Làm gì khi bị tẩy chay trong lớp? Một vài cách giúp bạn đối phó

Thật khó để tìm thấy câu trả lời thỏa đáng cho thắc mắc làm gì khi bị tẩy chay trong lớp. Bởi đây là chuyện phức tạp, lại được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi bạn đều có câu chuyện của riêng mình. Vì vậy, việc tìm ra một phương án giải quyết chung là điều gần như không thể.

Dẫu vậy, bạn vẫn nên tham khảo một vài cách đối phó khi bị cô lập, bắt nạt và tẩy chay bên dưới. Bởi biết đâu, chúng sẽ định hướng cho bạn về việc nên làm tiếp theo khi không may bị xa lánh ở trường.

Mọi người vẫn thường nhắc đến quãng đời học sinh như một khoảng thời gian đẹp nhất trong đời. Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn được tận hưởng trọn vẹn điều đó.

Nhiều bạn bị áp lực về điểm số đến mức quên ăn quên ngủ. Số khác không thể tìm thấy tiếng nói chung với gia đình về định hướng học tập và nghề nghiệp tương lai. Một vài bạn lại phải chiến đấu với sự tẩy chay, bắt nạt hay cô lập từ chính những người bạn đồng trang lứa. Đây chính là một trong những điều tồi tệ và kinh khủng nhất, nếu bạn đã từng trải qua.

Cứ tưởng tượng ngày nào đến trường, bạn cũng phải bước đi trong cô đơn. Không ai bên cạnh, không ai chia sẻ và trò chuyện cùng, chỉ có những ánh mắt soi mói chẳng mấy thiện cảm hướng về. Cứ thử nghĩ về tình cảnh bạn ngồi trong lớp và phải nghe những lời bàn tán xì xào to nhỏ về chính mình sau lưng.

Rồi còn chưa kể đến việc bị xúc phạm, chơi xấu hay tệ hơn là bạo lực học đường. Những điều ấy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tinh thần và tâm lý yếu ớt của các bạn học sinh, khiến những năm tháng thanh xuân lẽ ra phải tươi đẹp vô tư lại như biến thành địa ngục.

Vậy rốt cuộc, nếu là một nạn nhân của làn sóng bắt nạt và tẩy chay, bạn có thể làm gì?

Làm gì khi bị tẩy chay trong lớp? Một vài gợi ý nhỏ

Bị bắt nạt khi đi học, bị bạn bè xa lánh và tẩy chay là điều chẳng ai mong muốn. Tuy nhiên, nhiều bạn vẫn đang phải đối mặt với hiện tượng kinh khủng này. Nhất là những bạn có chút khác biệt như xinh đẹp, giỏi giang hoặc ngược lại, những bạn có khiếm khuyết về ngoại hình và sở hữu tính cách trầm lắng.

Dù bạn là ai, có ngoại hình ra sao hay tính cách như thế nào, bạn cũng không đáng bị bạo lực về mặt tinh thần hay thể chất. Trong trường hợp không may bị người khác bắt nạt, bạn nên thử tham khảo một vài hướng giải quyết sau đây. Bạn lưu ý những phương án này chỉ là gợi ý, còn việc áp dụng chúng ra sao còn phụ thuộc vào trường hợp của riêng bạn.

1. Phân tích tình hình

Dù chẳng ai muốn nghĩ đến việc mình bị tẩy chay, nhưng nếu đã gặp phải tình trạng này, bạn không nên lẩn trốn. Hãy thẳng thắn đối mặt, đánh giá mức độ nghiêm trọng của vấn đề, tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra những giả thuyết về việc chuyện này sẽ đi đến đâu.

Bạn có thể trả lời những câu hỏi như:

✤ Bạn đang bị tẩy chay, bắt nạt bằng lời nói, bạo lực về tinh thần hay bạo lực về thể chất?

✤ Nếu đang bị bạo lực về tinh thần, liệu điều này có thể dẫn đến việc bạo lực về thể chất hay không?

