Làm gì khi bị bạn ghét

Có một người bạn rất ghét em. Em cũng không dám nói hết với nó những điều trong lòng mình muốn.

Hình như bạn đó có một điều hiểu lầm gì về em thì phải. Em chưa bao giờ chửi hay làm gì mà tại sao nó lại ghét em như vậy. Tính em đã chơi với ai là thân lắm, mà ghét ai rồi cũng ghê ghét lắm. Nhờ các chuyên gia tư vấn giùm em. (Ngọc Hiệp).

vochong-XOUB1-2881-1433042630.jpg

Ảnh minh họa: News.

Trả lời:

Chào em,

Qua lời chia sẻ cho thấy em đang gặp khó khăn trong tương tác với bạn cùng lớp. Đây là chuyện thường gặp trong mối quan hệ bạn bè ở học đường. Tuy nhiên, tùy vào cách xử lý khác nhau mà sau những mâu thuẫn có thể trở thành bạn hay thù mãi mãi.

Em là người trọng tình cảm nên có thể có cách ứng xử chân thành với bạn bè. Nhưng mỗi người có quan điểm sống khác nhau nên em không thể làm hài lòng hết tất cả mọi người. Sẽ có nhiều lý do khiến bạn ấy không thiện cảm với em như em học giỏi hơn, được lòng các thầy cô, nổi bật trong lớp hoặc em nói chuyện thẳng tính nên vô tình làm tổn thương bạn ấy chăng?

Vì bạn ấy có sức mạnh và uy lực nên làm em e ngại khi phản ứng lại những lần bị “đàn áp”. Tuy nhiên, em cần nhớ rằng phiền toái thường kéo dài nếu chúng ta không đương đầu với nó. Việc em tránh né và thoát thân khỏi những lần mâu thuẫn mà không chủ động tìm hiểu nguyên nhân sẽ khiến vấn đề càng phức tạp thêm.

Trước hết, em hãy chia sẻ vấn đề với các bạn trong lớp để tìm hiểu nguyên nhân, cũng như nhận được sự hỗ trợ của các bạn. Bên cạnh đó, em hãy thẳng thắn những lần người bạn kia gây sự và đề nghị bạn cho biết nguyên nhân của vấn đề. Nếu mâu thuẫn xuất phát từ lỗi của em hoặc một sự hiểu nhầm nào đó, hãy chủ động tiếp cận bạn và đưa những cam kết để giải quyết vấn đề.

Trong trường hợp bạn chủ ý muốn gây sự, bắt nạt em thì em cần đứng lên tỏ rõ thái độ không khuất phục của mình một cách rõ ràng, vì mục đích của những kẻ bắt nạt là để thỏa mãn mong muốn đàn áp người khác. Nếu em thể hiện sự sợ hãi, yếu đuối trước bạn tức là em đã cho phép bạn có được cảm giác đó. Hãy can đảm thể hiện sự kiên cường của bản thân.

Nếu bạn ấy có những cách tấn công em bằng vũ khí, vật dụng nguy hiểm thì cần chia sẻ với giáo viên chủ nhiệm, gia đình, bạn bé để can thiệp một cách khéo léo, đảm bảo sự an toàn cho bản thân. Tuy vậy, em cố gắng phản ứng tự vệ, không nên tấn công bạn bằng vũ lực để giải quyết vấn đề vì có thể khiến tình trạng bắt nạt leo thang, hơn nữa, vũ lực có thể không phải là thế mạnh của em.

Mong em can đảm đối diện để giải quyết được vấn đề và học tập tốt.

Chuyên viên Tâm lý Hồ Đắc Sơn
Tổng đài tư vấn 1900 6233
Viện Tâm lý và Giáo dục Pháp luật