Làn sóng bác sĩ bỏ bệnh viện công: Sớm có giải pháp để tránh hệ lụy lâu dài

HÀ ANH CHIẾN – THÙY LINH

  –  

Thứ năm, 07/07/2022 23:26 (GMT+7)

Thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở; chính sách thu hút nguồn nhân lực tốt của hệ thống y tế tư nhân, nhất là đối với nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu, cộng thêm sức tàn phá khủng khiếp của dịch COVID-19 thời gian qua, đã trở thành những rào cản lớn để y bác sĩ gắn bó với nghề. Gần 9.400 y bác sĩ đã thôi việc , bỏ việc thời gian qua, ngành y tế đang phải đối mặt thách thức rất lớn.

Làn sóng bác sĩ bỏ bệnh viện công: Sớm có giải pháp để tránh hệ lụy lâu dài
Bác sĩ bệnh viện công khám chữa bệnh cho người dân. Ảnh: Thùy Linh

Tìm giải pháp giữ chân bác sĩ, giảm tải công việc cho nhân viên y tế

Tại Đồng Nai, theo BS CKII Lê Quang Trung – Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế – hiện ngành Y tế gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết là thiếu hụt nhân lực, nhất là ở hệ thống y tế cơ sở. Do nhân lực thiếu nên không đáp ứng đủ khi triển khai khám chữa bệnh và phòng, chống dịch. Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế đã có 231 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên nghỉ việc. Nguyên nhân chủ yếu do thu nhập thấp, áp lực công việc cao…

Các bác sĩ, sau khi nghỉ việc ở bệnh viện công tự tìm hướng đi riêng. Theo tìm hiểu của phóng viên Lao Động, nhiều bác sĩ sau khi có chứng chỉ hành nghề, có bằng cấp chuyên khoa, cùng với kinh nghiệm và tên tuổi nhiều năm ở bệnh viện công đã chuyển qua bệnh viện tư nhân làm việc và hưởng mức lương cao, công việc tập trung nhiều hơn vào chuyên môn. Sau thời gian làm việc họ còn có thời gian mở phòng khám tư để kiếm thêm thu nhập. Một số nhân viên y tế sau khi nghỉ việc cũng tự bỏ tiền học nâng cao trình độ chuyên môn để tìm kiếm công việc phù hợp và mức lương tốt hơn. 

Như bác sĩ C công tác tại một bệnh viện đa khoa khu vực trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cho biết, đã nghỉ việc và tự bỏ tiền đi học chuyên khoa để nâng cao trình độ với mong muốn khi học xong có thể về công tác tại một bệnh viện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. “Trước đây khi còn làm việc ở bệnh viện, muốn xin đi học để nâng cao trình độ chuyên môn cũng không được vì bệnh viện luôn trong tình trạng thiếu người làm do các bác sĩ lần lượt nghỉ việc, người ở lại sẽ phải gồng gánh thêm công việc của những người đã nghỉ việc”- bác sĩ C chia sẻ.

Không như bác sĩ C, bác sĩ H khi còn công tác tại bệnh viện công đã tạo dựng được tên tuổi và khẳng định được chuyên môn, do đó, sau khi nghỉ việc ở bệnh viện công, bác sĩ H đã được một bệnh viện tư trên địa bàn “trải thảm đỏ” mời về làm việc với mức lương cao. Hiện bác sĩ H sau thời gian làm việc ở bệnh viện tư còn “chung tay” với bạn bè mở phòng khám cung cấp các dịch vụ hỗ trợ điều trị COVID-19 tại nhà cho những bệnh nhân có bệnh lý nền. 

Trước thực trạng hàng loạt bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng đã yêu cầu ngành y tế đề xuất được giải pháp nhằm giữ chân nhân viên y tế, những người đã có nhiều đóng góp, nỗ lực vượt qua khó khăn trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Sơn Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – cho biết: Về đề án Nâng cao chất lượng hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo từ lâu, đề nghị ngành Y tế cố gắng tập trung để hoàn thiện đề án. Trong đó phải đề xuất được giải pháp nhằm giữ chân nhân viên y tế, những người đã có nhiều đóng góp, nỗ lực vượt qua khó khăn trong thời gian qua. Đồng thời, xem xét lại công năng, nhiệm vụ của các trạm y tế cho phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Ngoài vấn đề lương, thu nhập, cần nghiên cứu giải pháp để giảm tải công việc cho nhân viên y tế.