✤ Tần suất bị bắt nạt/bạo lực như thế nào? Những người bắt nạt bạn chỉ là người cùng lớp, cùng trường hay có sự tham gia của người ngoài?

✤ Lý do bạn bị bắt nạt là gì? Vì giữa bạn và kẻ bắt nạt có xích mích, hay chỉ vì bạn khác biệt, thậm chí có nhiều phần nổi trội hơn so với họ?

Bạn phải phân tích được tình hình của bản thân thì mới có thể đưa ra những phương án giải quyết tiếp theo. Chẳng hạn với hình thức tẩy chay và nói xấu thông thường, bạn có thể tự mình giải quyết. Tuy nhiên, nếu bị bạo lực về tinh thần lẫn thể chất, bạn nhất định phải tìm đến sự hỗ trợ của người lớn.

Tương tự, nếu việc bắt nạt diễn ra không thường xuyên, mọi chuyện dường như vẫn còn nằm trong vòng kiểm soát. Ngược lại, nếu tình trạng này diễn ra hàng ngày, chắc chắn tâm lý lẫn kết quả học tập của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, bạn không nên nhẫn nhịn chịu đựng, mà cần “hành động” ngay lập tức.

Riêng với trường hợp giữa bạn và kẻ bắt nạt có bất hòa, bản thân bạn cũng thấy mình đã sai, hãy thừa nhận và nói lời xin lỗi, nếu có thể. Lưu ý, bạn chỉ cần xin lỗi về việc bạn đã làm sai, chứ không bao gồm những vấn đề khác nhé!

2. Luôn tự tin vào chính bản thân mình

Đừng để những kẻ bắt nạt khiến bạn mất niềm tin vào bản thân. Nhiều nạn nhân của làn sóng tẩy chay trở nên tự ti khi bị bạn bè xa lánh. Họ luôn cảm thấy bản thân chưa đủ tốt, luôn nghĩ mình là kẻ xấu xa. Thậm chí vì là người bị bắt nạt, nên nhiều bạn còn nghĩ mình không xứng đáng có mặt trên đời.

Bạn nên gạt bỏ ngay những ý nghĩ tiêu cực ấy ở trong đầu. Bởi chúng ta không hoàn hảo, nên chúng ta mới phải học, vấp ngã và lớn lên. Chứ không phải vì chúng ta vẫn còn nhiều khiếm khuyết, nên người khác có thể vô tư cười cợt với những câu từ và hành động khiếm nhã. Vậy nên, bạn đừng đổ lỗi cho bản thân hay cho rằng mình đáng phải chịu những hành động gây tổn thương từ người khác. Người có lỗi là kẻ bắt nạt, không phải là nạn nhân.

Trong cuộc chiến với nạn tẩy chay, bạn cần học cách làm bạn với chính bản thân mình. Bởi không ai có thể giúp bạn, an ủi bạn hay đồng cảm với bạn tốt hơn chính bạn được đâu. Ngay cả khi bị bắt nạt, bạn phải nhớ yêu thương bản thân trước tiên và ngẩng cao đầu mà sống. Bởi đây chính là sức mạnh giúp bạn vượt qua cuộc chiến khốc liệt này đấy.

3. Hoàn thiện bản thân

Để thêm tự tin, bớt tự ti và vượt qua cảm giác mặc cảm tội lỗi, bạn phải không ngừng hoàn thiện bản thân. Đừng quên bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Chẳng hạn như:

✤ Cố gắng học tập thật tốt, vì nhiệm vụ chính của bạn trong độ tuổi này là học cơ mà. Những kẻ bắt nạt chẳng sống thay cuộc đời bạn đâu. Thế nên, dù có bị người khác vùi dập, bạn cũng không thể để họ hủy hoại tương lai của chính mình. Hãy ưu tiên tập trung vào những môn học quan trọng và thế mạnh của bạn, sự cố gắng sẽ được đền đáp xứng đáng.

