Làm Freelancer IT giúp tôi tăng thu nhập 300% (updated)
“Việc làm freelancer tuy không thể mang lại thu nhập ổn định hằng tháng nhưng đã có vô số freelancer lập trình thu nhập vài ngàn đô một tháng. Và thực tế thì khi làm freelance, thu nhập của anh gấp 3 lần khi còn làm ở công ty.” – Tâm sự của một freelancer IT toàn thời gian.
Cùng đọc bài phỏng vấn của ITviec với anh Nguyễn Việt Nam Khanh – một freelancer IT toàn thời gian – để tìm hiểu:
-
Vì sao anh chọn làm một freelancer IT toàn thời gian?
-
Kỹ năng nào là quan trọng nhất với một freelancer lập trình và cách để hoàn thiện nó.
-
Cách anh tiếp thị bản thân để nhận được nhiều dự án hơn, và tăng thu nhập gấp 3 lần.
Xem việc làm Remote Developer tại ITviec
Những “được” và “mất” khi nhận việc làm freelancer IT
Trở thành freelancer IT không khó nhưng kiếm tiền hoàn toàn từ việc làm freelancer thì không dễ chút nào.
Anh Khanh vẫn nhớ rõ dự án đầu tiên anh làm khi chọn theo con đường việc làm freelance IT toàn thời gian, anh chỉ nhận được $8, một con số rất nhỏ so với công sức bỏ ra. Nhưng sau khi hoàn thành, anh rất hạnh phúc. Bởi vì theo anh Khanh, anh chọn công việc này vì:
Nội Dung Chính
Thỏa sức sáng tạo và chủ động trong công việc
Ví dụ khi làm việc cho công ty, developer ít khi được lựa chọn công nghệ mình thích để làm dự án. Còn khi làm freelancer lập trình, bạn có thể chọn công việc theo công nghệ bạn thích, và trực tiếp thương lượng với khách hàng.
Góc làm việc nhỏ của anh Khanh
Với cá nhân mình, anh Khanh cảm thấy hạnh phúc mỗi khi nhận được dự án mới, và buồn mỗi khi thương thuyết với khách hàng thất bại. Đó là những cảm xúc mà bạn không thể cảm nhận khi làm ở một công ty.
Gia tăng thu nhập
Khi anh Khanh quyết định nghỉ việc và chỉ chọn việc làm freelancer, gia đình anh lo lắng vì mọi người đều cho rằng đây là công việc không ổn định.
Ban đầu anh cũng lo, không biết kiếm được đủ khách hàng không, không biết làm freelancer IT có phát triển được bản thân không, và nhiều nhiều cái lo khác nữa. Cũng một phần vì khi quyết định xin nghỉ ở công ty, anh chưa có nhiều khách hàng để bảo đảm thu nhập.
Tuy nhiên, anh Khanh nhanh chóng lấy lại tinh thần vì anh thấy có vô số freelancer lập trình thu nhập vài ngàn đô một tháng. Họ chính là động lực để anh tin tưởng vào quyết định của mình.
Và thực tế thì sau vài tháng, mức lương khi anh Khanh làm freelance IT gấp 3 lần mức lương khi anh còn làm ở công ty.
Tự do về thời gian và địa điểm
Nếu công việc hành chính, bạn bị ràng buộc thời gian làm việc 8:00 – 17:00, ít có thời gian cho những mối quan tâm khác, thì làm freelancer IT, bạn sẽ có thể chủ động sắp xếp công việc để có nhiều thời gian dành cho bản thân hơn.
Anh Khanh cùng gia đình nhỏ của mình
Ví dụ có khi anh về quê thăm nhà trong hai tuần nhưng vẫn có thể làm việc, vì công việc freelance IT chỉ cần có laptop và internet.
Lúc nào cũng phải “sẵn sàng”
Điểm trừ duy nhất là phải làm việc bất chấp sự khác biệt múi giờ.
Anh có làm việc với nhiều khách hàng nước ngoài, nhiều khi họ có vấn đề muốn trao đổi với mình thì dù có là 5 giờ sáng hay 12 giờ khuya, mình cũng phải sẵn sàng để nói chuyện với họ, bởi giao tiếp là cái quan trọng nhất khi mình làm freelance.