Hệ lụy lâu dài, y tế cơ sở hao hụt, người dân sẽ chịu thiệt

Trao đổi với phóng viên Lao Động, một lãnh đạo Vụ Tổ chức Cán bộ – Bộ Y tế cho biết: Gánh nặng công việc sau COVID-19 đối với các y bác sĩ là rất vất vả. Trong khi đó, các đơn vị ngoài công lập hiện nay không chỉ trả lương y bác sĩ gấp 4-5 lần, mà có nơi còn trả gấp 10-20 lần so với các đơn vị công lập. Trong khi đó, gánh nặng công việc tại bệnh viện công thì vất vả, áp lực nhiều, tại nhiều đơn vị, máy móc thiết bị y tế chưa tháo gỡ được do vướng mắc, việc đấu thầu thuốc còn chậm, thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế… khiến cho các bác sĩ giỏi không thể hiện được tay nghề của họ. Trong khi đó, ở các đơn vị y tế ngoài công lập thì lại đầy đủ hơn, tạo điều kiện để họ làm việc, vì thế họ mới ra ngoài. 

“Phải công bằng mà nói, chủ trương của Trung ương và Luật là không có sự phân biệt giữa y tế công lập và y tế ngoài công lập. Xét cho cùng, các bác sĩ từ các bệnh viện công lập chuyển sang bệnh viện tư, cũng đều làm nhiệm vụ khám và chữa bệnh cho nhân dân. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu cứ để tình trạng như vậy tiếp diễn, sẽ xuất hiện tình trạng thiếu y bác sĩ ở bệnh viện công lập, sẽ tạo ra một làn sóng thu hút nhân lực y tế từ các tỉnh, từ vùng sâu vùng xa đổ về các bệnh viện tuyến trung ương đang cần, đặc biệt là các y bác sĩ giỏi”- đại diện Vụ Tổ chức Cán bộ nói.  

Như vậy, theo đại diện này, việc bác sĩ bỏ bệnh viện công ồ ạt như thời gian vừa qua sớm muộn cũng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến cung cấp dịch vụ y tế ở tuyến tỉnh, ở vùng sâu vùng xa, người dân sẽ rất khổ, sẽ thiệt thòi trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế.

Bàn về giải pháp cho vấn đề này, theo đại diện Vụ Tổ chức- Cán bộ, đầu tiên là lãnh đạo các cơ sở y tế, các bệnh viện phải làm sao ổn định về tư tưởng cho anh em, cán bộ nhân viên y tế. 

Giải pháp của Bộ Y tế hiện nay, vẫn đang tiếp tục xây dựng chế độ chính sách để thu hút nguồn nhân lực. Đơn cử như Bộ Y tế đã đề xuất với Chính phủ, tăng cường hệ số phụ cấp ưu đãi nghề, các chế độ khác sẽ đảm bảo hơn… để tạo động lực cho bác sĩ, giữ chân bác sĩ, tạo điều kiện bằng cách bố trí vị trí việc làm phù hợp, tạo điều kiện về trang thiết bị y tế, nơi làm việc… để khuyến khích động viên. “Bên cạnh việc trả lương cao, ổn định, việc được động viên khuyến khích, tạo môi trường làm việc tốt sẽ tạo động lực để bác sĩ gắn bó, cống hiến với cơ sở y tế đó”- đại diện này nhấn mạnh.

