Làm gì khi trẻ nói hỗn?
Các chuyên gia Singapore khuyên bố mẹ nên kiềm chế, không đánh, tát trẻ và đặt câu hỏi “Liệu con có thực sự hiểu những từ vừa nói ra?”.
Bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể sử dụng những từ ngữ khiến bạn tổn thương hoặc nói hỗn khi không ưng ý điều gì đó. Khi trẻ 3-5 tuổi, bạn sẽ dễ dàng bỏ qua việc này nhưng nhiều lần như vậy, lúc lớn hơn trẻ sẽ cho rằng điều này là được phép và bắt đầu tỏ thái độ mỗi khi bạn yêu cầu làm bài tập về nhà hoặc không chơi game. Lúc này, việc thi hành kỷ luật trở nên vô cùng khó khăn và tần suất trẻ nói hỗn, chửi bậy cũng tăng lên.
Alfred Tan, Giám đốc điều hành Hiệp hội trẻ em Singapore và tiến sĩ Foo Koong Hean, giảng viên cao cấp về tâm lý học, Đại học James Cook (Singapore), chia sẻ một số lời khuyên giúp bạn xử lý và ngăn chặn việc này từ sớm.
Kiềm chế
Hai chuyên gia cho rằng, trong hoàn cảnh này bạn cần kiếm chế và không phản ứng thái quá, đặc biệt là không đánh, tát con. Bạn không nên nói “Mẹ là mẹ của con! Sao con dám nói như vậy với mẹ?” bởi hầu hết trẻ em, đặc biệt là những trẻ độ tuổi 10-12, việc áp đặt và coi mình là bề trên để lên giọng không phải cách giải quyết phù hợp.
“Nếu đứa trẻ dùng từ ngữ thô tục, nói hỗn, bạn nên bình tĩnh hỏi ngược lại rằng trẻ có biết nghĩa những từ này không và nói thêm Nếu mẹ là con, mẹ sẽ không dùng khi biết nghĩa của chúng”, Alfred nói.
Bạn nên để cho trẻ và chính bạn thời gian bình tĩnh suy nghĩ và để cơn giận cùng cảm xúc tiêu cực lắng xuống. Bạn có thể báo trước trẻ sẽ nói về điều này vào lúc khác, khoảng vài tiếng sau chẳng hạn.
Sau đó, bạn cần giải thích cho trẻ nghĩa và các ngữ cảnh khi dùng những từ này, sau đó hỏi trẻ liệu có tiếp tục dùng không sau khi đã hiểu nghĩa. Nếu trẻ vẫn ngang bướng, bạn có thể để giáo viên nói chuyện với trẻ.
Ảnh: Shutterstock
Trao đổi
Để cân bằng giữa mong muốn của bạn và nhu cầu của trẻ, cần có sự trao đổi giữa hai phía để tránh việc trẻ bực tức khi không được lắng nghe, dẫn đến chửi bậy và nói hỗn.
Tiến sĩ Foo khuyên cha mẹ cần cân nhắc quan điểm của trẻ bằng cách đề xuất cuộc họp gia đình. “Đây là lúc mọi người ngồi xuống, đề xuất quy tắc và đặt ra giới hạn, sau đó đi đến sự thỏa hiệp hợp lý”, tiến sĩ Foo nói.
Ông lấy ví dụ, bạn không muốn cho trẻ xem TV hoặc dùng máy tính sau 7h tối nhưng bộ phim trẻ yêu thích lại kết thúc lú 7h30. Do đó, dù là trẻ con, bạn vẫn cần lắng nghe trẻ muốn và gặp khó khăn gì.
Xem lại cách nuôi dạy con
Trong nhiều trường hợp, trẻ học các từ ngữ chửi bậy từ chính bạn. Nếu từng nói hỗn với người lớn hoặc chửi bậy trước mặt trẻ, bạn không nên bất ngờ nếu một ngày trẻ cũng dùng những từ ngữ đó. Bên cạnh đó, việc nói những từ ngữ tồi tệ có thể còn do mối quan hệ không tốt giữa trẻ và bạn.
“Nếu bạn thường xuyên vắng mặt trong những sự kiện quan trọng của trẻ, câu nói Con ghét bố mẹ thực sự nghĩa là Con cần bố mẹ ở đây”, Alfred nói.
Các chuyên gia cho rằng điểm mấu chốt là tạo mối quan hệ gần gũi giữa bạn và trẻ. Nếu trẻ cảm thấy được yêu thương, hầu hết vấn đề về hành vi có thể giải quyết tương đối dễ dàng. Ngược lại, khi không có sự ràng buộc, ngay cả việc tiếp cận trẻ cũng khiến bạn gặp khó khăn.
Thanh Hằng (Theo Young Parents)