Lê Thị Lựu, ấn tượng hoàng hôn

Nói chuyện với
họa sĩ Lê Phổ


 

Hoạ sĩ Lê Phổ sống ở Paris, nên chúng tôi đã có nhiều dịp gần
cận ông, tuy nhiên mãi đến năm 1993, mới thực hiện được buổi phỏng vấn đầu tiên,
vì lý do sau đây: Năm 1990, chương trình Việt Ngữ RFI mới thành lập. Trước lễ
Giáng sinh 1990, họa sĩ Lê Phổ bị tai nạn: ở tuổi 83, đang đi trên đường phố
Paris, hơi nặng tai, không nghe tiếng xe máy đến gần. Bị xe đụng, họa sĩ ngã
xuống đường gẫy răng và tím thâm một mắt. Chở vào nhà thương, bác sĩ khám nghiệm
thấy không có triệu chứng nguy kịch lại cho về.

Ít lâu sau, trong một cuộc đi dạo, bà Lê Phổ thấy chân trái
của chồng có những biến chứng bất thường, vội đưa vào bệnh viện. Ở đây, người ta
khám nghiệm thấy những bọc máu (hématome) làm cản trở sự lưu thông mạch máu và
dần dần họa sĩ bị tê liệt tứ chi rồi bất tỉnh. Tình trạng bất tỉnh kéo dài trong
ba tuần. Sau đó ông dần dần tỉnh lại và nhận ra người nhà. Họa sĩ phải ở lại
bênh viện điều trị hơn nửa năm, và phải nhiều thời gian sau mới bình phục.

Vì vậy đến năm 1993, chúng tôi mới có thể đề nghị với họa sĩ
một buổi nói chuyện tổng quát về hành trình hội họa của ông. Cũng vì vậy mà buổi
nói chuyện chứa đựng những thông tin quý giá, lần đầu tiên được họa sĩ công bố.  

Trong cuộc phỏng vấn này, Lê Phổ đã cho biết những chi tiết
quan trọng về giáo sư Tardieu, về cuộc sống của ông và các bạn thời hàn vi. Ông
còn trình bày quan niệm hội họa của ông và cũng là lần đầu tiên Lê Phổ công báo
dự định tặng tranh cho Viện Bảo Tàng Hà Nội.   

Cuộc phỏng vấn được ghi âm ngày 3/3/1993, phát thanh trên đài
RFI ngày 7/3/93 và in lại trên tạp chí Hợp Lưu Hoa Kỳ số 10, tháng 4/1993.

 

 

 

Đôi dòng tiểu sử hoạ sĩ Lê Phổ

Hoạ sĩ Lê Phổ sinh ngày 2/8/1907 tại Hà Đông, trong một gia đình
quan lại. Cha là Lê Hoan, Kinh Lược Sứ Bắc Kỳ. Ông đỗ vào khoá đầu tiên trường
Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, năm 1925 và tốt nghiệp năm 1930. Ngay từ 1928, Lê
Phổ đã triển lãm tranh chung với Vũ Cao Đàm và Mai Thứ tại Hà Nội. Học trò xuất
sắc, ông được Victor Tardieu cử làm phụ tá đi dự các cuộc triển lãm quốc tế tại
Paris năm 1931 và 1937. Năm 1932 Lê Phổ được học bổng sang Pháp tu nghiệp tại
trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Paris và từ đó ông đi Âu Châu, sang Ý, triển lãm tranh
tại Roma. Tại đây ông tiếp xúc với nền hội họa Phục Hưng Ý. Năm 1934, Lê Phổ đi
Trung Quốc để tìm hiểu hội họa Tống Minh. Năm 1937, sau khi đi dự triển lãm quốc
tế tại Paris, ông ở hẳn tại Pháp. Tháng 6 năm 1947, Lê Phổ kết hôn với Paulelle
Vaux, phóng viên của báo Time và báo Life tại Pháp, sinh hai con trai: Lê Kim,
nhiếp ảnh và Lê Tân, họa hình

 

 

 

Thụy Khuê:
Những người xuất thân trong giai đoạn đầu của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội
thường giữ một ấn tượng rất tốt về giáo sư Victor Tardieu. Theo bác, ông Tardieu
là một người như thế nào?