✤ Quan tâm một chút đến ngoại hình. Bạn chẳng cần trang điểm, mang đồ hiệu hay những phụ kiện đắt tiền. Thế nhưng, bạn nhất định phải là một người ăn mặc tươm tất, tóc tai gọn gàng, cơ thể sạch và thơm khi đến lớp đấy nhé.

✤ Đừng quên lễ phép với thầy cô và hòa nhã với bạn bè cùng lớp, cùng trường. Khi bạn bè cần giúp đỡ, nếu có thể, bạn nên sẵn sàng giúp họ. Đồng thời, hãy thử mở lòng quan tâm đến bạn bè xung quanh xem sao. Đôi khi, người khác có thể hiểu lầm rằng bạn kiêu ngạo hay khó gần. Nhưng khi bạn mở lòng trước, định kiến đó cũng dần mất đi.

✤ Bạn cần lưu ý tuyệt đối KHÔNG được rơi vào trường hợp “người bị tổn thương lại đi làm tổn thương người khác”. Tốt nhất, bạn đừng tham gia vào bất kỳ cuộc nói xấu, bắt nạt hay tẩy chay nào ở lớp, nhất là khi lớp bạn có nhiều bè phái khác nhau. Bởi chính bạn là người hiểu rõ cảm giác đó tồi tệ như thế nào cơ mà. Hãy cố gắng trung lập trong mọi tình huống, để tránh khỏi những rắc rối không cần thiết xảy ra.

Khi tự hoàn thiện bản thân, bạn sẽ thêm yêu thương chính mình và có thể, bạn cũng tìm được “đồng minh” để không còn đơn độc trong hành trình chống lại những kẻ bắt nạt xấu tính.

4. Học cách không quan tâm

Nếu bị nói xấu, body shaming hay gặp phải những hình thức bắt nạt tương tự, “I don’t care” cũng là một giải pháp đáng thử. Điều này tất nhiên chẳng dễ dàng, nhưng ít nhất, hãy cố gắng “giả vờ” như không quan tâm đến những câu từ xấu xí mà người khác dành cho bạn.

Khi bạn lạnh lùng ngó lơ thay vì mất bình tĩnh và phản ứng lại, những kẻ bắt nạt cũng thường mất đi vài phần hứng thú. Vậy nên, dù lòng “đau như cắt” vì bị nói xấu, bạn hãy tập cách biểu cảm “không quan tâm” khi đối mặt với họ.

Ngoài ra, bạn cũng cần rèn luyện sự bình tĩnh và cương quyết trước những bình luận không hay lẫn những lời trêu đùa mang tính xúc phạm. Đôi khi, thay vì chấp nhận và chịu đựng một cách yếu đuối, bạn hãy nên thẳng thắn nói rằng bạn không thích những trò đùa của họ với biểu cảm nghiêm túc. Trước một người mạnh mẽ và cương quyết, nhiều kẻ bắt nạt cũng phải dè chừng.

5. Tìm đến 1 – 2 người bạn trên thực tế

Làm gì khi bị cô lập trong lớp? Trước hết, bạn đừng cho rằng cả thế giới đang quay lưng về phía mình. Trong nhiều trường hợp, kẻ bắt nạt thường tạo ra cảm giác quyền lực, khiến mọi người xung quanh phải e sợ kiêng dè. Vì vậy, dù nhiều người không đồng ý với những trò tẩy chay của họ vẫn phải giả vờ hùa theo.

Chính vì thế, nhìn bên ngoài, có vẻ bạn đang bị nhiều người tẩy chay, nhưng thực ra lại không phải vậy. Dù không phải là một người quảng giao, bạn cũng nên tìm 1 – 2 người bạn hợp cạ ở trong lớp học chính, lớp học thêm, trong câu lạc bộ hay bất kỳ ở nơi nào khác và dành nhiều thời gian cho họ, thay vì cứ mải nghĩ đến những kẻ tẩy chay. Khi có bạn bè tâm sự và sẻ chia, chắc chắn bạn cũng cảm thấy “dễ thở” hơn khi đến trường.

