Làn sóng bác sĩ bệnh viện công “dứt áo ra đi” nhìn từ Bệnh viện Bạch Mai
Làn sóng bác sĩ bệnh viện công “dứt áo ra đi” nhìn từ Bệnh viện Bạch Mai
Theo lý giải của lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai việc 221 người lao động của Bệnh viện xin nghỉ việc, chuyển việc trong một thời gian ngắn là điều bình thường.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, từ năm 2020 đến nay có 221 bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện xin nghỉ việc, chuyển việc. Và để bù vào đơn vị đã tuyển dụng hơn 500 cán bộ y tế… chất lượng cao!
Theo lý giải của lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai việc 221 bác sĩ của bệnh viện xin nghỉ việc, chuyển việc trong một thời gian ngắn là điều bình thường
Cụ thể hơn về điều này, bác sĩ Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai thông tin thêm, trong số 221 cán bộ chuyển công tác, có 112 lao động giản đơn, còn lại là dược sĩ, điều dưỡng, bác sĩ (28 người). Bù lại Bệnh viện tuyển lao động mới 506 người, đều là nhân lực chất lượng cao như bác sĩ nội trú, giáo sư, tiến sĩ đầu ngành.
Biện giải về việc nhiều cán bộ, lao động của bệnh viện nghỉ việc trong thời gian qua, bác sĩ Thành cho biết, có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là do tình hình dịch Covid-19 tác động lớn đến Bệnh viện, số bệnh nhân nội trú đang từ 5.000 – 6.000 người giảm còn hơn 1.000.
Bệnh nhân ngoại trú từ 6.000 – 7.000 xuống 1.000 – 2.000 bệnh nhân. Bên cạnh đó, giường tự nguyện cũng giảm, và hoạt động xã hội hóa được thanh tra và đưa về giá BHYT. Vì vậy, nguồn thu năm 2020 của Bệnh viện giảm 2.000 tỷ đồng khiến thu nhập của cán bộ giảm nhiều so với thời gian trước khi có dịch bệnh Covid-19.
Cùng đó, tình trạng nhiều cán bộ bệnh viện vào vòng lao lý khiến tâm lý của các cán bộ cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, nhiều cán bộ của Bệnh viện được đơn vị ngoài mời chào với mức thu nhập cao nên việc dịch chuyển cán bộ y tế là tất yếu, Bệnh viện không thể giữ được. “Hoạt động luân chuyển nhân sự như vậy không có gì bất thường, không phải là chảy máu chất xám”, bác sĩ Thành khẳng định.
Dù đại diện Bệnh viện lý giải là vậy, song từ tìm hiểu của phóng viên với một số người đã xin nghỉ hưu trước tuổi hay một số bác sĩ chuyển ngang thì được biết lý do chính khiến họ quyết định như vậy là do không đồng tình với cách quản lý của người đứng đầu. Một bác sĩ cho rằng, cách quản trị của lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua là không phù hợp và có tính chất cảm tính.
Chưa kể, theo lý giải của bác sĩ Thành, do Bệnh viện Bạch Mai tự chủ tài chính toàn phần lại gặp dịch Covid-19 nên khó khăn phải đối diện rất lớn, nguồn thu giảm, bản thân cán bộ nhân viên vì thu nhập bị ảnh hưởng nên mới chuyển đi vậy mà Bệnh viện lại tuyển thêm những 506 cán bộ so với 221 cán bộ đã chuyển, nghỉ việc (thêm 285 cán bộ y tế-PV).
Làn sóng bác sĩ bệnh viện công lập “dứt áo ra đi” không phải bây giờ mới xảy ra ở bệnh viện hạng đặc biệt là Bạch Mai. Năm 2018, Đồng Nai có 97 bác sĩ nghỉ việc. Hai tháng đầu năm 2019, con số này là 19 người. Nhóm bác sĩ nghỉ việc nhiều nhất thường trẻ, có 2 đến 5 năm kinh nghiệm.
Trước đó, từ năm 2015 đến cuối tháng 3/2018, tỉnh Cà Mau có tới hơn 100 cán bộ, bác sĩ công tác tại các bệnh viện công lập nghỉ, bỏ việc… Năm 2017, nhiều bác sĩ ở Đà Nẵng ồ ạt chuyển sang làm việc cho các bệnh viện tư trong khi viện công quá tải do bệnh nhân ngày càng tăng.
Các chuyên gia cho rằng tình trạng “chảy máu chất xám” ở bệnh viện công là điều tất yếu do hai nguyên nhân là thu nhập và môi trường làm việc.
Tuy nhiên, với một bộ phận bác sĩ đã dứt áo ra đi, vấn đề tiền lương có khi không quan trọng bằng văn hóa và môi trường làm việc. Nhiều ý kiến khi được hỏi cho rằng, họ lựa chọn thay đổi vì môi trường làm việc ở nơi cũ không phù hợp, muốn tìm kiếm một môi trường mà bác sĩ được làm nghề một cách trọn vẹn.
Được biết thời gian qua, tại Bệnh viện Bạch Mai xảy ra nhiều biến cố. Theo đó, tháng 9/2020, cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Quốc Anh (SN 1959, nguyên Giám đốc BV Bạch Mai); ông Nguyễn Ngọc Hiền (SN 1960, nguyên Phó Giám đốc BV Bạch Mai) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Các bị can bị khởi tố để điều tra do liên quan đến việc thực hiện các đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh tại BV Bạch Mai theo hình thức xã hội hóa.
Hiện tại, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đang tiến hành xác minh một số vụ việc liên quan đến các gói thầu mua sắm thiết bị y tế, đề án xã hội hóa tại Bệnh viện Tim Hà Nội.
Theo đó, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 – Bộ Công an) đã cử cán bộ đến làm việc với Bệnh viện Tim Hà Nội, yêu cầu cung cấp một số tài liệu để phục vụ cho việc xác minh vụ việc liên quan đến công tác thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị y tế, vật tư y tế, thực hiện các đề án xã hội hóa tại các bệnh viện công lập.
C03 cũng đã đề nghị Bệnh viện Tim Hà Nội cung cấp tài liệu liên quan quy chế hoạt động làm việc, quy chế thu chi tài chính của đơn vị này. Bệnh viện Tim Hà Nội cũng được yêu cầu cung cấp tài liệu liên quan đến việc thực hiện đấu thầu mua sắm thiết bị và quá trình thực hiện hợp đồng đối với gói thầu trang thiết bị y tế, vật tư y tế, trong đó có vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch từ năm 2015 đến nay. Đây là giai đoạn ông Nguyễn Quang Tuấn (hiện là Giám đốc BV Bạch Mai) làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.