Lê Phổ: Ông Tardieu là một ông thầy
tuyệt vời đối với học trò: ông giúp đỡ chúng tôi về mọi mặt. Phải nói rằng thời
đó, ngay một số người Pháp cũng ganh tị với chúng tôi, kể cả những người Pháp
dạy ở trường Mỹ Thuật Hà Nội. Chúng tôi làm việc nhiều, và mỗi cuộc triển lãm
tranh chúng tôi bán được gần một nửa, hơn cả những người Pháp đã được giải thưởng
hội họa Đông Dương và cũng triển lãm tranh ngay tại Hà Nội. Ông Tardieu học cùng
thầy với các hoạ sĩ Rouault và Matisse. Ông là một họa sĩ giỏi tuy không nổi tiếng
bằng những họa sĩ thời danh của Pháp. Khi ông quyết định đi xa, các bạn hỏi: tại
sao lại đi xa thế? Sao không ở lại đây? Tardieu thích phiêu du và cũng nhờ thế
mà chúng ta có trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội. Đó là một điều may mắn! Nếu
không thì nghệ thuật tạo hình Việt Nam – cho tới bây giờ – vẫn bị xem như trùng
hợp với nghệ thuật Trung Quốc.

 

TK: Bác có
dự tính làm một cái gì để tưởng niệm giáo sư Tardieu không?

LP: Tôi dự định và hy vọng làm được
một cuộc triển lãm chung, để tưởng niệm thầy Tardieu và để nói với người Pháp ở
đây rằng: Nước Pháp đã có những người Pháp rất tốt. Việc xây dựng trường Mỹ
Thuật Hà Nội là một việc làm tốt đẹp. Tôi muốn liên lạc với Jean Tardieu [con
của Victor Tardieu]. Jean Tardieu còn giữ được những bức tranh của cha. Ông
Tardieu quen biết nhiều khuôn mặt điển hình thời đó, từ Toàn quyền đến những người
tầm thường và Tardieu đã vẽ những bức bích họa rất lớn khoảng 30mX20m cho Viện
Đại Học Hà Nội với tất cả những khuôn mặt thời đại. Nếu Jean bằng lòng cộng tác
với cuộc triển lãm này thì thực là thích thú. Jean Tardieu là một nhà phê bình
có tài và rất trừu tượng, ngay cả những bài viết của Jean cũng khó hiểu. Theo ý
tôi, Jean là một trong những nhà thơ lớn của Pháp. Nếu được, chúng tôi sẽ làm
một cuộc triển lãm chung học trò với thầy: Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm, Mai Thứ và
tôi, để tưởng niệm thầy.

 

TK: Về
những bước đầu của bác tại Pháp, có khó khăn không, thưa bác?

LP: Rất khó khăn. Bước đầu ở Pháp,
muốn nổi tiếng rất khó: làm cho một số người biết đến mình thì không khó, nhưng
muốn thực sự nổi tiếng và thành công thì khó hơn nhiều. Bởi vì chúng tôi muốn
giữ một truyền thống, có một lối vẽ khác với hội họa Âu châu lúc bấy giờ. Ông
Tardieu khi dạy chúng tôi, không muốn chúng tôi mô phỏng hội họa Tây phương, mà
phải giữ vững truyền thống của mình, rồi từ truyền thống ấy, tạo ra một cái gì
khác. Bốn người chúng tôi: Lựu, Đàm, Mai Thứ và tôi là những họa sĩ đầu tiên
phiêu lưu sang Âu châu, rời môi trường Hà Nội, sang đây để gặp những họa sĩ khác,
làm việc với họ để hiểu hội họa Âu châu – là một điều hoàn toàn khác với những
gì chúng tôi đã học- thoát thai từ trường phái Paris, với những họa sĩ lớn thời
đó.

