Làm bác sĩ thú y có tâm như thế nào? – Faculty of Veterinary Medicine

Có câu nói hay của Ivan Paviov: “ Bác sĩ nhân y cứu con người, Bác sĩ thú y cứu cả loài người.”

Thật vậy nếu bác sĩ thú y làm không tốt, ví dụ để bệnh cúm gia cầm xảy ra thì có thể phát triển thành đại dịch, có thể giết chết cả loài người. Vì thế, tôi nói bác sĩ thú y là bác sĩ của nhân loại.

Chúng ta biết rằng, trong thập kỉ vừa qua có nhiều bệnh nguy hiểm của vật nuôi truyền sang người. Điều đó làm cho Quốc tế chú ý đến khái niệm “Một sức khoẻ” và Việt Nam đã thành lập ban chỉ đạo “Một sức khoẻ” cấp quốc gia để phòng trị bênh chung, hướng đến sức khoẻ con người. Điều này là rất cần thiết vì cần phải có sự phối hợp liên ngành, xuyên ngành giữa thú y, y tế công cộng, y tế, môi trường. để phối hợp giải quyết bệnh dịch, đặc biệt tập trung vào các bệnh truyền lây giữa vật nuôi và người.

Với nhiều người, khi đến với bất kỳ một công việc nào đều xuất phát từ một niềm đam mê, hay một định hướng có sẵn của gia đình.Bất cứ ngành nghề nào, ngoài chuyên môn nghề nghiệp ra thì cái “TÂM” trong nghề là một yếu tố cực kỳ quan trọng và rất cần đối với mỗi người làm nghề. Và trong đó, ngành Thú Y cũng không ngoại lệ. Là một người Bác sĩ, “chăm sóc sức khỏe” cho các loài thú cưng, vật nuôi, gia súc, gia cầm thì cái “Tâm” lại càng được rèn giũa và trau dồi nhiều hơn.

BÁC SĨ THÚ Y: LÀM NGHỀ CẦN NHẤT 3 CÁI TÂM

Thứ nhất, cái TÂM xuất phát từ tình yêu thương vật nuôi

Bên cạnh trang bị những kỹ năng, kiến thức chuyên môn, để làm tốt công việc của một Bác sĩ thú y, phải xuất phát từ tình yêu thương động vật, thể hiện bằng những hành động cụ thể như: ân cần, nhẹ nhàng, nâng niu trong quá trình chăm sóc, điệu trị vật nuôi. Cái khó của bác sĩ thú y hơn bác sĩ nhân ý đó là động vật không hề biết nói, nó không bảo với mình rằng bị đau ở đâu, đau như thế nào…Bằng cách quan sát, tay sờ và các kiến thức chuyên môn mà các bác sĩ thú y có lẽ là người hiểu được nỗi đau của vật nuôi nhiều nhất, hiểu được nguồn cơn của căn bệnh và biết cách chăm sóc, chữa trị tốt nhất cho vật nuôi. Cũng như Bác sỹ Nhân y cứu người, Bác sĩ thú y cứu động vật cần dành tình yêu thương hoàn toàn trong đó.

 

Thứ hai, cái TÂM xuất phát từ vai trò, trách nhiệm với nghề nghiệp, với người chăn nuôi.

Bác sĩ thú y là lực lượng xung kích trực tiếp tham gia vào các hoạt động thăm khám, tư vấn, hỗ trợ phòng và điều trị bệnh cho vật nuôi, xử lý dịch bệnh tại các nông hộ, các cơ sở chăn nuôi và các hoạt động liên quan đến chăn nuôi. Bên cạnh chữ “tài” về chuyên môn, mỗi Bác sĩ thú y cần đặt thêm chữ “TÂM” – Tâm huyết với nghề, nhiệt thành, nỗ lực hết mình, giúp người chăn nuôi ngăn ngừa và giảm thiểu thiệt hại kinh tế từ dịch bệnh, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống vốn đã rất vất vả của người nông dân Việt.

