Lắt léo chữ nghĩa: Hàn lâm là gì?
Vào thời nhà Đường, nhà Tống bên Tàu thì Hàn lâm (翰林) là một chức quan, chuyên lo những việc trong cung đình. Từ đời nhà Minh, nhà Thanh, người thi đậu Tiến sĩ được gọi là “nhập Hàn lâm”.
Chiết tự và nguồn gốc:
– Hàn (翰): có nghĩa là bút lông dùng để viết (writing brush), một từ kết hợp theo lối Hình thanh của 2 chữ: vũ (羽, yǔ) = lông chim (biểu ý) + cán (倝, gàn) = sáng sủa (biểu âm). Theo sách Dật Châu Thư (thời Tây Chu, Trung Hoa) thì hàn dùng để chỉ giống gà thần có lông 5 màu của người nước Thục cống nạp cho Chu Thành Vương, được gọi là “Thiên kê” hay “Cẩm kê” (gà lông gấm). Theo Từ điển Từ Hải thì hàn là lông gà hay bất cứ loại lông của loài cầm nào, và dai và cứng. Ngày xưa người Tàu thường dùng lông gà, lông chim để viết (tiền thân của loại bút lông ngày nay). Từ hàn (翰) có 1 cách viết bằng chữ Triện và 3 cách viết khác trong hệ thống Lục thư.
– Lâm (林): nghĩa gốc là rừng (forest). Đây là từ kết hợp theo lối Hội ý của 2 chữ : mộc (木) + mộc (木), ý nói “rừng thì có nhiều cây”. Từ lâm (林) có 1 cách viết bằng chữ Triện và 12 cách viết khác được tìm thấy trong hệ thống Lục thư.
Nhìn chung, hàn lâm thường là từ gọi tắt của “Hàn lâm viện” (翰林院), ngày xưa dùng để chỉ nơi tụ hội các văn nhân, học giả. Khái niệm “Hàn lâm viện” xuất hiện vào thời nhà Đường bên Tàu (từ thế kỷ 7 – 9), người Hàn Quốc gọi là Hanlim-won (한림원), người Nhật gọi là Kanrin-in (かんりんいん). Riêng về cách gọi “Academy” trong tiếng Anh, “Académie” (Pháp), “Academia” (Tây Ban Nha)… đều có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ là Ἀκαδήμεια/ Ἀκαδημία.
Chúng ta biết rằng Trung Hoa và Ấn Độ là cái nôi của nền văn minh phương Đông, còn Hy Lạp – La Mã là cái nôi của nền văn minh phương Tây. Nếu khái niệm “Hàn lâm viện” xuất hiện từ thời nhà Đường bên Tàu, tức sớm lắm là vào thế kỷ thứ 7 thì khái niệm tương ứng “Ἀκαδήμεια” ở phương Tây lại xưa hơn nữa, khoảng vào năm 387 trước Công nguyên.
Cái từ “Academy” trong tiếng Anh xuất phát từ học viện Hy Lạp cổ đại, có nguồn gốc từ tên vị anh hùng Akademos/Academus (Ἀκάδημος) trong thần thoại Hy Lạp. Ngày xưa học viện ấy do triết gia Plato (423 – 347) thành lập ở Athens, 1 trung tâm học tập nổi tiếng, nơi mà triết gia Aristotle đã từng học 20 năm (367 – 347 trước CN).
Ở nước ta, Hàn lâm viện được thành lập vào thời nhà Lý. Vào năm Quảng Hựu thứ 2 (Bính Dần, 1086), Mạc Hiển Tích đỗ đầu khoa thi và được bổ nhiệm làm Hàn lâm học sĩ trong đời vua Lý Nhân Tông. Đến đời nhà Trần thì có thêm chức Hàn lâm thừa chỉ. Ngoài ra, ở VN còn có chức quan Hàn lâm thị độc học sĩ và Hàn lâm thị giảng học sĩ…
Ngày nay, các cơ quan Hàn lâm tại Việt Nam không có chức danh Viện sĩ (院士, Academician). Cách gọi Viện sĩ thường là do các viện Hàn lâm nước ngoài phong tặng cho những nhà trí thức lớn của nước ta.