Làm người hùng với người lạ hay người hèn với người thương?

Bạn trở về nhà sau một ngày dài mệt mỏi với công việc, bước đến cửa nhà, bạn mang bộ mặt “hằm hằm” hằn học, bạn khó chịu với những người thân trong gia đình, cáu gắt với người vợ đang bận bịu trong bếp, quát tháo đứa con nhỏ đang nghịch ngợm một trò chơi nào đó.

Bạn tự nghĩ rằng mình có quyền như thế vì bạn đã bỏ ra hơn tám tiếng đồng hồ với áp lực công việc để nuôi gia đình. Bạn bực tức vì bị sếp mắng, không vừa ý với đồng nghiệp trong công việc, nhưng bạn vẫn phải giữ thái độ niềm nở, giữ khuôn mặt vui vẻ trong suốt tám tiếng đồng hồ nơi công sở, bạn không thể và có lẽ cũng chẳng dám thể hiện những khó chịu của mình với đồng nghiệp và cấp trên.

Vậy nhưng lạ thay, vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi ở nhà sau khi kết thúc một ngày dài nơi công việc, bạn trở về và bộc lộ toàn bộ những cộc cằn, bực dọc của mình với người thân.

Làm người hùng với người lạ hay người hèn với người thương? - 1

Làm người hùng với người lạ hay người hèn với người thương? (Ảnh minh họa). 

Bước ra xã hội, bạn là người khôn khéo, hòa nhã, lịch thiệp, nhưng trở về nhà, bạn không cần phải giữ thái độ ôn hòa như với người lạ, người dưng, bạn thản nhiên hay vô tâm bộc lộ tất cả những cái giận, buồn bực của mình.

Khó chịu với những người thân vì những muộn phiền bên ngoài xã hội, có phải vì bạn tin rằng những mối quan hệ lâu dài là máu thịt ấy, là yêu thương ấy sẽ luôn chịu đựng bạn mà không bỏ đi không?

Bạn quên mất rằng, khi bạn mong muốn có một mái nhà để trở về, khi bạn khao khát có một người để yêu thương, chia sẻ vui buồn, nương tựa vào nhau lúc tuổi già, thì tại sao bạn lại thản nhiên với những tổn thương mà mình đem đến cho họ? Bạn sợ người dưng đánh giá bạn không tốt, nhưng lại không buồn trước những tồn thương vô hình mà mình gây ra với người bên cạnh bạn cả đời.

Có lẽ, chúng ta luôn sợ gây mất lòng với những người xa lạ hơn là gây đau khổ cho người mình thương. Chúng ta kết nối những mối quan hệ, tạo dựng những hình ảnh đẹp đẽ nhưng lơ là với những người gắn bó với mình.

Tình yêu cũng giống như gieo một hạt mầm, người ta thường chỉ chăm sóc nó cho đến lúc trở thành cái cây. Chợt nhớ câu nói trong bộ phim nổi tiếng “Trái tìm mùa thu”: “Em muốn làm một cái cây, trồng xuống đất sẽ chẳng đem đi đâu được nữa”, trồng một cái cây tình yêu cũng tựa hồ như vậy, khi đã đinh ninh người ta yêu không thể rời đi được nên ta chẳng cần lo lắng nếu có đối xử không tốt, đúng không?

Chúng ta thích tạo dựng những mối quan hệ mới hơn là giữ chặt, bồi đắp một mối quan hệ cũ, chúng ta mải miết vun đắp tình cảm với người lạ, nhưng thờ ơ với máu mủ tình thân. Ra đường, ta nhún nhường, nhẫn nhịn, nhưng trở về nhà, ta không thể kiên nhẫn với những người ta thương.

Làm “kẻ hèn” với người lạ hay là “người hùng” với người thương? Nhưng ta ạ, gia đình không phải là “recycle bin” (nơi lưu trữ tạm thời) để khi những “folder” (tập tin) bực bội trong ta cần trút bỏ, ta vội vàng bấm “delete” (xóa) là xong. Nếu phải là một người hèn, thì hèn với gia đình chứ đừng hèn với người dưng. Vì có những cái hèn không khiến mình giữ được hạnh phúc.