Lâm Đồng có gì?
Lâm Đồng, vùng đất Nam Tây Nguyên nhiều hứa hẹn, nằm ở độ cao trung bình từ 800 – 1000m so với mặt nước biển. Với diện tích tự nhiên 9.765 km2, Lâm Đồng nằm trên ba cao nguyên và là khu vực đầu nguồn của 7 hệ thống sông suối lớn. Với khí hậu ôn đới quanh năm mát mẻ cùng với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, hàng năm Lâm Đồng thu hút một lượng lớn du khách tới đây du lịch, tham quan và nghỉ dưỡng. Lâm Đồng có gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm di tích, thắng cảnh đẹp tại Lâm Đồng trong bài viết sau đây nhé.
2
Hồ Xuân Hương – Lâm Đồng
“Quanh co hồ nước gợn hoa văn
Nghe động càn khôn ngọn bút thần
Đà Lạt em – vừa tròn thế kỷ
Xuân Hương tranh sáng với sao trăng”
Đấy là những câu thơ mà tác giả Trinh Đường đã phác họa nên Hồ Xuân Hương với vẻ đẹp lãng mạn. Hầu hết các du khách đặt chân đến Đà Lạt đều đưa Hồ Xuân Hương vào hành trình của chuyến đi một trong những địa điểm du lịch ở Lâm Đồng không thể không nhắc đến và ghé thăm.
Hồ Xuân Hương tọa lạc ở trung tâm và được xem là trái tim của thành phố Đà Lạt. Xung quanh hồ có nhiều kiến trúc độc đáo có giá trị nghệ thuật như khách sạn Dalat Palace, khách sạn Công Đoàn, nhà hàng Thanh Thủy, nhà hàng Thủy Tạ, v.v… Du khách có thể đi bộ, thuê xe đạp đôi hoặc pedalo để thư giãn vòng quanh hồ Xuân Hương. Hồ Xuân Hương được công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia vào năm 1988.
Vào mùa xuân mùa hoa Mai Anh Đào nở rộ đem theo sự tinh tế khí sắc của trời đất, hai bên Hồ Xuân Hương rực rỡ sắc hồng. Một gam màu ấm nóng của Mai Anh Đào đã xua tan đi hơi lạnh của mùa đông còn sót lại. Thời điểm này, du khách đến hồ rất đông để ngắm cảnh, thong dong đi dạo trên đường từng cơn gió như mơn man len lỏi vào từng kẽ lá, nhành hoa. Mặt hồ gợn sóng, lung linh phản chiếu những tia nắng vàng buổi sớm làm cho khung cảnh thêm phần hư ảo.
Đến Hồ Xuân Hương điểm tham quan Đà Lạt mang đến phong cảnh hữu tình làm cho những cặp đôi thêm sự gắn kết. Du khách có thể đi trên cỗ xe ngựa được trang hoàng lộng lẫy vừa trò chuyện vừa chụp ảnh, hưởng thụ cảm giác yên bình, tránh khỏi những xô bồ cuộc sống và đi qua các điểm nổi bật của thành phố như: công viên Yersin, vườn hoa thành phố, Đồi Cù. Buổi chiều khi ráng chiều đỏ rực, tia nắng cuối ngày dần mất những giây phút huy hoàng của ánh mặt trời đang nhường chỗ cho màn đêm.
Khi về đêm Hồ Xuân Hương cũng rộn ràng không kém các quán vỉa hè hoạt động tấp nập, hơn hết là khu cho thuê xe đạp đôi luôn đắt khách. Những cặp đôi, bạn bè, đoàn du lịch đều muốn thưởng ngoạn cảnh đẹp của hồ khi về đêm. Tiếng nói chuyện, tiếng cười đùa vui làm cho không gian hồ luôn náo nhiệt. Để đi hết 1 vòng hồ dưới hình thức vãn cảnh chỉ mất khoảng 45 phút. Nhìn đôi mắt ánh lên hạnh phúc, cùng nhau sánh bước điều đó cho thấy cảnh đẹp Hồ Xuân Hương đã chinh phục hoàn toàn du khách.
3
Hồ Tuyền Lâm – Lâm Đồng
Hồ Tuyền Lâm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 6km về phía nam, ngay bên dưới Thiền Viện Trúc Lâm có khí hậu trong lành, không gian yên tĩnh, cảnh quan tự nhiên (rừng, núi, hồ, suối, thác,…) đa dạng, quyến rũ và có nhiều yếu tố nhân văn hấp dẫn, hứa hẹn trở thành khu du lịch ở Đà lạt có quy mô lớn với nhiều loại hình du lịch đặc sắc như: tham quan thắng cảnh, cắm trại, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, đi bộ, leo núi, câu cá, thăm căn cứ cách mạng, lễ hội – tín ngưỡng, vui chơi giải trí, thể thao,… đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái.
