Lập bàn thờ Tổ quốc dịp Tết: Tấm lòng Nhân dân Bạc Liêu hướng về Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cận Tết, ông Sáu Nới – cựu chiến binh huyện Vĩnh Lợi – ươm thóc trong mấy lon nhôm để làm “lúa kiểng”, cắt một nhành mai cắm vào bình gốm, lau chùi bát nhang, di ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh… Tất cả hợp thành một bàn thờ Tổ quốc (BTTQ), được hương khói suốt dịp Tết cổ truyền bên cạnh việc sửa soạn tươm tất bàn thờ gia tiên.

Người dân huyện Vĩnh Lợi làm bàn thờ Tổ quốc dịp tết Tân Sửu 2021. Ảnh: N.Q

BTTQ được đặt trang trọng trong sân nhà, cạnh cổng chính để ai đến chúc Tết cũng thấy, thắp một nén tâm hương tưởng nhớ đến công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở khắp vùng quê Bạc Liêu, đi đâu cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh BTTQ, từ trụ sở xã, ấp cho đến nhà dân. Nhà khá giả thì có giỏ quà, cặp dưa hấu hoặc bưởi chưng trên bàn thờ, còn với hộ điều kiện kinh tế trung bình thì vật phẩm dâng lên Người là trái dừa, xoài do nhà trồng. Ở đô thị, các công sở, trụ sở cơ quan, đơn vị cũng lập BTTQ.

Lập BTTQ đã thành nét văn hóa của người Bạc Liêu, và dịp tết Bính Thân – năm 2016, trong chương trình Tết quân – dân đầu tiên (do tỉnh tổ chức tại xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) có hẳn cuộc thi làm BTTQ. Ban giám khảo cuộc thi khẳng định, trang trí BTTQ là một việc làm thiết thực để giáo dục cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân nhớ đến cội nguồn dân tộc. BTTQ dùng để chỉ bàn thờ Bác Hồ được lập ở mỗi công sở, đơn vị, gia đình, thường phía trên di ảnh hoặc tượng bán thân của Người là hình lá cờ Đảng, cờ nước và dòng chữ “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh”; hai bên di ảnh có câu đối “Áo ấm cơm no nhờ ơn Đảng/ Độc lập, tự do nhớ Bác Hồ”.

Lần giở sử sách sẽ thấy BTTQ được dựng lên trong cả nước sau khi Bác Hồ mất (ngày 2/9/1969). Còn theo PGS-TS Hà Huy Phượng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), thật ra trước đó, từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã xuất hiện mô hình trang trí lá cờ ở nơi thờ tự, truy điệu những người lính vệ quốc hy sinh. Mô hình có lá cờ Tổ quốc, hoặc lá cờ giải phóng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (nửa đỏ, nửa xanh), ở giữa ảnh Bác Hồ được đặt trang trọng, phía trước là bát nhang. Những năm 70 của thế kỷ XX, học sinh phổ thông tổ chức cắm trại dịp 26/3, khi trang trí bao giờ chính giữa trại cũng lập BTTQ, ghi nhớ công ơn của Bác và các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì non sông đất nước.

Điều này thêm khẳng định tình cảm của đất nước, Nhân dân dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh là như một, không phân biệt vùng miền, tôn giáo, dân tộc. Đối với người dân Việt Nam, bao gồm Nhân dân Bạc Liêu, Bác Hồ là lãnh tụ vĩ đại đã dâng hiến cả đời mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, đem lại “độc lập – tự do – hạnh phúc” cho muôn người. Khi Bác đi về thế giới người hiền, nhà nhà lập bàn thờ để tưởng nhớ Người như tưởng nhớ thân nhân trong gia đình. Tình cảm chân thành, tấm lòng hiếu kính của người dân Việt Nam dành cho Bác Hồ là hành động phản bác mạnh mẽ đối với luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

BTTQ có tính biểu trưng cao, thể hiện tấm lòng của cán bộ, đảng viên, Nhân dân hướng về Đảng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhớ đến, trân trọng thành quả cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ là nguồn sức mạnh nội sinh để mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân tiếp tục đoàn kết, nỗ lực đưa Bạc Liêu tiến về phía trước, hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020 – 2025) đề ra.

NGUYỄN QUỐC