“Làn sóng” bác sĩ, nhân viên y tế rời bỏ bệnh viện công: Góc nhìn từ bệnh viện tư
Hiện tượng làn sóng bác sĩ bỏ việc hàng loạt là chủ đề làm nóng các tờ báo thời gian gần đây. Trả lời phỏng vấn VietTimes, PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Bệnh viện Quốc tế Minh Anh – đã phân tích nhiều nguyên nhân dẫn đến sự việc này.
Đừng đem thu nhập ra làm “miếng mồi” câu
Phóng viên: – Theo khảo sát của một số đơn vị nhân lực ngành y, có 3 nhóm nguyên nhân chính của tình trạng ồ ạt xin nghỉ, trong đó, đứng đầu là ảnh hưởng của sự khác biệt giữa lương và thu nhập; nguyên nhân thứ hai là vấn đề quản trị con người và nguyên nhân thứ 3 là nhu cầu học hỏi, phát triển chuyên môn, cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Ý kiến của bác sĩ về vấn đề này như thế nào?
PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam: – Công nhận là những chuyện này có, nhưng người ta thường dùng các vấn đề này để đổ lỗi như kiểu tội đồ thì lại không đúng. Câu chuyện mức thu nhập không phải là tất cả và cũng không phải quan trọng nhất.
Tôi là người đã từng làm việc trong hệ thống y tế công 40 năm nên tôi biết rằng, với bệnh viện công, người lao động không phải là trung tâm của mọi thứ. Đây là một thực tế, chúng ta nói tốt nhưng làm không tốt.
Những y, bác sĩ chuyển từ bệnh viện công sang khối bệnh viện tư đều là những người không hợp với giám đốc và một bộ phận anh em trong bệnh viện công, nên họ chuyển ra bệnh viện tư. Tôi biết rất nhiều y, bác sĩ lúc làm ở bệnh viện công họ không tiến lên nổi, nhưng khi chuyển sang bệnh viện tư họ đều tỏa sáng.
Tất nhiên, giai đoạn mới ra trường và vừa được đi làm thì việc gì cũng phải làm hết, làm thay cả nhiều phần việc cho các bác sĩ lớn tuổi sắp về hưu, càng được về các bệnh viện lớn, đã có tên tuổi thì càng vất vả. Trong 10 năm đầu, bác sĩ trẻ có muốn nâng cao tay nghề cũng không được, vì ngay cả việc bạn đủ trình độ với bằng chứng là tấm bằng tốt nghiệp, nhưng vì kinh nghiệm còn non nên trong 10 năm đầu sẽ không ai cho bạn mổ xẻ bệnh nhân, mà bạn chỉ được làm những việc phụ cho các bác sĩ đã có kinh nghiệm. Vậy thì thu nhập của bạn giai đoạn này cũng tương tự với kinh nghiệm bạn có và trách nhiệm mà bạn đang mang.
Trong 10 năm tiếp theo trên hành trình làm nghề thì bạn có thể làm việc tốt nhất và tận hưởng thành quả của kinh nghiệm đã tích lũy được. Đây là quãng thời gian vàng của nghề. Chắc chắn giai đoạn này bạn sẽ ở trên đỉnh cao của thu nhập.
Với 10 năm tiếp theo nữa, ngay cả khi bạn đã tích lũy đủ kinh nghiệm, thì cũng không nên tham gia trực tiếp vào những công việc như mổ xẻ, vì tuổi đã cao nên tay cũng run rồi, mổ sẽ không chính xác nữa. Tương tự với năng lực và cống hiến, giai đoạn này, thu nhập sẽ ít đi.
*Thưa bác sĩ, có thông tin cho biết, một số bệnh viện tư có thể trả lương bác sĩ lên tới 200 triệu đồng/tháng? Thông tin này có đúng không?
PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam: Về thu nhập, có nhiều cách để tính. Cơ bản thì có 2 cách là lên thang và xuống thang. Có một số bệnh viện trả lương ban đầu vừa phải thôi, sau đó thu nhập sẽ tăng dần lên nhờ tích lũy kinh nghiệm, thành tích, năng lực chuyên môn, ảnh hưởng xã hội…
Có một số bệnh viện thì trả lương ban đầu rất cao, có thể thấy nền chung cũng phải từ 40-60 triệu/tháng để thu hút người tài; lương điều dưỡng trưởng tầm 30-40 triệu, còn điều dưỡng thường thì tối đa 20 triệu. Với các vị trí đặc biệt như Giám đốc Y khoa một số bệnh viện có thể trả 200 triệu/tháng. Tuy nhiên, cách tính lương theo kiểu xuống thang sẽ là theo thời gian, nếu nhân sự không đạt được kỳ vọng của bệnh viện, không đủ sức ảnh hưởng, không kéo được bệnh nhân đến… thì sẽ bị giảm lương, hoặc yêu cầu tăng giờ làm, hoặc làm nhiều cách khác nhau để nhân sự phải chán và bỏ đi, bệnh viện sẽ tuyển người mới về thay thế.
Tuy nhiên, đừng làm rối loạn thị trường lao động khi bệnh viện tư mang thu nhập ra làm miếng mồi “câu” y bác sĩ từ bệnh viện công sang.
Hơn nữa, không phải nhân sự ngành y nào từ bệnh viện công chạy sang bệnh viện tư cũng được trọng dụng. Chúng tôi đã phỏng vấn để tuyển dụng rất nhiều người trẻ mới ra trường, có một “căn bệnh” chung là khá nhiều người “hoang tưởng”, chưa hiểu hết mình, thấy người khác đạt được thu nhập năm bẩy chục triệu thì cũng đòi hỏi mức thu nhập như thế. Với giai đoạn đầu tiên trong hành trình nghề nghiệp, tất nhiên là chúng tôi chưa thể trả cho bạn mức thu nhập mong muốn đó rồi.
Với những y bác sĩ đã có kinh nghiệm, có kiến thức thực tế thì chúng tôi sẵn sàng sắp xếp cho họ những vị trí tốt và trả mức thu nhập xứng đáng, để họ khẳng định được tài năng, năng lực. Ngoài ra, chúng tôi còn phải nghĩ ra nhiều cách khác nhau để tạo môi trường làm việc tốt nhất, có phúc lợi xã hội đầy đủ, để giữ chân họ.
Riêng với khối những người đã về hưu thì chúng tôi thực sự không chú ý lắm vì họ đã hết tuổi lao động nên cũng không còn cống hiến được nhiều cho nghề y.
Nếu cứ nhìn vào thu nhập của bác sĩ và nhân viên y tế ở một số bệnh viện công mà bảo là khó khăn thì không đúng đâu. Sự thực là chỉ có điều dưỡng và hộ lý là thực sự khó thôi, mà thậm chí, nếu làm điều dưỡng trưởng, tôi thấy nhiều người cũng có xe hơi đấy. Làm cách nào để họ đạt được điều đó thì tôi không biết và không dám nói. Nhưng phải công bằng mà nói rằng, giới y, bác sĩ về thu nhập và cuộc sống không khó khăn đâu.
Chưa xây dựng được môi trường làm việc tốt
*Một số người cho rằng cường độ công việc trong ngành y hiện nay quá áp lực. Điều này có đúng không thưa bác sĩ?
PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam: Mọi người chỉ nhìn thấy một phần thôi. Tất nhiên, ở một số bệnh viện như Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Nhi Đồng, Bệnh viện Từ Dũ… chẳng hạn thì đúng là rất áp lực. Nhưng đây cũng chỉ là nước chảy chỗ trũng thôi. Với khối bệnh viện công ở tuyến huyện của các tỉnh thì rất vắng. Và ngay cả các bệnh viện rất áp lực với khoảng 1/3 nhân sự thôi chứ không phải tất cả đều có chung áp lực cao.
Thực tế là một số bệnh viện phải chịu áp lực cao nhưng thu nhập vẫn chỉ trung bình thôi, do chính sách của từng bệnh viện. Dù là các bệnh viện công thì cũng đều tự chủ hết rồi. Nhưng các y bác sĩ lựa chọn áp lực đó là vì họ thích môi trường làm việc đó, thích thương hiệu lớn, để rồi sau đó đi ra ngoài làm phòng mạch tư, thì có uy tín đó mang theo. Nhưng hiện nay, nhiều bác sĩ được phân công về các bệnh viện lớn có uy tín đó họ lại không chịu về.
*Thưa bác sĩ, như vậy, có thể hiểu những người đang rời khỏi ngành y chủ yếu là vì không hài lòng với môi trường làm việc?
PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam: Đúng vậy. Môi trường làm việc mới là yếu tố quan trọng nhất. Với quá trình làm việc trong môi trường nhà nước 40 năm, tôi đã biết thực sự là người lao động chưa được coi trọng, đặc biệt là trong ngành y. Điều này tạo nên môi trường làm việc mà ai cũng sợ, cũng phải “thủ”, sợ mất lòng trưởng khoa, mất lòng giám đốc.
Những bệnh viện lớn đều có thương hiệu vài chục năm, thậm chí cả trăm năm, nên đây là một lợi thế thu hút bệnh nhân ùn ùn kéo đến. Vì thế, bác sĩ nào cũng muốn làm việc tại các bệnh viện công, còn với bệnh viện tư thì muốn có điều này phải tích lũy thêm vài chục năm nữa.
*Sự xuất hiện của rất nhiều bệnh viện tư có mang lại cạnh tranh thiếu lành mạnh không, thưa bác sĩ?
PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam: Có, cạnh tranh thiếu lành mạnh nhất là trong cách thức quảng bá, truyền thông. Một số bệnh viện tư có nguồn kinh doanh khác để thực hiện truyền thông nên họ làm rất mạnh. Còn chúng tôi chỉ sử dụng truyền thông tự nhiên, duy trì chính là kênh facebook, web, và chủ yếu là truyền thông truyền miệng từ bệnh nhân và các y bác sĩ với nhau. Tôi là thầy của nhiều bác sĩ nên họ cũng tin tưởng giới thiệu bệnh nhân.
*Có một số người được hỏi trả lời rằng họ rời khỏi ngành y vì lý do ngay cả khi đã chuyển đến khu vực y tế tư nhân họ vẫn không có cơ hội được học hỏi nâng cao chuyên môn, ý kiến của bác sĩ về vấn đề này thế nào?
PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam: Ở bệnh viện tư thì thường là chỉ tuyển những người đã giỏi sẵn, có tay nghề rồi để về làm việc thôi nên họ không dễ chấp nhận cho y bác sĩ đi học để nâng cao chuyên môn, trừ ở BV Minh Anh chúng tôi có chính sách trả lương cho y bác sĩ đi học nâng cao để rồi quay trở về làm việc cho chúng tôi.
Vấn đề này được giải quyết tốt hơn ở khối bệnh viện công, do quy mô lớn hơn, khối lượng nhân sự lớn hơn, và đây cũng là mấu chốt để giữ nhân viên ở lại với đơn vị, nhất là khi thu nhập không giải quyết được thì có thể dùng cách này để nhân sự hài lòng và ổn định công tác.
*Thưa bác sĩ, cần các yếu tố gì để giữ chân người lao động và liệu có thể giải bài toán nhân lực một cách triệt để?
PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam: Cần 3 yếu tố để giữ chân nguồn nhân lực: Một là thu nhập, vị trí hợp lý; Hai là có chính sách đãi ngộ tốt; Ba là tạo môi trường làm việc thật sự khoa học, thân thiện. Một số nơi đã làm được là có thêm khu luyện tập thể thao cho anh chị em y bác sĩ rèn luyện thể lực. Chúng tôi chưa làm được như thế nhưng cũng cố gắng có nhiều giải pháp để bù đắp.
Như trên đã nói, tôi nhấn mạnh là đừng mang câu chuyện thu nhập ra để làm rối loạn thị trường lao động. Việc nhiều nhân sự ngành y rời khỏi bệnh viện công chỉ nên coi là sự chuyển dịch nhân lực ngành y một cách bình thường của thị trường lao động, chỗ nào phù hợp thì nhân sự sẽ gửi đơn xin gia nhập. Chúng tôi vẫn hy vọng vào vai trò điều tiết của nhà nước trong vấn đề này. Rất cần các nhà hoạch định chính sách để điều tiết đúng thị trường lao động ngành y, trên cơ sở tôn trọng quy luật phát triển tự nhiên. Theo tôi nghĩ, nhân dịp này cũng cần một cuộc đại phẫu để những người chịu trách nhiệm lớn phải xem lại từng vị trí.
*Trân trọng cảm ơn bác sĩ đã dành thời gian cho độc giả VietTimes!