Lúc chúng tôi mới đến, cả ba (Mai Thứ, Vũ Cao Đàm và tôi, Lựu chưa
sang) đều rất vất vả: Trưng bày tranh nhưng bán được rất ít. Mỗi lần một hai bức
mà thôi. Đại chiến thứ II bùng nổ, 1939, tôi và các bạn Mai Thứ, Phạm Duy Khiêm,
Bửu Hội… đầu quân đánh Đức (trong vòng trên dưới một năm). Rồi Đức chiếm Pháp.
Tôi giải ngũ về Nice cuối năm 39. Ở Nice triển lãm tranh cùng Mai Thứ và Vũ Cao
Đàm, với một người bán tranh thích nghệ thuật Đông phương. Một hôm có người tên
là Romanet đến thăm chúng tôi. Ông ta là người bán tranh đầu tiên mở cửa hàng ở
Avenue de Matignon (Paris) và rất nổi tiếng. Khi ấy, ông ta đang ở Alger, lúc đó
Alger chưa bị Đức chiếm, ông ta đề nghị với chúng tôi: nên triển lãm tranh ở
Alger vì Alger có nhiều khách mua tranh. Thời điểm ấy, rất khó ra khỏi nước Pháp.
Rất may, chúng tôi viết thư cho ông Chataigne là toàn quyền Pháp ở Alger (ngày
trước ông này đã là toàn quyền Pháp ở Đông Dương) và Chataigne can thiệp giúp
ngay giấy tờ để tôi và Mai Thứ đi Alger. Lúc ấy là năm 1941. Tôi và Mai Thứ tổ
chức một cuộc triển lãm lớn ở Alger với Romanet, bao nhiêu tranh bán được hết.
Chúng tôi ở lại Alger sáu tháng và ở đó tôi gặp Foujita, Marquet, Mainsieux…
và những họa sĩ khác cùng làm việc với Romanet.

 

TK: Xin bác
nói về Foujita.

LP: Tay ấy phi thường (C’est un type
formidable). Đó là họa sĩ Nhật Bản duy nhất mà tôi gặp và thích. Foujita có
những nét kỳ diệu để viền dessin và portrait. Từ lúc tôi đến Âu châu, chưa thấy
người nào vẽ hay hơn Foujita. Chưa thấy ai nắm vững đường nét như Foujita. Sau
đó Foujita được gọi về Nhật. Vì Đức thắng trận và Nhật theo Đức nên Foujita về
Nhật lĩnh nhiệm vụ sang Việt Nam điều khiển trường Mỹ Thuật Sài Gòn.

 

TK: Đó là
khoảng năm nào, thưa bác?

LP: Tôi sang Alger năm 40 hay 41 gì
đó. Foujita cũng về Sài Gòn khoảng 40-41.

 

TK: Bác
biết Matisse trong trường hợp nào? Bác có gặp Bonnard không?

LP: Tôi biết Matisse vì một chuyện
tình cờ không liên can gì đến hội họa. Lúc đó tôi vừa giải ngũ, đến Nice, làm
việc với một người bán tranh Matisse. Vì ông ta đã giúp tôi lúc mới chân ướt
chân ráo tới Nice cho nên một hôm tôi đề nghị với ông ta: Ông có muốn tôi giúp
gì không? Ông tâm sự: Tôi nói riêng với anh điều này: bây giờ bơ rất hiếm, (vì
tất cả thực phẩm đều bị Đức kiểm soát, hạn chế hoặc cấm) anh có thể giúp tôi tìm
được một miếng bơ cho ông Matisse được không, ông ấy thèm lắm. Nếu xoay được thì
anh gói vào giấy báo ẩm rồi mang đến cho Matisse thì tốt quá. Tôi trả lời: sẵn
lòng. Như vậy tôi có dịp gặp Matisse. Có bơ, tôi điện thoại ngay cho Matisse.
Ông ấy thích quá. Tôi đến nhà ông ấy, biệt thự tên là Villa des Rêves (Biệt Thự
Mộng Du). Cô thư ký bỏ ngay bơ vào tủ lạnh. Rồi Matisse cho tôi xem tranh và
giải thích ông vẽ ra sao. Ông kể cho tôi một điều mà báo chí chưa bao giờ nói
đến: Tôi vẽ, sau đó bảo cô thư ký xóa hết bằng ét-xăng và ngày hôm sau tôi vẽ
lại, cũng bức tranh đó, cũng đề tài đó. Vì thế mà tôi được biết những thủ pháp
của Matisse. Ông là một bậc kỳ tài nhưng thực là khiêm nhượng. Tôi nói với
Matisse: Tôi rất thích hội họa của ông Bonnard. Ông ấy đề nghị ngay: để tôi điện
thoại cho Bonnard. Bonnard ở Cannet. Lúc đó tôi chỉ là một họa sĩ trẻ tuổi mới
bước vào nghề đối diện với nhà hội họa lừng danh Bonnard: ông Bonnard rất cao
lớn, đang vẽ tranh cho cuốn sách của Montherlant, ông ấy treo trên tường khoảng
hơn trăm bản phác họa. Khi tôi về, ông ấy hẹn lần khác đến chơi. Nhưng rồi sau
đó tôi về Paris và không có dịp gặp lại ông nữa. Matisse tôi còn gặp lại hai, ba
lần… Lúc đó Matisse đang cắt dán các mô hình.

