Làm gì để đẩy lùi sự vô cảm? | Thời sự
Hằng ngày, trên các mặt báo hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác, chúng ta thấy không ít vụ việc phơi bày sự vô cảm đến tàn nhẫn của những người chứng kiến. Người ta có thể thản nhiên đứng nhìn một vụ ăn hiếp kẻ yếu, một vụ đánh hội đồng, một vụ làm nhục người khác như xem một màn kịch.
Hoặc chúng ta cũng nghe những câu chuyện về một người đàn ông đuổi theo bắt cướp, bị tên cướp đâm kim tiêm vào người còn kẻ cắp sau đó được thả ra, một người từ bỏ sự nghiệp của mình đứng lên tố cáo tham nhũng, cuối cùng tất cả những gì ông nhận được là một tờ giấy khen…
Một người thấy tai nạn bên đường chạy lại đỡ nạn nhân thì bị nghi cho là người gây tai nạn. Một người có thói quen giữ cửa cho những người đi sau, nhưng những người đi sau lại luôn thờ ơ với anh ta, không có một lời cảm ơn nào, sau cùng anh ta thấy việc mình làm vô nghĩa, anh ta bỏ thói quen ấy…
Mới nhất là clip quay lại câu chuyện một nam thanh niên người Việt bị đánh đập dã man ở bờ sông Nhật Bản. Đoạn clip khiến dư luận phẫn nộ về kẻ thủ ác, cũng như trước thái độ vô cảm của chính những người xung quanh.
Rồi câu chuyện lãnh đạo ở Bình Định đi chơi Golf trong bối cảnh cả hệ thống chính trị, toàn thể quân dân đang đồng sức đồng lòng cùng chống dịch thì đâu đó vẫn còn cán bộ lãnh đạo ở một số địa phương thờ ơ, vô cảm, vô cương..v..v.
Có thể nói, lời dạy của cha ông ta “Thương người như thể thương thân” từ lâu đã trở thành đạo lý của người Việt Nam. Nếu như trước đây, vô cảm chỉ là những hiện tượng đơn lẻ, thì bây giờ đang có chiều hướng lây lan.
Bên cạnh nhiều nét đẹp vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống với những con người biết đồng cảm, chia sẻ, luôn giúp đỡ người khác, thì đối lập hoàn toàn là những kẻ sống thờ ơ, ích kỷ, vô cảm, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Nếu không có những biện pháp ngăn chặn thì có thể trở thành một căn bệnh có tính xã hội.
Những câu hỏi lớn liên tiếp được đặt ra và có nhiều cách lý giải khác nhau. Có thể là do sự buông lỏng giáo dục, buông lỏng sự quản lý của gia đình, của nhà trường và xã hội. Có phải do lâu nay chúng ta đã coi nhẹ cái gốc là văn hoá nên con người mới trở nên cục cằn thô lỗ hung bạo, tàn ác dã man như vậy chăng? Đâu phải sự tử tế đang rời bỏ chúng ta, mà chính là chúng ta đang rời xa sự tử tế?
Có ý kiến của chuyên gia cho rằng: “Thái độ ứng xử trước nỗi đau, tai họa của người khác là phản ứng tự nhiên mang tính người, là thước đo đạo đức, là sự sát hạch đạo đức xã hội một cách nghiêm khắc nhất. Trước nỗi đau, tai họa và bất công mà người khác phải chịu đựng nhưng anh không phản ứng được tức là anh tê liệt về tinh thần xã hội. Đó là sự suy đồi về lối sống, suy thoái về đạo đức”.
Thực tế cho thấy, khi “căn bệnh” này không được ngăn chặn thì xã hội sẽ không tránh khỏi bị sụt lở nền tảng đạo đức và tinh thần, gây hoang mang, gây mất niềm tin, làm nảy nở cái xấu, trong những hoàn cảnh nhất định, cái thiện và cái tốt sẽ bị tấn công, bị xâm hại.
Đúng là, có những điều rất khó để thay đổi. Nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng không ai là không biết yêu thương hay cảm thông, con người sinh ra là có cảm xúc, nó chỉ bị đóng kín trong chiếc hộp, kể cả những rào cản trong tiềm thức cũng có thể bị phá vỡ. Khi họ gặp được chân thật, họ sẽ biết cách sống chân thật với những cảm xúc từ sâu trong lòng mình.
Và để chữa trị “căn bệnh ung thư tâm hồn” này, cần phải kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp.
Một là: Cội rễ của mọi vấn đề xã hội là văn hoá. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi” là hoàn toàn đúng đắn, không thể phủ nhận.
Tức là, cần tạo nếp sống văn hóa, đời sống tinh thần phong phú, mà ở đó các giá trị của tinh thần, đạo đức của xã hội phải được xác lập rõ ràng, thể hiện mạnh mẽ, để ai làm những điều xấu cũng phải sợ, cũng phải ngại.
Hai là: Phải tạo cho xã hội một “sức đề kháng” cao với bệnh vô cảm.
Bằng cách tuyên truyền, giáo dục những giá trị tốt đẹp của truyền thống của dân tộc, làm sao để thẩm thấu vào trong đời sống xã hội. Đó chính là mặt tích cực trong xã hội, một môi trường xã hội tốt sẽ tạo được sức đề kháng với căn bệnh này. Một xã hội không thể gọi là tốt đẹp nếu thiếu tình người. Nếu có nhiều người tốt lấn át, chắc chắn cái xấu, sự vô cảm sẽ mất đi.
Ba là: Cần có những quy định, chế tài pháp luật cần thiết với căn bệnh này. Chẳng hạn, nếu gặp người bị nạn trên đường mà không cứu sẽ bị truy cứu trách nhiệm với những chế tài riêng.
Bốn là: Giải pháp cơ bản có tính chiến lược lâu dài là xác lập, củng cố trên thực tế một thể chế dân chủ đủ mạnh để “nhốt quyền lực vào lồng” ngăn chặn tiến tới xá bỏ sự tha hoá của quyền lực.
Nói cách khác, cần tiến hành công cuộc cải cách hành chính một cách mạnh mẽ hơn, đưa ra những quy định rất khoa học, cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của từng người trong guồng máy công vụ này để nếu một người không làm đúng chức trách của mình thì lập tức bị bật ra khỏi hệ thống.
Tóm lại, mỗi chúng ta nên nhìn nhận sự vô cảm như một căn bệnh của thời đại và cần phải có những hành động để thay đổi lại quan điểm sống làm sao chuyển hóa thành những cảm xúc tích cực, tình cảm thực giữa con người với con người và mọi việc trong cuộc sống.
Đánh giá của bạn:
Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.