Lễ trừ tịch, người Việt xua đuổi tà ma dịp Tết như thế nào?
Một số nhà nghiên cứu văn hóa chỉ ra rằng trừ tịch nguyên là một tiết riêng gắn với Tết, tới nay, hầu hết mọi người đều cho rằng đó là một nghi lễ trong tết Nguyên đán.
Ý nghĩa đêm trừ tịch
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng, nguyên trừ tịch cũng như ông Công, ông Táo là hai tiết riêng. Ông viết trong cuốn Tập tục đời người: “Người Việt thường gồm hai tiết này vào tết Nguyên đán. Ngày 23 tháng Chạp cúng ông Công ông Táo lên trời; đêm cuối cùng của năm cúng trừ tịch và gia tiên, có nghĩa là ngày trừ khử ma quỷ”.
Sách Tập tục đời người viết trừ tịch là lễ trừ khử ma quỷ.
Theo Phan Kế Bính, trừ tịch là ngày 30 tháng Chạp. Trừ tịch là chiều hôm trừ hết năm cũ mà sang năm mới. Nhưng trừ tịch còn có một nghĩa khác là ngày xua đuổi ma quỷ. “Nguyên tục bên Tàu xưa, cứ về hôm ấy thì dùng 120 đứa trẻ con độ chín, mười tuổi, mặc áo thâm, đội mũ đỏ, cầm trống, vừa đi đường vừa đánh để khu trừ (xua đuổi) ma quỷ, cho nên gọi là trừ tịch”, Phan Kế Bính viết trong Việt Nam phong tục.
“Ta thường không hiểu ngày ấy là một tết riêng, cho là ngày tiên thường hôm nguyên đán. Cho nên cứ hôm ấy thì đem trầu cau đi tỉnh tảo (thăm viếng và dọn dẹp), rồi về cúng Tết”.
Nhất Thanh lại lý giải khác về lễ trừ tịch. Nhà nghiên cứu viết trong cuốn Đất lề quê thói: “Trừ là trao lại chức quan, tịch là ban đêm. Lễ trừ tịch cử hành lúc giao thừa, là lúc cũ mới giao tiếp. Hết giờ Hợi sang giờ Tý lúc nửa đêm, là bắt đầu sang ngày khác âm lịch; đêm 30 là lúc giao thừa, người ta làm lễ trừ tịch tiễn vị thần năm cũ, đón vị thần năm mới, cũ giao lại công việc, mới tiếp nhận”.
Người xưa tin rằng mỗi năm có một vị thần Hành khiển, coi việc nhân gian, mỗi vị có tên riêng với vương hiệu, và cũng gọi là Đương niên chi thần. Mỗi vị hành khiển có một vị phụ tá là Phán quan. Có 12 vị Hành khiển luân phiên kể từ năm Tí đến năm Hợi là 12 năm, hết lượt lại quay trở lại năm Tí với Hành khiến của năm ấy.
Hành khiển có ông thiện ông ác. Có năm trời ra tai hạn hán lụt lội mất mùa đói kém, hay dịch tễ chết hại, là do sớ tâu của Hành khiển, trừng phạt vua quan không có nhân chính hay dân ăn ở càn rỡ.
Do đó, “Lễ trừ tịch tiễn và đón các vị Hành khiển, Phán quan của năm cũ năm mới, đồng thời cầu cúng cả Bản cảnh Thành hoàng và Thổ địa Thần kỳ”.
Lễ trừ tịch và các nghi thức trừ tà, trấn trạch xưa
Dù được hiểu là tết riêng, hay là một nghi lễ nằm trong tết Nguyên đán, thì người Việt vẫn thường cúng trừ tịch.
Ở nông thôn, các thôn xã thiết lập hương án nơi trung thiên, ở sân đình, có khi ở ngã ba trước điếm canh, vàng hương trầu rượu hoa quả xôi gà, tế lễ trọng thể, trống chiêng vang dậy đêm khuya và pháo đốt ran. Tư gia không làm riêng lễ trừ tịch.
Ở các tỉnh thành nhiều nhà cũng bày lễ cúng lúc giao thừa, trong sân hay trước cửa nhà, mâm lễ vật đặt trên chiếc ghế đẩu hoặc chiếc thùng gỗ, không ra nghi lễ với các vị Hành khiển.
Theo Nhất Thanh, “nhiều người không có ý thức rõ rệt về lễ trừ tịch, họ chỉ biết có thành tâm cúng lễ, vái tứ phương, và cũng không biết khấn Đương niên, Bản cảnh Thành hoàng”.
Tranh Ngũ hổ thuộc dòng tranh dân gian Hàng Trống.
Tết là thời khắc chuyển đổi cũ – mới, đặc biệt là giao thừa vào thời điểm thiêng: các thế lực vô hình theo đó cũng được kích hoạt. Vì vậy, nhiều nghi lễ, hình thức trừ tà, trấn trạch được thực hiện dịp Tết. Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng miêu tả về các cách trừ tà, trấn trạch trong cuốn Khảo luận về Tết.
Từ việc trồng nêu (biểu tượng của trục vũ trụ thông linh giữa trời và đất, giữa cõi âm và cõi dương), người ta cũng treo bùa “tứ tung ngũ hoành”, vẽ vòng tròn bằng vôi bột để ngăn chặn tà mà, quỷ không xâm nhập vào nhà. Trước đó người ta dán tranh tử vi trấn trạch hoặc Huyền Đàn trấn môn (Triệu Công Minh).
Xa xưa hơn, có người dán bùa đào/ đào phù có công năng trừ quỷ, sau này thành câu đối Tết. Khoảng sau 1945, tục trồng cây nêu dịp Tết không phổ biến nữa. Việc đốt ống lệnh, đốt pháo, đánh trống mõ… vào nửa đêm 30 rạng ngày mùng 1 Tết là tập tục vốn có chức năng trừ tà đuổi quỷ.
Ở Nam Bộ, nhiều nhà dùng “Bùa nêu ông cọp” dán trước cửa nhà, thậm chí ở cửa chuồng trâu/ bò để bảo vệ gia súc. Cọp là mãnh thú, biểu tượng cho sự dũng mạnh và tính hung dữ. Bên cạnh các biểu tượng tiêu cực, nó được sử dụng như biểu tượng của thế lực tốt chống lại thế lực xấu, tà mà. Vì thế, treo tranh Ngũ hổ là biểu tượng cho sự trấn giữ khắp mọi phương. Bùa nêu ông cọp tích hợp với đồ hình bát quái để tăng cường hiệu năng của sự trấn trạch.
Ở miền Bắc, đồ hình bát quái và thần hổ vốn là đồ án chính của “Linh phù trấn trạch” – một loại bùa trấn trạch phổ biến. Cả hai loại bùa là hình in mộc bản trên nền giấy đỏ, chi tiết có những khác biệt tùy vùng miền. “Linh phù trấn trạch” có những câu chú chữ Phạn, đồ hình bát quái kèm danh hiệu Bát bộ Kim Cang của Phật Giáo, ghi phương vị ngũ hành và danh mục “nhị thập bát tú”.
“Nói chung, ở thời điểm thiêng này, việc tống tiễn, trừ khử cái xấu diễn ra song hành với việc nghênh đón cái mới, các đối tượng àm người ta mong cầu sẽ đem đến cho mình an khang, thịnh vượng”.
Theo dòng chảy của thời gian, các tập tục cổ xưa đã thay đổi, hoặc mai một dần, hoặc ý nghĩa và công năng của chúng được hiểu theo một hướng khác.