 

TK: Vào khoảng
năm nào?

LP: Đó là những năm 40, 41, 43, và
phải nói rằng lúc đó tôi chưa hiểu rõ hội họa Matisse. Nhưng tôi rất thích lối
vẽ của Bonnard. Mãi sau này tôi mới thực hiểu và yêu Matisse. Từ khi tôi làm
việc với Galerie Findlay [từ 1964], tôi đi Mỹ mỗi năm. Tôi
thường trưng bày ở ba nơi: New York, Palm Beach và Chicago. Và tôi có dịp thăm
lâu đài mà Barnes – nhà vật lý học, kỹ sư cố vấn, ký giả lừng danh và giám đốc
một hãng dược phẩm, vì thế rất giàu – đã mua những bức tranh lớn nhất của
Matisse. Tôi được xem bức La Danse của Matisse ở lâu đài Barnes.
Người Mỹ khi giàu họ có khả năng mua tất cả, nhờ những người bán tranh chỉ cho
họ những tuy-ô để có thể mua được tranh của Bonnard, Dufy… Ông Barnes đã để
lại cho trường Đại Học nơi ông ở tất cả sưu tập tranh của ông, phần lớn là ấn tượng
với khoảng 50 bức Renoir, 40 bức Cézanne… Có thể tưởng tượng được không?

 

TK: Bác có
dự định cho Bảo Tàng Viện Việt Nam tranh của bác không?

LP: Có. Tôi đã dặn kỹ nhà tôi: nếu
tôi mất đi, nhà tôi sẽ giữ cho Viện Bảo Tàng Hà Nội, khoảng 20-30 bức.

 

TK: Bác dặn
bác gái giữ khoảng 20-30 tranh cho Hà Nội? Giữ như thế nào?

LP: Tức là biếu, là tặng Bảo Tàng
Viện Hà Nội với điều kiện là phải làm việc đứng đắn.

 

TK: Thế nào
là đứng đắn, thưa bác?

LP: Tôi kể cho cô nghe chuyện này:
Một lần người ta đã hỏi tôi – lúc đó dưới thời Diệm, Nhu thì phải – gửi tranh về
để triển lãm ở Sài Gòn. Tôi gửi 5 bức và sau đó biệt tích cả 5 không có dấu vết
gì. Vì thế mà tôi muốn rằng: nếu tôi biếu một chính phủ nào, thì phải có sự đứng
đắn, nghiêm chỉnh. Đây là những bức tranh do chính tôi lựa chọn và để riêng để đóng
góp vào văn hóa nước nhà. Nếu tôi không còn nữa thì nhà tôi đã được dặn là sẽ phải
làm theo ý tôi.

 

TK: Ví dụ
Hà Nội xin ngay bây giờ, bác có cho không?

LP: Nếu họ xin ngay bây giờ thì tôi
sẽ biếu một phần thôi. Điều mà tôi đòi hỏi là phải làm việc đứng đắn. Tôi không
lựa chọn chính phủ, nhưng cần những người thật sự nghiêm chỉnh, biết tôn trọng
giá trị nghệ thuật.

 

TK: Trở lại
với hội họa của bác: tại sao bác và bác Đàm lại bỏ tranh lụa và Mai Thứ vẫn giữ
tranh lụa?

