Lao động trên 35 tuổi về đâu?

Có thực trạng nhiều doanh nghiệp (DN) tìm cách cho NLĐ lớn tuổi nghỉ việc để ưu tiên tuyển dụng NLĐ trẻ hơn với lý do nhân công trẻ làm việc năng suất hơn…

NHẬT THỊNH

Bộ LĐ-TB-XH cho biết vấn đề phân biệt đối xử với lao động lớn tuổi chủ yếu tập trung ở DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và thâm dụng lao động. Thị trường ngày càng tự động hóa, nhân công trẻ cùng những sự cố như cắt giảm đơn hàng vì biến động kinh tế vừa qua… có thể khiến NLĐ lớn tuổi bị đẩy ra khỏi thị trường lao động. Họ sẽ về đâu khi hết tuổi nghề nhưng chưa tới tuổi nghỉ hưu? Buôn gánh bán bưng như lao động tự thân hay chật vật tìm việc mới với mức lương không đủ sống?

Những hệ lụy nghiêm trọng của việc đào thải NLĐ lớn tuổi không chỉ là kinh tế, đời sống của họ và gia đình họ bị ảnh hưởng, nó còn là bài toán đặt ra trong tương lai khi nhà nước phải chịu áp lực lớn về quỹ lương hưu cho người cao tuổi mà thị trường lại thiếu hụt lao động.

Nhiều giải pháp đã được đặt ra như đào tạo nghề, kết nối cung cầu việc làm bền vững cho NLĐ lớn tuổi không có kỹ năng hay chính sách an sinh xã hội, lương hưu linh hoạt. Nhưng cá nhân tôi cho rằng biện pháp tốt nhất chính là thực hành nghiêm hơn việc chống phân biệt đối xử lao động như các quy định đề ra trong bộ luật Lao động 2019 và các công ước quốc tế mà VN đã tham gia. Cơ quan chức năng cần điều tra toàn diện về vấn đề phân biệt đối xử trên cả nước, đồng thời áp dụng chế tài khi thanh, kiểm tra việc thực hiện pháp luật chống phân biệt đối xử lao động tại các DN. NLĐ lớn tuổi không phải là gánh nặng, ngược lại, họ hoàn toàn giúp cải thiện năng suất lao động của DN nếu đơn vị biết tận dụng kỹ năng và kinh nghiệm của họ.