Nhu cầu việc làm freelancer IT
Cơ hội và thách thức khi tìm việc làm freelancer IT
Trong những năm gần đây, anh Khanh nhận thấy rằng số lượng dự án dành cho freelancer lập trình nhiều hơn trước. Lý do là nhiều khách hàng họ chạy thành công các dự án freelance nên họ giới thiệu bạn bè thuê freelancer IT.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cơ hội dành cho freelancer lập trình nhiều hơn. Bởi vì số dự án thì tăng theo cấp số cộng, còn số lượng freelancer thì tăng theo cấp số nhân, đặc biệt freelancer nước ngoài rất nhiều.
Hơn nữa, trước đây chỉ có những freelancer riêng lẻ tạo profile. Còn hiện nay, có nhiều công ty đăng ký làm freelancer lập trình. Họ thuê cả một ekip và làm việc bài bản.
Vì vậy, nếu bạn xác định làm freelancer lập trình, bạn phải kiên nhẫn.
Ngay cả với những người làm freelance lâu năm và có rate cao như anh Khanh đây, chuyện thất nghiệp vài tháng là bình thường, thường vào những tháng đầu năm do doanh nghiệp, khách hàng… đi du lịch nên không đăng job. Miễn sao bạn vẫn phải đảm bảo tổng thu nhập cả năm vẫn đạt được mục tiêu đề ra.
Tìm việc làm freelancer IT ở đâu?
Anh Khanh chia sẻ, anh thường tìm khách hàng trên Upwork vì Upwork có những ưu điểm như sau:
- Đa số khách hàng trên Upwork chuyên nghiệp, đáng tin cậy, và giao tiếp tốt.
- Upwork có cơ chế lưu đánh giá của khách hàng trên profile mà nếu ai bị khách hàng phàn nàn nhiều lần thì Upwork xoá profile của freelancer IT đó. Điều này giúp Upwork đảm bảo những freelance IT của họ là những người chuyên nghiệp.
- Upwork có công cụ giúp freelancer IT quản lý thời gian khi làm dự án khá tốt.
Điểm trừ duy nhất của trang này là mình mất 10% phí cho họ trên mỗi dự án.
Quy trình tìm việc làm freelancer IT trên Upwok cũng rất dễ dàng. Bạn vào Upwork và tìm công việc phù hợp với các kỹ năng của mình, rồi soạn một “CV” để thể hiện những kỹ năng đáp ứng được yêu cầu công việc mà khách hàng nêu ra.
Khi khách hàng phản hồi thì mình trao đổi yêu cầu công việc, chi phí, thời gian, rồi mình bắt tay vào làm, đến hẹn thì giao sản phẩm và nhận tiền.
Lời khuyên dành cho những bạn muốn tìm việc làm freelancer IT
Kỹ năng giao tiếp vô cùng quan trọng
Giao tiếp quyết định 70% thành công của dự án. Đây là kỹ năng quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự thành công của một freelancer lập trình nên anh Khanh khuyên rằng các bạn cần cải thiện kỹ năng giao tiếp.
Khi nhận yêu cầu khách hàng thì phải HỎI lại mọi thứ có trong yêu cầu đó để xác nhận chính xác hành động nào mình cần phải làm.
Nếu có bất cứ điều gì mình muốn thay đổi trong quá trình làm thì cũng trao đổi với khách hàng để nhận được sự đồng ý của họ trước khi làm.
Một dự án thành công phải dựa trên giao tiếp hai chiều. Nếu mình giao tiếp tốt mà khách hàng giao tiếp không tốt, không nói rõ được ý họ muốn gì thì dự án cũng không thành công.
Lúc anh mới làm freelancer IT, có một khách hàng giao cho anh một ticket nhưng phần nội dung công việc mô tả vô cùng ngắn gọn.
Do chưa có kinh nghiệm, nên anh đọc rồi cứ cho rằng suy nghĩ của mình chính là cái mà khách hàng muốn.
Đến khi giao sản phẩm, khách hàng bảo ý họ không phải vậy. Lúc đó, anh phải nói chuyện rất lâu với khách hàng để xác định lại yêu cầu của họ, và làm lại sản phẩm từ đầu, không tính thêm tiền.
