Lạng Sơn chủ động lãnh đạo, chỉ đạo phát triển khoa học và công nghệ | Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn

Khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, bảo vệ tài nguyên và môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển khoa học và công nghệ nhằm mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phát triển kinh tế tri thức, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới. Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của hoạt động khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế – xã hội, trong những năm qua tỉnh Lạng Sơn đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo phát triển các hoạt động công tác khoa học, công nghệ và đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

1

Công nhân Công ty Việt Bắc lắp ráp khung cửa PVC (Nguồn ảnh: Báo Lạng Sơn)

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn: Công tác triển khai các đề tài, dự án trong lĩnh vực này tập trung vào nghiên cứu ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về giống và quy trình kỹ thuật canh tác, chăn nuôi mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đối với cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc sản có thế mạnh của địa phương; nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả phục vụ sản xuất, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh; xây dựng các mô hình trồng trọt và chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp VietGap để từng bước nhân rộng.

Về trồng trọt, bảo vệ thực vật, đã ứng dụng và chuyển giao các biện pháp kỹ thuật nhân giống, khảo nghiệm, chọn lọc được nhiều giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng và trình độ canh tác của nông dân như tổ hợp lúa lai, ngô lai, giống khoai tây, lạc, đỗ tương, chuối tiêu hồng, khoai môn… xây dựng mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất theo hướng hàng hóa đối với nhiều loại cây trồng như: Quýt, bưởi, xoài, thanh long, đào, táo, mít…Công nghệ nhân giống được áp dụng rộng rãi để phát triển nhiều loài cây ăn quả, cây hoa quý. Quy trình công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật đã được triển khai và đạt được những thành công nhất định. Ứng dụng tiến bộ công nghệ sinh học trong nuôi cấy mô tế bào thực vật giúp bảo tồn và nhân giống cây trồng đặc hữu, có giá trị kinh tế. Hằng năm đã sản xuất hàng trăm nghìn cây giống các loại để phục vụ sản xuất. Đồng thời, quan tâm hoạt động ứng dụng chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật liên quan, qua đó xây dựng được các quy trình phòng trừ có hiệu quả và các biện pháp kỹ thuật thâm canh bền vững để phổ biến, tuyên truyền đến người dân trên địa bàn áp dụng vào trong quá trình sản xuất nhằm tăng năng suất cây trồng và hiệu quả kinh tế.

Về lâm nghiệp, tập trung vào ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến; chuyển giao quy trình công nghệ, các quy trình lâm sinh để áp dụng tại địa phương, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, phát triển lâm nghiệp đa chức năng, lâm sản ngoài gỗ, nhất là các loại dược liệu, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Về chăn nuôi, thú y, nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao ứng dụng các công nghệ về chăn nuôi, xây dựng các mô hình chăn nuôi hiệu quả. Các kết quả nghiên cứu bước đầu được chuyển giao cho các hộ nông dân áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, đưa những giống vật nuôi mới vào sản xuất, tạo ra nhiều nguồn thu nhập cho người dân, xây dựng được các quy trình kỹ thuật về chăn nuôi, phòng trị bệnh để các hộ nông dân học tập, góp phần phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời sử dụng rộng rãi công nghệ biogas, công nghệ đệm lót sinh học và các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, chế biến và bảo quản nông, lâm sản thực phẩm, sản xuất thức ăn chăn nuôi, xử lý các phụ phẩm, phế phẩm, chất thải từ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến.

Lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ: Đẩy mạnh triển khai đề án thực hiện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và một số doanh nghiệp; thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chủ lực của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tiếp nhận chuyển giao các công nghệ tiên tiến và ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ trong xây dựng, sửa chữa cầu, đường và trong vận tải.

Thực hiện Quyết định số 1419/QĐ-TTg, ngày 07/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND, ngày 16/8/2016 thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020. Qua các hoạt động triển khai đã kịp thời thông tin, hỗ trợ cho trên 250 lượt doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn, góp phần thúc đẩy tiếp cận và nhận thức cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp; từ đó đẩy nhanh việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất nhằm tiết giảm tối đa việc sử sụng năng lượng, nguyên nhiên vật liệu đảm bảo hiệu quả. Đồng thời đã tập trung nghiên cứu, triển khai ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng các mô hình thiết bị tiết kiệm năng lượng, đổi mới thiết bị công nghệ, hỗ trợ chuyển giao cho người nông dân, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả trong sản xuất. Các đề tài khoa học điển hình như: Nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật sấy thuốc lá sử dụng hồi lưu khí thải; Nghiên cứu cải tiến thiết kế, chế tạo động cơ không đồng bộ 3 pha hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng có công suất đến 10KW; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bơm nhiệt để thiết kế, chế tạo máy sấy Hồi tại Lạng Sơn nhằm tiết kiệm nhiên liệu sấy, nâng cao chất lượng nguyên liệu sản phẩm tiết kiệm chi phí; Nghiên cứu áp dụng kỹ thuật để sản xuất men lá chân truyền Mẫu Sơn và cải tiến thiết bị chưng cất nhằm gìn giữ và nâng cao chất lượng rượu Mẫu Sơn; Nghiên cứu chế tạo Máy gieo hạt phù hợp với địa bàn tỉnh Lạng Sơn nhằm cơ giới hóa trong khâu gieo trồng, nâng cao năng suất lao động…

Lĩnh vực y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe Nhân dân: Ứng dụng các nghiên cứu khoa học vào công tác điều trị và phòng, chống dịch bệnh, góp phần hạ thấp tỷ lệ tử vong, tiết kiệm chi phí, nâng hiệu quả điều trị, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, dự báo khả năng diễn biến một số bệnh mang tính xã hội cao. Các hoạt động nghiên cứu khoa học tập trung cho công tác điều trị và phòng, chống dịch bệnh; công tác tiếp nhận, ứng dụng kỹ thuật mới trong khám chữa bệnh cho nhân dân được quan tâm; các giải pháp phòng, chống dịch bệnh được tăng cường nhằm khuyến cáo nhân dân, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Các đề tài khoa học điển hình như: Nghiên cứu đề xuất mô hình quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường có kiểm soát cho bệnh nhân trên địa bàn tỉnh; Ứng dụng các bài thuốc y học cổ truyền điều trị có hiệu quả của các ông Lang, bà Mế vào điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh; Nghiên cứu hiệu quả điều trị thiểu năng tuần hoàn não mãn tính bằng cao lỏng “Ích khí điều vinh thang gia giảm”; Nghiên cứu triển khai kỹ thuật nẹp vít qua cuống để điều trị gãy xương cột sống lưng – thắt lưng tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh….

Lĩnh vực bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu: Các hoạt động nghiên cứu khoa học được triển khai tập trung nghiên cứu giải quyết các vấn đề môi trường, lồng ghép các vấn đề môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát triển nguồn gen nhằm mục tiêu khôi phục, bảo vệ các hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học ngăn chặn sự suy giảm, duy trì và phát triển các nguồn gen các loài cây, con đặc sản, đặc hữu, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao phục vụ cho khai thác, quy hoạch phát triển kinh tế; ứng dụng, chuyển giao, tuyên truyền mở rộng các tiến bộ khoa học và công nghệ xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường góp phần ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, tận thu nguồn nguyên liệu để tái sử dụng vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường.

Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được triển khai tập trung nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm phát huy lợi thế, giảm thiểu những bất lợi trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với định hướng của tỉnh trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tập trung những vấn đề liên quan đến cơ sở khoa học phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đóng góp thiết thực cho định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển trên địa bàn. Các đề tài khoa học điển hình như: Nghiên cứu tìm ra các giải pháp nâng cao nhận thức và thực hành văn hóa giao thông trong đoàn viên, thanh niên nhằm xây dựng nét văn hóa khi tham gia giao thông trong đoàn viên, thanh niên góp phần giảm thiểu vi phạm và tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Nghiên cứu giải pháp phát triển du lịch văn hóa tâm linh tại một số địa bàn của tỉnh Lạng Sơn; Nghiên cứu một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tiếp cận và áp dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước; Giải pháp thực hiện tăng thu ngân sách nhà nước qua thuế, phí, lệ phí và giá dịch vụ trên địa bàn tỉnh; các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận và áp dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước; công tác quản lý các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh: ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh…

Tập trung nghiên cứu các giá trị lịch sử, đóng góp căn cứ khoa học, góp phần lý giải, làm sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử; nghiên cứu giá trị văn hóa truyền thống và đề xuất các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Các đề tài khoa học điển hình như: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền Kỳ Cùng – Đền Tả Phủ, thành phố Lạng Sơn; Xây dựng và phát triển thương hiệu thành phố Lạng Sơn – thành phố hoa Đào; nghiên cứu về ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân ta; giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh….

Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nâng cao chất lượng dạy và học, ngành giáo dục và đào tạo đã có nhiều đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh được nghiệm thu, đánh giá và đưa vào triển khai, ứng dụng có hiệu quả trong công tác chỉ đạo quản lý và giảng dạy trong các cơ sở giáo dục. Qua đó nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Các đề tài khoa học điển hình như: Một số biện pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn chuẩn bị vào lớp 1 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Nghiên cứu xây dựng bộ thí nghiệm vật lý nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn vật lý ở các trường THCS; Giải pháp nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Anh theo hướng tiếp cận năng lực học sinh THCS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Lạng Sơn; Nghiên cứu, biên soạn tài liệu dạy học Ngữ văn địa phương cấp trung học cơ sở tỉnh Lạng Sơn; Một số giải pháp phát triển bền vững giáo dục trung học cơ sở các xã biên giới tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghiên cứu giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác phân luồng học sinh sau THCS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2018 – 2025…

Lĩnh vực quốc phòng – an ninh: Tập trung nghiên cứu xây dựng hệ thống các giải pháp đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh biên giới, an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn và các vấn đề tư tưởng – văn hóa, như: Nghiên cứu một số giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ đường biên mốc giới quốc gia trên địa bàn tỉnh, tổng kết tác chiến phòng ngự bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc tỉnh Lạng Sơn năm 1979 – 1989. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra các vụ mua bán người qua biên giới, giải pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng công dân Lạng Sơn xuất cảnh trái phép qua biên giới, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền Việt Nam giả, xây dựng phần mềm quản lý đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác hòa giải… các nhiệm vụ nghiên cứu đã góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh.

Vương Hòa