Được mẹ thiên nhiên và núi rừng ưu ái. Hồ Tuyền Lâm mang một vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ. Mà không phải một hồ nước nào cũng có được. Nhìn thì chắc ít ai biết được đây là một hồ nước nhân tạo. Nhưng đúng là như vậy hồ nước này được hình thành nhân tạo.
Vào thập niên 30, hồ nước được bao bọc và che chở bởi ngọn núi Voi. Hùng vĩ và hiên ngang bên dưới là dòng suối tía rất đỗi thơ mộng. Hồ Tuyền Lâm được một người nông dân người pháp tìm thấy. Người khai phá khu vật này đó chính là ông Farraut.
Trong thời kỳ kháng chiến chống mỹ. Quanh khu vật hồ Tuyền Lâm này là một căn cứ bí mật. Trong kháng chiến cách mạng của của nước ta khi xưa. Nơi đây lúc trước được gọi là khu suối tía (hoặc khu Quang Trung ).
Từ năm 1982 đến năm 1987, Ty Thuỷ lợi Lâm Đồng, được Bộ Thuỷ lợi đầu tư, đã xây dựng một đập nước dài 235m chắn ngang suối Tía (Da Trea) tạo thành hồ Quang Trung, về sau đổi tên là hồ Tuyền Lâm (tuyền: suối, lâm: rừng) Ngày 30-8-1998, Bộ Văn hoá – Thông tin ra Quyết định số 1811/QĐ/BT công nhận hồ Tuyền Lâm là Di tích Lịch sử – Văn hoá.
Hồ Tuyền Lâm có diện tích hơn 350ha, độ sâu có nơi trên 30m. Nước hồ chảy qua một đập tràn 6 bậc và cung cấp nước tưới cho vùng đất dưới chân khu du lịch thác Prenn (huyện Đức Trọng) vào mùa khô. Vào ngày 15/2/2017 hồ Tuyền Lâm đã được công nhận là thắng cảnh Quốc Gia.
4
Hồ Than Thở – Lâm Đồng
Tọa lạc tại phía đông thành phố Đà Lạt, ven đường Hồ Xuân Hương, cách trung tâm thành phố khoảng 5,8 km. Từ xa xưa, vùng hồ Than Thở ngày nay là một vùng đầm lầy. Vào năm 1937, người Pháp đắp đập ngăn dòng suối Cam Ly, xây dựng hồ chứa nước rộng 8,5ha cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt.
Người dân sinh sống lâu năm vẫn thường gọi hồ Than Thở với cái tên Sương Mai bởi vào mỗi buổi sáng sớm, nơi mặt hồ ấy cứ bảng lảng những làn sương khói mờ ảo như mang theo những lời thì thầm của ngàn xưa.
Vào thời kì người Pháp phát hiện ra Đà Lạt, nơi đây còn hoang vu lắm, chỉ có tiếng gió rì rào qua các kẽ lá tựa như bản nhạc không lời buồn đến da diết, thê lương nên người Pháp đặt cho hồ là Lacdes Soupirs với ý nghĩa là tiếng rì rào, than thở. Lời than thở ấy là của trời đất, của thiên nhiên, của lòng người đầy vướng bận, là lời đồng vọng của quá khứ, thấm nhuần trong hiện tại và tương lai.
Phía bắc hồ Than Thở – cảnh Đà Lạt huyền thoại ấy là một đồi thông ngút ngàn, các cây được trồng thưa, cao xấp xỉ nhau nhưng đặc biệt hơn là cái tên “Đồi thông hai mộ”. Chính địa danh ấy đã phủ lên hồ Than Thở không gian đậm màu kí ức.
Trước đây, hồ Than Thở vốn chỉ là một hồ nước tự nhiên đơn thuần, dược người Pháp sử dụng làm đập chứa nước, dần dần hồ Than Thở trở thành một cảnh đẹp ở Đà Lạt không thể thiếu của mảnh đất cao nguyên này.
Đến với hồ Than Thở là đến với một không gian ngập tràn sắc xanh của những thảm cỏ tự nhiên xanh mướt, trải dài vô tận, hòa quyện trong bản giao hưởng màu sắc của những loài hoa xứ lạnh, trong ánh nắng nhàn nhạt, trong sắc lóng lánh của mặt hồ xao động…tất cả đều lắng đọng lại trong tâm hồn mỗi người từng đặt chân đến đây.
5
Hồ Suối Vàng – Dankia – Lâm Đồng
Hồ suối Vàng – Dankia là một trong những địa điểm du lịch Đà Lạt mà khi dừng chân tại đây bạn không thể không đến. Nơi đây có khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, hồ nước, rừng thông và núi đồi rất thơ mộng, trữ tình. Địa điểm du lịch này với tên gọi khá đặc biệt khơi gợi cho bạn trí tò mò muốn khám phá chỉ nằm cách trung tâm Đà Lạt 20km về phía Bắc thuộc địa bàn xã Lát, huyện Lạc Dương.