Hiện nay, chúng ta đang có chiến dịch làm rất mạnh về an toàn thực phẩm, bác sĩ thú y là lực lượng làm trực tiếp nhất. Bởi vì chúng ta biết rằng, ô nhiễm vi khuẩn, virus, mầm bệnh vào thực phẩm phần lớn là từ vật nuôi và các quá trình chế biến, vận chuyển. Và hiểu sâu xa hơn, những bệnh của vật nuôi cũng như con người là bắt nguồn từ động vật hoang dã. Bác sĩ thú y là lực lượng trực tiếp can thiệp, tư vấn và có những chiến dịch cho công tác phòng trị bệnh cho vật nuôi đối với người dân và các cơ sở trực tiếp chăn nuôi, chế biến, vận chuyển sản phẩm.

Thứ ba, cái “TÂM” xuất phát trách nhiệm với Sức khỏe cộng đồng

Nghe có vẻ ngược nhưng Bác sĩ thú y là trạm gác đầu tiên ngăn ngừa các dịch bệnh lây lan từ Động vật sang người, đảm bảo an toàn thực thực phẩm có nguồn gốc từ động vật.

Việc đề phòng trị bệnh ở đây không chỉ ở Việt Nam mà phải mở rộng ra phòng trị bệnh cho cả khu vực, thậm chí những bệnh mang tính toàn cầu thì các em cũng phải biết được nguyên lý, nhìn xa, nhìn rộng, biết được cách phòng trị bệnh một cách tổng hợp và đa dạng hơn. Đồng thời phải biết được chiến lược trong phòng chống dịch bệnh của vật nuôi. Ngoài ra, Bác sỹ Thú y cũng có nhiệm vụ rất quan trọng, đó là thực hiện công tác kiểm dịch động vật. Làm tốt công tác kiểm dịch động vật cũng ảnh hưởng rất tốt đến công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chính vì vậy, vai trò của bác sĩ thú y rất quan trọng trong xã hội hiện nay. Ngành thú y các nước được đào tạo rất bài bản, rất dài và đầu tư lớn. Bác sỹ thú y đào tạo ở Việt Nam chỉ có 5 năm, cơ sở hạ tầng phục vụ đào tạo tay nghề còn nhiều hạn chế. Trong khi đó hầu hết các nước khác đào tạo trong 6 năm, một số nước đào tạo rất dài như Mỹ tới 8 năm và các nước đều có cở sở vật chất, trang thiết bị đào tạo bác sỹ thú y rất tốt. Họ rất quan tâm, họ cho rằng bác sĩ thú y có vai trò rất quan trọng trong việc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi cũng là biện pháp khá quan trọng trong bảo vệ sức khỏe con người

Do vậy, mỗi Bác sĩ thú y cần có cái TÂM với sức khỏe của cộng đồng, để chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe con người. Cái Tâm đó thể hiện thông qua việc chăm sóc, nuôi dưỡng vật nuôi khỏe mạnh, ít bệnh tật giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại các sản phẩm chăn nuôi chất lượng và an toàn; thể hiện qua các biện pháp phòng và điều trị dịch bệnh trên vật nuôi, làm tốt công tác kiểm dịch động vật. Đặc biệt, Bác sĩ thú y phải là người sử dụng kháng sinh có trách nhiệm thể hiện thông qua việc không lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, điều trị bệnh; chẩn đoán đúng bệnh, kê đúng thuốc, đủ liệu trình sẽ góp phần giảm thiệt hại do dịch bệnh và hạn chế tình trạng kháng kháng sinh hiện nay.

Đó là 3 chữ “TÂM”  vô cùng quan trọng đối với mỗi người Bác sĩ thú y, chúng mình mong muốn tất cả các bạn đã, đang và sắp làm việc trong lĩnh vực thú y hãy gieo chữ “TÂM” với nghề. Xin trích lời của một Thầy giáo trong nghề đó là “Yêu nghề – Nghề không phụ” – Chúng ta sẽ có tất cả cuộc sống vui vẻ, sự nghiệp và sức khỏe từ chữ “TÂM” với nghề.