Làm gì để bình ổn giá thịt heo?
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa có yêu cầu đối với các bộ ngành, các tỉnh, thành phố khẩn trương theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu thịt heo trên thị trường. Từ đó, thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt heo, bình ổn giá theo quy định và bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi.
Giá heo hơi tăng đột biến là do thiếu hụt nguồn cung cục bộ
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Không để thiếu hụt thịt heo, giá thịt heo tăng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây áp lực lên lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất khẩu thịt heo qua biên giới.
Kiểm soát chặt khâu trung gian để bình ổn giá thịt heo trong thời gian tới.
Trong đó, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân sản xuất chăn nuôi heo tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và đảm bảo nguồn cung để bình ổn giá thịt heo.
Ngay sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng, trao đổi với VnBusiness, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho hay, hiện giá heo hơi trên cả nước đang ở mức trung bình 69.000 – 70.000 đồng/kg – mức giá đảm bảo người chăn nuôi có lãi. Nguyên nhân giá heo hơi tăng mạnh trong thời gian gần đây là do thiếu nguồn cung cục bộ, không chỉ Việt Nam mà các nước trong khu vực cũng đang có giá heo hơi ở mức trên 70.000 đồng/kg. Đơn cử như Thái Lan, những năm trước, giá heo hơi thấp hơn Việt Nam, nhưng hiện đang khá cao từ 76.000 – 79.000 đồng/kg.
Theo đó, để bình ổn giá heo hơi, Bộ NN&PTNT sẽ không tính đến phương án nhập khẩu heo sống từ các nước trong khu vực, thay vào đó sẽ đẩy mạnh tái đàn trong nước, đảm bảo nguồn cung thịt heo cho 100 triệu dân. Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá, 2 năm qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, giá thức ăn chăn nuôi lên cao nên bà con chăn nuôi thua lỗ, phải treo truồng, ảnh hưởng tới việc tái đàn. Nay thị trường phục hồi mạnh sau đại dịch, nhu cầu tăng cao nên dẫn tới thiếu nguồn cung heo hơi cục bộ.
Do đó, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp để tập trung sản xuất, duy trì tổng đàn heo khoảng 27-28 triệu con đảm bảo nguồn cung trong nước. Muốn đẩy mạnh tái đàn nhanh, thì ngành chăn nuôi cần phải chủ động con giống, kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi… để tạo thuận lợi cho công tác tái đàn.
Với quyết tâm này, ông Thắng nhận định giá heo hơi trong nước sẽ được giữ ổn định quanh mốc 70.000 – 75.000 đồng/kg, tình trạng thiếu hụt nguồn cung heo hơi chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Mức giá này vừa đảm bảo người chăn nuôi có lãi, không ảnh hưởng tới chỉ số giá thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng.
Tất nhiên, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng lưu ý tới việc thực hiện đồng bộ thêm các giải pháp như Bộ NN&PTNT cần phối hợp với Bộ Công Thương để kiểm soát khâu trung gian trong chuỗi giá trị của ngành thịt heo, đảm bảo giá đến tay người tiêu dùng không bị “thổi” lên cao. Đồng thời, Bộ NN&PTNT sẽ chủ động với Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia ngăn chặn tình trạng buôn lậu heo hơi sang Trung Quốc.
Chặn khâu trung gian đẩy giá thịt heo
Khảo sát thịt trường cho thấy, giá thịt heo ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang dao động ở mức trung bình 99.000 – 177.900 đồng/kg. Trong khi đó, giá thịt heo ở ngoài chợ dân sinh dao động ở mức 90.000 – 120.000 đồng/kg, tùy loại. Giá hịt heo đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều tháng qua.
Theo đánh giá từ Cục Chăn nuôi, với mức 70.000 – 75.000 đồng/kg heo hơi, người chăn nuôi mới có lãi, từ đó đẩy mạnh tái đàn. Do vậy, việc kiểm soát giá thịt heo ở khâu trung gian, phân phối là rất quan trọng trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thanh Phi Long, Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình (TP.HCM) cho hay, ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá heo, gà liên tục ở mức thấp khiến nhiều doanh nghiệp chăn nuôi thua lỗ suốt thời gian dài. Gần đây, giá thịt heo, gà đã tăng cao nhưng chủ yếu bù cho chi phí đầu vào tăng mạnh. Ngoài ra, chi phí cho khâu phân phối hiện đang là gánh nặng không nhỏ đối với doanh nghiệp. Do khó khăn, hiện doanh nghiệp đã buộc phải giảm 50% điểm phân phối, bán lẻ.
Quay trở lại thời điểm tháng 10/2021 khi giá heo hơi xuống ở mức thấp 30.000 đồng/kg, người tiêu dùng Việt Nam vẫn phải mua thịt heo với giá đắt nhất thế giới để thấy rõ hơn những bất cập ở khâu phân phối. Thời điểm đó, chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay, giá heo hơi xuống thấp nhưng giá thịt heo bán ở chợ truyền thống, siêu thị vẫn cao gấp 3-4 lần giá heo hơi. Nguyên nhân là một miếng thịt heo tới tay người tiêu dùng phải qua quá nhiều khâu trung gian.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam phân trần, thông thường doanh nghiệp bán lẻ thường nhập thịt heo từ các công ty giết mổ. Thực tế, các siêu thị không được nhiều lợi nhuận từ mặt hàng thịt heo. Nguyên nhân là do thịt heo là mặt hàng tiêu dùng thường ngày, thu hút người tiêu dùng đến siêu thị, song để hiện hiện trên quầy kệ hệ thống bán lẻ thì phải trải qua nhiều khâu trung gian.
Nhìn nhận thực tế này, trong chỉ đạo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đặt ra yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương, cơ quan liên quan chủ trì kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt heo tính từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng.
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ những bất cập, hạn chế nếu có đề xuất giải pháp khắc phục đảm bảo giảm thiểu các khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán, tiến tới hoàn thiện hệ thống phân phối, bán buôn bán lẻ tinh gọn hiệu quả, có chi phí lưu thông hợp lý trong cơ cấu giá bán hàng…
Lê Thúy