Lao động không tay nghề chật vật tìm việc làm

Phương Ngân

  –  

Thứ năm, 09/02/2023 10:08 (GMT+7)

TPHCM – Mặc dù không ít doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, tuy nhiên, nhiều người lao động vẫn phải chật vật đi xin việc vì không có tay nghề, điều kiện không đáp ứng.

Nhiều vị trí việc làm

Ghi nhận tại các khu chế xuất – khu công nghiệp (KCX-KCN) tại TPHCM và Bình Dương những ngày đầu tháng 2, nhiều bảng tuyển dụng được đặt trước cổng công ty tuyển nhiều vị trí việc làm.

 Nhiều doanh nghiệp để bảng tuyển dụng trong KCN Đồng An. Ảnh: Phương Ngân 

Tại Công ty TNHH Youyouwings (KCX Linh Trung II, TP. Thủ Đức, TPHCM), tuyển 30 thợ sơn, đứng máy và lao động phổ thông khác. Gần đó, công ty TNHH May mặc Kim Hồng cũng đang có nhu cầu tuyển 300 lao động phổ thông với thu nhập từ 9 – 12 triệu đồng/tháng.

Còn tại KCN Đồng An 1 (tỉnh Bình Dương), ngay từ cổng vào KCN có rất nhiều bảng tuyển dụng lao động treo hai bên đường.

Tại Công ty TNHH Puku Việt Nam cần tuyển gấp công nhân may, công nhân ủi… với thu nhập từ 8 – 14 triệu đồng/tháng. Công ty TNHH May mặc Leading Việt Nam  tuyển dụng công nhân may với mức thu nhập hấp dẫn, trên 12 triệu đồng/tháng.

Đáng chú ý, để sớm tuyển được lao động, công ty này đã đặt bàn tuyển dụng ngay gần công ty để thu hút người đi đường, khi có người đến nộp hồ sơ sẽ có nhân viên đến đưa người lao động vào công ty.

Một nhân viên tại công ty này cho biết, công ty sẽ tuyển công nhân đến khi đủ số lượng. Để sớm có công nhân đáp ứng việc sản xuất, nhiều tổ trưởng chuyền may đã tranh thủ thời gian trực tiếp ra tuyển dụng, thay vì đợi phân bổ từ bộ phận nhân sự.

Đi nhiều nơi không xin được việc

Ghi nhận tại các điểm tuyển dụng lao động, nhiều người lao động xin được việc làm nhưng cũng có không ít người lao động phải rời đi vì không có tay nghề.

Gần hai tuần nay, chị Trần Thị Tú (40 tuổi, quê Nghệ An), đi xin việc tại các KCN Vsip, Tân Thới Hòa, Đồng An… nhưng đều nhận được cái lắc đầu từ chối vì chị không có tay nghề.

 Mất việc trước Tết, sau Tết chị  Nguyễn Thị Yến phải đi xin công việc mới. Ảnh: Phương Ngân

Trước đây, chị Tú làm việc tại bộ phận hoàn thành, đóng gói của một công ty may quần áo xuất khẩu ở khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương). Tháng 5.2022, do có việc gia đình nên chị nộp đơn xin nghỉ, đến đầu năm nay chị đi xin việc trở lại thì không xin được việc.

“Lúc mình nghỉ, tình hình còn ổn nhưng sau đó nhiều công ty thất cắt giảm lao động quá nên giờ đi xin việc rất khó khăn. Mặc dù đi nhiều nơi rồi nhưng vẫn không xin được việc, người ta cứ đòi tay nghề nhưng mình thì không có tay nghề”, chị Tú chia sẻ.

Còn chị Thái Thị Ngân, vừa từ quê vào TPHCM, không có tay nghề may nên chị đi tìm công việc QC – kiểm hàng. “Tôi thấy có công ty may ở khu chế xuất Linh Trung II để bảng tuyển dụng lao động nên vào hỏi bảo vệ thì được hẹn quay lại vào thứ 2 tuần sau, mặc dù mới là ngày thứ 4. Đa số các công ty đều tuyển công nhân có tay nghề may, tôi không có tay nghề cũng khó”, chị Ngân nói.

Chở theo đứa con nhỏ đi xin việc, chị Nguyễn Thị Yến dừng trước bàn tuyển dụng của một công ty tại KCN Đồng An 1, chị Yến hỏi cặn kẽ yêu cầu tuyển dụng rồi lưỡng lự. “Tôi có tay nghề may giày, còn may quần áo tôi chưa may bao giờ nên sợ mình không làm được”, chị Yến giải thích.

Trước đây, chị Yến có 6 năm làm việc tại công ty giày da ở Bình Dương, sau đó chị xin về một công ty giày ở KCX Linh Trung II, làm được một năm thì công ty cho nghỉ do không có đơn hàng.

“Trước khi đến đây, tôi có đến hỏi một công ty may quần áo, mặc dù có để bảng tuyển dụng hằng ngày tại cổng công ty nhưng khi đến hỏi thì được hẹn tuần sau quay lại”, chị Yến chia sẻ.

Theo Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội, để đẩy mạnh hoạt động giải quyết việc làm, Bộ này sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thực hiện số hóa nhằm kết nối cung – cầu lao động. Đồng thời rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực; tổ chức đào tạo phát triển kỹ năng, kịp thời đáp ứng thị trường lao động, nhất là nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.