Hồ suối Vàng – Dankia gồm hai hồ Dankia ở phía trên và hồ Ankroet ở phía dưới được xây dựng năm 1942, có diện tích khoảng 245ha với dung tích 21 triệu m3 nhằm phục vụ cho nhà máy thủy điện Ankroet. Ngày nay, hồ Suối Vàng – Dankia trở thành hồ nước ngọt lớn nhất thành phố. Đây còn là nơi cung cấp nước sinh hoạt chính cho toàn thành phố Đà Lạt.
Nguồn nước dồi dào của hồ Dankia – suối Vàng có được nhờ nguồn từ nước sông Đạ Đờng (hay là Đa Dâng, Da Deung và ở hạ lưu gọi là sông Đồng Nai) bắt nguồn gần đỉnh núi Chư Yan Kao (cao 2006m) thuộc xã Đạ Long, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Sau khi hợp lưu với suối Da Lien Deur ở phía tả ngạn, đổ vào hồ Dankia (Đăng Kia, Dangkia, Dankir, Đankia) rộng 2,2km2 và hồ Ankroet) rộng 0,28km2, rồi từ đó xuôi vào Nam.
Hồ Suối Vàng – Dankia một trong những địa điểm du lịch ở Đà Lạt thu hút nhiều du khách bởi vẻ đẹp thơ mộng, lãng mạn. Từ trên đỉnh núi đỉnh núi Radar (cao 1950m thuộc khu du lịch LangBiang), du khách sẽ cảm nhận được hồ Suối Vàng – Dankia tràn đầy nhựa sống của một thiếu nữ dựa lưng vào đồi thông xanh kéo dài vô tận. Phía dưới chân núi, mặt hồ êm đềm uốn lượn quanh chân đồi xanh mướt cỏ cây hay băng qua những cánh đồng đầy màu sắc của hoa và rau quả xứ lạnh.
Đền gần khu vực hồ, du khách sẽ được tận mắt ngắm không gian mênh mông, tĩnh lặng của mặt hồ. Đặc biệt là vào buổi tinh mơ trước lúc mặt trời thức dậy, phía xa xa là màn sương khói mờ ảo vắt qua những dãy núi, cùng rặng thông xanh bao la.
Lại gần chút nữa, khách tham quan cũng thấy cả màn sương mờ bao phủ kín mặt hồ hay những giọt sương mai đọng lại trên cỏ hoa mềm mại quanh hồ. Khung cảnh tuyệt đẹp này mang đến cho bạn cảm giác như lạc vào xứ sở thần tiên. Hồ Suối Vàng – Dankia xứng đáng là một địa điểm du lịch hấp dẫn vô cùng.
Đến với hồ Suối Vàng – Đankia, du khách sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành, không bị ô nhiễm bởi hoạt động của chốn đô thị ồn ào, bụi bặm và được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên rất thoải mái và thoáng đãng. Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm những thú vui quanh hồ như: cưỡi ngựa, câu cá giữa hồ, đi thuyền du lịch hồ, cắm trại…
Với những cảnh đẹp lãng mạn, tràn đầy sức sống, hồ suối Vàng – Đankia không chỉ là địa điểm du lịch ở Đà Lạt mà còn là địa điểm picnic lý tưởng dành cho người dân địa phương vào mỗi dịp cuối tuần.
6
Hồ Đại Ninh – Lâm Đồng
Nằm giữa vùng đất sương mù của xứ sở cao nguyên đầy gió lạnh, hồ Đại Ninh được ví như nàng tiên kiều diễm mang nhiều nét đẹp huyền bí đầy mê hoặc với những ai thích khám phá. Cơn gió se se lạnh phảng phất trong sương mai hòa quyện vào ánh nắng chiếu rọi xuống lòng hồ Đại Ninh tạo nên những thước phim ánh sáng tuyệt mĩ khiến cho du khách không khỏi trầm trồ. Có dịp đến với núi rừng nơi đây, du khách nên dừng chân ghé lại Đại Ninh, Đức Trọng một lần để chiêm ngưỡng cảnh sắc bồng bềnh chốn bồng lai trữ tình này.
Hồ Đại Ninh yên vị tại xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) trong dự án hồ thủy điện Đại Ninh thuộc khu vực sông Đồng Nai để cung cấp nước về cho Bình Thuận. Là dự án lớn nằm trên cả 3 tỉnh nhưng có lẽ chỉ với không khí lạnh của cao nguyên, hồ Đại Ninh ở Đức Trọng mới được xem là tuyệt tác. Hồ Đại Ninh cách thành phố ngàn hoa Đà Lạt chừng 50km theo hướng về Bảo Lộc, cạnh quốc lộ 20.
Cảnh sắc hồ Đại Ninh đẹp nhất vào buổi sớm mai, khi làn sương mờ còn phủ kín bao trùm lên cả không gian Đại Ninh. Những cây khô giữa lòng hồ hiện ra trơ trọi mang đến cảm giác vừa lạ mắt vừa huyền bí như lạc vào xứ sở của những câu chuyện cổ tích xa xưa. Nước càng xuống thì tàng cây khô lại hiện lên nhiều và rõ nét hơn, như một điểm nhấn quan trọng không thể thiếu tạo nên nét hấp dẫn của hồ Đại Ninh. Ánh trăng còn treo đâu đó lơ lửng trên nền trời, như chiếu rọi xuống cả lòng hồ Đại Ninh hư hư thực thực.
