Lan tỏa yêu thương tới những mảnh đời nghèo khó
Giữa chốn thị thành xô bồ và đắt đỏ, có một quán cơm giá chỉ 2.000 đồng. Quán cơm ấy “mọc lên” để dành tặng riêng cho những thực khách là dân lao động nghèo, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân quanh khu vực Bệnh viện Bạch Mai.
Được biết, hoạt động thiện nguyện này chỉ là một trong nhiều các hoạt động ý nghĩa mang tính cộng đồng của CLB Thiện nguyện An Phúc.
Những suất ăn ấm áp tình người
Theo ghi nhận của phóng viên, quán cơm An Phúc (có địa chỉ tại số nhà 381, đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) mới đi vào hoạt động được vài buổi nhưng đã đón rất nhiều thực khách.
Dù phải đến 11 giờ trưa, quán mới chính thức mở đón khách nhưng trước đó khoảng 30 phút, nhiều người đã có mặt chờ sẵn để có thể mua được những suất cơm nóng hổi.
Một điểm trường do CLB thiện nguyện An Phúc xây dựng vừa được hoàn thành tại tỉnh Lạng Sơn.
Theo lời của chủ nhiệm CLB Thiện nguyện An Phúc, anh Chu Việt Hà chia sẻ để những người nghèo và người bệnh quanh khu vực Bệnh viện Bạch Mai biết đến quán cơm, CLB Thiện nguyện Phúc An đã in tờ rơi và phân công cho các thành viên chia nhau đi phát.
Tốp thì đến các xóm trọ nghèo để phát cho người lao động. Tốp lại đứng ở ngoài cổng viện phát cho người nhà bệnh nhân. Có tốp lại vào tận xóm chạy thận gần Bệnh viện Bạch Mai mời từng người.
Không những thế, những buổi bán cơm đầu tiên, CLB còn phân công một vài thành viên đứng phía ngoài đường để mời những người lao động đi ngang qua ghé vào quán.
Bạn Tuấn Trung, một tình nguyện viên cho biết: “Lúc đầu, nhiều người từ chối lắm vì họ sợ vào đó ăn sẽ mang tiếng, thế nhưng chắc do bọn mình mời nhiệt tình quá nên họ đã đồng ý vào. Ăn uống xong, khi ra về họ còn tươi cười bảo lần sau sẽ lại đến đây vì cơm ăn rất ngon”.
Để có những suất cơm ngon dành tặng những người bệnh, những lao động nghèo… các thành viên của CLB Thiện nguyện An Phúc đã phải chuẩn bị rất kỹ càng. Khoảng 5 giờ 30 phút sáng, một số thành viên trong CLB sẽ được phân công đến chợ đầu mối để mua những thực phẩm tươi ngon và đảm bảo vệ sinh.
Khoảng 7 giờ tốp này sẽ có mặt tại quán cơm và cùng với một tốp khác nữa đang chờ sẵn để bắt tay vào công việc chế biến món ăn. Người nhặt rau, người thái thịt, người nấu cơm…
Họ có 3 tiếng để chế biến xong xuôi tất cả các món ăn và bày ra quầy bán. Thường thì mỗi buổi bán cơm thiện nguyện như vậy, CLB sẽ cử không dưới 30 người gồm thành viên của CLB và các tình nguyện viên để phục.
Một tình nguyện viên phát phiếu nhận cơm cho khách.
Thực khách khi đến đây sẽ được phát phiếu ăn theo số thứ tự. Ai đến trước sẽ được các thành viên của quán phục vụ trước, việc làm này sẽ tránh được sự thiếu công bằng khi quán quá đông.
Chia sẻ với chúng tôi, cô Trần Thị Hải, 58 tuổi (Ân Thi, Hưng Yên) đang chăm sóc người nhà tại Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Sáng nay, thấy nhiều người nói có quán cơm từ thiện giá chỉ 2.000 đồng nên tôi đã rủ một số người nhà bệnh nhân khác đi bộ đến đây để mua cơm.
Lúc đi tôi nghĩ, cơm 2 nghìn đồng kiểu từ thiện thì chắc thức ăn cũng đơn giản thôi, ai ngờ đến đây cơm thịnh soạn quá. Nói thật, với một suất cơm như thế này mà mua ở những quán khác thì không bao giờ có giá dưới 30 nghìn đồng. Giờ biết quán rồi, tôi sẽ thường xuyên rủ mọi người đến đây, vừa được ăn ngon lại vừa tiết kiệm được tiền nữa”.
Giống như bà Hằng, chị Lê Thị Thỏa, quê Hải Dương có con gái 11 tuổi đang điều trị ung thư ở Bệnh viện Bạch Mai cũng không giấu được sự xúc động. Chị bảo: “Với những người nghèo lại có người thân mắc bệnh nan y như chúng tôi thì tiết kiệm được 1 nghìn đồng cũng quý.
Nên khi được các anh chị tình nguyện viên đến phát giấy mời đến ăn cơm chúng tôi rủ nhau đi đông lắm. Ai cũng vui vì ngoài việc được ăn cơm ngon lại còn được mọi người phục vụ rất nhiệt tình”.
Ngoài đối tượng là những người nhà bệnh nhân đang điều trị tại những bệnh viện xung quanh đường Giải Phóng thì còn nhiều người là dân lao động làm đủ thứ nghề như: Xây dựng, thu mua đồng nát, bán rau củ, bán hàng rong… khi nghe đến quán cơm 2.000 đồng cũng rủ nhau đến ăn rất đông.
Trao đổi với chúng tôi, anh Hà cho hay: “Trước kia nhóm thiện nguyện chúng tôi hay tham gia các chương trình hỗ trợ người dân vùng cao, vùng khó khăn để xây trường, lớp học.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy tại Hà Nội cũng còn rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, chính vì vậy, nhóm đã quyết định mở quán cơm 2.000 đồng vào trưa thứ 7 hàng tuần với mong muốn góp một phần nhỏ để những người gặp khó khăn có được những bữa ăn ngon miệng, giàu dinh dưỡng”.
Cũng theo lời anh Hà chia sẻ thì nhiều tình nguyện viên rất muốn làm việc thiện nguyện nhưng họ không thể đi xa, ra khỏi Hà Nội. Nên việc mở quán cơm 2.000 đồng cũng là tạo cơ hội cho nhiều người có tấm lòng ấy được chung tay góp sức mình chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh, nghèo khổ.
Lan tỏa tình yêu thương đến với cộng đồng
CLB Thiện nguyện An Phúc được thành lập năm 2009, ban đầu lấy tên là Tấm Lòng Việt. Sau này, để tránh việc hiểu nhầm với quỹ Tấm Lòng Việt của Đài Truyền hình Việt Nam nên đổi lên là Thiện nguyện An Phúc.
Khi mới thành lập, CLB chỉ có khoảng 4 đến 5 thành viên chính thức, lên các ý tưởng, chương trình sau đó hô hào bạn bè của mình ủng hộ. “Thời gian đầu khi mới đi vào hoạt động, bọn mình gặp khá nhiều khó khăn.
Cụ thể là thành viên ít lại non trẻ chưa có kinh nghiệm và uy tín nên mỗi khi lập chương trình, bọn mình thường phải thống nhất với nhau nếu thiếu kinh phí thì phải tự bỏ tiền hoặc cố kêu gọi người thân ủng hộ miễn sao chạy được chương trình” – anh Hà chia sẻ.
Những khó khăn thuở ban đầu đã qua đi, hiện CLB đã có tới 40 thành viên chính thức, ngoài ra còn một lượng đông đảo số tình nguyện viên. Chỉ tính riêng ở địa bàn huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, năm 2017, CLB Thiện nguyện An Phúc đã xây dựng được 2 điểm trường cùng 400 suất quà tặng cho trẻ em nghèo các xã Nam Cao, Mông Ân.