LP: Đàm và tôi, chúng tôi rất thích
hội họa Tây phương (tức hội họa Âu châu). Mai Thứ khác. Đàm và tôi thường nói
với nhau: Hội họa cổ truyền Trung Quốc đã lỗi thời rồi. Những họa sĩ Nhật và Tàu
cũng đã bỏ tranh trên giấy bản và tranh lụa để vẽ tranh sơn dầu. Lúc đó Suzuki
đã vẽ trừu tượng. Tôi, tôi chọn hội họa hữu hình (figuratif). Cũng phải sống nữa
chứ! Hơn nữa, lý tưởng trong đời tôi là nhìn và tìm những cái đẹp. Tôi rất thích
chia sẻ cái đẹp với người khác, cho dù đối với những người bình thường hay đối
với những họa sĩ có tầm cỡ như Picasso – tôi biết khá rõ vì nhà tôi từng làm
những phóng sự về Picasso trên các báo Time và Life – nhưng tôi không thích lối
vẽ trừu tượng, mặc dù tôi rất quí mến lòng cam đảm của các nghệ sĩ vẽ trừu tượng,
vì ở thời điểm ấy [1937-1940] rất khó đối với họ, kể cả những người đã sáng lập
ra trường phái lập thể, siêu thực… Riêng về siêu thực, tôi rất thích. Họa sĩ
siêu thực vẽ tranh hữu hình: Chagall rất hữu hình, ông có phong cách riêng để
tìm những hình thức hội họa mới. Phần tôi, có thể tôi cố giữ cái bản sắc của tôi
(je reste trop moi-même), nhưng tôi thích như thế! Thượng Đế đã tạo ra muôn vật.
Đó là một sự thực diệu kỳ. Đừng biến chất (dénaturer) những cái Thượng đế đã
sáng tạo ra. Đối với tôi, một người đàn bà đẹp là một người đàn bà đẹp. Cái đẹp,
hoa, màu, phong cảnh, phải giữ nguyên như vậy. Chính thầy tôi, ông Tardieu, đã
khuyên tôi: phải giữ lấy Cái đẹp. Dùng những dụng cụ là màu sắc và một kỹ thuật
tốt để trình bày Cái đẹp trong Hội họa. Như cô biết đấy, rất khó chứ không phải
dễ.

Bức tranh trừu tượng phân hóa sự vật (décomposer la nature), có
phải thế không?

Tôi, tôi không phân hóa, biến dạng các Thể (Forme) bởi vì Thượng
đế đã cấu tạo những Thể lý tưởng. Phải giữ nguyên như thế. Tôi không phải là loại
bi quan tăm tối (misérabiste) đó là những họa sĩ vẽ những gì đen tối, làm cho
đen tối sự vật. Tôi thuộc loại làm đẹp sự vật (nếu có thể được). Vì Thượng đế đã
cấu tạo những cái đẹp, đừng bỏ uổng. Tôi cũng giống như đạo Thiên Chúa, là đạo
tôi đang theo. Đạo Phật cũng rất hay, tuyệt vời và cao thượng. Tất cả những gì
về đời đức Phật thật là tuyệt đẹp và tôi cũng đã vẽ một vài bức tranh Phật, tôi
sẽ cho cô xem. Nhưng theo tôi, đạo Phật chỉ là một triết lý bi quan.

 

TK: Năm nay
bác 86 tuổi, sức khỏe bác ra sao?

LP: Tháng 11/1990, tôi ra phố
Cambronne gần đây. Một thanh niên Việt tên Lung, độ 16, 17 tuổi, đi moto nhanh
quá, không thắng kịp đã đụng tôi, mặc dù tôi đi trong đường đinh lúc đèn đỏ. Tôi
bị bất tỉnh, họ chở tôi vào nhà thương, lục soát giấy tờ trong túi, và gọi điện
thoại báo tin cho nhà tôi biết. Người ta khám đầu thấy có những vết máu đọng và
họ đã mổ đầu để lấy những vết máu đó ra. Họ làm tất cả 8 scanner. Tôi phải ở nhà
thương 7 tháng. Cách đây hai ngày, tôi ra đường một mình, lại bị một người khác
xô ngã, hãy còn vết đau ở đầu.

 

TK: Bác còn
nhớ những bạn học cùng lớp cũ không?

