Làm thế nào để học tại trường y – Đối tượng Đặc biệt – Cẩm nang MSD – Phiên bản dành cho chuyên gia

Sự lặp đi lặp lại không chỉ là việc xem xét lại tài liệu thường xuyên hơn mà còn xem xét nó vào đúng thời điểm. Điều đó nghĩa là

  • Thời gian tốt nhất để xem lại thông tin bạn đang cố ghi nhớ là đúng vào khoảng thời gian khi bạn sẽ quên nó một cách tự nhiên.

Bởi vì sự quên thường diễn ra dưới dạng một đường cong theo hàm mũ, hãy phân bổ thời gian học tập của bạn xung quanh đường cong và xem lại các điểm chính của thông tin ngay khi chúng sắp biến mất khỏi bộ nhớ. Chìa khóa là dàn trải việc học và tự kiểm tra theo thời gian, trái ngược với việc tập trung, hoặc “nhồi nhét”, bởi vì việc lặp lại ngắt quãng này giúp làm phẳng đường cong quên của bạn để bạn ghi nhớ thông tin lâu hơn.

Bởi vì sự quen thuộc của bạn với các chủ đề khác nhau có thể khác nhau rất nhiều, các chủ đề khác nhau có đường cong quên khác nhau. Các nghiên cứu cho thấy rằng bạn nên:

  • Đối với các chủ đề quen thuộc: Nới rộng khoảng cách giữa các lần học

  • Đối với các chủ đề ít quen thuộc hơn: Thu hẹp khoảng cách giữa các lần học

Trong khi chiến lược này có hiệu quả đối với tất cả các lĩnh vực nghiên cứu, nó đặc biệt quan trọng đối với sinh viên trong lĩnh vực y tế, những người phải ghi nhớ những kiến thức và kỹ năng quan trọng để chăm sóc cho bệnh nhân của mình. Một nghiên cứu chỉ ra rằng nếu không lặp lại ngắt quãng, các sinh viên y khoa quên tới 33% kiến thức khoa học cơ bản sau một năm, và hơn 50% sau 2 năm. Nhưng khi sinh viên và bác sĩ nội trú áp dụng các chiến lược lặp lại ngắt quãng trong quá trình học tập của mình, họ cho thấy sự vượt trội hơn so với các bạn học hoặc đồng nghiệp. Một số nghiên cứu đã cho thấy tỷ lệ lưu giữ kiến thức cao hơn tới 40%.

Biết được tất cả điều này, tại sao nhồi nhét kiến thức vẫn tồn tại như là một hành vi phổ biến? Sự thật là việc nhồi nhét thường đem lại hiệu quả trong thời gian ngắn hạn. Thức trắng một đêm để học chắc chắn có thể giúp bạn vượt qua kỳ thi vào ngày mai, nhưng 1 tháng sau, bạn sẽ quên rất nhiều thông tin đã học. Vì bạn có thể cần những thông tin đó cho sự nghiệp sau này, tốt nhất là nên chia ra thành nhiều buổi học. Và cũng cần phải lưu ý rằng sự lặp lại ngắt quãng không chỉ giúp duy trì kiến thức; nó cũng giúp ghi nhớ các kỹ năng, cho dù đó là kỹ thuật đặt đường truyền tĩnh mạch hoặc chọc dò tủy sống.

Áp dụng kĩ thuật lặp lại ngắt quãng không phải lúc nào cũng đơn giản. Sinh viên – đặc biệt là những người thuộc lĩnh vực sức khỏe và y tế – phải nhớ hàng nghìn kiến thức. Thật khó để có thể nắm bắt được đúng thời điểm xem lại từng phần thông tin, đặc biệt là vì mỗi mảng thông tin có đường cong quên của riêng nó. Đây là lý do tại sao các nhà nghiên cứu và các nhà phát triển phần mềm đã tạo ra các thuật toán máy tính giúp sinh viên tối ưu hóa việc học của mình.

Các thuật toán này ưu tiên việc học của bạn dựa trên những gì bạn nhớ và không nhớ. Nghĩa là, nếu bạn trả lời sai một câu hỏi, thuật toán này sẽ tự động ưu tiên lặp lại những thông tin đó và ngược lại, không nhấn mạnh lại những thông tin trong các câu hỏi bạn đã trả lời chính xác. Do đó, các thuật toán này có thể làm giảm tổng thời gian học tập của bạn bằng cách đảm bảo rằng bạn không lãng phí thời gian học những thông tin mà bạn đã có thể nhớ lại một cách chắc chắn.

Một trong những điều tuyệt nhất về kĩ thuật lặp lại ngắt quãng này là bạn học được rất nhiều với một cách học thông minh hơn, mà không phải mất nhiều thời gian hơn. Chỉ cần một ít sự tổ chức và suy tính trước, bạn có thể đạt được nhiều thứ hơn. Tuy nhiên, kĩ thuật lặp lại ngắt quãng có thể khiến bạn cảm thấy không tự nhiên lúc đầu. Bạn thường không quen với việc học lại cái mà bạn cảm thấy vẫn còn mới trong trí nhớ. Ngoài ra, khi bạn dành thời gian để nghiên cứu những điều bạn học được cách đây vài ngày, bạn có thể lo lắng rằng bạn nên sử dụng thời gian đó để nghiên cứu những điều bạn học được hôm nay. Nhưng kĩ thuật này sẽ giúp bạn học tập tốt hơn về lâu dài.