Ngoài ngắm cảnh, thú vui lớn nhất không thể bỏ qua khi đến tham quan hồ Đại Ninh chính là câu cá, cá ở đây rất nhiều, chính vì vậy mà thú vui tao nhã này được nhiều du khách yêu thích. Chỉ cần chọn một góc nào đó của hồ Đại Ninh, du khách có thể nhẹ nhàng buông cần thể hiện trình độ của mình. Sau khi đã có được thành quả, du khách có thể tìm kiếm những cành cây khô rải rác quanh hồ tự thưởng cho mình hương vị cá nướng thơm nồng tươi ngon ngay trên bờ.
Nếu ở lại hồ Đại Ninh tới lúc chiều tà, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mặt hồ khi hoàng hôn buông. Những tia nắng cuối cùng chiếu xuống mặt hồ, nhuộm thành màu đỏ tím, ánh lên cả những nhành cây khô, đẹp không lời nào tả xiết.
7
Thác Bảo Đại – Jraiblian – Lâm Đồng
Tọa lạc trên đỉnh một ngọn đồi cao thuộc xã Tà In, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, thác Bảo Đại là một trong những ngọn thác cao, lớn và đẹp của tỉnh Lâm Đồng, nằm ẩn mình giữa núi rừng Tà In thanh vắng, cách Đà Lạt 70km, là khu vực sinh sống của nhiều dân tộc đồng bào, cũng như diễn ra các hoạt động nông nghiệp khá xa với vùng trung tâm. Người đến tham quan thác phần lớn là dân cư quanh vùng này. Đây là dòng thác xưa nay ít ai đặt chân đến, rất hoang vu và đầy bí ẩn nên nó còn có một tên gọi khác là thác Hoang.
Có thể nói, thác Bảo Đại là một vẻ đẹp tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất cằn cỗi này. Chỉ cần đứng cách thác Bảo Đại khoảng 3km, du khách đã có thể nghe thấy tiếng ì ầm vang dội của dòng thác mang tên vị vua cuối cùng của Việt Nam.
Vào thời kỳ Đà Lạt là vùng đất Hoàng triều cương thổ (thập niên 1950), trong những chuyến đi săn,vua Bảo Đại (vị vua cuối cùng của Việt Nam) đã đặt chân đến dòng thác này, nên có người gọi đây là thác Bảo Đại.
Thác Đá Cao không hề thua kém thác Pongour hay Gouga về tầm vóc và chiều cao và còn giữ được nét hoang sơ tựa như thác Voi. Quanh thác là những vách đá ngoằn ngoèo, tạo thành các khe tựa như hang động khá hấp dẫn.
Hệ thực vật nơi đây được đánh giá rất phong phú và được gìn giữ tương đối nguyên vẹn. Địa thế của thác có thể tổ chức những tour du lịch cắm trại, dã ngoại thuận lợi… Hiện khu vực thác đang được doanh nghiệp du lịch đầu tư, chỉnh sửa tôn tạo đường xuống thác, xây dựng nhà nghỉ chân, vườn đá… Dự kiến đến năm 2011 sẽ đưa vào khai thác kinh doanh.
Thác Bảo Đại được công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia tại QĐ số 06/2000/QĐ-BVHTT ngày 13/04/2000 của Bộ Văn Hóa Thông Tin. Từ đường Đại Ninh – Lương Sơn (Ngã ba QL20 – Đại Ninh) rẽ vào 9km gặp trạm Công an, rẽ trái 3km là khu thác Bảo Đại.Thường ngày, ngoài bản hòa tấu hùng hồn của tiếng thác đổ quyện cùng tiếng chim muôn, thác hoang vu, lặng lẽ. Thế nhưng, không hiểu vì sao và từ lúc nào mà rất nhiều thế hệ người dân tộc Chu Ru trong vùng, cứ đến ngày mồng 2 Tết lại quần tụ về thác tổ chức vui chơi. Thác Bảo Đại ngày nay là điểm đến thu hút những du khách yêu thiên nhiên và ưa khám phá.
Với diện tích mặt hồ tính từ 3 cột thác đổ (gần 20ha) trải liền với mặt hồ thủy điện Đại Ninh 2.600ha, thác Bảo Đại là một trong những điểm du lịch sinh thái trữ tình, thơ mộng, lại vừa thích hợp với nhiều hoạt động du lịch khám phá, các trò chơi cảm giác mạnh như bơi xuồng cazac thám hiểm theo dòng nước, bơi xuyên thác, bơi quanh chân thác, bơi xuồng trên lòng hồ Đại Ninh,… Đến thăm, thưởng ngoạn thác Bảo Đại, du khách được hòa mình với thiên nhiên hoang dã của một trong những vùng núi rừng sinh động nhất Việt Nam
8
Thác Datanla – Lâm Đồng
Thác Datanla là một ngọn thác còn khá hoang sơ, tọa lạc giữa đèo Prenn cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 5km về hướng Nam. Đến đây bạn sẽ được hòa mình với thiên nhiên hoang dã, được trải nghiệm cảm giác lướt cùng xe trượt giữa rừng thông và hoa cỏ nơi đây.
Thác Datanla là một ngọn thác đổ từ một ghềnh đá cao khoảng 20m xuống một vực sâu, tạo nên khung cảnh thơ mộng và hũng vĩ. Thượng nguồn của con suối chảy về thác Datanla Đà Lạt là hồ Tuyền Lâm, chính vì vậy nguồn nước đổ về thác Datanla quanh năm ổn định.
Theo những người dân bản địa K’Ho sinh sống ở đây kể lại, ngày xưa vùng đất này thường xảy ra các cuộc chiến tranh giữa quân xâm lược là người Chăm Pa ở khu vực Ninh Thuận – Bình Thuận hiện nay và đội quân bảo vệ buôn làng là người K’Ho bản địa. Khi cuộc chiến đã trở nên ác liệt, những cánh quân của người K”ho đã sắp thua trận thì nhờ vào vực sâu dưới lòng thác Datanla này đã bảo vệ được một cánh quân lánh nạn, bảo toàn được lực lượng. Dòng nước của ngọn thác này xưa kia chảy xuyển dưới các tán lá rừng, nên rất ít người phát hiện ra bên dưới vực sâu có một dòng suối lớn, nước chảy quanh năm. Người K’Ho nơi đây đặt tên cho dòng suối và ngọn thác là Datanla có nghĩa là “Nước dưới lá” để nhớ về một dòng suối đã cứu sống buôn làng của mình trước đội quân xâm chiếm.
Hiện nay thác Datanla được công ty cổ phần dịch vụ du lịch Lâm Đồng đầu tư nâng cấp trở thành một điểm tham quan hấp dẫn bật nhất tại Đà Lạt hiện nay. Từ cổng khu du lịch thác Datanla Đà Lạt, du khách có thể đi bộ men theo con đường lát đá dài khoảng 500m để xuống dưới chân ngọn thác Datanla xinh đẹp, hoặc có thể sử dụng hệ thống xe máng trượt Datanla với giá 50 000đ/1 người lớn và 30 000đ/ trẻ em để xuống khu vực chân thác. Hệ thống máng trượt dài khoảng 1km, uốn lượn quanh rừng thông và các luốn hoa tươi sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời đáng nhớ trong chuyến du lịch Đà Lạt của mình.
9
Thác Cam Ly – Lâm Đồng
Thác Cam Ly – địa điểm tham quan Đà Lạt nổi tiếng nằm ở vị trí kề bên trung tâm của thành phố Đà Lạt, từ khu Hoà Bình đến thác chỉ mất khoảng 2,2 km. Nằm ngay trên dòng suối Cẩm Lệ xinh đẹp, Thác Cam Ly được hình thành nhờ một dòng suối đổ vào hồ Xuân Hương phía bắc và một dòng suối khác ở phía nam từ hồ chảy ra.
Vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn tung bọt trắng xoá như nụ cười của thiếu nữ đang bộc lộ tâm tư vui mừng chào đón những vị khách du lịch khi đến tham quan thác. Vào mùa khô, thác ít nước để lộ ra những tảng đá lớn như những người vệ sĩ cơ bắp trung thành vẫn nằm đó từ bao năm tháng để góp phần vào sự kì vĩ của thác.
Đến với thác Cam Ly, du khách sẽ nghe được tiếng róc rách của dòng suối hoà cùng tiếng chim hót líu lo tạo nên một bản giao hưởng thú vị mà chỉ có ở nơi đây, khoảnh khắc thả mình vào khoảng không bao la khiến con người ta cảm thất như được chở che, bao bọc bởi thiên nhiên hùng vĩ của điểm đến Đà Lạt.
Xung quanh thác Cam Ly – địa điểm đẹp ở Đà Lạt có dựng những lều tranh giản dị, đơn sơ để du khách nghỉ chân, một thú vui khá đặc biệt là du khách có thể vừa nghỉ chân nhâm nhi ngụm nước vừa đưa ánh mắt ngắm nhìn những hạt nước trong vắt tươi mát bắn ra từ thác trông thật lung linh, huyền ảo như những hạt thuỷ tinh dưới ánh mặt trời.
Theo dòng thời gian, vẻ đẹp của bức tranh phong thuỷ hữu tình thác Cam Ly không chỉ là nơi đến hấp dẫn cho du khách yêu cái đẹp trong nước và ngoài nước mà nó còn trở thành cảm hứng đi vào những tác phẩm văn học, thơ ca, bài hát có giá trị thẩm mỹ, mà cái đẹp của Thác Cam Ly còn khiến cho biết bao tâm hồn thanh khiết, du ngoạn, lánh đời cũng phải rung động, yêu mến.
10
Thác Prenn – Lâm Đồng
Chỉ nằm cách trung tâm thành phố 10km về phía Nam, thác Prenn nằm ngay dưới chân đèo Prenn. Sở hữu một vị trí đắc địa là ở cửa ngõ đi vào thành phố, thác Prenn là địa điểm đón đầu khách du lịch khi ghé thăm Đà Lạt. Vì vậy, thác Prenn đã được khai thác hiệu quả và hiện đang thuộc khu du lịch thác Prenn rất hấp dẫn du khách.
Theo truyền thuyết mà các già làng kể lại thì thác có tên gọi trên là xuất phát từ tiếng K’Ho đầu tiên có tên gọi Prềnh – có nghĩa là Cà đắng, sau người dân đọc trại thành Prenn.
Bằng chứng là ngày nay, ở khu vực thượng nguồn của thác, dọc hai bên bờ suối vẫn còn rất nhiều cây Cà đắng mọc hoang. Loại cà này có trái nhỏ và tròn như cà pháo nhưng vỏ xanh và có điểm nhiều chấm trắng, khi chín có màu vàng.
Ngày xưa người dân tộc đem chế biến và ăn có vị đắng rất ngon. Còn theo các nhà dân tộc học thì tên của thác nước này, lại xuất phát từ tiếng Chăm. Prenn có nghĩa là vùng lấn chiếm.
Tên gọi này xuất phát từ cuộc chiến tranh khá dai dẳng của các bộ tộc người thiểu số sống trên vùng đất này để chống lại những lần “Tây tiến” của người Chăm ở Panduranga (Ninh Thuận) vào thế kỷ 17, và người dân địa phương lấy tên này đặt tên cho thác nước hùng vĩ quanh năm nước chảy tạo sương trắng bảng lảng cả một vùng và từ đó thác có tên gọi Prenn.
Ngày nay, thác Prenn đã được bộ VH-TT công nhận và cấp bằng di tích lịch sử văn hoá quốc gia (năm 2000). Trong vài năm gần đây, thác được tôn tạo và mở cửa đón khách Du lịch Đà Lạt bằng nhiều loại hình du lịch thác như đi cáp treo ấn tượng, bơi thuyền, đi cầu treo… Đặc biệt trong năm 2002, đơn vị quản lý đã đầu tư xây dựng đền thờ Ân Lạc trên đỉnh núi cao nhìn xuống thác.
Đường lên đền thờ Âu Lạc được xây dựng bằng bê tông theo dạng bậc tam cấp. Biểu tượng Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơđược tạc ngay trước đền Thượng (đền trung và đền hạ sắp xây dựng), còn biểu tượng 100 quả trứng là 100 hòn đá cuội (có hòn nặng trên một tấn) được vận chuyển từ Ninh Thuận về dùng xe cẩu đưa lên đền một cách cẩn trọng và khá công phu. Có thể nói thác Prenn là điểm nhấn đầu tiên của du khách trên bước đường khám phá thiên nhiên hoang dã Đà Lạt.
11
Thác Damb’ri – Lâm Đồng
Đambri là một thác nước đẹp nằm ở xã Đambri Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam. Cách thành phố Bảo Lộc khoảng 17km. Thác Đambri có độ cao 60m là một thác rất hùng vĩ, nằm giữ khu rừng nguyên sinh hoang sơ có nhiều cây cổ thụ ngàn năm tuổi và động thực vật quý hiếm. Thác được thiên nhiên ban tặng không khí mát mẻ quanh năm, với dòng nước khổng lồ đổ xuống tạo nên bọt nước trắng xóa thật huyền bí và hùng vĩ. Đây là thác nước cao nhất ở Lâm Đồng.
Với phương châm tôn trọng và giữ gìn thiên nhiên, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng thỏa mãn nhu cầu đa dạng của du khách. Trong những năm qua, Công ty Cp du lịch Đamb’ri đã tập trung đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; Đồng thời đầu tư một số dịch vụ vui chơi giải trí hiện đại, mới lạ hấp dẫn; Xây dựng và mở rộng khách sạn – nhà hàng Damb’ri đạt tiêu chuẩn 2 sao phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách; Ngoài ra đến với khu du lịch Đamb’ri, du khách còn được tham quan:
Rừng nguyên sinh Damb’ri bao gồm hàng trăm loài thực vật đặc thù của vùng nhiệt đới với những cây cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm, to đến 3 – 4 người ôm không xuể.
Thác nước Damb’ri là thác chính nằm ngay trung tâm Khu du lịch với chiều cao 57m, mặt thác rộng gần 30m. Đây là thác nước cao nhất ở Lâm Đồng, và các thác phụ như: Thác Dasara (Đạ Sa – ra), Thác Daton (Đạ Tồn)…
Khu hang động cây hóa thạch nằm dưới tầng ba của thác Damb’ri, Khu Vườn Thú – Đảo Khỉ, hay Đồi Cù – Đồi Sim rộng 150ha và thăm làng dân tộc người Mạ “Một thoáng Tây Nguyên” Bằng các phương tiện, như: cưỡi voi, xe điện, thang máy. Đặc biệt là hệ thống máng trượt dài nhất Đông Nam Á.
