Lần đầu tiên mổ thành công ca tổn thương cột sống do lao
Trong một tuần (từ 21 – 28/3), kíp mổ gồm ThS.BS. Trần Hoàng Mạnh – Trưởng Khoa ngoại cột sống Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa cùng các cộng sự đã thực hiện 2 ca mổ cho bệnh nhân Cao Hưng (9 tuổi, dân tộc Raglai), trú tại Khánh Phú, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa, cứu em thoát khỏi tử thần.
Trước đó, gia đình cho biết, em bị đau vùng cổ, tê dần từ ngực xuống và chân yếu dần không đi được. Ngày 20/2/2012, cấp cứu vào Khoa nhi Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa, điều trị không giảm. Do bị gù, chân tê liệt (không hoàn toàn) nên đã chuyển Khoa ngoại cột sống. Kết quả chụp XQ, MRI (cộng hưởng từ) và CTscan cho hình ảnh: tổn thương đốt sống từ ngực 1 đến đốt sống ngực 4, dấu hiệu chèn ép vào tủy rất nặng, cột sống bị gù (khoảng 34 độ).
BS thăm khám cho bệnh nhi Hưng sau phẫu thuật.
Các nhận định nghiêng về: lao cột sống. Nếu không được mổ sớm, bệnh nhân sẽ liệt hoàn toàn và nguy cơ tử vong cao. Ca mổ dạng này bệnh viện chưa làm bao giờ. Thường những ca mổ khó, phức tạp, lâu nay bệnh nhân thường tự đi TP.HCM chữa bệnh. Nhưng trường hợp này không thể chuyển tuyến trên vì gia đình ở miền núi quá nghèo, ăn còn chưa đủ no. Với tinh thần tất cả vì người bệnh, Ban giám đốc đã quyết định giữ bệnh nhân lại để điều trị và đặt lòng tin vào chuyên môn của tập thể thầy thuốc BV, nhất là ThS.BS. Trần Hoàng Mạnh (từng tu nghiệp thời gian dài tại Hàn Quốc, Nhật).
Hưng tự giơ chân lên cao sau 5 ngày hậu phẫu.
Một cuộc hội chẩn khẩn cấp, BV đã “nối mạng” với PGS.TS. Võ Văn Thành – Viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM để có thêm những ý kiến về chuyên môn. Ngày 21/3, kíp mổ tiến hành mổ lối sau, nắn chỉnh gù trước và cố định vùng cổ ngực bằng nẹp vít. Sau một tuần, bệnh nhân có dấu hiệu tạm ổn. Ngày 28/3, mổ lần 2: mổ lối trước, loại bỏ toàn bộ tổn thương gồm: mủ, tổ chức hoại tử, xương chết… Giải phóng chèn ép tủy ngực. Phần xương khuyết hổng được ghép bằng mảnh xương chày. Cả hai ca mổ đều kéo dài 5 giờ mỗi ca. Chiều cùng ngày sau mổ lần 2, bệnh nhân đã có dấu hiệu hồi phục ngoài mong đợi.
Ghép mảnh xương chày vào vị trí phần xương khuyết hổng.
Kết quả sinh thiết mủ, tổ chức hoại tử cho kết quả đúng như chẩn đoán, bệnh nhân bị tổn thương lao điển hình. Hiện bệnh nhân đã hồi phục vận động; giảm rối loạn cảm giác, đây là niềm vui của gia đình và tập thể thầy thuốc. Sáng ngày 3/4/2012, trên giường bệnh, Hưng cười, nói vui vẻ, đặc biệt, em giơ được 2 chân lên. Ông Cao Điện (31 tuổi) và bà Cao Lành (36 tuổi), bố mẹ của Cao Hưng mắt ngấn lệ nói: cảm ơn thầy thuốc, nhà em 4 đứa con (3 trai, 1 gái), trồng khoai, trồng mì nghèo lắm, không có tiền đâu…
Hình ảnh nẹp vít sau mổ.
Đánh giá về thành công ca mổ, BS. Nguyễn Văn Xáng – PGĐBV rất vui mừng cho đây là ca mổ cực khó đối với tuyến tỉnh, một thành quả tuyệt vời, minh chứng tính đúng đắn của việc chuyển giao kỹ thuật cao của tuyến trên cho tuyến dưới. Theo BS. Mạnh, chi phí cho ca mổ này khoảng 70 triệu (gồm nẹp, vít rất đắt tiền, 2 lần mổ, thuốc điều trị…). Nếu đi TP.HCM, chi phí cao hơn nhiều. Ngoài việc cứu sống bệnh nhân, bảo trợ miễn phí hoàn toàn cho 2 ca mổ, BV sẽ còn phải điều trị bệnh lao dài ngày cho bệnh nhân Hưng nữa, vì thế rất cần các nhà hảo tâm giúp một phần chi phí cho gia đình, tạo điều kiện chăm sóc em sớm hồi phục hoàn toàn.
Trần Công Thi