Điểm trường ở 2 xã nằm xa trung tâm, thiếu điện nước, đi lại khó khăn, nhu cầu sử dụng lớp học, nhà công vụ của giáo viên và học sinh còn lớn. Hoạt động tình nguyện của CLB Thiện nguyện An Phúc đã cơ bản đáp ứng kịp thời những thiếu thốn, tạo nền tảng giáo dục lâu dài.
Chia sẻ với phóng viên, anh Chu Việt Hà cho biết: “Trường được xây dựng theo công nghệ nhà lắp ghép Hàn Quốc với kết cấu khung cột, dầm, kèo, xà gồ bằng thép kiên cố, cách âm, cách nhiệt tốt, phù hợp với yêu cầu thiết kế chuẩn của kết cấu xây dựng”.
Không chỉ xây dựng các điểm trường ở các huyện vùng sâu vùng xa của Tổ quốc mà CLB Thiện nguyện An Phúc còn có rất nhiều các hoạt động khác như: “Tết ấm yêu thương”; “Tết ấm biên cương”; “Gom Tết đến – Đón xuân về”…
Đó là những hoạt động thiện nguyện rất có ý nghĩa đối với những người nghèo, những người có hoàn cảnh đặc biệt. Trước đó, phóng viên đã có dịp theo chân các thành viên của CLB mang chăn ấm, mì tôm, bánh kẹo trao cho những người vô gia cư trên địa bàn Thủ đô.
Điểm đến đầu tiên là vườn hoa Lê Trực. Trên ghế đá, một cụ ông nằm co ro trong cái lạnh như cắt da cắt thịt của mùa đông. Không có chăn cũng không có màn, thứ duy nhất để chống muỗi và chống rét chính là chiếc áo mưa mỏng. Cụ là Lê Văn Thái, 82 tuổi, quê Hà Nam.
Những suất cơm được mang về cho người thân.
Hơn 10 năm qua, cụ Thái phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất” cũng chỉ vì sự bất hiếu của người con trai. Theo lời cụ Thái kể, cụ có đứa con trai duy nhất nhưng nó lại nghiện ma túy rất nặng. Đồ đạc trong nhà thứ gì có giá trị cũng đội nón ra đi hết. Đến khi không còn gì để bán, con trai cụ đã lừa cụ đi cắm sổ đỏ nhà.
Vì không có khả năng trả nợ nên người ta đã đến phong tỏa toàn bộ tài sản. Từ đó tới nay, cụ Thái phải vất vưởng sống cuộc sống đầu đường xó chợ. Trôi dạt lên Thủ đô, ngày nào khỏe thì cụ đi nhặt ve chai bán lấy tiền mua đồ ăn. Ngày nào yếu thì đành nhịn đói. Thế nên khi nhận được quà là một chiếc chăn ấm, một cái bánh chưng và 100 nghìn đồng tiền mặt của CLB Thiện nguyện An Phúc cụ Thái đã rất xúc động.
Không chỉ trao quà cho những người vô gia cư trên địa bàn Thủ đô, hoạt động thiện nguyện của CLB Thiện nguyện An Phúc còn mở rộng tới các hộ gia đình xóm thuyền ven sông Hồng và người lao động nghèo vô gia cư ở bãi giữa sông Hồng.
Chủ nhiệm CLB Thiện nguyện An Phúc chia sẻ: “Chúng tôi là những người con Việt Nam nên muốn làm được những việc thiết thực chung tay giúp đỡ những đồng bào còn nghèo của đất nước mình. Chúng tôi mong muốn hành động nhỏ bé của mình sẽ mang lại sự ấm ấp về tinh thần và vật chất cho những hoàn cảnh chưa may mắn, từ đó lan tỏa đến cả cộng đồng”.