12
Thác Pongour – Lâm Đồng
Thác Pongour Đà Lạt còn có tên là thác 7 tầng do ngọn thác đổ qua 7 bậc ghềnh đá. Nơi đây được du khách đánh giá là “Nam thiên đệ nhất thác” (thác nước đẹp nhất nước Nam) bởi cảnh quan như một kiệt tác của tạo hóa ban tặng. Thác đổ liên tục từ độ cao gần 40m, trải rộng 100m, chảy qua hệ thống bậc đá 7 tầng. Bao quanh thác Pongour là cánh rừng nguyên sinh rộng 2,5ha được bảo tồn tốt đến ngày nay.
Tên Pongour có nguốn gốc là tiếng Pháp (Pon – gou: nghĩa là ông chủ vùng đất sét trắng). Đến với địa điểm du lịch Đà Lạt này, bạn sẽ được nghe kể về một truyền thuyết cực kỳ cảm động. Ngày xưa, một nữ tù trưởng K’Ho xinh đẹp tên là Kanai cai quản ở vùng đất Phú Hội – Tân Hội – Tân Thành.
Với tài chinh phục thú dữ, nàng đã thu phục 4 con tê giác to lớn khác thường. Kanai và 4 con tê giác đã đi khai hoang đất đai và giúp dân làng gieo trồng, bảo vệ lãnh thổ chống ngoại xâm. Nhờ vậy, người dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc và bình yên. Vào một năm nọ, khi Kanai đã già và trút hơi thở cuối cùng, 4 con tê giác cứ quanh quẩn không rời xa chủ nhân, buồn không ăn uống cho đến chết…
Bỗng một sáng khi bình minh vừa hé, mọi người hết sức ngạc nhiên khi thấy nơi nàng Kanai yên nghỉ sừng sững ngọn thác đẹp tuyệt trần. Theo truyền thuyết, suối tóc Kanai đã hoá thành làn nước trong xanh, mát rượi, tung bọt trắng xoá. Các cặp sừng của đàn tê giác đã hoá thạch thành những phiến đá bàn xanh rêu xếp từ cao xuống thấp, làm nền cho thác đổ tại địa điểm du lịch Đà Lạt.
13
Thác Gougah – Lâm Đồng
Trên Quốc lộ 20 theo hướng từ Đà Lạt về TP.Hồ Chí Minh, qua khỏi thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng) chừng 8 km, đến một ngã ba rẽ trái, đi trên con đường thảm bê tông chừng 800 m là đến thác Gongah. Dòng sông Đa Nhim chảy men phía ngoài thị trấn Tùng Nghĩa đến địa phận xã Phú Hội gặp vết gãy của tạo sơn được phân đôi và đổ từ độ cao khoảng 30m xuống tạo thành thác Gougah. Giữa đất trời cao nguyên lộng gió, dòng thác này mang một vẻ đẹp thật hùng vĩ, hoang sơ.
Về tên gọi của thác có nhiều giả thiết. Một giả thiết xuất phát từ câu chuyện liên quan đến bà hoàng hậu Nafulut là người Việt lấy vua Chàm (có người cho đó là công chúa Huyền Trân). Khi vua thất trận chạy vào phía nam, hoàng hậu cũng lần theo hướng vua đi mà chạy. Dọc đường, bà bị ốm nặng và may mắn gặp được một nhóm cư dân bản địa. Họ đưa bà đến lên dòng thác để nghỉ ngơi và dưỡng bệnh. Có một lần, nhìn xuống vực sâu hiểm trở, bà hỏi những người dân địa phương nơi đây gọi là gì. Họ đáp: Đó gọi là Gougah. Từ đó người đời sau mới gọi dòng thác ở đây là thác Gougah. Dòng thác này còn có một cái tên khác là thác Ổ Gà.
Từ thời trước năm 1975, khi du khách đến thăm nơi này, nhìn thấy dòng chảy phân đôi: một dòng màu vàng đỏ, một dòng tung bọt trắng bàng bạc, trông giống quả trứng bổ đôi trong 3 bề vách đá màu xám nên mới gọi là thác Ổ Gà và lâu ngày thành tên gọi của thác.
Thác Gougah hiện đang được Công ty TNHH Du lịch Tài Nhân đầu tư với tổng số vốn theo dự án hơn 7 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu hiện đã hoàn thành với số vốn gần 2 tỷ cho việc trồng lại rừng, làm đường đi xuống thác, tái tạo cảnh quan khu vực, xây dựng các công trình nhà dừng chân, nhà ngắm thác, các quầy giải khát theo kiểu kiến trúc dân dã vùng cao nguyên và nhà hàng có sức chứa hơn 150 chỗ, dịch vụ karaoke…
Nếu du khách muốn nghỉ lại để thưởng thức phong cảnh đêm rừng vắng thì đã có các căn hộ gia đình cho 2 người, 4 người… thật ấm cúng và trữ tình. Ngoài ra, các nhóm du khách sau khi đã cùng nhau ca hát, cùng nhảy múa, uống rượu cần, ăn thịt nướng quanh đống lửa hồng, có thể ngủ lại trong các lều trại để cùng nhau ngắm sao trời và nghe những âm thanh của núi rừng Tây Nguyên huyền diệu quyến rũ thật khó quên.
