Làm gì khi bé hay đòi mua đồ chơi – Baby Của Tôi
Trẻ đến tuổi tiếp xúc với môi trường xung quanh, giao tiếp với nhiều trẻ khác bên ngoài xã hội, hẳn nhiên sẽ có nhiều bé mang đồ chơi tới trường lớp chơi hoặc mang ra khoe với bạn bè. Đồ chơi cho bé không bao giờ là đủ trong mắt các bé cả.
Khi nhìn thấy bạn bè, những người xung quanh có món đồ chơi nào, trẻ đều muốn có cho bằng được, từ năn nỉ đến mè nheo, khóc lóc, ăn vạ…. Đây là một trường hợp phổ biến trong quá trình nuôi dạy bé và cũng là tâm lý thường thấy của rất nhiều trẻ em. Trong trường hợp này, thái độ của bố mẹ thế nào là hợp lý?
Nói không dứt khoát với sự vòi vĩnh đòi đồ chơi của bé
Trước tiên cần xác định không phải cứ thương con là bạn phải chiều theo sở thích của con, không có nghĩa là con đòi gì thì bố mẹ phải đáp ứng. Bạn nên biết một khi bạn thỏa mãn, đáp ứng tất cả các nhu cầu của bé thì lâu dần, điều này sẽ trở thành một thói quen xấu và hình thành tâm lý “đòi gì được đấy”, nuông chiều thái quá sẽ khiến bé ngày càng leo thang đòi hỏi nhiều hơn, trở nên tự mãn và khó dạy bảo. Nếu không muốn con mình trở nên như vậy, các bậc phụ huynh nên học cách nói “không” một cách dứt khoát với sự vòi vĩnh của trẻ. Bố mẹ nên cho trẻ biết đâu là giới hạn cho phép và không nên thay đổi quyết định của mình. Điều này cần sự thống nhất của mọi thành viên trong gia đình để tránh trường hợp mẹ không đáp ứng, trẻ liền quay sang mè nheo với bố hoặc bà.
Các bậc phụ huynh nên học cách nói “không” một cách dứt khoát với sự vòi vĩnh của trẻ
Để bé nhận ra mình đã hạnh phúc với những đồ chơi đã có cho bé
Không phải gia đình nào cũng có điều kiện để lo cho con cái có một cuộc sống sung túc và đầy đủ, bên ngoài xã hội còn có rất nhiều những cô bé, cậu bé có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tâm sự với bé về những trường hợp này hoặc khi bắt gặp một hoàn cảnh nào trên đường, trên tivi (những bạn bán vé số, hay trong các chương trình truyền hình về gia đình nghèo vượt khó…) để bé thấy mình hạnh phúc như thế nào so với các bạn khác cùng trang lứa. Đồng thời, dạy bé có tấm lòng nhân ái, biết san sẻ với người khó khăn bằng cách quyên tặng đồ chơi , quần áo…
Cho bé chọn lựa
Một giải pháp khác là bạn có thể cho phép chọn lựa đồ chơi cho bé nếu bé vẫn vòi vĩnh không ngừng. Bạn có thể đưa ra hai hoặc ba giải pháp khác nhau ví dụ “nếu mua món đồ chơi này thì con sẽ không được mua áo mới”, như vậy bé sẽ lựa chọn đâu là điều bé thích và không liên tục vòi vĩnh bạn nữa. Tuy nhiên phương pháp này chỉ áp dụng trong một số hoàn cảnh nhất định.
Không nên nói dối bé
Nhiều bậc phụ huynh thường dùng chiêu “Bố/mẹ hết tiền rồi”. Nếu thấy bố mẹ hết tiền thật, bé sẽ thông cảm mà không đòi nữa nhưng nếu bạn chỉ nói cho xong chuyện mà bé lại biết trong ví của bố mẹ vẫn còn tiền và trẻ có nhận thức tốt thì chúng sẽ tiếp tục mè nheo đòi bạn cho bằng được. Trong trường hợp này thay vì nói dối trẻ bạn có thể tâm sự thẳng thắn rằng số tiền này bạn cần phải mua sữa, gạo, đồ ăn cho bé và gia đình. Số tiền dành mua đồ chơi, quà cho bé trong tháng đã hết. Dần dần bé càng lớn, nhận được đúng sai thì bé sẽ hiểu và không còn vòi vĩnh với bạn nữa.
Để trẻ một mình khi ăn vạ
Trong trường hợp bé ăn vạ đòi mua cho bằng được dù bạn đã dỗ dành bé đủ kiểu thì hãy thử cách sau. Bạn bỏ mặc trẻ một lát, có thể trẻ sẽ khóc to hơn để thu hút sự chú ý của bạn, làm bạn lúng túng (nhất là trong trường hợp có nhiều người ở đó) thì bạn phải kiên quyết không thể chiều hoặc xót con, nói cho bé biết nếu bé tiếp tục không vâng lời thì bạn vừa bỏ đi và vừa quan sát bé. Khi bé hiểu điều này không có tác dụng với bạn thì bé sẽ thôi khóc, và không làm bạn mệt mỏi vì sự đòi hỏi của bé.
Bạn nên kiên quyết, không được xót con, chiều theo mọi đòi hỏi của bé
Trước thái độ đòi hỏi của bé, chúng ta cần xem xét đâu là việc có thể đáp ứng, đâu là việc không thể đáp ứng. Nếu không thể đáp ứng thì các bậc cha mẹ phải kiên quyết, nghiêm khắc, điều này sẽ làm trẻ sẽ ngoan và biết vâng lời cha mẹ. Đừng để bé đòi hỏi đồ chơi một cách vô lý, hãy làm bé tự hài lòng với những đồ chơi cho bé sở hữu.
Xem nhiều bài viết khác với danh mục phát triển kỹ năng tại babycuatoi.vn: