Lễ tang ma của người Mường xưa
Nhiều khi quan tài phải lót chè để 3 tháng mới chôn. Người ta còn rang bỏng đổ lẫn vào cho hút ẩm từ khi khâm liệm.
Hàng ngày đều đặt bát cơm và đũa ở bên cạnh quan tài cho người chết “ăn”.
Quan tài buộc liền 2 cái mục (mễ) để dọc đường đưa tang hạ xuống tế đạo lộ.
Mỗi họ người Mường đều thờ một con vật tổ,tổ tiên thờ con gì thì vẽ con ấy vào tờ giấy gọi là “tờ họ” có cán cắm vào khúc chuối để trên chốc quan tài. Khi hạ huyệt, lấp đất đến đâu kéo dần tờ họ lên đến đấy. Cuối cùng tờ họ căm trên chốc mộ. Chôn xong, ở đây có tục cúng giỗ 3 ngày, 10 ngày, 100 ngày, giỗ đầu, giỗ hết.
Ở xã Tân Phú khi có người chết gia đình đến báo cho ông Lang, ông Lang sai ông “mối việc” đi giao cho làng biết. Đồng thời nhà ông Lang nổi 3 hồi 9 tiếng trống. Đánh 2 lần liền thì làng biết có đám ma.
Chưa có điều kiện chôn cất ma chay, thì ngày ngày hai bữa đưa cơm cho người chết.
Khi liệm, phát khốc người con trai trưởng gõ dọng dao 3 tiếng vào đầu cầu thang gọi hồn 3 lần (Bố hoặc Mế) ơi! về mà ăn cơm. Sau đó con cháu mới được khóc. Ở đây cũng phải cắt tóc trả ơn. Các con đẻ đều quỳ 2 gối vào nong khi cắt tóc. Con rể và các cháu đứng quanh nong.
Ở làng Thượng Long (Yên Lập) hầu hết người chết 2, 3 tháng mới chôn để con cái chuẩn bị đủ lợn gạo làm ma. Vì thế người ta phải giã nhỏ giây nhớt lươn nhét vào kẽ quan tài cho kín người ta thường dùng củ nâu trộn đất sét để chát kẽ quan tài. Ngày đưa cơm cho người chết 2 bữa (cơm để cạnh quan tài). Mỗi ngày khi đi làm về lại cầm miếng củ nâu non mài bên ngoài quan tài, nhựa nâu đắp cứng cho kín không lọt ra ngoài mùi thối và không bị nước thấm ra.
Hôm liệm cũng tổ chức cắt tóc trả ơn, ở đây ông thầy cúng cao tay cắt tóc cho. Sau cắt tóc mới được phát tang và phát phục (cúng).
Ở vùng Thu Cúc, Lai Đồng có quy định mũ tang của con trai làm bằng dây chuối làm 2 quả sầu bằng vải như hạt xoan buộc dây từ mũ tang buông một quả xuống lưng 1 quả xuống ngực.
Con dâu đội mũ tang vải trắng, đầu vải buông sau lưng chấm gót. Con rể đội khăn tròn. Con rể phải bưng mâm cúng. Trong đám ma riêng con rể phải đeo dao khi cúng để tượng trưng cho việc lo toan mai táng. Khi quan tài sắp đưa ra khỏi nhà con rể trưởng rút dao, ấn dao vào ngọn đèn cho tắt lửa.
Ở Xuân Đài khi quan tài chuẩn bị đưa ra ram ( giá đỡ hay xe tang ) con cháu dùng chày giã đuống gọi là đuống tang luồn vào tấm vải bọc dưới gầm áo quan để khiêng đi. Ram làm bằng bương bọc vải trắng. Nếu con cháu họ xa vào khiêng có thể xé vải bọc Ram làm khăn tang mặc dù về vai vế những người này không phải trở.
Trước khi linh cữu được khiêng đi ra cổng, người cháu cả bưng 1 mâm cho người chết, có thịt,xôi, rượu. Mâm được đưa cho người khác để xếp vào “nhà cơm” làm bằng tre nứa dán giấy xanh đỏ. Trong đó để cơm, nước, rượu, thịt và 1 đôi đũa nếu còn sống người vợ hoặc chồng nếu còn một người nay chết nốt thì để 2 đôi đũa. Chọn 1 người vào để tắt đèn bằng ấn con dao vào ngọn lửa.Nếu chồng chết thì lấy cháu ngoại, nếu vợ chết thì lấy cháu nội vào tắt ngọn đèn đã để ở mâm mà người cháu cả bưng ra.
Nhà mồ bằng tre nứa dán giấy xanh đỏ. Nếu cụ già chết thì nhà mồ có mái, có nóc. Người trẻ chết thì nhà mồ mái bằng. Chôn xong úp nhà mồ trên chốc mộ.
Ở Xuân Sơn có tục đốt nhà mồ hôm 100 ngày. Trong nhà táng vẫn còn đồ chia của có: Rượu, gạo, nồi, nón, mũ, dao, nỏ, 1 con gà mổ không moi gan chỉ lôi lòng mề qua hậu môn rồi luộc chín.
Ở đây có tục đóng cửa mả. Chỉ trong 3 ngày đầu mới có việc đưa cơm nước hàng ngày ra nhà táng, có cả củi đuốc. Sau 3 ngày cúng xong thì bưng cơm ra mả.
Ở đây nếu có cha mẹ héo cứ phải chờ thu hoạch mùa màng xong mới làm ma. Mỗi người con phải góp một con lợn to. Riêng con trưởng phải lo đủ các thức ăn ngày đầu đám ma.
Nhà mồ ở Xuân Sơn có để bộ ấm chén cho người chết dùng. Ngoài ra còn 7 hoặc 9 bát đũa. Một đôi gà mổ thịt bỏ thối ngoài mả. Một con lợn con (sau thành lợn rừng) quần áo, điếu cày, nón, dao làm bằng gỗ …
Với người Mường ở vùng Tân Minh, Hương Cần khi gia đình nào trùng tang liên táng thì người ta mời thầy cúng cao tay bậc Chánh thượng thừa, là bậc cao nhất trên cả bậc tiểu thừa, trung thừa, đại thừa, thượng thừa để làm chủ lễ cúng giải tội.
Người ta làm lán ở ngoài đồng cửa mở về phía tây rồi lập đàn cúng. Làm cái lán to nhất nhìn hướng tây gọi là nhà phật.
Trước nhà phật làm 5 nhà nhỏ hơn. Trong đó có một cái ở giữa gọi là quan trung thiên. Các nhà này chỉ cần đặt được tàu lá cọ để đặt được mâm cỗ, ngôi nhà nhỏ phải nhìn vào nhà trung thiên nơi nhốt các linh hồn người chết trùng tang của gia đình. Nhà trung thiên được dùng giấy quây kín xung quanh thể hiện một nhà ngục trong đó nhốt hồn các người trong nhà mới chết lại với nhau. Trong đó mỗi hồn để một bát, một đôi dũa, một cái oản, chén rươu và ít cơm để chung mảnh lá chuối. Trong đó có ghi tên, tuổi ngày giờ mất của mỗi người.
Quanh vành ngoài nhà trung thiên cũng để 5 cỗ có cơm, rượu, oản, cá bát đũa cho 5 quan cầu thổ ngục tức là quan canh ngục, nhà Phật dãy bàn để 5 mâm cỗ. Mâm cúng phật là mâm thứ nhất để thêm 2 con gà luộc cùng 5 phẩm oản và các thứ khác. Các mâm khác mỗi mâm chỉ có 1 phẩm oản cùng cơm, rượu, trầu cau, vàng bạc.
Thầy cúng khấn Phật về giải oan cho các linh hồn tên là… đã bị ma trùng làm chết. Trong mâm để lá sớ đề tên tuổi ngày mất của từng người.
Sau đó con cháu đem 5 phẩm oản cùng cơm rượu, trầu cau, vàng mã ra bờ suối theo thầy cúng phật. Trong đó có một lá sớ xin cho các linh hồn về âm, không còn lẩn khuất để bắt tiếp người thân đi, xin âm dương nếu được thì bưng đồ lễ vào nhà phật, khấn hỏi Phật nếu được thì phó giả các hương hồn vào ngục. Con cháu để lá đu đủ luộc thành 5 phần cùng 5 phẩm oản, muối vừng, vài con cá nướng đặt lên các mâm trước nhà Phật. Lại cúng ở dinh nhà Phật tuần chay đầu tiên. Ở bên ngoài nhà Phật kê 2 tầng ván xếp, ở tầng trên 7 cỗ, tầng dưới 5 cỗ. Mỗi cỗ có oản, cá, lá đu đủ luộc, muối vừng, rượu, trầu cau, tiền vàng, đó là đàn cúng tam phủ khấn Ngọc Hoàng cùng quan tướng, khấn xong đốt sớ, xin được âm dương tức là Ngọc Hoàng đã chứng kiến và xoá tội cho các hồn về bắt người nhà, khi cúng xong cầm con dao phá ngục,cắt bỏ giấy bưng quanh nhà ngục trung, và cắt giấy cầu ý nói từ nay hồn về âm phủ không trở lại dương gian để nhiễu các oan hồn đã được giải tội.
Người Mường chỉ chôn những hòn đá to ở 4 góc mộ. Họ đắp mộ to, không sang cát trừ bất đắc dĩ đi xem biết mả bị động mới cải táng.
Họ không có nhà thờ tổ, con cháu chung ông bà ba bốn đời góp lễ để cúng ông bà cha mẹ. Họ thờ thần chủ của các ông qua đời. Nhưng đến con cháu đời thứ 5 thì thôi không cúng giỗ cụ kỵ nữa. Họ đem thần chủ đi chôn như vậy gọi là: Ngũ đại mai thần chủ.
Nguyễn Hữu Nhàn