LP: Cùng lớp hồi đó có Nam Sơn, nhưng
anh ấy không phải là học trò như chúng tôi, anh ấy quen Tardieu trước chúng tôi.
Nguyễn Phan Chánh lớn tuổi nhất bọn, anh ấy nhà Nho, tốt bụng, tôi quí mến lắm.
Anh Chánh thường bị mấy tay trẻ chòng ghẹo. Lê Văn Đệ mới mất cách đây mấy năm,
và ba chúng tôi: Đàm, Thứ và tôi.

 

TK: Bác Đàm
học sau bác một năm chứ?

LP: Phải đấy. Đàm học cùng lớp với
Tô Ngọc Vân. Mai Thứ luôn luôn đi với tôi.

 

TK: Lúc ấy
hình như lớp bác có mười người cơ mà?

LP: À, còn Nguyễn Tường Tam [Nhất
Linh]. Nguyễn Tường Tam cũng bồ lắm. Tường Tam viết văn. Tóm lại, trong lớp có:
Nam Sơn, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tường Tam, Lê Văn Đệ – tôi có gặp Lê văn Đệ
một lần ở Pháp – Mai Thứ và tôi. Còn những người khác tôi không nhớ nữa.

 

TK: Trong
những người học trò cùng lớp với bác, ai vẽ hay nhất?

LP: Mai Thứ. Mai Thứ tài lắm.

 

TK: Thế còn
Tô Ngọc Vân?

TK: Tô Ngọc Vân học sau một lớp. Vân
cũng tài lắm. Rất bồ với tôi và Tường Tam.

 

TK: Còn
Nguyễn Gia Trí?

LP: Nguyễn Gia Trí vẽ giỏi lắm. Trí
vẽ tranh sơn mài rất đẹp. Tôi cũng có vẽ sơn mài – Trí học cùng lớp với Lựu. Lựu
rất dễ thương, vẽ rất giỏi. Lựu vẽ những dessin thật đẹp.

 

TK: Hồi đó
bà Lựu đẹp lắm?

LP: Lựu rất đẹp. Lựu có nhiều đức
tính. Tân may mắn gặp Lựu. Tân cũng là
một nghệ sĩ có tài. Đó là tất cả những người có cả ưu điểm lẫn nhược điểm, nhiều
tài hoặc ít tài. Nhưng cô cũng biết: tài năng đôi khi không quan trọng bằng may
mắn. Để thành một họa sĩ lớn như Picasso, phải có may mắn. Và khi có may mắn là
có “lửa thiêng” (feu sacré) để thành công.

 

TK:
Xin bác nói một vài lời từ giả độc giả.

LP:
(Nói bằng tiếng Việt): Tôi xin lỗi bởi vì tôi ở bên này lâu quá rồi. Từ 1936.
Tại sao? Bởi vì ông Tardieu hồi đó coi tôi như con ông. (Lê Phổ tiếp tục nói
tiếng Pháp): Tôi đi cùng với ông ấy sang Pháp từ 1931 để dự hội chợ đấu xảo
thuộc địa với tư cách phụ tá của Tardieu. Vì vậy mà tôi được gặp nhiều người,
trong số đó có Jean Dunand, một nhà sản xuất sơn mài nổi tiếng của Pháp và của
thế giới lúc bấy giờ. Trong thế chiến thứ I (14-19) Pháp mượn thợ sơn mài về làm
cánh quạt (hélice) máy bay. Bởi vì những cánh quạt làm bằng gỗ mỏng và sơn dầu
của ta rất tốt, rất mỏng, rất cứng, cứng như sắt. Pháp đem những thợ sơn mài
giỏi của ta về nước. Những người thợ thủ công nghệ giỏi nhất hồi đó như cụ Hợp,
cụ Mạc… đều làm việc cho Dunand, giúp Dunand trang hoàng những salon bằng sơn
mài trên chiếc tàu đẹp nhất thế giới, đó là tàu Normandie.

Tôi có may mắn được làm việc, được học nghề
với những người thợ thủ công nghệ Việt Nam về sơn mài giỏi nhất lúc bấy giờ và
cái may mắn ấy đã theo tôi suốt đời.

 

TK:
Xin cảm ơn bác Lê Phổ.

© 2018 Thụy Khuê