Lễ cúng bổn mạng đầu năm trong nét văn hóa độc đáo của Cố đô Huế – Loan Kim Homestay

Có thể nói Cố đô Huế là một vùng đất nặng về đời sống tâm linh trong từng gia đình nên nghi lễ thờ cúng rất được xem trọng. Trong những nghi lễ ấy không thể không nhắc đến Lễ cúng bổn mạng đầu năm.

Theo truyền thống hàng năm, từ ngày mùng 4 – 16 tháng Giêng (tập trung nhiều nhất là tối mùng 8-9 tháng Giêng, vì đó là ngày “Tiên Sư giáng hạ”), người dân Huế thường tổ chức cúng bổn mạng đầu năm (thường gọi tắt là cúng đầu năm). Mục đích của lễ cúng bổn mạng là cầu cho thân mạng của người đàn ông hoặc đàn bà được vẹn toàn, thoát khỏi những “tai ương” và rủi ro trong cuộc sống thường nhật, ước nguyện gặp điều tốt lành trong năm.

Việc chuẩn bị lễ cúng Tiên Sư bổn mạng cũng được chuẩn bị tương tự như lễ cúng ông Công ông Táo và cúng gia tiên. Mâm cỗ cúng Tiên Sư bổn mạng bên cạnh cau trầu, rượu, xôi chè… tùy theo kinh tế mỗi gia đình có thể thêm đồ cúng mặn (xôi, gà, giò chả…), đồ cúng ngọt (hoa quả, bánh kẹo…), không thể thiếu tranh bổn mạng và bông đũa làm từ cây tre.

Tùy theo độ tuổi, giới tính của các thành viên trong gia đình như thế nào mà có tranh bổn mạng tương ứng.

Gia đình nào theo đạo Phật nghĩa là đã “gửi thân mạng” của mình cho Quan Âm Bồ Tát thì lễ bổn mạng gồm xôi chè, hoa quả, bánh kẹo và cặp bông tre. Ngoài 60 tuổi thì không còn phải làm lễ “cúng bổn mạng” nữa. Nếu gia đình không theo đạo Phật thì sau khi mua tranh bổn mạng về, gia chủ sẽ viết lên mỗi bức tranh câu: “Thế tai – Thế nạn – Thế bệnh – Thế hoạn – Thế mạng – Sanh nhân” kèm theo tên tuổi của từng thành viên tương ứng trên mỗi bức tranh.

Còn với bông đũa (hoa tre) thì được làm bằng tre tươi, sau đó cưa tre thành từng đoạn dài khoảng 20cm có hình tròn to bằng ngón tay cái, rồi dùng mác (rựa) thật bén để vót tre. Mác càng bén thì đường tre vót ra càng cong vút và sắc nét. Sau khi các cọng tre được vót ra đầy đặn thì dùng tay vo cho hoa tre được tròn trịa hơn, phía dưới vót nhọn để khi cúng cắm vào đĩa xôi gọn gàng. Hoa tre được nhuộm màu đỏ, màu gạch, màu cánh sen, màu vàng đậm để người mua tùy sở thích mà chọn lựa. Thông thường người mua chọn màu đỏ nhiều hơn vì người ta quan niệm rằng: đầu năm sẽ được gặp nhiều may mắn, cái gì cũng “đỏ” như bông hoa tre.

Việc hoa tre là một vật phẩm không thể thiếu trong lễ cúng bổn mạng bởi xuất phát từ ý nghĩa: Cây Tre là biểu tượng cho làng quê Việt, cho truyền thống dân tộc và cao hơn là tượng trưng cho sức sống dẻo dai, trường tồn và bất diệt của tinh thần đất nước; tre cũng là một loài cây có nhiều linh khí, thân cây tre cũng được dựng làm cây nêu trong ngày Tết nhằm xua đuổi tà ma. Hoa Tre là một loài hoa quý, mang ý nghĩa tinh tuý của trời đất, là kiệt tác của tạo hoá tự nhiên vì khi cây tre vươn tới 100 năm tuổi mới nở hoa.

Cùng với các nghi lễ đặc trưng như lễ cúng đất, lễ xuân tế,… lễ cúng bổn mạng đầu năm cũng góp phần tạo nên nét độc đáo trong văn hóa của mảnh đất Cố đô Huế./.