6. Tìm đến những người bạn “online”

Có những người không thể tìm thấy ”bạn tốt” trong các mối quan hệ quanh mình. Nếu cũng là một người như vậy, bạn có thể gửi gắm niềm tin vào những người bạn online. Đó có thể là bạn cùng fandom, bạn quen qua các group học tập trên Facebook hoặc trong một nhóm sở thích nào đó.

Dù không quen biết, dù không thể gặp mặt trò chuyện một cách thân tình, nhưng tâm sự cùng người lạ vẫn mang lại cảm giác được an ủi. Thay vì chịu đựng những nỗi buồn không biết tỏ cùng ai, bạn cũng nên thử đăng bài chia sẻ câu chuyện của bản thân trong một số group học tập. Có thể bạn sẽ tìm thấy những người cũng là nạn nhân của vấn nạn tẩy chay học đường giống mình, cũng như tìm được sự đồng cảm từ mọi người để không còn cô đơn như trước.

Dẫu vậy, mạng xã hội cũng là một con dao 2 lưỡi. Vì thế, bạn hãy thận trọng trước khi đăng bài chia sẻ (tốt nhất nên dùng nick clone, tránh bị người quen biết được) và chuẩn bị tâm lý cho những bình luận không mong muốn. Bởi cũng giống như ngoài thực tế, trên mạng cũng tồn tại nhiều kẻ bắt nạt thích nhân danh công lý lắm đó.

7. Nói chuyện với người lớn

Thông thường, vì nhiều lý do khác nhau, các nạn nhân của bạo lực học đường ít khi tìm đến giải pháp này. Thế nhưng, đây lại là giải pháp hữu ích nhất trong nhiều trường hợp, nhất là khi những kẻ bắt nạt ngày càng “lấn tới”, tâm lý và kết quả học tập của bạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng và bạn không thể tự giải quyết vấn đề này một mình.

Vẫn luôn có người lớn tốt bụng ở xung quanh chúng ta. Bố mẹ, anh chị, người thân, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm? Hãy nghĩ đến tất cả những người có thể giúp bạn. Đừng giữ lấy định kiến “họ cũng chẳng giúp gì được mình đâu”, “họ chỉ làm mọi chuyện tồi tệ hơn thôi” (trừ khi những người lớn xung quanh bạn thật sự toxic), bởi người lớn thường có quyền lực và biết cách giảm thiểu tác động của những kẻ bắt nạt lên những người mà họ yêu thương.

Kết:

Trong hầu hết các trường hợp, sẽ chẳng có một giải pháp nào triệt để cho tình trạng tẩy chay hay bắt nạt học đường. Vì thế cũng chẳng có đáp án nào chuẩn xác cho câu hỏi làm gì khi bị tẩy chay trong lớp.

Đến sau cùng, những nạn nhân của tình trạng này vẫn phải chịu đựng nhiều tổn thương với những ám ảnh tâm lý có thể ảnh hưởng đến cả quãng đời còn lại. Vậy nên, mình thật sự muốn nói với các bạn từng bị bắt nạt rằng: Các bạn thật sự mạnh mẽ, khi có thể chịu đựng những điều kinh khủng đến vậy.

Mình mong rằng, dù bị ai nói xấu, chà đạp hay bạo lực về tinh thần/thể chất, bạn vẫn yêu thương bản thân, mạnh mẽ đứng lên và bước tiếp. Hãy để những kẻ bắt nạt thấy rằng, bạn chẳng dễ gục ngã vậy đâu. Tiếp tục sống tốt cũng được coi là một cách “trả thù” những kẻ đã từng nguyền rủa bạn ngày trước.

Tất cả sẽ không dễ dàng, nhưng mình biết bạn có thể vượt qua. Hãy nhìn về phía tương lai và để những kẻ bắt nạt ở phía sau, bạn nhé!

Có thể bạn quan tâm: