Lễ bao sái bát hương chuẩn phong thuỷ 2020
Lễ bao sái hay còn được gọi là lễ sửa bát hương. Đây là một thủ tục tâm linh đặc biệt được các gia đình Việt coi trọng.
Thông thường hàng năm, các gia đình chỉ tiến hành làm lễ bao sái một lần vào ngày 23 tháng Chạp, trước lễ cúng ông Công ông Táo. Cũng có quan điểm cho rằng, nên lau dọn ban thờ sau khi cúng ông Công ông Táo. Về vấn đề này, quan niệm dân gian không nặng nề, miễn là gia chủ làm lễ đầy đủ, cẩn thận.
Trước Tết Nguyên đán, các gia đình người Việt thường làm lễ bao sái bát hương. (Ảnh minh họa)
Báo sái (lễ sửa bát hương hay lễ tỉa chân hương) có lẽ bắt nguồn từ việc sau một năm thờ cúng, bát hương của các gia đình đầy tàn và chân nhang, buộc phải vệ sinh, dọn dẹp lại để chuẩn bị cho một năm mới.
Dịp này, các gia chủ sẽ lau rửa lại bát hương sạch sẽ, tỉa bớt chân nhang, thay cốt tro cắm nhang. Theo quan niệm dân gian, thứ tro cắm tốt nhất là tro được đốt từ rơm nếp.
Công việc dọn dẹp bàn thờ, tỉa chân hương thích hợp nhất là sau lễ ông Công ông Táo. Người được lựa chọn cho công việc này phải là người chỉn chu, có tâm trong công việc thờ cúng ở trong nhà. Người được lựa chọn làm công việc dọn dẹp cũng phải tắm rửa sạch sẽ, thực hiện công việc với sự thành tâm.
Cách sắm lễ bao sái (lễ tỉa chân hương)
Gồm các đồ mã, hương hoa như sau:
– 1 đĩa xôi
– 1 miếng thịt luộc
– 1 đĩa hoa quả theo mùa
– 1 ấm trà và bộ 5 chén nhỏ
– 3 chén rượu nhỏ
– 1 tách nước để nguội
– 3 lễ tiền vàng
– 2 lọ hoa
Lễ bao sái bát hương thường được làm sau lễ cúng ông Công ông Táo. (Ảnh minh hoạ)
Các bước tỉa chân hương được thực hiện như sau
Bước 1: Thắp 3 nén hương, khấn xin gia thần và tiên tổ cho phép được rút tỉa chân hương. Chờ hương cháy hết.
Bước 2: Bắt đầu tỉa chân hương bằng cách, một tay giữ bát hương, một tay còn lại nhẹ nhàng rút từng chân hương, chỉ để lại 3 chân hương trong bát hương. Chân hương rút ra ngoài để lên một tờ giấy hoặc 1 tấm vải sạch.
Bước 3: Dùng khăn sạch lau xung quanh bát hương. Có thể nhúng khăn làm ẩm để lau sạch hơn. Sau khi lau xong bát hương rồi mới lau các đồ thờ khác. Nếu cẩn thận, bạn có thể dùng rượu gừng hoặc nước ngũ vị hương tẩy uế cho bát hương và đồ thờ.
Bước 4: Mang chân hương đã rút hóa thành tro rồi đổ ra gốc cây. Tuyệt đối không đổ tro hóa chân hương vào thùng rác hay các nơi ô uế.
Khi tỉa rút chân hương cũng cần lưu ý một số điều sau: Bát hương vốn đã được an vị. Tốt nhất là không dịch chuyển bát hương trong quá trình rút chân hương. Nếu buộc phải dịch chuyển bát hương thì tiến hành khấn xê dịch và sau khi tỉa và lau chùi xong bát hương phải xin an vị lại bát hương.
Rút tỉa chân hương phải hết sức cẩn trọng. (Ảnh minh hoạ)
Bài văn khấn xin bao sái bát hương
Theo quan niệm dân gian, gia chủ thường thắp hương, đọc văn khấn để xin phép gia tiên trước khi thực hiện tỉa chân nhang. Dưới đây là bài văn khấn xin phép bao sái, tỉa chân hương theo Văn khấn cổ truyền – Nhà xuất bản Văn hóa thông tin:
“Con nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Con xin tấu lạy Chín phương Trời, Mười phương chư Phật, chư Phật Mười phương
Con xin tấu lạy vua cha Ngọc Hoàng thượng đế, Hoàng thiên hậu thổ, ngũ phương ngũ thổ, long mạch thổ, thần Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ tên là:
Cư ngụ tại địa chỉ:
Hôm nay ngày .. tháng .. năm… xét thấy bản thân mình chưa chu toàn nên để hương án bị bụi, xin thành tâm sám hối.
Tín chủ xin kính cáo với các chư vị (tùy theo bàn thờ đó thờ thần linh, hộ pháp, hay gia tiên…), chọn được ngày lành tháng tốt hôm nay xin cho phép tín chủ được sái tịnh để cho bàn thờ được trang nghiêm thanh tịnh, kính mong các chư vị chứng minh giám hộ.
Mong các vị độ cho con lau dọn được khang trang mỹ hảo, cho hương án được an chính vị, cho âm phần được an yên, cho gia cư được lạc thổ.
Chúng con người trần mắt thịt, tội lỗi đầy thân, chỉ biết kính cẩn tâm thành nếu có gì si mê lầm lỡ kính xin được tha thứ bỏ quá đại xá cho”.
(Vái 3 vái)
Sau đó cắm 3 nén hương, đợi hương tàn rồi bắt đầu lau dọn. Khi lau dọn bàn thờ nên dùng nước ấm, rượu hoặc nước gừng để lau chùi đồ thờ cúng. Bao sái xong nên đặt lại đồ thờ cúng, thay nước, thay chum gạo muối (nếu có), khấn xin thỉnh các Ngài về, báo cáo đã xong việc.