/QĐ về việc chuyển giao cơ sở Trại Tằm – Đan Phượng – Hà Nội cho Trung tâm Nghiên cứu Ngô Sông Bôi quản lý và xây dựng thành trụ sở mới của Trung tâm. Một lần nữa, việc di dời, tách chuyển từng bộ phận ra tiếp quản cơ sở mới được diễn ra hết sức khẩn trương và trong thời gian ngắn đã ổn định việc làm cho số cán bộ công nhân viên chức cũ từ Trại Tằm chuyển sang. Nhanh chóng cải tạo, tu bổ, xây mới trụ sở làm việc và triển khai các công tác nghiên cứu tại chỗ.
– Kết quả hoạt động trong giai đoạn này: Trong 7 năm, sau khi được nâng cấp thành Trung tâm trực thuộc Bộ Nông nghiệp (sau là Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm), Trung tâm Nghiên cứu Ngô Sông Bôi luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật ngày càng lớn mạnh, nhiều thành quả nghiên cứu khoa học về chọn tạo  giống  ngô  và  chuyển  giao  TBKT  đã  được  đưa  vào  ứng  dụng  trong  sản  xuất  nông nghiệp. Các giống ngô: TH2A, TH2B, VM1, HSB1, TSB1, TSB2, TSB3 (Ngô đường), MSB49, MSB49B…; quy trình sản xuất ngô Đông trên nền đất ướt.. đã được công nhận và đưa vào đại trà. Những thành quả khoa học kỹ thuật trên đã góp phần vào thành công của công cuộc đổi mới đất nước.
– Lãnh đạo Trung tâm thời kỳ này:
+ Giám đốc: Trần Hồng Uy
+ Phó giám đốc: Nguyễn Văn Chung   
                           Vũ Xuân Nhã   
                           Ngô Hữu Tình
Đây là giai đoạn hết sức quan trọng, chuẩn bị cả nhân lực và vật chất để phát triển thành Viện Nghiên cứu Ngô giai đoạn sau này.
 
Phần V. Viện Nghiên cứu Ngô giai đoạn 1988 – 2005
Ngày 30 tháng 5 năm 1988, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Quyết định số 168 CT về việc đổi Trung tâm Nghiên cứu Ngô Sông Bôi thành Viện Nghiên cứu Ngô, trụ sở đóng tại Đan Phượng – Hà Nội.
Ngày 24 tháng 4 năm 1989, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm ra Quyết định số 171 NN-TCCB về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Viện Nghiên cứu Ngô:
+ Viện là đơn vị sự nghiệp khoa học trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm, có nhiệm vụ nghiên cứu giải quyết những vấn đề khoa học kỹ thuật về cây ngô và một số cây màu khác có thể luân canh với cây ngô. Tổ chức việc hướng dẫn và triển khai các TBKT về những cây trồng trên vào sản xuất.
+ Trên cơ sở phương hướng, chiến lược ngắn và dài hạn trong chương trình cây ngô, tham gia quy hoạch các vùng trồng ngô và nghiên cứu các vấn đề khoa học kỹ thuật về cây ngô và một số cây màu khác có thể luân canh với cây ngô.
+ Tổ chức hệ thống: Nghiên cứu về tạo giống, sản xuất giống, xây dựng quỹ gen về cây ngô, các biện pháp kỹ thuật canh tác, thâm canh và cơ cấu cây trồng có liên quan đến cây ngô.
+ Tổ chức thực hiện hoặc liên kết, liên doanh với các tổ chức trong và ngoài ngành nhằm triển khai và chuyển giao các TBKT vào sản xuất.
+ Tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ công nhân viên.
+ Tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về lĩnh vực cây ngô.
– Lãnh đạo Viện thời kỳ này:
+ Viện Trưởng:      GS.TSKH. Trần Hồng Uy             từ 1989 – 2001      
                               GS.TS. Ngô Hữu Tình                  từ 2001 – 2006
+ Phó viện trưởng: GS.TS. Ngô Hữu Tình                  từ 1989 – 2001   
                               TS. Đỗ Ngọc Minh                       từ 1989 – 1993   
                               KS. Nguyễn Văn Chung               từ 1989 – 2002
(ông Nguyễn Văn Chung kiêm giữ chức Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất giống ngô Sông Bôi – Lạc Thủy – Hòa Bình từ 1989 – 2002)    
                               TS. Đào Quang Vinh                    từ 9/1994 – 2006 
                               TS. Phan Xuân Hào                      từ 2001 – 2012    
                               TS. Mai Xuân Triệu                      từ 2001 – 2006

Phần VI. Viện Nghiên cứu Ngô trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam – Giai đoạn từ năm 2005 – đến nay
Tháng 9 năm 2005, Viện Nghiên cứu Ngô trở thành đơn vị thành viên của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam theo Quyết định số 220/2005/QĐ-TTg, ngày 9/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 9 tháng 5 năm 2006, Bộ Nông nghiệp và PTNT ra Quyết định số 33/2006/QĐ-BNN, quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu Ngô. Trong đó quy định: Viện Nghiên cứu Ngô được thành lập theo điểm đ, khoản 1, Điều 2 ở Quyết định số 220/2005/QĐ-TTg, ngày 9/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về cây ngô và một số cây màu khác trong hệ thống luân canh với cây ngô.
Tên giao dịch tiếng Anh của Viện là: Maize Research Institute, viết tắt: MRI.
Trụ sở chính của Viện: Thị trấn Phùng – Đan Phượng – Hà Nội.
– Ban Lãnh đạo Viện:
+ Viện trưởng:         TS. Mai Xuân Triệu                   từ 2006 – 2015       
                                 TS. Bùi Mạnh Cường                từ 2015 – nay
+ Phó viện trưởng:   TS. Phan Xuân Hào                  từ 2001 – 2012    
                                 TS. Lương Văn Vàng                từ 2007 – nay    
                                 TS. Bùi Mạnh Cường                từ 2011 – 2015    
                                 TS. Đặng Ngọc Hạ                    từ 2012 – nay    
                                 TS. Vương Huy Minh               từ 2015 – nay