Anh Khanh học được một bài học đắt giá là khi nhận yêu cầu công việc, mình phải xác nhận lại từng yêu cầu nhỏ trong bảng mô tả công việc và xác nhận chính xác từng hành động mình sẽ làm để hoàn thành dự án. Nếu khách hàng đồng ý thì mình làm.
Ngoài ra, việc trao đổi này cần được ghi nhận lại, ví dụ thông qua email, Skype chat… để sau này nếu cần thiết thì sẽ có bằng chứng rõ ràng. Sau khi trao đổi mọi thứ thì nên tóm tắt trong một email và gửi cho khách hàng xác nhận.
Xem thêm: Giao tiếp tồi phá hủy sự nghiệp Project Manager
Hãy giữ mối quan hệ lâu dài với khách hàng
Việc khách hàng quay lại tìm mình là thước đo thể hiện mình có làm việc tốt hay không nên hãy cố gắng làm việc lâu dài với một khách hàng cho nhiều dự án. Điều này sẽ tốt cho profile của bạn.
Để giữ mối quan hệ với họ thì cách tốt nhất là bạn hãy làm việc thật trung thực và chuyên nghiệp.
Trước khi giao tiếp với khách hàng, anh Khánh sẽ dành nhiều thời gian tìm hiểu sản phẩm của họ, lĩnh vực họ kinh doanh, công nghệ họ đang cần. Điều này giúp anh tăng khả năng nhận được dự án, vì khách hàng thấy được sự đầu tư và chuyên nghiệp của mình đối với dự án.
Nhận được dự án từ khách hàng là cả quá trình, vì khách hàng cần xác định kỹ năng của mình có phù hợp với dự án không, sự am hiểu của mình về lĩnh vực mà dự án đang làm đến đâu.
Anh có một khách hàng làm chung được khoảng ba năm. Họ có hiểu biết về kỹ thuật và có khả năng giao tiếp, truyền đạt yêu cầu rất tốt. Đây cũng là kiểu khách hàng mà anh thích làm việc chung nhất.
Nên biết cách “tiếp thị bản thân”
Làm tốt công việc của mình chính là cách tiếp thị bản thân tốt nhất. Khi bạn làm freelance thì nên đầu tư một website cá nhân để đưa thông tin những dự án mình từng làm, kỹ năng mình có, và để khách hàng liên hệ với mình.
Ngoài ra còn một cách để tự quảng bá bản thân mình nữa chính là đóng góp cho cộng đồng, ví dụ như viết một thư viện cho mọi người dùng. Lợi ích của việc đóng góp cho cộng đồng là mình sẽ nhận được tín nhiệm từ nhiều người, trong đó có cả khách hàng.
Nên chọn tập trung phát triển chuyên sâu một ngôn ngữ
Theo quan điểm cá nhân của anh Khanh, chỉ cần biết sâu một ngôn ngữ thì cơ hội nghề nghiệp nói chung và freelance nói riêng là rất rộng mở. Vì càng có nhiều kinh nghiệm, khả năng giải quyết vấn đề nhanh chóng càng cao, tránh được nhiều bug, nâng cao được sự hài lòng của khách hàng.
Ngôn ngữ lập trình chính của anh Khanh là Ruby on Rails. Anh chia sẻ rằng anh chọn Ruby on Rails thứ nhất là vì nó gần gũi với ngôn ngữ tự nhiên và dễ tìm hiểu.
Từ khi bắt đầu cho đến giờ, anh thường xuyên học hỏi Ruby on Rails tại các website sau:
Lý do thứ hai là khoảng thời gian anh bắt đầu đi làm, Ruby dev rất hiếm, chọn Ruby cho anh cơ hội kiếm thu nhập cao hơn.
Cuối cùng, anh nghĩ chi phí phát triển sản phẩm bằng Ruby thấp nên xu hướng khách hàng chọn để làm các dự án startup sẽ là Ruby.
Freelancer IT trong ngành nói gì?
Đừng nhận tất cả mọi việc làm freelancer
Anh Khanh kể về sai lầm mà anh nghĩ những ai đang làm freelancer IT đều từng mắc phải đó là nhận nhiều dự án cùng lúc và nghĩ mình có thể làm tốt tất cả.
Lúc đó, anh bị quá tải, dẫn đến chất lượng sản phẩm giao cho khách hàng không tốt. Cá nhân anh còn có dấu hiệu kiệt sức, suy nhược.