14
Thác Voi – Lâm Đồng
Cách thành phố Đà Lạt 25 km về phía Tây Nam, thác Voi hay còn được nhắc đến với tên gọi khác là thác Liêng Rơwoa – một trong ba ngọn thác lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng, với độ cao thác lên tới 30 mét, rộng hơn 15 mét. Với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của mình, dòng thác này luôn là điểm đến tham quan hấp dẫn của nhiều du khách khi tìm về những vùng ngoại thành quanh thành của Đà Lạt.
Sẽ thật đáng tiếc khi đến Đà Lạt – Lâm Đồng mà không tới miền nông thôn Nam Ban để tận mắt chứng kiến vẻ hùng vĩ của Liêng Rơwoa (thác Voi) kỳ bí, thơ mộng. Du khách muốn thưởng thức đầy đủ vẻ đẹp hoang sơ của thác phải “chinh phục” 145 bậc tam cấp vòng vèo: khi là những bậc đá thiên tạo “ăn” vào vách núi cheo leo, lúc là các tấm ván của chiếc cầu gỗ xinh xinh chênh vênh bên bờ vực thẳm.
Dưới chân thác và trong cánh rừng già xuất hiện một số tảng đá lớn có hình thù hệt như những con voi. Thế nên, tiếng thác đổ ầm ào khiến người thưởng ngoạn tưởng như có một đàn voi chạy đua hoặc tung vòi phun nước đùa nghịch với nhau.
Khi xuống đến chân thác, phía sau dòng thác trắng xóa đang tung bụi nước mù mịt là hang động sâu hun hút đầy bí ẩn. Đó là hang Dơi ăn sâu xuống lòng đất đến 50m với những vách đá có các hình thù, mầu sắc rất lạ mắt.
Rễ cây và dây leo đan xen chằng chịt tạo thành một lối đi hết sức lạ mắt và kỳ quái. Càng xuống sâu, hang càng tối và lạnh lẽo tạo cho du khách một cảm giác thích thú xem lẫn tò mò.
15
Thác 7 tầng Tà Ngào – Lâm Đồng
Thác 7 tầng hay còn được nhắc đến với tên gọi Thác Tà Ngào, thuộc địa phận xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, là thác nước nổi tiếng nhất trong những thác nước trong vùng du lịch cao nguyên tỉnh Lâm Đồng.
Trên đường đến chân thác, du khách sẽ được tận mắt ngắm nhìn cảnh quan rừng nguyên sinh ngát xanh và hòa mình với không gian thiên nhiên trong lành, rộng lớn. Đặc biệt, điểm nhấn giữa sắc màu xanh bạt ngàn bất tận của núi rừng chính là ngọn thác khổng lồ tung bọt trắng xóa. Bản nhạc tuyệt vời và ấn tượng vang khắp núi rừng là hòa âm của tiếng chim ca líu lo, tiếng thác nước rì rào, tiếng gió reo vi vu.
Thác Tà Ngào chẳng khác nào máng trượt thiên nhiên với con dốc hiểm trở thẳng đứng cao tới 30 mét, vậy nên hoạt động hấp dẫn giới trẻ nhất khi tới đây là trượt thác. Trượt thác đầy mạo hiểm mà cũng cực kỳ thú vị, sẽ kích thích các bạn trẻ đam mê trải nghiệm mới lạ.
Thác Tà Ngào vừa hùng vĩ, đậm chất hoang dã, nhưng cũng thoáng có nét thơ mộng, gợi nên vẻ lung linh kỳ ảo. Dòng chảy của thác Tà Ngào đổi thay theo thời gian. Ngày mùa khô thì hiền hòa tựa như dòng suối, nhưng cũng có khi trở nên dữ dằn và hung bạo với dòng nước cuồn cuộn chảy xiết, tung bọt trắng xóa.
Các con thác luôn là sự lựa chọn lý tưởng dành cho người thích hòa mình và đắm chìm cùng thiên nhiên, tận hưởng hương vị của núi rừng. Mùi ngai ngái của cỏ cây, mùi mát lành của sông suối hay mùi của không khí thanh sạch,… sẽ khiến bạn ấn tượng mãi không thôi.
Lâm Đồng có gì? Bạn đang muốn tìm một nơi để giải tỏa tâm hồn nhưng chưa biết đi đầu thì hãy đến với Lâm Đồng – chuyến hành trình tại đây hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Tạm quên những điểm du lịch nổi tiếng trước đó và thử đặt chân đến đây xem sao nhé.