Lấy hồ sơ của người khác đi xin việc làm bị xử phạt hành chính như thế nào? Có xử lý kỷ luật lao động với trường hợp lấy hồ sơ của người khác đi xin việc làm không?


Cho mình hỏi: lấy hồ sơ của người khác đi làm, ký kết hợp đồng lao động có vi phạm Luật lao động không? Áp dụng biện pháp khắc hậu quả gì đối với trường hợp lấy hồ sơ của người khác đi xin việc làm? Xử lý kỷ luật lao động với trường hợp này như thế nào?

Lấy hồ sơ của người khác đi xin việc làm bị xử phạt hành chính như thế nào?

Việc mượn hồ sơ của người khác để đi xin việc làm là hành vi vi phạm pháp luật. Người thực hiện việc này tuỳ mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này, nếu trong hồ sơ trước đó có Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân của người khác để xin việc sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể:

Xử phạt đối với hành vi mượn Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân của người khác để đi xin việc theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

“Điều 10. Vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân

4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Làm giả Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân giả;

c) Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;

d) Mua, bán, thuê, cho thuê Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;

đ) Mượn, cho mượn Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.”

Như vậy, khi mượn hồ sơ của người khác (trong đó có Căn cước công dân) thì cả người mượn và người cho mượn đều bị xử phạt vi phạm hành chính từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng theo quy định trên.

 Lấy hồ sơ của người khác đi xin việc làm bị xử phạt hành chính như thế nào?

Lấy hồ sơ của người khác đi xin việc làm bị xử phạt hành chính như thế nào?

Áp dụng biện pháp khắc hậu quả gì đối với trường hợp lấy hồ sơ của người khác đi xin việc làm?

Theo quy định tại khoản 6 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định biện pháp khắc phục hậu quả:

– Buộc nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 và điểm đ khoản 4 Điều này;

– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 4 Điều này.

Cũng theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính: Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, đối với trường hợp lấy hồ sơ của người khác đi xin việc làm thì áp dụng biện pháp khắc hậu quả đó là: Buộc nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân; hoặc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Ngoài ra, Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng).

Xử lý kỷ luật lao động với trường hợp lấy hồ sơ của người khác đi xin việc làm như thế nào?

Căn cứ theo Điều 117 Bộ luật Lao động 2019 quy định về kỷ luật lao động như sau:

Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định.

Và theo Điều 124 Bộ luật Lao động 2019 quy định hình thức xử lý kỷ luật lao động như sau:

– Khiển trách.

– Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.

– Cách chức.

– Sa thải.

Theo đó, kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định.

Như vậy, mượn hồ sơ xin việc sẽ vi phạm pháp luật về lao động và tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, mà công ty đó có thể áp dụng một trong các biện pháp xử lý kỷ luật sau: Khiển trách; Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; Cách chức; Sa thải. Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật lao động phải bảo đảm tuân theo các nguyên tắc của quy định về xử lý kỷ luật lao động và trình tự xử lý kỷ luật lao động.