Vì khách hàng không hài lòng với sản phẩm, nên anh phải nhận đánh giá không tốt của khách hàng trên profile của anh.
Đó là một hậu quả nghiêm trọng, vì nếu nhận quá nhiều đánh giá không tốt từ khách hàng, tài khoản của anh trên Upwork có thể bị khoá luôn.
Từ đó, anh Khanh rút kinh nghiệm cho bản thân là sẽ không nhận nhiều dự án cùng lúc nữa. Đối với anh, thời gian được phân bổ tốt nhất là mỗi ngày, anh dành 6-7 giờ cho công việc và 2-3 giờ để phát triển bản thân.
Phát triển bản thân ở đây bao gồm học hỏi những công nghệ mới trong phạm vi công việc của mình.
Ví dụ mỗi ngày đều có nhiều công nghệ mới ra đời liên quan đến Rails mà anh không thể đọc ngay được. Vì vậy, anh sử dụng Thunderbird với công nghệ RSS để sưu tập những bài viết hay lại rồi cuối ngày hay khi có thời gian thì anh đọc.
Cách “định giá” khi nhận việc làm freelancer IT
Anh Khanh chia sẻ rằng anh định giá việc làm freelancer dựa trên độ phức tạp của dự án mà anh ước tính, theo các dạng sau:
-
Giá cố định
-
Theo giờ
Về giá trên mỗi giờ thì thông thường các bạn freelancer lập trình định giá dựa vào kinh nghiệm, khả năng của mình. Các bạn cũng có thể tham khảo profile của những anh/chị freelancer IT khác trên Upwork rồi “định giá” cho bản thân mình.
Anh thường nhận dự án trả theo giờ. Anh xem dự án đó độ lớn bao nhiêu, cần làm những task gì rồi ước chừng thời gian có thể hoàn thành công việc.
Mức giá thông thường cho 1 giờ làm việc của anh là khoảng $27.
Nếu thấy dự án khó quá mà mình cần bỏ nhiều công sức hơn thì cứ thương lượng mức giá cao hơn.
Có nên “giảm giá” khi khách thương lượng giá cả?
Trong quá trình làm freelancer IT, ắt hẳn ai cũng đã từng gặp trường hợp khách hàng muốn thương lượng mức giá thấp hơn. Vì bản chất khách hàng tìm freelance là những người có ngân sách thấp, họ muốn giảm chi phí cho nhân sự cố định.
Để thuyết phục họ thì anh Khanh cho rằng cách tốt nhất là hãy trình bày CV thật đẹp.
Cho họ thấy là anh có nhiều năm kinh nghiệm, tốc độ làm việc nhanh, nhận được nhiều phản hồi tốt từ khách hàng.
Đó là những thứ mà anh đã trình bày trong CV của mình. Anh chỉ lặp lại, nhấn mạnh ưu điểm của mình để thuyết phục rằng số tiền họ bỏ ra là xứng đáng.
Cũng có trường hợp khách hàng có ý tưởng sản phẩm tốt, phục vụ cho cộng đồng thì anh Khanh vẫn sẵn sàng giảm giá.
Ví dụ lúc trước anh có làm việc với khách hàng có ý tưởng website giống Foody bây giờ, giúp giới thiệu địa điểm ăn uống và thực khách có thể tham gia đánh giá, bình luận.
Lúc đó anh đã giảm giá, vì anh nghĩ dự án này thành công thì sẽ phục vụ được cho cộng đồng người đam mê ẩm thực Việt Nam.
Tiểu sử:
Anh Nguyễn Việt Nam Khanh tốt nghiệp ĐH Nông Lâm ngành CNTT năm 2007. Sau khi ra trường, anh làm cho Techfos – một công ty làm sản phẩm giống Nhóm Mua cho công ty mẹ ở Mỹ, trong ba năm.
Đến năm 2010, anh chuyển sang Agnus VietNam. Làm được một năm thì anh chuyển sang làm freelancer đến nay.
Nếu bạn nghĩ những chia sẻ này có thể giúp ích cho bạn bè hoặc đồng nghiệp, đừng quên nhấn nút Share bên dưới nhé!
Xem việc làm Remote Developer tại ITviec