Trước làn sóng y bác sĩ bỏ bệnh viện công, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP, trong đó đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40-70% lên mức 100%; Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế…

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, để khắc phục tình trạng này, ngoài tiếp tục động viên tinh thần đối với lực lượng y bác sĩ… ngành y tế tổ chức điều động nhân lực để hỗ trợ và giảm áp lực cho cán bộ, viên chức y tế; quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế. Bộ Y tế cũng xây dựng và đề xuất các chính sách thu hút nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…

Gần 9.400 xin thôi việc, nghỉ việc trong 18 tháng qua

Theo báo cáo của các địa phương (giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022) có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc.

Trong đó, năm 2021 có 5.284 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc; 6 tháng đầu năm 2022, có 4.113 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc (3.756 viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Y tế và 357 viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế).

Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng…

Rất ít cán bộ y tế khu vực Tây Bắc xin nghỉ việc

Chỉ trong 18 tháng, cả nước có gần 9.400 cán bộ y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác, nhưng ở vùng Tây Bắc xa xôi, nhiều khó khăn, thì số lượng cán bộ y tế xin nghỉ việc lại rất ít, họ vẫn tiếp tục cống hiến…

“Lai Châu không có tình trạng cán bộ, nhân viên y tế bỏ việc” – ông Bùi Tiến Thanh – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu – khẳng định với PV Báo Lao Động trong cuộc trao đổi sáng 1.7.

Tại Điện Biên, ông Phạm Giang Nam – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên – cho hay: “Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh chỉ có khoảng 10 cán bộ, nhân viên y tế thôi việc. Nguyên nhân các trường hợp này thôi việc chủ yếu vì lý do sức khỏe hoặc chuyển địa bàn.

“Tình trạng bỏ việc ra làm bệnh viện tư là không có bởi trên này hệ thống bệnh viện tư chưa phát triển, cơ hội việc làm ít. Tại các phòng khám thì chủ yếu làm ngoài giờ nên tình trạng bỏ việc ra làm ngoài gần như không có”.

Tại Hà Giang, ông Nguyễn Văn Giao – quyền Giám đốc Sở Y tế Hà Giang – cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 7 y bác sĩ đang viết đơn xin nghỉ việc. Tuy nhiên ngành y tế cũng đang vận động số này tiếp tục gắn bó với công việc.

Ông Nguyễn Thành Hưng – Giám đốc Sở Y tế Tuyên Quang – cho biết, có một vài trường hợp y bác sĩ nghỉ việc trong 6 tháng đầu năm.

Cùng ngày, thông tin tới Lao Động, bà Lê Thị Hồng Vân – Giám đốc Sở Y tế Yên Bái – cho biết: 6 tháng đầu năm 2022, có 10 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc;  trong số 10 viên chức y tế nghỉ việc, có 7 bác sĩ, 1 điều dưỡng, 1 y sĩ và 1 dược sĩ. Nguyên nhân do một số điều kiện hoàn cảnh gia đình và chuyển sang đơn vị y tế ngoài công lập để có thu nhập cao hơn.

Ông Hoàng Quốc Hương – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lào Cai – chia sẻ: “Trong 6 tháng đầu năm 2022,  trên địa bàn có 17 y bác sĩ nghỉ việc. Trong đó có 7 bác sĩ”; và bày tỏ, trong thời gian tới rất mong Bộ Y tế có những chính sách khuyến khích, đãi ngộ cho những cán bộ y tế công lập nhằm tạo động lực giúp y, bác sĩ gắn bó với ngành.

Tại Sở Y tế Hòa Bình, bà Bùi Thu Hằng – Giám đốc sở – xác nhận có tình trạng cán bộ, nhân viên y tế tại địa phương xin nghỉ việc, cụ thể, từ năm 2021 đến nay đã có gần 20 trường hợp xin nghỉ việc, trong đó từ đầu năm 2022 có 5 trường hợp xin nghỉ, trong đó 4 người là bác sĩ. 

Có thể thấy phần lớn các trường hợp cán bộ y tế các tỉnh vùng cao Tây Bắc xin nghỉ việc đều do sức khoẻ, hoặc chuyển địa bàn công tác, còn chuyển công tác sang khối y tế tư nhân làm việc để nhận thu nhập cao hơn chỉ chiếm một lượng rất nhỏ. Nhóm PV